Kết quả thực hiện Kết luận số 72 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Hà Giang
Xác định công tác kiểm tra, giám sát là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã quan tâm triển khai và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; chú trọng quán triệt, triển khai Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”. Chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thường xuyên phổ biến, quán triệt triển khai, thực hiện nội dung Kết luận. Ngày 03/8/2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 38-KL/TW tiếp tục lãnh đạo thực hiện nhóm nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Kết luận số 72. Văn phòng cấp ủy đã sao lục gửi các tổ chức đảng trực thuộc phổ biến, quán triệt đến 100% tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên; làm chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy, UBKT các cấp đã chủ động xây dựng, ban hành các quy chế làm việc, quy trình, quy định, chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng toàn khóa...; hoàn thiện các quy trình kiểm tra, giám sát, quy trình giải quyết tố cáo, khiếu nại và thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thuộc diện Tỉnh ủy quản lý; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa Tỉnh ủy với Đảng ủy Bộ Công an, Đảng ủy Quân khu 2, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; ban hành quy chế phối hợp giữa UBKT Tỉnh ủy với các ban Đảng Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn và một số đảng ủy trực thuộc, để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nâng số tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ sau cao so với nhiệm kỳ trước.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát kịp thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi nhiều chủ trương lãnh đạo, quy định của Đảng, Nhà nước không còn phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Từ năm 2010 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 02 chỉ thị, 01 đề án, 01 nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát; quyết định phân công cấp ủy viên và thành lập các Đoàn, Tổ công tác của cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các đảng bộ trực thuộc. Chỉ đạo Ngành Kiểm tra tỉnh rà soát, ban hành tài liệu tập huấn, quy trình nghiệp vụ và hệ thống mẫu văn bản, biểu mẫu báo cáo, thống kê để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ; xây dựng, thực hiện Đề án vị trí việc làm của Cơ quan UBKT Tỉnh ủy. Quan tâm củng cố Ngành Kiểm tra, xây dựng và bổ sung quy hoạch, kiện toàn UBKT các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành kiểm tra có đủ phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, trách nhiệm; đảm bảo cơ bản trang thiết bị, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm chuyên Ngành Kiểm tra của Đảng và các phần mềm khác.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 72 đến nay, cấp ủy các cấp đã luân chuyển 74 cán bộ về công tác ở ngành kiểm tra; luân chuyển đi làm công tác khác 59 cán bộ; luân chuyển trở lại Ngành Kiểm tra 06 cán bộ; nâng cấp và đảm bảo hạ tầng thông tin, trang bị đủ trang thiết bị làm việc cho cán bộ kiểm tra. Cử 56 đồng chí đi đào tạo đại học và sau đại học; 123 đồng chí đi học chính trị; 150 đồng chí đi bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch kiểm tra viên, thanh tra viên; tổ chức 82 lớp bồi dưỡng cho 7.903 cán bộ kiểm tra cơ sở; tổ chức 03 lớp tập huấn sử dụng phần mềm chuyên Ngành Kiểm tra của Đảng cho 97 cán bộ, công chức làm kiểm tra cấp tỉnh, huyện. Tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy, UBKT các cấp trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định tại Điều 30, Điều 32, Điều lệ Đảng và các quy định khác của Trung ương. Lãnh đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; tăng cường kiểm tra cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng; nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc; tự phê bình và phê bình; phòng, chống tham nhũng;… kiên quyết xử lý và công khai các các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết hàng năm, nhiệm kỳ; kịp thời tôn vinh, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, chuyển biến thành hành động tự giác và gương mẫu thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Từ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Kết luận số 72, Kết luận số 38, cấp ủy tỉnh có kiến nghị Trung ương ban hành quy định về cơ cấu tổ chức, biên chế công chức cơ quan UBKT các cấp; quy định rõ số lượng phòng, tên gọi các phòng chuyên môn trực thuộc UBKT cấp tỉnh thống nhất, phù hợp với chiến lược đã đặt ra. Bố trí biên chế, quỹ lương cho cán bộ kiểm tra chuyên trách cấp cơ sở có từ 300 đảng viên trở lên. Ban hành cơ chế chính sách luân chuyển, thu hút cán bộ làm công tác kiểm tra từ cấp huyện, tỉnh; quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ngành kiểm tra, nhất là cấp cơ sở. Quy định thẩm quyền, trách nhiệm của UBKT các cấp và hướng dẫn thực hiện việc thu hồi tài sản, vật chất do sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra của Đảng.
Nguyễn Thế Vinh
Cơ quan UBKT Tỉnh ủy Hà Giang