A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai mô hình mẫu hợp tác “3 Nhà” trong nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm KHCN và Chuyển đổi số

Chiều 23/4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức Hội nghị chuyên đề về tình hình triển khai mô hình mẫu hợp tác “3 Nhà” (Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp); nghiên cứu, triển khai phòng thí nghiệm phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo tại biên (Edge AI)…

Các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

https://data.dangcongsan.org.vn/Image?path=hoanth1/2025/4/23//BCDIMG_0670.JPG&w=1200&mode=none

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình triển khai lựa chọn tối thiểu 03 cơ sở đào tạo (tại các cơ sở đào tạo đại học trọng điểm về kỹ thuật – công nghệ) để đề xuất các giải pháp triển khai đào tạo nhân tài và nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực; đánh giá tình hình triển khai mô hình mẫu hợp tác giữa Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp đối với việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Các đại biểu cũng thảo luận về tình hình triển khai: Xây dựng khung chiến lược giáo dục đại học; Xây dựng Đề án rà soát, sắp xếp hệ thống các viện nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục đại học trong các viện nghiên cứu, cơ chế đồng biên chế giữa viện nghiên cứu với cơ sở giáo dục đại học; Xây dựng Đề án phát triển các trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.

Theo đó, đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ trì lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa 03 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội là các cơ sở đầu tiên đại diện cho khối Nhà trường tham gia vào mô hình nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ có sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn 03 Đại học lập Đề án xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ chiến lược, gắn với hợp tác doanh nghiệp.

Bộ GD&ĐT thống nhất với ĐH Bách Khoa Hà Nội về mô hình hợp tác “3 Nhà” dự kiến bước đầu như: Nhà nước Hỗ trợ về chính sách, nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển phòng thí nghiệm; đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng một số sản phẩm nghiên cứu; Nhà trường sẽ triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm như đã báo cáo và đăng ký; Về phần doanh nghiệp, sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp trong và ngoài nước để hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển sản phẩm và hỗ trợ nguồn lực thực hiện.

https://data.dangcongsan.org.vn/Image?path=hoanth1/2025/4/23//BCDIMG_0691.JPG&w=1200&mode=none

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Được biết, ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu triển khai khẩn trương 03 vấn đề chính như: Ứng dụng công nghệ AI tại biên (Adge AI) trong quản lý, xử lý dữ liệu trong hành chính công, đảm bảo triển khai xử lý dữ liệu thời gian thực mà không phụ thuộc nhiều vào hạ tầng đám mây; Ứng dụng công nghệ AI trong khai phá dữ liệu dân cư. Ứng dụng công nghệ AI trong xử lý ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo xây dựng Chương trình nghiên cứu về AI tại biên và giao cho ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ trì. Chương trình tài trợ ngay trong năm 2025, dự kiến 20 đề tài, kéo dài 3 năm. Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến năm 2025 sẽ có 05 sản phẩm triển khai và năm 2026, dự kiến đăng ký triển khai 01 sản phẩm. 

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã đẩy mạnh hợp tác với một số địa phương trong việc đặt hàng các sản phẩm về Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57-NQ/TW, dự kiến trong quý II/2025 sẽ có chương trình, triển khai hợp tác với các địa phương này. Giám đốc ĐH QGHN cũng đã ban hành Quyết định thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo nhằm ươm tạo các nhà khoa học xuất sắc, các nhóm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, thúc đẩy hợp tác đối tác trong và ngoài nước, thu hút đầu tư vào hoạt động R&D, chuyển giao và thương mại hoá tài sản trí tuệ, phát triển doanh nghiệp Spin-off/start-up. Các hướng chuyên môn trọng điểm của Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN bao gồm: Công nghệ thông tin, ứng dụng AI & IOT, chuyển đổi số; Công nghệ chip và bán dẫn; Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và khoa học sức khoẻ; Nông nghiệp công nghệ cao; Công nghệ môi trường và phát triển bền vững; Công nghệ hoá học; Vật liệu tiên tiến; Năng lượng; Lượng tử.

Dự kiến phát triển mới 05 Viện nghiên cứu với định hướng trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc: Viện Trí tuệ nhân tạo; Viện công nghệ bán dẫn và vật liệu tiên tiến; Viện Tế bào gốc và y học tái tạo; Viện Công nghệ môi trường; Viện nghiên cứu lượng tử. 

https://data.dangcongsan.org.vn/Image?path=hoanth1/2025/4/23//BCDz6535094100872_8845a746c3150869920d1af063837623.jpg&w=1200&mode=none

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thực hiện thí điểm cơ chế “đồng cơ hữu” giữa Viện - Trường, theo đó, các nhà khoa học vẫn là cán bộ giảng dạy của các cơ sở giáo dục đồng thời là nhà khoa học tham gia các hoạt động R&D tại Công viên CNC&ĐMST. Đồng thời, phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế để giải quyết các bài toán từ thực tiễn, gia tăng nguồn lực cho nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm chiến lược, ứng dụng, chuyển giao, thương mại hoá.
Liên quan tới các nội dung khác do Ban Chỉ đạo yêu cầu, hiện nay, dự thảo Khung Chiến lược phát triển Giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng thời sẽ bổ sung các nội dung Nghị quyết của Đảng về đột phá phát triển giáo dục đào tạo, Luật Giáo dục đại học sửa đổi sau khi ban hành để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 11/2025.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Kế hoạch để triển khai xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phát triển các trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp, các trường và các bộ liên quan đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp để việc liên kết “3 Nhà” được thực hiện bài bản và đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc, đồng thời là bước đột phá thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Đảng.

https://data.dangcongsan.org.vn/Image?path=hoanth1/2025/4/23//BCDIMG_0684.JPG&w=1200&mode=none

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chúc mừng các kết quả mà “3 Nhà” đã triển khai có các sản phẩm bước đầu và hy vọng thời gian tới sẽ phát triển và ứng dụng nhanh trong thực tiễn. 

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc cũng cho rằng, việc triển khai mô hình mẫu hợp tác “3 Nhà”  còn chưa được tuyên truyền rộng rãi, chưa nhiều người biết đến; Vấn đề pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng tài sản công trong việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu, tài sản sở hữu trí tuệ do Nhà nước đầu tư còn vướng và chưa có quy định rõ ràng; Thiếu cơ chế trong phối hợp, mối quan hệ hợp tác giữa “3 Nhà”; Việc xây dựng các nội dung hợp tác cụ thể và xác định "đầu bài" nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đòi hỏi thời gian để các bên xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau…

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Bộ KHCN tiếp nhận những ý kiến phản hồi về những bất cập trong chính sách để tháng 5 Quốc hội thảo luận, sửa đổi, bổ sung. Ngay sau khi Quốc hội thông qua, Bộ KHCN cam kết có các hướng dẫn để thực hiện các quy định luật pháp. Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ đang tích cực phân loại cấp độ và các giải pháp để bảo mật để triển khai thành công tác mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW. 

Đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Duy Ngọc cũng yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo tổng hợp các giải pháp, các sản phẩm lợi thế đang có, đồng thời đưa ra các giải pháp kết nối “3 Nhà” có các sản phẩm cụ thể để sắp tới công bố và ra mắt. Đồng thời lưu ý công tác xã hội hóa đối với các nghiên cứu khoa học, công nghệ làm sao để khơi gợi được các ý tưởng và có thể ứng dụng thực tế. Tiếp tục tuyên truyền và công bố rộng rãi trên Sàn đăng ký sáng tạo. Các trường của các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp mạnh dạn đăng ký ý tưởng, nội dung nghiên cứu, sản phẩm chính, chứng minh khả năng tiêu thụ sản phẩm...để các nhà sản xuất, kinh doanh cùng có thể hợp tác.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc cũng yêu cầu Bộ KHCN chủ trì, cùng Văn phòng Trung ương Đảng rà soát để đề xuất Ban Chỉ đạo nghiên cứu phân công đầu tư “3 Nhà” từ khả năng sản xuất, khả năng liên kết, khả tiêu thụ để Nhà nước có thể đặt hàng. 

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng đẩy nhanh triển khai ứng dụng chuyển đổi số ở các địa phương hợp nhất tỉnh, xã để phục vụ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân ứng dụng chuyển đổi số để rút ngắn thời gian, công sức thực hiện các hoạt động trong xã hội. “Phải tuyên truyền và công bố rõ bao nhiêu dịch vụ công trực tuyến mà người dân, doanh nghiệp không phải đến tận nơi làm thủ tục, không phải đến các cơ quan công quyền, đó mới là hiệu quả trong thực tiễn” – đồng chí Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu./.

Theo dangcongsan.vn

 


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu