Nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ kiểm tra theo dõi địa bàn
Đảng bộ huyện Đà Bắc có 55 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc gồm 20 đảng bộ, 35 chi bộ và 231 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với gần 5.000 đảng viên. UBKT Huyện ủy có 07 đồng chí; UBKT đảng ủy cơ sở có 89 đồng chí, trong đó 19 đồng chí là phó bí thư thường trực đảng ủy kiêm chủ nhiệm UBKT đảng ủy, 22 đồng chí là phó chủ nhiệm UBKT, 48 đồng chí là ủy viên kiêm chức.
Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm kiện toàn số lượng cán bộ kiểm tra đầy đủ, chất lượng ngày một nâng cao, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ được giao. Cán bộ kiểm tra đã phát huy vị thế, vai trò, là cánh tay nối dài của cấp ủy trong việc theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý cũng như nắm bắt việc chấp hành, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
Lãnh đạo UBKT các cấp phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức theo dõi địa bàn, lĩnh vực; tăng cường giám sát các tổ chức, đơn vị, cấp ủy viên, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và chức trách, nhiệm vụ được giao. Kịp thời thông báo điều chỉnh phân công nhiệm vụ cán bộ kiểm tra theo dõi, giám sát thường xuyên đối với tổ chức đảng, đảng viên tại các địa bàn, lĩnh vực khi có biến động về mặt nhân sự. Cán bộ theo dõi địa bàn thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên tại địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách thông qua hai phương thức chủ yếu là trực tiếp và gián tiếp: Đi cơ sở nắm tình hình, tham dự các cuộc họp, hội nghị của tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị hằng tháng; thông qua nghiên cứu các văn bản do cơ quan, đơn vị phụ trách, theo dõi ban hành, hoặc các nội dung phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội,…
Công tác nắm tình hình địa bàn đã góp phần tích phục vụ các hoạt động kiểm tra, giám sát, giúp cấp ủy nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý tại địa bàn, kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, nguyên nhân của tổ chức đảng, đảng viên để uốn nắn, chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên từ khi còn manh nha. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cán bộ theo dõi địa bàn của UBKT các cấp huyện Đà Bắc qua giám sát thường xuyên đã đề xuất cấp ủy, UBKT cùng cấp tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 25 tổ chức đảng và 36 đảng viên; qua kiểm tra, đã xem xét thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng và 27 đảng viên. Điển hình như: (1) Việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy và cá nhân 05 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đồng Chum, nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua nắm tin phản ánh từ dư luận, báo chí về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép tại xóm Nhạp, xã Đồng Chum; qua kiểm tra cho thấy tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đồng Chum, nhiệm kỳ 2020-2025 chưa sâu sát nắm tình hình cơ sở, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, dẫn tới không phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân lén lút khai thác cát, sỏi từ lòng suối trái phép trên địa bàn; (2) Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với chi bộ và một số đồng chí lãnh Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đà Bắc các nhiệm kỳ từ 2017 - 2023 trong việc phối hợp thực hiện công tác thống kê, kiểm kê, thẩm định, xác minh, xác nhận nguồn gốc đất, niêm yết công khai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong việc giải quyết các thủ tục đăng ký đất đai của cá nhân, hộ gia đình; qua kiểm tra cho thấy Chi bộ đã thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên được giao phụ trách thực hiện nhiệm vụ dẫn đến tình trạng giải quyết thủ tục hành chính về hồ sơ Đăng ký đất đai chiếm gần 40% tổng số hồ sơ tiếp nhận chậm so với quy định, cá biệt có nhiều hồ sơ khi trả kết quả chậm hơn quy định từ 03 đến 08 tháng bao gồm cả hồ sơ hoàn thành và hồ sơ không đủ điều kiện được trả lại gây bức xúc trong Nhân dân; có dấu hiệu thực hiện sai trong việc phối hợp thực hiện công tác thống kê, kiểm kê, thẩm định, xác minh, xác nhận nguồn gốc đất, niêm yết công khai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong việc giải quyết các thủ tục đăng ký đất đai của cá nhân, hộ gia đình; (3) Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Vầy Nưa, Đảng ủy xã Tân Minh trong việc chấp hành, thực hiện quy chế làm việc,...
Đồng thời cán bộ theo dõi địa bàn đã thường xuyên tổng hợp các vấn đề nổi cộm, các vấn đề dư luận xã hội, báo chí truyền thông phản ánh hằng năm liên quan đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách để phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát chung của đơn vị khi có yêu cầu phối hợp cung cấp; căn cứ tình hình thực tiễn chủ động đề xuất các nội dung đưa vào Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm của cấp ủy và UBKT cùng cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định như: Cán bộ theo dõi địa bàn chưa chủ động, chưa nhận thức rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trách nhiệm chưa cao, phương pháp công tác chưa tốt, thiếu thông tin toàn diện về tình hình địa phương, đơn vị; chưa nâng cao vai trò, trách nhiệm, trình độ, năng lực, bám sát địa bàn, chưa chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên tại địa bàn. Cán bộ địa bàn tham dự các cuộc họp ban thường vụ cấp ủy trực thuộc nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện Quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, trong việc cho chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên khi còn manh nha. Khi thiếu sót, khuyết điểm không được khắc phục, để trở thành vi phạm, cũng không kịp thời đề xuất UBKT quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc việc chủ động phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên ở cấp dưới và đề xuất tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế,...
Qua kinh nghiệm thực tiễn đúc rút, để nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ theo dõi địa bàn, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, cần xây dựng, ban hành văn bản quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác đối với cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực. Theo đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực như: Cán bộ theo dõi địa bàn có trách nhiệm thực hiện nghiêm chế độ bảo mật và kỷ luật phát ngôn; không được gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại địa bàn, lĩnh vực hoặc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác để trục lợi cho mình và người thân dưới bất cứ hình thức nào,… Về quan hệ công tác tại địa bàn, lĩnh vực: Thường xuyên giữ mối liên hệ với lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi để chủ động nắm bắt thông tin, tài liệu, vụ việc.
Hai là, cần quản lý chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của cán bộ theo dõi địa bàn trong việc đi cơ sở; quy định rõ hằng tháng, cán bộ theo dõi địa bàn phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch công tác giám sát thường xuyên, báo cáo cấp có thẩm quyền… Tại nội dung kế hoạch phải xác định nhiệm vụ cụ thể trong mỗi đợt công tác; sau mỗi buổi làm việc, phải xây dựng báo cáo trình Thường trực UBKT. Trong đó tập trung chú trọng các nội dung liên quan phát hiện các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm khi còn manh nha để chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.
Ba là, gắn kết quả theo dõi địa bàn là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại đảng viên, công chức hằng năm. Cán bộ theo dõi địa bàn phải chịu trách nhiệm trước tập thể lãnh đạo UBKT nếu không kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới; hoặc không báo cáo kịp thời, báo cáo không trung thực, che giấu sự việc; gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại địa bàn.
Bốn là, tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ về cơ quan UBKT có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt; thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết ở nhiều địa bàn, lĩnh vực. Cán bộ kiểm tra không ngừng “tự soi, tự sửa”, trau dồi, bổ sung kiến thức nghiệp vụ; củng cố uy tín tại địa bàn; phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp công tác tốt, thường xuyên trau dồi kiến thức ở các lĩnh vực để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác; nhạy bén, thận trọng, trung thực, khách quan, công tâm, có chính kiến, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất, trong nhận xét, đánh giá về tình hình địa bàn./.
Xa Văn Xuyên,
Ủy viên BTV Huyện ủy,
Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Đà Bắc