Tập trung nguồn lực xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020-2025: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, thu được những kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực như:
Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước tính đạt 162,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2020; giá trị xuất khẩu năm 2024 ước đạt 27,6 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 ước đạt 1.030 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Từ năm 2020 đến nay, Thái Nguyên luôn trong số 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với tổng giá trị xuất khẩu hằng năm ở mức từ 26 - 31 tỷ USD. Từ năm 2023, tỉnh Thái Nguyên là một trong 18 địa phương tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, thu ngân sách của tỉnh năm 2024 vượt 20.000 tỷ đồng,
Thái Nguyên là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 161 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 67.357 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 150 lượt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 2,73 tỷ USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 217 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,819 tỷ USD.
Thành phố Thái Nguyên chuẩn bị thực hiện dự án tuyến phố đi bộ đầu tiên với chiều rộng trên 80m, tổng diện tích phố đi bộ khoảng 5ha tại phường Trưng Vương.
Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 03 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên), 03 huyện (huyện Phú Bình, huyện Đại Từ, huyện Định Hoá) đạt chuẩn nông thôn mới; 113/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 95% tổng số xã; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số được tập trung thực hiện, đạt nhiều kết quả nổi bật, 02 năm liên tiếp (2021, 2022) đứng thứ 08/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về Chuyển đổi số. Năm 2023, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về xếp hạng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2 cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 2 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 6 cả nước.
Công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm và có bước phát triển rõ rệt. Đặc biệt có sự tham gia đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình đã có đủ điều kiện theo quy định trước ngày 31/3/2025; đối với các hộ gia đình chưa đủ điều kiện theo quy định phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 30/6/2025.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Tỉnh Thái Nguyên có 16 đảng bộ trực thuộc với 100.801 đảng viên sinh hoạt trong 580 tổ chức cơ sở đảng (223 chi bộ cơ sở, 357 đảng bộ cơ sở với 24 đảng bộ bộ phận, 4.874 chi bộ trực thuộc); hoạt động của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội có những chuyển biến tích cực. Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 29/3/2021 về “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 01/4/2021 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phát hiện, xác định và quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên, giai đoạn 2021-2025” và Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 01/4/2021 “Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”.
Cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng một cách toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, những nơi có vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội và kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được cấp ủy, UBKT các cấp quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, UBKT các cấp đã kiểm tra 11.682 tổ chức đảng và 9.488 đảng viên, có 5.469 đảng viên là cấp ủy viên; giám sát 5.762 tổ chức đảng và 14.051 đảng viên, có 8.535 đảng viên là cấp ủy viên các cấp; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 152 tổ chức đảng (tăng 69 tổ chức cao hơn 83,1% so với cùng kỳ nhiệm kỳ 2015-2020) và 751 đảng viên (tăng 408 đảng viên, cao hơn 119% so với cùng kỳ nhiệm kỳ 2015-2020), có 310 đảng viên là cấp ủy viên; thi hành kỷ luật 24 tổ chức đảng và 1.322 đảng viên (tăng 502 đảng viên cao hơn 61,1% so với cùng kỳ nhiệm kỳ 2015-2020), có 212 đảng viên là cấp ủy viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 04 đảng viên, kết quả giữ nguyên hình thức kỷ luật; giải quyết tố cáo đối với 88 đảng viên, qua giải quyết tố cáo đã thi hành kỷ luật 15 đảng viên có vi phạm.
Công tác phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Các kết luận kiểm tra và xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đã có tác động tích cực, góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Với tinh thần và quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cấp ủy, tổ chức đảng để góp phần thực hiện thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng trong thời gian tới, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và xây dựng kế hoạch chỉ đạo Đại hội đảng bộ các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh. Chuẩn bị nhân sự Đại hội đảm bảo thực hiện nghiêm đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Hai là, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Ba là, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong áp dụng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ. Khẩn trương rà soát, phát hiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung cho phù hợp; những vấn đề thuộc thẩm quyền thì theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động và mạnh dạn đề xuất sửa đổi, hoàn thiện.
Bốn là, tăng tốc bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chuẩn bị các điều kiện tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
Năm là, nắm chắc tình hình ở các địa bàn, lĩnh vực, kịp thời chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của Đảng đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm, bảo đảm ổn định tình hình ở các đơn vị, địa phương trước khi bước vào Đại hội; giải quyết kịp thời đơn thư tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp; thẩm định nhân sự đại hội đảng bộ các cấp đảm bảo theo đúng quy định.
Trịnh Việt Hùng
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên