A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động lực và sức bật phát triển mới của Thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Với sự chung sức, đồng lòng, sau nhiều năm quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là niềm vinh dự, tự hào, tạo động lực và sức bật phát triển mới của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Xây dựng, phát triển đô thị Thành phố Huế theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện từ năm 1996. Quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ. Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu: “Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nhằm từng bước cụ thể hóa và tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đô thị Huế trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Với vị thế của thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành phố Huế sẽ phát triển với vai trò là một đô thị trung tâm của vùng, là một trong những đô thị lớn của quốc gia, cực tăng trưởng tạo động lực và thúc đẩy phát triển Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Mô hình phát triển đô thị Huế sẽ hấp dẫn và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến tìm kiếm, nghiên cứu cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư chiến lược... Thành phố Huế cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thời gian tới, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ phối hợp với ban, ngành liên quan sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và báo cáo Bộ Chính trị. Theo đó, sẽ kiến nghị Bộ Chính trị thống nhất chủ trương cho phép Thành phố Huế rà soát, nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá để bảo đảm phù hợp với tính chất, mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương; nhằm tạo tiền đề phát triển bứt phá, trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung để cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Trong đó, chú trọng các cơ chế đặc thù liên quan phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.Về định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội,thành phố Huế tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thành phố Huế định hướng phát triển với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa, mật độ cao, đô thị nén, giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển sẽ tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của trung tâm y tế, văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ của vùng và cả nước.

Đẩy mạnh quy hoạch phát triển các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Xây dựng thành phố Huế thành một trong những trung tâm dịch vụ lớn của miền Trung và cả nước về du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục. Điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại ngành công nghiệp, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, sử dụng công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng, sản xuất, lắp ráp ô tô. Phát triển toàn diện, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại toàn ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản; ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương đang đứng trước thời cơ và vận hội mới. Với các giải pháp trong công tác quy hoạch cùng những cách làm hay, mới, cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá mang tính khoa học, thực tiễn và khả thi cao; cùng với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử hướng đến mục tiêu xây dựng thành công đô thị thông minh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh… sẽ tạo nền tảng vững chắc và động lực quan trọng để thành phố phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng, phát triển Thành phố Huế xứng tầm với sự tin tưởng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ./.

Lê Trường Lưu

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu