Từ việc cứu đói thời Minh Mạng đến việc chống dịch hôm nay
Năm Nhâm Thìn đời Vua Minh Mạng (năm 1832), các tỉnh miền Bắc gặp bão lụt lớn, gây mất mùa, đói kém; triều đình phải lệnh xuất một lượng lớn thóc và tiền dự trữ để cứu đói cho dân bằng phát chẩn, cho vay, bán rẻ. Tuy nhiên, một số quan lại các tỉnh không làm tròn trách nhiệm nên hậu quả của nạn đói không được khắc phục. Tháng Ba năm sau (Quý Tỵ, 1833), các tỉnh Bắc Kỳ vào giai đoạn giáp hạt, giá gạo lên cao khiến cho tình trạng đói kém càng căng thẳng. Quan các tỉnh báo lên có đến hơn 27.000 người bị đói gay gắt, trong đó có hơn 3.000 người gầy yếu đã được phát chẩn; song, tiền và gạo dự trữ trong dân đã gần hết, trong khi đợi đến lúa chín thì còn lâu (1), e khó qua khỏi nạn chết đói.
Vua Minh Mạng nhận được lời tâu, dụ rằng: “Dân đang bị nạn đói, ta rất áy náy, đã từng xuống dụ cho phát chẩn rồi. Những kẻ khỏe mạnh chắc chắn đã có sự giúp đỡ rồi, còn lũ gầy yếu thì nên phát thêm cho tiền 1.000 quan và 2.000 phương (2) gạo mà phát chẩn cho. Ngày gặt lúa còn lâu, nên lại sai xuất thêm tiền và gạo để phát chẩn tiếp”.
Trong số các tỉnh bị đói khi đó, Nam Định là tỉnh chịu nặng nề nhất. Theo lời tâu của Đặng Văn Thiêm - Tổng đốc (3) tỉnh này, từ trung tuần tháng Hai trở đi, đã đem số thóc bán rẻ và cho vay còn thừa để xay ra gạo, phát chẩn cho dân đói. Thế mà có kẻ chưa đến chỗ phát chẩn đã chết đói, lại có kẻ miệng đang ngậm gạo mà chết đứng. Sau đó, tỉnh đã đem 23.700 hộc thóc dự trữ để phát chẩn, cho vay tiếp.
Vua Minh Mạng nghe lời tâu của Đặng Văn Thiêm liền dụ các quan bộ Hộ (4) : “Trước đây, vì tỉnh Nam Định gạo kém, ta đã xuống dụ ban ơn, cho lấy 5 vạn hộc thóc trong kho, chiếu theo số người trong số mà bán rẻ và cho vay, và đem số thừa phát cho dân nghèo, cốt để mọi người đều được sống. Đặng Văn Thiêm có trách nhiệm chăn dân, nên lập tức theo dụ thi hành, khiến cho thóc gạo lưu thông, cấp cứu cho dân; thế mà từ trước đến nay, mới bán và cho vay được một nửa. Thương người nghèo, giúp kẻ thiếu, nhanh ngày nào là người ta được hưởng ơn sớm ngày đó. Sao lại làm chậm trễ như thế? Dân đói sở dĩ không sống được, lỗi ở ai? Vậy lập tức giao Đặng Văn Thiêm cho bộ Hình xét xử, còn số thóc bán và cho vay đang thừa vẫn cho phát chẩn, cho vay theo chỉ dụ trước. Đến lúc phát chẩn nếu hết sạch mà dân tình vẫn còn quẫn bách, thì đem thêm gạo kho mà tiếp tục cấp phát. Đối với những người chết đói, cấp cho mỗi người một quan tiền, 10 thước vải, sai dân sở tại mai táng”.
Vua cũng lệnh cho các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, mỗi tỉnh bỏ ra 10.000 quan tiền kho, hễ dân nghèo nào đáng được phát chẩn gạo thì đem số tiền đó mà phát cho theo khẩu phần, ở ngay tại trường tỉnh.
Vua lại dụ các quan Nội các rằng: “Năm ngoái các tỉnh Bắc Kỳ bỗng gặp bão lụt, đồng lúa nhiều nơi bị thiệt hại. Ta thường nghĩ đến nỗi đau khổ của dân, nên trước khi xảy ra việc đã để tâm lo lắng, từng đã xuống chỉ sức hỏi. Thế mà quan địa phương không biết sẵn sàng cứu chữa và sớm tâu bày, đã tỏ ra không vì triều đình mà hết lòng với dân. Xuân năm nay, ta thấu rõ nỗi gian khổ của dân, lại xuống dụ sai các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, đều lấy thóc kho mà bán rẻ hoặc cho vay, hoặc phát chẩn. Nhưng người thừa hành lại làm chậm trễ, đã vài tháng nay, dân đói vẫn chưa tươi tỉnh, lại có kẻ bị chết đói nữa. Ví như người ốm lâu, trơ xương, dù có thuốc hay cũng không kịp chữa. Đó há chẳng phải vì người chăn dân không sớm liệu lý, để đến nỗi xảy ra như thế hay sao?”.
Rồi vua hạ lệnh xử lý quan lại các tỉnh không kịp thời cứu giúp dân trong nạn đói:
- Tổng đốc Nam Định - Hưng Yên Đặng Văn Thiêm giao xuống cho đình thân (triều đình) xét.
- Tuần phủ Hưng Yên Nguyễn Đức Nhuận đã bị cách lưu rồi, nên không xét thêm nữa.
- Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình Nguyễn Kim Bảng, Bố chính Hà Nội Trần Thiên Tải, Án sát Hà Nội Trần Sĩ Lâm, Hộ lý Tuần phủ tỉnh Ninh Bình Nguyễn Văn Mưu, Án sát tỉnh Ninh Bình Trần Lê Hoán, Bố chính tỉnh Nam Định Trịnh Quang Khanh, Án sát Nam Định Ngụy Khắc Tuần đều giao cho bộ Lại và bộ Hình xét xử.
Nguồn: sách Đại Nam thực lục, bản dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tập Ba, 2004, tr. 489 - 490.
Lời bàn
Thời phong kiến, nạn đói do thiên tai làm mất mùa diễn ra thường xuyên và mang tính chu kỳ, trận đói năm Nhâm Thìn - Quý Tỵ (1832 - 1833) dẫn ra trong bài viết này chỉ là một trong rất nhiều trận đói. Vào những năm đó, triều đình thường xuất thóc và tiền dự trữ để chẩn cấp, cho vay đối với những địa phương chịu ảnh hưởng và các quan địa phương có trách nhiệm chuyển ân huệ của triều đình đến dân, sao cho mọi người đang chịu khốn khó được “thấm nhuần mưa móc”. Tuy nhiên, giữa chủ trương, chính sách của triều đình và hiệu quả thực tế luôn có một khoảng cách mà căn nguyên sâu xa là việc thi hành của quan lại các địa phương. Bên cạnh những địa phương, quan lại các cấp nỗ lực hết mình trong việc cứu đói cho dân, lại có những địa phương, quan lại hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ, khiến cho việc cứu đói bị chậm trễ; hoặc tư lợi, vun vén cho làng quê mình, thậm chí cho người thân, dòng họ mình. Cũng không ít vụ việc, quan lại địa phương bớt xén, ăn chặn thóc, tiền chẩn cấp của dân và bị phát giác; đương nhiên, khi đó, các quan bị giáng phạt với các mức khác nhau, tùy theo lỗi, tội nặng nhẹ.
Trở lại với việc cứu đói trong trận đói 2 năm liền (1832 - 1833), các quan đứng đầu của tất cả các tỉnh bị đói đều chậm trễ trong việc chẩn cấp, cho vay với các đối tượng đang bị nạn đói hoành hành, khiến cho nạn đói, thêm trầm trọng hơn: nhiều người bị chết đói. Tội của các quan địa phương rất lớn. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, đúng như lời dụ của Vua Minh Mạng “nhanh ngày nào là người bị đói được hưởng ơn sớm ngày đó”, giúp cho nhiều người đang bị kiệt lả vì đói, thoát khỏi lưỡi hái thần chết.
Với tội lớn như trên, các quan của một loạt tỉnh vùng châu thổ Bắc Bộ: Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình phải chịu giáng phạt. Tuần phủ Hưng Yên Nguyễn Đức Nhuận bị cách lưu, còn các quan khác, sử nhà Nguyễn không ghi rõ mức hình phạt cụ thể.
Câu chuyện cứu đói trên cách đây đã gần 190 năm, để lại những bài học lớn, không hề cũ cho đời sau: Đó là, nếu chính sách của Nhà nước cứu trợ, trợ cấp cho người dân các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, địch họa mang tính thường trực, thường xuyên và nhân văn cao cả, thì phải nghiêm túc để chính sách đó được thực thi hiệu quả, phải đến tức xuống đến dân và dân được hưởng lợi một cách thực thụ, công bằng. Vì vậy, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, sự mẫn cán, công tâm, hết lòng vì dân của những người thừa hành (quan lại các cấp ngày xưa, đội ngũ cán bộ các cấp ngày nay).
Ngày nay, nhờ kinh tế phát triển, nạn đói trầm trọng, diễn ra trên diện rộng như thời phong kiến đã bị đẩy lùi; song bài học của việc cứu đói qua trận đói liên năm 1832 - 1833 (cùng rất nhiều trận đói khác) vẫn còn nguyên giá trị, khi đất nước ta (cũng như toàn thế giới) đang phải đối phó với đại dịch COVID - 19 nguy hiểm, nguy hại hơn rất nhiều lần so với nạn đói; dịch bệnh nếu không bị đẩy lui, thì nguy cơ kép “bệnh - đói” sẽ đe dọa các địa phương và tất cả các thành phần xã hội. Dịch bệnh đang làm sản xuất bị ngưng trệ với các mức độ khác nhau ở các địa phương, các ngành, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động. Cả nước, vừa lo chống dịch, vừa lo trợ cấp cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa lo phục hồi và phát triển sản xuất. Để những nhiệm vụ, mục tiêu kép đó được thực thi một cách hiệu quả đòi hỏi sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đồng tâm, đồng lòng của cả quốc gia dân tộc, đặc biệt là sự mẫn cán, hy sinh, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ các cấp./.
Thạch Thiết Hà
Chú thích
(1) Đặc điểm của vụ lúa chiêm ở miền Bắc trước đây là lúa được gặt từ giữa tháng Tư trở đi, trong khi thời điểm dân các tỉnh đang bị nạn đói hoành hành trong câu chuyện này mới là tháng Ba, còn hơn một tháng nữa mới được gặt.
(2) Phương: đơn vị đo lường, bằng 13 thăng, ứng với 38 lít 113; 2 phương bằng một hộc.
(3) Tổng đốc: quan đứng đầu một tỉnh lớn, kiêm quản một tỉnh nhỏ kề cận. Tuần phủ: quan đứng đầu một tỉnh nhỏ. Chẳng hạn, Tổng đốc Hà Nội kiêm quản tỉnh Ninh Bình.
Bố chính: quan phụ trách việc hành chính, tài chính một tỉnh. Án sát: quan phụ trách việc hành pháp một tỉnh.
(4) Bộ Hộ: bộ phụ trách về tài chính.
Bộ Hình: bộ phụ trách về hình luật.
Bộ Lại: bộ phụ trách về thăng bổ, giáng chức quan lại.