Nguyên nhân hay nạn nhân?
Sau kỷ luật về đảng, giờ ông chịu án ngồi tù. Nhưng câu nói cuối cùng của ông trước khi tòa nghị án khiến không ít người băn khoăn, thậm chí có đôi chút day dứt. Ông nói: Tôi vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân, mong quý tòa xem xét để giảm bớt mức án. Bởi trong ông còn nhiều mâu thuẫn giữa đúng và sai; sự tiếc nuối và hối hận. Xét về lý và tình, bản thân ông cũng chưa lý giải được vì sao? Chỉ có lương tâm ông mới hiểu được đôi phần!
Bố ông lên đường ra chiến trường khi mẹ ông ở nhà mang thai. Bố ông tên Quảng, dặn nếu sinh con trai thì đặt tên là Quá cho có vần: Nguyễn Tiến Quá. Cái tên bình thường như bao tên người khác. Nhưng ông là người sáng dạ, suốt những năm học ở nhà trường phổ thông, ông học rất giỏi. Ông được nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Rồi ra đời ở cơ quan nào ông cũng được thăng tiến vùn vụt. Nên cái tên Tiến Quá của ông người ta cứ vận vào cuộc đời ông như là một mặc định cho sự giỏi giang, tiến bộ. Mà ông tiến bộ thật!
Ra trường, bạn bè ông chạy đôn chạy đáo xin việc thì ông đến đâu cũng được tiếp đón vào làm bởi tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc. Có lẽ chính điều này mà ông vào đời với niềm tin và lòng kiêu hãnh. Thấy ông làm được việc nên cấp trên luôn để ý đào tạo, bổ nhiệm, cất nhắc. Với tố chất thông minh, việc gì giao ông cũng hoàn thành. Vì thế ông lên nhanh như diều gặp gió giống như cái tên: Nguyễn Tiến Quá mà bố mẹ ông đã đặt cho. Và có lẽ cũng vì thế mà ông mắc bệnh hợm từ bao giờ không rõ. Chỉ biết ở cái chức be bé thì bệnh hợm của ông còn trong khuôn khổ và cũng không mấy ai quan tâm. Nhưng ở vị trí càng cao lại trong tầm ngắm của cấp trên thì bệnh của ông càng ngày càng nặng.
Ông luôn nghĩ, mình là nhất cái gì chẳng làm được khi hội đủ các yếu tố: Sự tin tưởng của cấp trên, quyền, tiền... Và hơn cả là sự xun xoe nịnh bợ của cấp dưới! Ông đi đâu, làm gì cũng “tiền hô, hậu ủng”, nhất cử, nhất động đều có người quan tâm, để ý. Là nhân vật quan trọng với một cái vỏ bọc hoàn hảo lại trên đà thăng tiến nên lúc nào ông cũng như trên đỉnh phù dung. Ông tin tham mưu, tin cấp dưới, tin người thân, vì lý do: Ông có quyền lực, biết hết mọi công việc, ai mà dám qua mặt ông?...
Mặc dù công việc được giao theo thẩm quyền quyết định nhưng ông chỉ xem qua rồi giao cho cấp dưới. Ông đi họp có người chuẩn bị báo cáo. Văn bản có người viết sẵn nhận xét để ông chỉ việc bút phê. Công văn có người xử lý, rồi báo cáo ông... tất tật có người phục vụ. Nếu muốn có tiền, ông chỉ cần vài câu gửi gắm hoặc chỉ đạo cấp dưới là đâu vào đấy. Có lần ông hé chuyện sắp tới đi công tác nước ngoài, cấp dưới đã săn đón gửi ngoại tệ để ông tiêu vặt. Quyền lực và tiền ông luôn dư dả... đến mức không kiểm soát được.
Ông đang ở thế thượng phong thì “tai họa” ập đến. Đó là một buổi chiều định mệnh khi ông đang đi chơi gôn thì có lệnh triệu tập về cơ quan gấp. Nhận giấy triệu tập, ông còn cười khẩy nói với anh em:
- Rách việc, đang vui thì “triệu” với chẳng “tập” cái gì? Nhưng thôi về xem thế nào, hẹn ngày mai lên chơi tiếp nhé!
Tại nơi làm việc, đại diện cơ quan kiểm tra thông báo với ông về những sai phạm của cơ quan cấp dưới mà ông là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Do đó, phải kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông chung quanh việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, vai trò của người đứng đầu...
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan kiểm tra đã chỉ ra những lỗi phạm của ông: Buông lỏng quản lý, để cấp dưới vi phạm quản lý kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước; dung túng để vợ con lập công ty sân sau lợi dụng quyền hạn, chức vụ của ông để mưu lợi cho gia đình; bản thân ông vi phạm những điều đảng viên không được làm... Vi phạm của ông là nghiêm trọng đến mức phải xem xét hình thức kỷ luật!
Tất nhiên là ông giải trình rằng mình việc của ông là ở tầm vĩ mô chứ không phải ba việc cỏn con bên dưới. Ông không biết những việc làm đó; tất cả đã giao cho cơ sở, không làm thay, ai làm sai người đó chịu trách nhiệm... Nhưng với trọng trách của người đứng đầu ông hứa sẽ cho cơ quan chức năng dưới quyền làm rõ rồi báo cáo. Cơ quan dưới quyền của ông không những không làm rõ mà theo chỉ đạo của ông họ tìm cách hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn; xóa dấu vết sai phạm... Nhưng “bàn tay sao che kín mặt trời”, dù có tài giỏi đến đâu cơ quan chức năng cũng tìm ra những sai phạm của ông.
Giờ ngồi trong tù ông mới có thời gian để nghĩ về nguyên nhân dẫn đến nông nỗi “thân bại, danh liệt”. Trước hết ông nghĩ về mình. Có thể bắt đầu từ cái tên Nguyễn Tiến Quá. Ông nghĩ cái tên Quá như một định mệnh với mình như học giỏi quá; có nhiều tiền bạc, quyền lực quá khi tuổi còn trẻ quá; nghe nhiều lời nịnh bợ quá mà lu mờ lý trí; tham quá; hợm quá... và tưởng mình là nhất thiên hạ!
Ông nghĩ cùng với nguyên nhân thì ông cũng là nạn nhân. Nạn nhân của việc cấp trên giao cho ông quá nhiều quyền lực trong khi ông không đủ năng lực, trình độ và khả năng kiểm soát. Nạn nhân của sự nịnh bợ, dối trá, lòng tham của cấp tham mưu và người thân. Nạn nhân của niềm ảo vọng mà người đời cứ treo lơ lửng trên đầu ông...!
Bên cạnh những nguyên nhân đã hiểu và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong ông còn đó những băn khoăn, day dứt: Ai biến ông thành nạn nhân? Những người đó có chịu trách nhiệm không hay chỉ mình ông gánh chịu!
Nhưng có một điều mà người đời dạy ông nhưng ông không thực hiện được là kiềm chế tính tự phụ, kiềm chế lòng tham, biết điểm dừng của lòng tham và quyền lực để không làm điều gì quá. Đến khi ông nhận ra thì đã muộn!
Trung Ngôn