A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một người làm “quan”…

Mấy năm nay bà con thôn Hạ cứ kháo nhau:

- Họ nhà ấy chắc có ngôi mộ tam, tứ, ngũ đại gì đó táng đúng “hàm rồng” nên con cháu mới phát đạt như “diều gặp gió”! Con, em trong họ ai cũng có việc làm ổn định, thăng tiến rầm rầm; nhà cửa khang trang, thay ô tô, xây nhà mới như thay áo.

- Con cháu người đứng đầu hàng tỉnh mà lại, họ không lo cho con cháu của họ thì lo cho ai? Một người làm quan thì cả họ được nhờ!

- Không phải chỉ người trong họ được nhờ mà là cả làng, cả xã, cả huyện được nhờ. Các ông, bà thấy đấy, từ khi làng ta có ông ấy được bầu đứng đầu hàng tỉnh có mở mày mở mặt ra không? Đường làng mở rộng trải nhựa, nhà nhiều tầng mọc lên; con đường huyện bao năm trải đá  răm, ổ trâu, ổ bò; nay cũng được mở rộng trải nhựa khang trang...

- Bà nói thế thì ông ấy làm quan, cả tỉnh được nhờ! Bà nhìn xem,  mấy năm nay đất nước đổi mới khắp nơi xây dựng phát triển đâu chỉ có làng, xã mình. Tuy nhiên nhìn lại vẫn còn đầy khó khăn, nhiều góc khuất không nhìn thấy và nhiều số phận bị bỏ quên sau lũy tre làng. Dịch bệnh, thiên tai, giá cả thị trường... làm nhiều gia đình liêu xiêu, phiêu dạt mưu sinh đấy! Chỉ có con cháu nhà ông ấy khá lên nhanh thôi.

- Nói gì thì nói chứ từ ngày ông ấy làm quan đầu tỉnh, người trong họ thì đương nhiên, nhưng người trong làng, trong xã cũng “mát mày, mát mặt”; ai đi đâu cũng khoe: Làng, xã tôi có người đứng đầu hàng tỉnh! Thậm chí còn nhận là người trong họ để được thơm lây. Thấy người sang chẳng ai không bắt quàng làm họ. Thiên hạ cũng lạ, người thành đạt làm chức sắc to chẳng được câu hay ho lại cứ dèm pha đặt điều?!.....

Câu chuyện ở thôn Hạ cứ thế loang ra, người khen, người dèm, nhưng chắc một điều người khen nhiều hơn. Khi vui thì vỗ tay vào... mà! Niềm tự hào là có người dù trong họ hay ngoài làng được là quan to đều lấy làm hãnh diện.

Quả là từ ngày ông Tiến được bầu làm người đứng đầu tỉnh cái làng nơi sinh ra ông cũng như được khoác trên mình một tấm áo mới. Nhiều lần có dịp về quê giỗ chạp hay đám xá có ông là cả làng như đình đám. Ông về quê đi xe biển xanh; thuộc hạ chạy tới, chạy lui; sắp xếp chỗ đứng, chỗ ngồi; người hiếu kỳ thì chỉ chỏ, bàn tán:

- Oách nhỉ, đứng đầu hàng tỉnh có khác; chẳng bù ngày trước chăn trâu, xúc tép, đánh dậm!

- Ông lúc nào cũng nói chuyện ngày xưa... Ông có biết anh ấy nhà nghèo nhưng học giỏi nhất trường làng không? Người ta chăm học, chăm làm thì được thăng quan, tiến chức là chuyện đương nhiên. Ông nghe có người nói chưa “Đế vương đến các vị vua, cũng từ rau má, ốc cua lên người”. Mà phàm những người như thế mới có chí tiến thủ; chứ “tốt số, bố giàu” thì không bền đâu. Còn xưa nay ai làm quan mà chẳng sống bằng bổng lộc. Ở vị trí anh ấy thì làm giàu mấy chốc.

- Ông nói đúng, nhưng giàu thế nào, chứ giàu nhanh như thế có họa đi ăn cướp; chướng tai gai mắt lắm!

- Ông lại cái tội vạ mồm; chẳng làm quan to mà làm doanh nhân người ta cũng giàu ú ụ đấy thôi.

- Anh ấy làm lãnh đạo chứ đi làm doanh nghiệp đâu. Làm lãnh đạo thì phải gương mẫu chứ. Giữa vùng quê còn nghèo khó mà xây cả tòa lâu đài hàng trăm tỷ hỏi có chướng không?

Quả là chỉ sau vài năm làm lãnh đạo tỉnh ông Tiến đã đầu tư xây biệt thự ở quê hoành tráng. Ông thường nói với anh em:

- Bố mẹ mình quá vất vả vì mình, nay tuổi đã cao không biết sống được bao lâu. Mời các cụ ra phố các cụ không ra. Các cụ hay nói, sống chết ở quê quen rồi, ở phố buồn lắm, chẳng biết nói chuyện với ai? Nên mình đầu tư về quê xây nhà cho các cụ.

Có người trong họ mạnh mồm hỏi tiền đâu mà ông đầu tư nhiều thế? Ông cười lớn:

- Các bác nghĩ tôi tham nhũng sao? Thời nay tham nhũng trước sau cũng bị phanh phui, không yên được đâu. Tiền tôi đầu tư xây nhà là từ các khoản tiết kiệm, dành dụm mua đất, nay đất được giá thì bán đi xây nhà. Tuy nhiên cũng phải nhờ anh em thân tình. Bao năm sống với nhau, mình giúp họ nhiều, nay muốn có tiền chỉ cần một câu “gửi gắm”, hoặc chỉ đạo cấp dưới sẽ “đẻ” ra rất nhiều tiền như cấp đất đai, làm dự án, cổ phần hóa, đấu thầu... Toàn tiền “sạch” mà. Các bác biết đấy, từ ngày tôi làm lãnh đạo bộ mặt của tỉnh khác chưa? Đến làng, xã, huyện ta cũng đổi thay từng ngày, giàu lên nhanh chóng. Dân giàu thì tỉnh, huyện, xã mạnh, rồi làm lãnh đạo cũng phải mạnh. Thời nay không giàu mạnh, cứ nghèo thì nói được ai...

Ông nói xong cười lớn, làm những người chung quanh cũng hưng phấn tán thưởng!

            Nhà ông ở trên thành phố, thường thứ 7 hoặc chủ nhật ông lại về quê thăm bố mẹ, anh em họ hàng và nghỉ ngơi. Nhưng bẵng mấy tháng nay không thấy ông về anh em họ hàng, nhất là bố mẹ ông nhắc liên tục, lo cho ông đứng đầu hàng tỉnh nhỡ mệnh hệ gì thì không chỉ gia đình mà cả làng, cả xã, cả dòng họ và bàn dân thiên hạ hết cả “phận nhờ”! Ai cũng chắc mẩm, dịch bệnh thế này ông nhiều việc lắm. Là người đứng đầu tỉnh ông luôn nói mình phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” - quả là lãnh đạo anh minh.

          Nhưng một hôm, người trong họ và làng xã lại rộ lên tin ông bị Ủy ban Kiểm tra đề nghị kỷ luật. Bán tín, bán nghi, nhiều người nói chắc có sự nhầm lẫn gì đây chứ người như ông sao bị kỷ luật. Nhưng đài đã đọc, báo đã nêu về án kỷ luật của ông. Và sau đó không lâu ông bị bắt vì nhúng chàm vụ Việt Á!

Dân trong làng, ngoài xã lại được dịp xôn xao; nhiều người tiếc cho ông. Còn người trong họ thì ai cũng chẹp miệng: Tưởng một người làm quan cả họ được nhờ”; ai ngờ “một người làm quan cả họ mang tiếng”! Con chim ra đi để lại tiếng hót, con người để lại cái danh; nhà từ đường ông xây to thế, để lại danh gì cho dân làng, con cháu; chắc không phải danh thơm rồi! Những người có dịp đi qua đều có chung suy nghĩ: Đấy là nhà của ông quan tham! Tiếng này đến bao giờ mới gột rửa được. Còn ông chắc không dám bước chân về quê nữa, còn buộc phải về chắc ông phải chọn thời điểm để đi đường “tiểu ngạch”!

Trung Ngôn


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu