A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng chài …”dậy sóng”!

            Làng Chài ven sông từ bao đời nay bà con vốn có cuộc sống thanh bình. Dịch Covid-19 quét qua, rồi những mùa mưa lũ về tuy có ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, sinh hoạt của các gia đình, nhưng chưa bao giờ làng Chài “dậy sóng” như hôm nay. Chẳng là có tin đồn như ngọn lửa hoang lan khắp làng Chài: Ngân hàng mất khả năng thanh toán rồi; ai có tiền nhanh đi rút kẻo mất trắng! Không hiểu thực hư thế nào nhưng hôm đó cả làng mất ăn, mất ngủ!

Nhà bà Cây có 3 đời sinh sống ở làng Chài chưa khi nào thấy hoang mang như thế này. Đất nước sau nhiều năm đổi mới cũng đem lại sức sống cho gia đình bà và dân trong làng. Từ chỗ kiếm ăn bữa sáng, lo cơm bữa chiều, nay bà con cũng đã có “bát ăn, bát để”. Tuy mưu sinh, kiếm sống trên sông nước nhưng đều mơ có ngày lên bờ sinh sống và nhà nào có trẻ đều cho trẻ lên bờ đi học để kiếm cái chữ đổi đời. Có gia đình còn lên bãi bồi ven sông khai hoang, phục hóa, chăn nuôi vịt, gà thêm nguồn thu. Nhà nào cũng chăm chỉ làm ăn, dành dụm, có đồng nào gom gom tích lũy để lo cho cuộc sống hiện tại và tương lai.  

Vào một ngày trời chuyển mùa sang thu, cả làng xôn xao bởi có tin: Ngân hàng vỡ nợ rồi. Có nhà nào gửi tiền tiết kiệm ở Ngân hàng X. thì rút về ngay kẻo mất hết... Không hiểu thực hư thế nào nhưng cả làng ồn ào rồi chết lặng bởi cái tin dữ kia. Vốn là các gia đình khi kiếm được dư dả chút tiền chưa dùng đến đều mang gửi tiết kiệm ở Ngân hàng X. để kiếm chút lãi, bởi họ truyền tai nhau lãi suất ngân hàng này cao hơn các ngân hàng khác.   

- Thế này thì mất hết à, bao nhiêu năm kiếm ăn, bòn mót, gom góp được chút vốn liếng thế là trắng tay sao?

- Tôi đã nói với các ông, các bà có tiền mang gửi ngân hàng nhà nước có uy tín sao lại gửi mấy cái ngân hàng tư nhân làm gì?

- Ngân hàng nhà nước lãi suất thấp lắm, gửi đó thì làm gì có lời lãi, mà tiền thì trượt giá ầm ầm.

- Vậy muốn lãi cao thì phải chịu rủi ro thôi.

- Rủi ro cái gì, nhà nước quản lý thế nào mà để họ ăn cướp của dân vậy chứ...?

          - Thôi tranh luận, cãi nhau làm gì nữa, mai lên ngân hàng sớm rút tiền thôi kẻo mất hết. Các ông, các bà không xem trên mạng à, hỏng hết rồi. Đây, tài khoản facebook cá nhân (có tên “M…M…”) đăng bài viết với nội dung kêu gọi người dân rút tiền tại Ngân hàng Thương mại X.;  còn tài khoản Facebook A.T.N đăng Ngân hàng X. vỡ nợ... đang được nhiều người chia sẻ đây !

Hôm sau, từ sáng sớm không ai bảo ai, những người có tiền gửi tiết kiệm không chỉ ở Ngân hàng X. mà còn một số ngân hàng khác kéo nhau ùn ùn đi rút. Đông quá, nên có người rút được, có người phải đợi đến hôm sau.

Nhiều người kháo nhau:

- Không có tiền đã khổ, có chút tiền gửi ngân hàng khổ hơn.

- Rõ là tiền của mình mà gửi thì dễ, rút thì khó, thật là không còn gì để nói!

- Các ông, các bà không chịu nghe đài, đọc báo gì cả. Không mất được đâu; chỉ là tin bịa đặt thôi!

- Đài nào, báo nào... trên mạng đầy thông tin, bịa đặt mà họ để yên à.

- Ông đã ra ngân hàng chưa? Đông như kiến chờ cả ngày chẳng đến lượt, nhiều người đi từ sáng đến chiều về mà không rút được kia.

- Thế này thì toang rồi, nhà tôi mắt trắng rồi... đúng là lũ cướp ngày!

- Bà bình tĩnh nào, làm gì mà rối cả lên. Ít ra thì ngân hàng cũng có bảo hiểm tiền gửi!

- Bảo hiểm thì được bao nhiêu? Mà đến bao giờ bảo hiểm mới thanh toán? Cả nhà tôi bao nhiêu năm trời lam lũ làm ăn tích cóp được chút tiền, không biết kinh doanh, buôn bán gì; gửi ngân hàng mà thế này thì chết thôi!

- Bà ấy nói đúng đấy, “của đau, con xót”; kiếm được đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt mà mất thì hỏi đau nào bằng.

- Thì ai chẳng biết vậy, nhưng chúng ta phải tin vào nhà nước chứ.

- Ông ra ngân hàng mà gọi nhà nước. Tôi ra rút tiền mà không rút được, nhà nước nào ở đấy mà can thiệp?

- Chắc hôm nay đông người đến rút tiền nên ngân hàng chưa giải quyết kịp thôi. Mai lại ra xem thế nào, chứ cứ rối lên thế này thì biết làm sao đây.

Sáng nay làng Chài thấy yên ắng, những con thuyền lại rong ruổi trên sông. Mấy người lên ngân hàng từ sớm, có người rút được tiền về; có người lại không rút mà gửi lại ngân hàng. Họ kháo nhau:

- Hú vía, hú hồn. Cứ tưởng phen này trắng tay.

- Tôi thấy ngân hàng không những chi trả những người rút tiền mà còn nâng lãi suất cao hơn nên nhiều người đến gửi.

- Tối qua các ông bà không nghe đài, báo à. Ngân hàng nhà nước cam kết bảo đảm an toàn cho người gửi tiền tiết kiệm. Chẳng lẽ họ nói bừa sao? Dù thế nào Nhà nước cũng quan tâm đến người dân chứ. Không lẽ Nhà nước lại chịu với mấy bọn làm bừa, làm ẩu?

- Ấy là ông nói thế thôi, nhiều việc “Chờ được vạ thì má đã sưng”!

- Đúng đấy, qua sự việc này Nhà nước và các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn các tổ chức tín dụng. Đã nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng bị đổ vỡ vì tham nhũng, vì quản lý kém. Cứ để tình trạng này tái diễn thì người dân chẳng còn biết tin vào ai.

- Thì trước tình hình người dân ồ ạt rút tiền tại một số ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, người gửi tiền nên bình tĩnh vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi là tiền lãi của người gửi. Mọi quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được Nhà nước đảm bảo.

- Không chỉ tăng cường quản lý các tổ chức tín dụng mà Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực thông tin, nhà mạng. Đã có nhiều thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân mà chưa được xử lý. Cứ để thông tin kiểu này thì có ngày loạn to! Chỉ một thông tin thất thiệt mà cái làng Chài nhỏ bé này đã dậy sóng. Thử hỏi những thông tin thất thiệt to tát khác thì sao?

- Thì ngành Công an đã nhiều lần khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả,

tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự; những ai vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đấy là nói thế, mà bọn xấu vẫn làm đấy thôi.

- Thì các ông, các bà cứ xem qua vụ việc này Nhà nước và các đơn vị chức năng xử lý thế nào?./.

Trung Ngôn


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu