Kê khai tài sản
Mới đây đọc tin tức từ nguồn thông cáo báo chí mới nhất của Thanh tra Chính phủ, lòng hắn đầy tâm trạng. Các quy định của Đảng, Nhà nước đã nêu rõ là cán bộ, đảng viên phải kê khai tài sản trung thực, con số chỉ có 1 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực trong số 13.595 người được xác minh 9 tháng đầu năm 2021 với tổng số 542.111 người đã kê khai tài sản, thu nhập làm người ta khó có thể tin nổi. Đành rằng trên đời này chẳng mấy ai muốn khoe những cái gì mình đang có để thiên hạ họ xộc mũi vào, bình phẩm này kia hay lại làm mồi cho phường trộm cướp dòm ngó. Nhưng cái gì cũng cũng có lý của nó, chẳng thế mà khi một số cán bộ có chức, có quyền bị điều tra sai phạm đã làm cả xã hội phải giật mình thon thót về số tài sản khổng lồ bị phanh phui. Trong khi kê khai tài sản lại theo kiểu “tôi không có gì” hay mọi thứ đều là của người thân đứng tên, chỉ đến khi bị điều tra nguồn gốc tài sản thì “cháy nhà mới ra mặt chuột”, mới biết rằng tất cả khối tài sản khổng lồ đó đều từ sai phạm của đồng chí đó mà ra cả.
Với tâm tư đó, Trung Ngôn một ngày tìm Ký Xóm tâm sự:
- Bác ạ, hôm nay tôi với bác nói mấy chuyện tào lao cho vui, chứ tự nhiên thấy buồn quá vì tôi thấy có một chuyện là lâu nay nhiều đồng chí khi còn trong bộ máy nhà nước thì tỏ ra mẫn cán, công bộc của dân nhưng khi nghỉ công tác thì lại chê bôi đủ thứ, nào là chế độ chính sách, nào là lỗi hệ thống, nào là anh em cơ quan bằng mặt không bằng lòng…
Ký Xóm đồng tình: - À thì chuyện đời là vậy, mấy ai ngu lại đi hắt bát cơm mình đang ăn đi không, ăn cây nào phải rào cây đấy chứ, mình không lo cái thân mình thì ai lo cho, thế nên lúc đang công tác phải ngậm miệng ăn tiền.
Xét lại thì đúng là nhiều thứ không hợp lý. Nhiều người vừa lên chức, lên quyền mà đổi đời, về quê là niềm tự hào không chỉ của cả họ mà của cả làng, cả huyện, chưa nói về làm cái từ đường, Nhà thờ họ to nhất làng. Nhiều người bảo giờ có mấy ông quan nào nghèo, có chăng chỉ thấy chưa bị lộ mà thôi, mà điển hình là chuyện kê khai tài sản hiện nay của cán bộ cũng thấy nực cười. Nhiều ông kê khai tài sản xong cứ như mình vừa cưỡi ngựa xem hoa, vì là kê như không kê, chỉ đến khi cơ quan thanh tra, kiểm tra vào mới lòi đuôi chuột ra nhiều tài sản bất minh bằng nhiều con đường vòng vèo, tẩu tán tài sản bằng nhiều hình thức qua mặt cơ quan chức năng.
Chả thế mà thời gian vừa qua, trong các đợt báo cáo cáo kê khai tài sản, thu nhập hầu như số người bị phát hiện kê khai không đúng chiếm tỷ lệ rất thấp và có thể nói là hầu như không có. Như vậy ta có thể nói là không có việc kê khai sai, hay do chúng ta không thể phát hiện ra hay do ta chưa đủ chế tài để kiểm tra, giám sát vấn đề này nhỉ. Mà nghe đâu dư luận râm ran đồn về câu chuyện “lá bốc thăm may rủi”, tức là ông nào không may bị dính vào 10% xác minh ngẫu nhiên thì cũng lạy Trời, lạy Phật cho con qua chuyện này! Trước đây việc kê khai giao cho nhiều đầu mối, không tập trung, thứ nữa là không có hậu kiểm, nên ví thử như khai sai hay khai đúng cũng chẳng chết ai, ông nào dính vào bốc thăm để kiểm tra thì ông ấy phải chịu!
Việc kiểm soát tài sản thu nhập chính là một biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, nếu không chứng minh được nguồn gốc thì đương nhiên là phạm pháp, tài sản không phải của người kê khai và cần phải truy rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay kê khai tài sản vẫn còn nhiều bất cập, như về cơ quan kiểm soát thu nhập đang để nhiều cơ quan cùng làm, các quy định thì chưa thống nhất mà việc hậu kiểm hay xác minh rõ thì còn hạn chế, nói cách khác là đang nặng về kê khai mà nhẹ về kiểm soát tài sản kê khai. Vì vậy, rất nhiều người chỉ kê khai “cho có”. Việc kê khai tài sản hiện nay còn mang tính hình thức. Có những cán bộ có 6, 7 cái biệt thự hoặc cổ phần tại nhiều công ty, trị giá cả trăm tỷ đồng, con cái du học nhưng kê khai lại rất ít, và nếu có thì lại kê khai do cho, tặng, thừa kế..
Đàm đạo một hồi, hắn chặc lưỡi: - Em xin lỗi bác, ông bà cụ kị nhà ta trước đây là nông dân lấy đâu ra của nả mà cho tặng nhiều thế, chưa nói lấy đâu ra villa, biệt thự mà cho, ấy thế mà nó cũng kê ra nguồn gốc nghe đã thấy vô lý…
Ký Xóm thở dài: - Bác cũng đừng vạch vòi với em, bác có nhớ giải trình của ông giám đốc Sở TN-MT một tỉnh về khối tài sản khổng lồ là do “nuôi lợn và buôn chổi đót” không? Nếu có thể giàu lên bằng nuôi lợn thì nông dân giàu hết rồi, không đến lượt cán bộ đâu! Có lần có bác đại biểu Quốc hội còn đăng đàn phát biểu, đại ý nhìn vào bảng kê khai tài sản tôi thương cán bộ ta lắm vì thu nhập chỉ có lương, mà nghèo thế thì dân giàu làm sao được cơ chứ?
Hắn và Ký Xóm cứ trăn trở và thống nhất là cần phải có chế tài xử lý mới được, như việc kiểm tra, xác minh, giải trình phải minh bạch, trung thực nếu không phải xử lý ngay, xử lý nghiêm thì dân mới tin, Đảng mới yên được chứ không xã hội còn tâm tư lắm. Và thời gian gần đây Đảng, Nhà nước đang làm quyết liệt vấn đề kiểm soát kê khai, tài sản, phòng chống tham nhũng. Năm 2023 là năm đầu tiên Trung ương triển khai xác minh tài sản thu nhập của cán bộ diện Trung ương quản lý, nghe nói còn kiểm tra khi có đơn thư, biến động tài sản hoặc đề nghị của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, có nhiều văn bản mới quy định thẩm quyền cơ quan kiểm soát tài sản, xác minh thu nhập và sẽ tạo ra hiệu quả tích cực trong thời gian tới. Gần đây nhất một đồng chí Bí thư một tỉnh đã bị đề nghị kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực và đây gần như là lần đầu tiên một cán bộ cấp cao bị xử lý vì câu chuyện này và 01 tỉnh đang xem xét xử lý một số cán bộ khác kê khai không trung thực nữa. Và biết đâu, khi kiểm tra ra sẽ có ối chuyện đang che giấu bị phanh phui ra và khi đó chúng ta sẽ thấy tính hiệu lực, hiệu quả của việc kiểm soát tốt vấn đề kê khai tài sản trong việc phòng, chống tham nhũng.
Rồi hắn gật gù đồng tình: - Đấy, phải như thế chứ, ai đời biết người ta có hiện tượng tham ô tham nhũng mà lại không có cách nào xử lý được thì còn nói chuyện gì, nếu làm được như vậy thì xã hội ta yên tâm rồi, nhiều quan tham sẽ run rẩy khi bắt đầu có ý định tham nhũng và sẽ không dám, không thể và không muốn tham nhũng nữa.
Hắn và Ký Xóm hỉ hả với các thông tin nóng hổi về việc các quy định trong việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên ngày càng chặt chẽ. Hy vọng rằng từ đây cán bộ ta sẽ giữ gìn đạo đức cách mạng, học tập và làm theo lời Bác dạy, luôn phải “cần, kiệm, liêm chính”, là người cán bộ vì nhân dân phục vụ, đất nước ngày càng đổi mới, tốt đẹp hơn./.
Trung Ngôn