Được vua khen thưởng vì liêm chính, mẫn cán trong công việc
Vũ Trọng Bình (1809 - 1899), tự là Sư Án, người xã Mỹ Lộc, huyện Phong Đăng, tỉnh Thừa Thiên (năm sinh và quê quán của ông các sách chép khác nhau), đỗ Hương cống khoa Giáp Ngọ đời Minh Mạng (năm 1834). Sau thi đỗ, ông được bổ làm Tri huyện rồi làm Giám sát Ngự sử. Ở cương vị này, ông đã ít nhất có hai lần thẳng thắn hạch việc làm trái phép của một số quan lại.
Lần thứ nhất, vào tháng Chạp năm Tân Sửu (tháng 01 - 1842), Lê Hữu Đức là Án sát tỉnh Nam Định bị dân kiện vào Kinh đô về tội tham tang. Vua Thiệu Trị giao cho hai vị quan đầu tỉnh Nam Định tra xét; nhưng việc điều tra kéo dài, không xong. Cùng lúc đó, Vũ Trọng Bình và Trần Thiện là quan Khoa đạo được cử ra làm giám sát trường thi ở Nam Định. Xong việc coi thi, họ rời Nam Định, đến Ninh Bình thì gặp người nhà của Lê Hữu Đức mang theo chè và đi tiễn tống họ (!). Về đến Kinh đô, Vũ Trọng Bình đem toàn bộ sự việc và “quà” được biếu tâu lên. Vua Thiệu Trị cho rằng, Đức có “tình tiết ám muội”, liền sai cách chức và bị tội sung quân ở tỉnh Ninh Bình, còn Vũ Trọng Bình và Trần Thiện thì “biết giữ mình thanh bạch nên thưởng cho họ một súc lụa”.
Lần thứ hai, vào tháng Mười năm Nhâm Dần đời Thiệu Trị (tháng 11- 1842), Khoa đạo Vũ Trọng Bình làm bản tâu hặc Lê Ngọc Chấn là Viên Ngoại lang Bộ Hình khi được cử đi thanh tra các công việc ở tỉnh Hà Tĩnh, lúc trở về Huế đã tự tiện lấy 14 phu trạm và hai con ngựa của trạm này để chuyên chở đồ đạc riêng của gia đình mình, lại bắt quan tinh điều binh lính đi “hộ tống”! Vua Thiệu Trị cho là Chấn “khinh thường phép nước”, liền hạ lệnh cách chức, giao cho Viện Đô sát xét xử. Chấn sau đó bị tội mãn đồ. Hai quan Bố chính, Án sát tỉnh Hà Tĩnh “quan kê” cho Lê Ngọc Chấn cùng bị giáng hai cấp và tội lưu (đi đày).
Tháng Giêng năm Quý Mão (tháng 2 - 1843), Vũ Trọng Bình được thăng Hộ khoa Đô Cấp sự trung. Ở cương vị này, ông đã dâng sớ hạch Nguyễn Chấn cũng là một Ngự sử, trong khi đi thanh tra các cơ sở đã dọa nạt các quan chức, buộc họ phải cống nạp cho mình. Triều đình cử đoàn quan lại đến tra xét, xác nhận Vũ Trọng Bình hạch đúng, nên ông được thăng chức Án sát tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài nhiệm vụ đàn hặc các quan trái phép, từ thực tế thanh tra, Vũ Trọng Bình còn nhiều lần dâng sớ lên vua về những bất cập trong quản lý các mặt đời sống.Tháng Chạp năm Giáp Thìn (tháng 1- 1845), Vũ Trọng Bình và Nguyễn Cư Sĩ cùng dâng bản điều trần về việc các cửa quan từ Hà Tĩnh ra Bắc đấu giá thuế theo kiểu cạnh tranh giá bỏ thầu, làm cho tình trạng chỉ những người nhiều tiền mới thầu được, sau khi họ “trúng thầu” thì tăng thuế, làm hại cho người buôn, nhiều người bỏ nghề, hàng hóa lưu thông kém, ảnh hưởng đến cả người làm nông nghiệp và nghề thủ công. Từ đó các ông đề nghị, bãi bỏ việc đấu giá thuế, Bộ Hộ cần đưa ra mức thuế vừa phải làm khung chung cho người buôn bán được thuận tiện, hàng hóa được lưu thông nhiều, các cửa quan cần cử nhân viên thu thuế. Đình thần cho rằng, đề xuất của Vũ Trọng Bình và Nguyễn Cư Sĩ là hợp lý, bèn rà soát lại lệ thu thuế từ năm Minh Mạng 19 (1838) đến năm Thiệu Trị thứ tư (1844), lấy mức trung bình hàng năm để định ra mức thuế thích hợp và cách thu đối với từng cửa quan ở từng tỉnh. Hàng năm, đến tháng Một (tháng 11), niêm yết công khai bảng thuế để mọi người đến lĩnh trưng, nếu không có người lĩnh trưng thì cử nhân viên trực tiếp thu.
Cũng năm này (Giáp Thìn, 1844), trước tình hình bộ Hộ, bộ Công định giá mua (thường không sát với thực tế) các sản vật địa phương phục vụ cho việc chi dùng của triều đình, dân các xã phải chia nhau chịu, thu đền gấp đôi, Vũ Trọng Bình và Nguyễn Cư Sĩ đề nghị bãi bỏ việc đặt tiền mua các sản vật theo giá do hai bộ định ra, các quan ở hai bộ khi được phái đi các địa phương có sản xuất hay buôn bán các sản vật phải căn cứ vào thực giá để thu mua. Sau đó, đình thần đã bàn và thống nhất, từ đây, hai bộ phải dự trù trước các sản vật và gỗ hàng năm cần dùng, chia ra, giao cho các địa phương có dân sản xuất và buôn bán, chiểu theo giá thị trường mà thu mua trước để giao nộp; cho phép mua với giá cao hơn giá thị trường từ 2 - 3 giá, cao nhất là 4 - 5 giá và phải trả tiền trước mặt, rồi làm danh sách báo lên, nhằm tránh lợi dụng.
Nhờ nhiều lần tâu hặc đúng và đề xuất các giải pháp cho một số mặt đời sống có những bất cập, Vũ Trọng Bình lần lượt được thăng bổ, làm Án sát, Bố chính nhiều tỉnh, rồi làm Thừa Thiên phủ doãn. Dù đã trở thành vị quan phụ trách các công việc hành chính ở các cấp, song, ông vẫn thường đi thăm hỏi tình hình dân chúng và đề nghị các giải pháp để triều đình giải quyết khó khăn của dân. Tháng Hai năm Tân Hợi (tháng 3- 1851), theo đề xuất của ông (khi đang là Thừa Thiên phủ doãn), triều đình chuẩn định thuế lệ ở phủ Thừa Thiên, tha miễn cho ba phần mười, đồng thời cho khơi sông Lợi Nông, đắp đê ngăn nước mặn.
Nhờ mẫn cán với công việc, liêm chính trong thực thi công vụ, Vũ Trọng Bình nhiều lần được nêu gương, khen thưởng. Năm Quý Tỵ - 1853, vào kỳ ba năm xét công, vua Tự Đức cho ông là người “thanh cần, không nhiễu” và thưởng cho một chiếc khánh bằng vàng tí, cỡ lớn có khắc bốn chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”, sau đó lần lượt được thăng Tuần phủ, Tổng đốc nhiều tỉnh. Ở đâu, ông cũng vỗ về dân chúng, làm yên địa hạt. Đến năm Tự Đức thứ 16 (1863), ông được thăng Thượng thư Bộ Hộ, sung Cơ mật viện đại thần. Sau đó, ông được điều đi nhậm trị vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn - Thái Nguyên, những địa phương bị bọn phỉ nhà Thanh hoành hành và ông đã cùng các quan ổn định tình hình. Năm Tự Đức 19 (1866), định kỳ xét công ba năm, ông được vua coi là “người liêm cần, mẫn cán, đi đến đâu cũng được tiếng”, được thăng Hiệp biện Đại học sĩ. Đến năm Tự Đức thứ 36 (năm 1883), ông nghỉ hưu.
Vũ Trọng Bình là điển hình cho mẫu hình quan “cứng rắn, thẳng thắn, thực thà, đến đâu cũng có tiếng liêm bình, sở trường về cách trị dân, nên sau khi chuyển đi, dân vẫn thương nhớ” (theo sách Đại Nam liệt truyện).
Thạch Thiết Hà