Điều tra vụ án “ rút ruột kho công” đời vua Minh Mạng
Vào năm Kỷ Sửu đời Vua Minh Mạng (năm 1829), tại các Kinh thương thường xảy ra tình trạng thiếu hụt thóc gạo. Bộ Hình được lệnh điều tra nguyên nhân. Các quan điều tra xác định có đến hơn 200 người bị liên lụy với các mức độ khác nhau, có nhiều tình tiết phức tạp, nên việc thẩm định tính xác thực của từng tình tiết, từng người vi phạm để lập án rất khó khăn. Vì thế, án phải lập đi lập lại, dây dưa hơn 3 năm trời.
Vào năm Kỷ Sửu đời Vua Minh Mạng (năm 1829), tại các Kinh thương thường xảy ra tình trạng thiếu hụt thóc gạo. Bộ Hình được lệnh điều tra nguyên nhân. Các quan điều tra xác định có đến hơn 200 người bị liên lụy với các mức độ khác nhau, có nhiều tình tiết phức tạp, nên việc thẩm định tính xác thực của từng tình tiết, từng người vi phạm để lập án rất khó khăn. Vì thế, án phải lập đi lập lại, dây dưa hơn 3 năm trời.
Mãi đến tháng Một năm Nhâm Thìn (tháng 12/1832), bộ Hình mới đưa ra bản tâu cuối cùng về vụ án. Vua Minh Mạng đọc bản tâu, sai các quan trong triều bàn lại, vì có những điểm mập mờ. Các quan cho rằng, bản án ấy, tình lý có nhiều chỗ ngoắt ngoéo, vả lại việc xảy ra đã 3 năm, giam cầm đến hơn 200 người, mà trong số yếu phạm, có kẻ đã chết, có kẻ còn chạy trốn xa nơi làm việc, quê quán, đến thời điểm đấy đã quá lâu ngày, muốn bổ cứu lại, cũng khó mà tra lại được chính xác. Vậy xin cứ theo lệ, phàm số [thóc, gạo] tăng, hụt thiếu từ 1.000 lạng trở lên thì khép người giám thủ vào tội lấy trộm. Khi đủ tang chứng rành rành, cung khai xác thực, thì kẻ nặng nên trị tội nặng, kẻ tội hơi nhẹ và kẻ xét ra không có tình tiết khác nữa, thì chia ra từng hạng mà giảm tội cho.
Vua Minh Mạng nghe lời bàn rồi dụ các quan rằng :”Kho tàng và trường sở là nơi dồn chứa lương thực, thế mà hàng nghìn, hàng vạn lần bị phá án! Ta đã nhiều lần ra nghiêm chỉ trừng phạt nặng. Vụ án thiếu hụt thóc gạo này nhiều đến hơn một vạn hộc thóc, thực là một lũ mờ tối, không sợ pháp luật. Xét ra đều bởi tên chủ thủ cũ lâu nay liên kết nhau, quen thói làm gian, mà tên chủ thủ mới lại cho là tội đã có người chịu, nhân đó ở trong khua múa làm bậy, chia nhau chấm mút. Hạng gian giảo ấy lại càng đáng ghét! Như vậy buộc phải nghiêm trị để răn những kẻ sau này. Hai tên phạm là Lê Văn Phiếm và Nguyễn Đột, đều là lính kho và lại dịch mà dám bán trộm gạo kho nhà nước; tang vật khá nhiều, cung chứng cũng đã rõ ràng, đích xác. Cả hai đều đợi đến sang năm, sau khi hết hạn giam cầm sẽ chém ngay. Bọn Đoàn Công Thiện, 4 tên phạm đều khép tội trảm giam hậu. Còn ngoài ra, hoặc tội đồ, hoặc tội lưu, hoặc phát vãng làm lính, hoặc phạt trượng và đóng gông, hoặc phạt trượng và cách tuột, hoặc được tha bổng, đều có thứ bậc khác nhau. Vả lại, vụ án này có đến hơn 200 tên đã bị giam cầm đã lâu, đến nỗi nhiều người bị chết trong giam cấm, rất đáng thương! Vậy ra lệnh từ nay về sau, phàm triều đình có xét xử vụ án nào, nếu phải giam phạm nhân đến 50 người trở lên thì trong 2 tháng phải mau chóng kết án. Nếu có khó khăn, mắc míu, thì phải xin chỉ trước, lượng cho những kẻ nhẹ được bảo lãnh tạm tha, để việc hình ngục khỏi đình trệ”.
Nguồn: sách Đại Nam thực lục, bản dịch, Nxb. Giáo dục, 2007, tập Ba, trang 424 - 425.
Lời bàn
Thóc - gạo là lương thực chủ đạo, và cơm được nấu từ gạo là đồ ăn chính của các gia đình trong một xã hội nông nghiệp dựa trên cơ sở kinh tế chính là trồng trọt ruộng nước như ở nước ta. Sau mỗi vụ thu hoạch, nhà nước thu thuế bằng thóc, thu mua thóc của các nhà giàu, đưa vào các kho ở Kinh đô và các lỵ sở từ tỉnh xuống huyện để cấp phát cho quân lính, thợ thuyền; cứu tế (cấp không, bán rẻ) cho dân các vùng bị đói kém vì mất mùa, dịch bệnh. Các kho đều có quân lính canh giữ, đề phòng trộm cắp hoặc kho dột nát thì báo lên để tu sửa, bảo vệ thóc (gạo). Mặc dầu vậy, vẫn có những kẽ hở, làm cho lương thực trong kho bị thất thoát. Kẽ hở đó chính là sự gian trá của chủ thủ (người đứng đầu một kho) các lại dịch coi kho cùng bọn lính bảo vệ, câu kết với bọn tội phạm từ bên ngoài. Từ bọn tội phạm kết thành “băng nhóm” này, thóc gạo trong kho được rút ra, thông qua các con đường khác nhau, trong đó, người thân quen của chúng giữ vai trò đầu mối ra các chợ hoặc vào trực tiếp các nhà dân qua mua bán. Từ một vài người, dần dần hình thành “mạng lưới” tiêu thụ, nên số người bị “truy vết” ngày càng đông (hơn 200 người). Chính bởi có quá đông người liên quan, nên không chỉ số thóc bị rút ruột rất lớn (hàng vạn hộc) mà còn làm cho việc điều tra buộc phải kéo dài, nên nhiều người bị giam cầm lâu ngày đã không còn bảo toàn tính mạng; nhiều người giữ được tính mạng thì khổ sở trảm điều vỉ “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Trong vụ án này, những kẻ chủ mưu là Lê Văn Phiếm và Nguyễn Đột bị tội chém sau khi hết hạn tạm giam, Đoàn Công Thiện, 4 tên phạm bị trảm giam hậu; những người khác tùy theo mức tội nặng nhẹ mà phải chịu các hình phạt đồ, lưu, phát vãng sung quân, đánh trượng, bãi chức, cho thấy điều đó. Để không còn tình trạng trên, trước hết phải có chế độ lương bổng thỏa đáng cho lại dịch binh lính. Bên cạnh đó, phải quy rõ trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ kho công, của công, xử lý nghiêm khắc các hành vi xấu. Công tác kiểm tra kho tàng phải tiến hành thường xuyên để kịp phát hiện những dấu hiệu bất thường, từ khách quan cũng như từ chủ quan, từ đó có các biện pháp đối phó, khắc phục.
Vụ án cũng cho thấy, việc điều tra, xét xử các hành vi tham tang khẩn trương có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tư pháp, không chỉ dẹp trừ tệ nạn và tội phạm, mà còn để ổn định lòng dân, ổn định xã hội; bởi trong dân có nhiều người hám lợi, không hiểu luật, nên vi phạm pháp luật một cách vô thức Trong khi đó, các quan pháp luật thường có tâm lý không muốn để lọt tội phạm, đến nhiều người bị bắt oan. Những tác động xấu trên đây, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của cộng đồng dân cư, đến uy tín của ngành tư pháp và của nhà nước. Chính vì vậy, vua Minh Mạng đã định lệnh: Từ đây, vụ án nào có từ 50 can phạm trở lên thì trong 2 tháng phải mau chóng kết án; nếu có khó khăn, mắc míu, thì phải xin chỉ trước, lượng cho những kẻ nhẹ được bảo lãnh tạm tha, để việc hình ngục khỏi đình trệ.
Từ vụ án “rút ruột kho công” đến việc phải điều tra, xét án khẩn trương qua câu chuyện này không hề cũ đối với xã hội chúng ta ngày nay./.
Thạch Thiết Hà