Điểm nghẽn !
Thành phố Hà Nội chuẩn bị vào năm học mới cả khu phố lại nhộn nhạo chuyện học hành của con trẻ. Mấy vị không có con, cháu đi học thì thở dài:
- Chuyện học hành thì năm nào chả thế mà mấy vị ở khu nhà tôi có con, cháu đi học cứ ồn ã cả lên. Không học công lập thì vào trường dân lập; thi được đâu thì vào đó học; vào đại học không được thì cho học nghề. Ai cũng học làm thày, thì ai làm thợ. Cháu nào “bơi” được sông thì cho bơi sông, cứ cho “bơi” biển thì có ngày đuối nước!
- Tôi cũng thấy thế, mấy nhà quanh chỗ tôi ở còn bàn nhau chạy trường, chạy lớp, chạy thầy, chạy cô; nghe đâu vất vả tốn kém lắm.
- Cứ bảo làm sao; tiêu cực, tham nhũng ở đấy chứ ở đâu. Xong lại đổ cho thầy, cho cô, cho trường, cho lớp!
- Mấy vị không có con cháu đi học thật là rỗi hơi. “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”; cứ ngồi đấy mà chờ “trăng đến rằm, trăng tròn”! Trên đời ai chẳng muốn con mình tiến bộ, hơn người; người ta khoe con, khoe cháu, mấy người khoe của. Nhà nào có con, cháu đến tuổi đi học hoặc chuyển cấp, chuyển trường mà không lo cuống cả lên!
Vậy là cuộc tranh luận cứ râm ran cả khu phố với bao câu chuyện xung quanh việc học hành của con trẻ.
- Cháu tôi năm nay vào mẫu giáo, đúng tuyến mà bố mẹ nó phải nhờ xin mãi mới được vì đông quá. Tất nhiên đi xin thì phải có quà chứ ai đến nói không bao giờ mà vẫn khó.
- Cháu tôi năm nay vào lớp 1 mới căng. Đúng tuyến, vào rồi nhưng lại phải “chạy” mới được vào lớp tốt.
- Chuyện nhỏ. Con tôi năm nay thi vào trung học phổ thông công lập không đỗ phải ra học dân lập; chạy ngược chạy xuôi khó khăn lắm vì trường hết số lượng tuyển sinh.
- Cháu tôi thi công lập trong thành phố không đủ điểm phải ra ngoại thành học. Điểm trúng tuyển trong nội thành cao gấp rưỡi so với ngoại thành. Có điều phải đi học cách nhà hơn 20km.
- Từ bao năm nay rồi, các bậc phụ huynh ở nhiều quận nội thành Hà Nội có con ở độ tuổi vào trường mầm non, vào lớp 1, lên lớp 6, lớp 10 lại đôn đáo, xuôi ngược tìm trường lớp cho con. Có nhiều trường, để nộp được hồ sơ cho con, phụ huynh phải thức thâu đêm suốt tháng. Lạ đời, đầu năm học 2022 - 2023, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học các cháu ở tuổi lên 3! Mệt thế đấy!
- Mấy năm gần đây, ngành giáo dục Thủ đô và các trường học cũng đã có nhiều cố gắng như sắp xếp sĩ số 1 lớp theo quy định từ 35 học sinh nay lên đến hơn 50 học sinh, mở thêm trường, lớp dân lập. Cá biệt có trường chỉ cho một nửa học sinh được xuống sân trường giờ thể dục vì học sinh quá đông... Chuyện thật như đùa, nghe vừa chảy nước mắt vừa buồn cười! Trên địa bàn quận Hà Đông, năm học 2022 - 2023 học sinh tăng ở cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT với sĩ số trung bình 49,7 học/lớp. Theo quy định, bậc tiểu học tối đa 35 học sinh/lớp, bậc THCS tối đa 45 học sinh/lớp. Nhưng năm học 2022 - 2023, riêng khối lớp 1 của Hà Nội có khoảng 2.000 lớp có sĩ số 50 học sinh/lớp trở lên; khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp trở lên...
- “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.” (Điều 16, Luật Trẻ em). Việc tuyển sinh như vậy có vi phạm quyền trẻ em không? Tôi cho rằng nguyên nhân là do những tổ chức, cá nhân có chức năng xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị Hà Nội chỉ nhăm nhăm vào lợi ích kinh tế, không gắn liền phát triển hạ tầng kinh tế với phát triển hạ tầng xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục. Mặc dù mấy chục năm qua các chuyên gia, các nhà khoa học cùng báo chí đã liên tục lên tiếng, cảnh báo về tình trạng quy hoạch đô thị Hà Nội bị phá vỡ nghiêm trọng nhưng những tiếng nói tâm huyết, có trách nhiệm đều bị phớt lờ. Đây có phải là chuyện nhỏ không?
- Nhà nhà nhọc nhằn với chuyện thi cử, học hành; chạy trường, chạy lớp. Gần nhà tôi có vị hiệu trưởng, cứ dịp chuẩn bị vào năm học mới, phụ huynh xếp hàng ra vào nườm nượp. Người nhờ tuyển sinh, người nhờ chạy vào lớp tốt. Không chỉ làm hiệu trưởng mới giàu, nhiều thầy cô dạy các môn tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ cũng giàu ú từ dạy thêm, học thêm...
- Ông nói vậy cũng có ý đúng, nhưng có phải ai làm nhà giáo cũng có cơ hội làm giàu thế đâu. Thầy, cô giáo ở miền núi còn khó khăn lắm. Cháu tôi dạy ở một trường miền núi, đi dạy xa hàng chục cây số, thu nhập chỉ có đồng lương. Vậy mà mỗi khi có chủ trương luân chuyển lại phải mất tiền, vì nếu không “chạy” thì phải đi dạy trường xa hơn. Thành ra đời sống đã khó khăn càng khó khăn hơn.
- Năm 1996, Hội nghị Trung ương 2 (khoá VIII) ban hành Nghị quyết “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Trong đó xác định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Đây là quan điểm chuẩn xác của thời đại văn minh. Nhưng 27 năm trôi qua kể từ khi ban hành Nghị quyết, chưa bàn đến các lĩnh vực khác của nền giáo dục, chỉ nhìn vào khía cạnh bảo đảm trường lớp cho học sinh ở trung tâm Thủ đô thì giữa quan điểm và thực tế vẫn còn xa vời. Nói gì đến công tác phòng chống tham nhũng trong môi trường giáo dục và sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng sâu vùng xa.
Khi đưa ra chuyện này ra bàn luận hoặc tranh luận ở các nghị trường thì có nhiều ý kiến cho rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” - Đó là chuyện nhỏ, còn nhiều việc lớn phải lo! Nhìn vào thực tế thì đây không phải là chuyện nhỏ. Những năm qua, chúng ta kiên quyết thực hiện cải cách hành chính công và đã đạt được nhiều kết quả tốt. Vậy trong lĩnh vực giáo dục có chăng nhiều khâu nên áp dụng cải cách hành chính công? Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Ngành Giáo dục đã đến lúc không nên xem đó là chuyện nhỏ. Rất mong cấp có thẩm quyền, các ngành thanh tra, kiểm tra tiếp tục vào cuộc tìm ra những điểm nghẽn và những góc khuất trong thi cử, tuyển sinh, để góp phần xây dựng một nền giáo dục lành mạnh vì tương lai của đất nước và tương lai của con em chúng ta./.
Trung Ngôn