“Điều thiện hay điều ác đều có thể làm gương…”
Vua Trần Minh Tông tên thật là Trần Mạnh, sinh tháng Tám năm Giáp Tý (tháng 9 - 1300), mất tháng Hai năm Đinh Dậu (tháng 3 - 1357), là vị vua thứ năm của vương triều Trần. Ông ở ngôi vua 15 năm (1314 -1329), làm Thái Thượng hoàng 28 năm (1329 - 1357). Sử cũ ghi lại, ông được sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục nghiêm ngặt, bài bản của hoàng tộc nên khi lên ngôi vua, đã “đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ cơ nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, rường mối đều bày”. Cũng chính vì thế, ông rất nghiêm khắc, rành mạch trong việc dạy bảo các con. Điều ấy được thể hiện qua rất nhiều câu chuyện, trong đó có chuyện dưới đây:
Tháng Hai năm Kỷ Tỵ (tháng 3 - 1329), Minh Tông nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Vượng (tức Vua Trần Hiến Tông) để lên làm Thái Thượng hoàng. Ít ngày sau, triều thần rước Thượng hoàng về hành cung Thiên Trường (nay là vùng huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), các hoàng tử đều về chầu. Trong câu chuyện với các quan trong triều về các quan đảm nhiệm trông nom, dạy dỗ các hoàng tử, Thượng hoàng có nhắc đến một vị quan, chắc là có chút “vết gợn” nào đó, nên Thái bảo Uy Túc vương Văn Bích đã “can” Thượng hoàng rằng: “Phàm bàn đến nhân vật để dạy các hoàng tử, chỉ nên bàn đến người thiện, còn người ác thì hãy bỏ không bàn đến, sợ rằng hoàng tử nghe hoặc có bắt chước chăng?”. Thượng hoàng nghe vậy liền bảo Uy Túc vương Văn Bích rằng: “Người thiện, người ác đều phải nêu ra cả, không thể bỏ riêng bên nào được. Con ta nếu quả là người hiền thì nghe thấy điều thiện tất phải nghe theo mà bắt chước, nghe thấy điều ác tất phải ghét mà tránh xa, thiện hay ác đều có thể làm gương để noi theo tránh xa được cả. Con ta nếu quả là hư hỏng, thì đợi gì thấy kẻ ác mà sau mới làm điều ác?”.
Tiếp đó, Minh Tông lấy gương của Thái Khang nhà Hạ ở Trung Quốc thời xưa (1) để nói với Văn Bích: “Thái Khang nhà Hạ hư hỏng là bởi các vua trước rỗi bỏ việc mà Thái Khang bắt chước chăng? Dạng Đế nhà Tùy (2) mồm nói đạo đức như Nghiêu Thuấn (3) mà đến việc làm lại thành ra bạo ngược như Kiệt Trụ (4), thế thì nghe thấy có điều thiện mà bắt chước đấy ư?”. Uy Túc nghe vậy, biết suy nghĩ của mình là sai, cúi đầu “phục thiện”.
(Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004, tập 1, tr. 606 - 607).
Lời bàn:
Chắc chắn xưa nay, các bậc làm cha mẹ ai cũng muốn con mình thành đạt, nên người. Để đạt được ước vọng, mục tiêu đó, mỗi bậc cha mẹ có phương pháp giáo dục, rèn rũa riêng với con cái, phụ thuộc vào quan điểm về làm người, về cuộc sống, vào học vấn, nhận thức, vị trí xã hội của họ… Phần đông các bậc cha mẹ đều dành tất cả những gì tốt nhất mà mình có được cho con cái, những mong con cái có được nhiều thuận lợi trên đường lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, từ đây lại nảy sinh một vấn đề mà bậc cha mẹ nào cũng phải “đối mặt”. Đó là xử lý việc con cái tiếp xúc với người “xấu”, hiện tượng “xấu” của đời sống ngoài gia đình hay của xã hội? Đương nhiên là đa phần các bậc cha mẹ đều muốn con cái mình phải tránh xa những con người, hiện tượng xấu đó, vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Càng ở các gia đình quan lại, quý tộc, thì càng có điều kiện để ngăn, cấm; ở gia đình hoàng tộc, điều kiện ấy lại càng “tốt” hơn, nói một cách khác, các gia đình ấy dễ “nuôi con trong tủ kính”, hoàn toàn cách ly được với những điều xấu ở bên ngoài, chi tiếp xúc với những “tốt lành” trong các bức tường trong hoàng thành, hoàng tộc, để con em được “trong sạch”, tốt hơn con em của các gia đình khác.
Tuy nhiên, Thượng hoàng Trần Minh Tông lại có suy nghĩ ‘khác thường”. Theo ông, cái thiện, cái ác là chuyện thường tình của cuộc sống, mỗi hành vi thiện - ác có bối cảnh ra đời, tình thế xuất hiện riêng, trong đó, có những yếu tố vừa thuộc “bản tính tự nhiên” của con người, nhưng đồng thời cũng là quá trình tự rèn giũa của mỗi người. Con người, nhất là những đứa trẻ còn nhỏ, như một sinh vật tự nhiên, nếu chỉ được “nuôi trong phòng kín” hay trong “tủ kính”, không quen với những “trái thường” của thời tiết, khí hậu thì khi gặp phải lúc “trái gió, trở trời”, sẽ không có sức đề kháng: Gặp nắng sẽ say nắng, gặp hạn sẽ héo khô v. v., ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau đó. Con người còn là một sinh vật mang tính xã hội rất cao, luôn có nhu cầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, trong khi “bách nhân bách tính”, ngay cả trong triều đình cũng có những vị quan tham lam, trong hoàng tộc cũng có người xấu; còn ở bên ngoài, xã hội con người đa dạng và diễn tiến phức tạp. Trong tình hình đó, môi trường “phòng kín” hay “tủ kính” của hoàng tộc lại rất có thể là một thuận lợi cho việc con cái, nhất là những đứa sớm bộc lộ “trái tính, trái nết”, dễ tiếp thu những điều xấu, bởi chúng chưa bao giờ được tiếp xúc để nhận biết và thanh lọc. Như vậy, nếu chỉ để con cái tiếp xúc với những điều tốt lành, thuận lợi, chúng sẽ không có “bộ lọc” cần thiết khi phải sống trong những điều kiện không còn tốt lành, thuận lợi vốn có, khi chúng phải tiếp xúc với cái xấu của những người “đồng đẳng” cũng như khác đẳng cấp.
Với cách nhìn trên, Trần Minh Tông chủ trương con cái không chỉ được nghe, tiếp xúc với những điều thiện, điều tốt, người tốt, mà cần thiết phải nghe, phải tiếp xúc với những điều ngược lại. Đấy chính là điều kiện để mỗi người con với sự chỉ bảo của cha mẹ nhận thức được bản chất của vấn đề, tự rèn giũa, để có một thái độ ứng xử phù hợp, hay có một “bộ lọc” tốt trước các hiện tượng xã hội; hay khi “gần với mực”, các con của ông không những không bị “đen” mà vẫn “rạng”, vẫn xứng đáng là con vua, com em hoàng tộc. Phương châm giáo dục con cái của ông là kết hợp sự dạy bảo của cha mẹ với sự tự rèn luyện của con cái, để con cái đứng vững và trưởng thành, dù ở môi trường thuận lợi hay không thuận lợi, tiếp xúc với người tốt hay người xấu. Sử cũ ghi lại, Trần Minh Tông rất nghiêm khắc với các con mình. Ông luôn hướng các con vào những việc lớn của đất nước, không chuyên chú vào các việc vật chất, làm giàu và dặn các hoàng tử :“Con nào mà cố sức mưu tính sản nghiệp, keo sẻn làm giàu thì không phải là con ta”. Sau này, trước khi mất, ông bảo các hoàng tử đứng hầu ở bên cạnh, rằng: “Các con nên xem việc làm của người đời xưa, việc gì phải thì theo, việc gì không phải thì lánh xa, không cần gì cha phải dạy”.
Câu chuyện về phương pháp dạy con, rèn con của Trần Minh Tông cách đây gần 800 năm đáng để các bậc làm cha mẹ hiện nay suy ngẫm.
Thạch Thiết Hà
Chú thích:
(1) Thái Khang (? - 2160 trước Công nguyên), là vị vua thứ ba của nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc, song từ khi lên ngôi, ông vua này chỉ ham chơi, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự; bị bầy tôi giành ngôi vua, nên chỉ ở ngôi được 2 năm, phải lưu vong ở nước ngoài cho đến hết đời. Từ khi Thái Khang lưu vong, ngày nào 5 người em trai của ông cùng mẹ cũng đứng đợi ở bờ sông Lạc Thủy, đến khi nhận được tin Thái Khang mất, họ làm ra khúc hát “Ngũ tử chi ca” để tưởng nhớ đến công đức của ông nội và cha; đồng thời chê trách anh cả (tức Thái Khang) không tuân theo lời dạy của cha ông bỏ bễ chính sự, chuốc lấy sai lầm khiến dòng họ phải chịu bi ai.
(2). Tùy Dạng Đế (569 - 618), tên thật là Dương Quảng. Năm 589, sau khi lập công lớn trong trong việc tiêu diệt nhà Trần ở phương Nam, thống nhất Trung Hoa sau hơn 250 năm chia cắt, Dương Quảng được phong tước vương, nhưng sau đó, ông lại chủ trương lập phe đảng, xây dựng thế lực để mưu đoạt ngôi thái tử của anh trưởng là Dương Dũng. Đến năm 600, do lời gièm pha từ phía Dương Quảng và Độc Cô hoàng hậu, Dương Dũng bị phế ngôi, Dương Quảng được lập làm Hoàng thái tử. Từ năm 602, Dương Quảng bắt đầu nắm đại quyền trong tay, xử lý quốc sự. Năm 603, Dương Quảng đã bí mật sát hại cha (Tùy Văn Đế) rồi tự xưng làm vua. Trong vài năm đầu, Tùy Dạng Đế có một số chính sách tích cực để phát triển đất nước, nhưng càng về sau, vị hoàng đế này bỏ bê chính sự, trọng dụng gian thần, xa lánh trung lương, lại tăng thuế để xây dựng cung điện, vườn ngự xa hoa làm nơi hưởng lạc, say đắm tửu sắc; lại gây chiến với các nước láng giềng, khiến lòng dân oán hận, lực lượng chống lại nổi dậy khắp nơi, nhà Tùy dần dần suy vong và sụp đổ vào năm 618. Tùy Dạng Đế cũng bị giết vào năm này.
(3) Nghiêu, Thuấn: Tên hai vị vua theo truyền thuyết trong lịch sử cổ đại Trung Quốc được coi là mẫu mực, “minh quân” nhất đã theo được đạo trời trị dân. Dưới thời đại các ông vua này, nước thái bình, dân hưng thịnh.
(4) Kiệt, Trụ: vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương, là hai vua bạo ngược, vô đạo, hoang dâm nhất trong lịch sử các vua chúa Trung Quốc.