A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Dân kêu ca không thôi thì trong ắt có duyên cớ!”

Sách Đại Nam thực lục chép hai chi tiết rất ngắn gọn:

Chi tiết thứ nhất, vào mùa Thu, tháng Bảy, năm Quý Hợi, Gia Long thứ hai (tháng 8-1803)… Vua nhiều lần đi xem Kinh thành, Nhân dân đem việc đón kêu, lính Tiền đạo đuổi đi. Vua nhân dụ quản đội Tiểu sai là Võ Viết Bảo rằng: “Việc ngục tụng đều đã có nơi phụ trách, thế mà dân phải kêu ca không thôi. Thì ở trong ắt có duyên cớ, nên nhận cho để biết hết thực hư”. Hạ lệnh từ nay các dinh, trấn đệ dâng án tội nặng thì trước phải do bộ Hình thẩm duyệt, đình thần tra xét, rồi sau mới tâu lên”.

Chi tiết thứ hai, tháng Hai năm Bính Tý (tháng 3-1816), người xã Phan Khỏa trấn Nam Định đón xa giá dâng sớ tâu rằng: Trước đây bị người vu cáo, ruộng đất bị tịch thu, sau xét lại án được vô tội, xin được trả lại ruộng đất, nhưng quan sở tại cho rằng, trót đã thu rồi, không cho. Vua xem lời tâu, sắc cho các quan trấn Bắc Thành xét rõ các án, phàm người nào có ruộng đất bị tịch thu mà xét ra không có tội trạng, thì trả lại hết.

      Nguồn: Đại Nam thực lục, bản dịch, Nxb. Giáo dục, tập Một, tr.566, 922.

Lời bàn:

Hai đoạn tư liệu ngắn gọn trên lộ ra hai điều về đời sống pháp luật của nước Việt Nam vào niên hiệu Gia Long (1802 -1819): Có nhiều người dân nhằm chặn xa giá của vua để kêu oan, ở giữa Kinh thành Huế - nơi tưởng như đã ổn định, yên bình trong hơn 250 năm, kể từ khi các chúa Nguyễn “đóng đô” (năm 1558), mọi mặt đời sống chịu sự kiểm soát chặt chẽ theo quy chế kinh đô, kinh thành. Không chỉ vậy, còn có người dân ở tận Nam Định đã “vượt dặm dài” vào Huế chặn xa giá vua để bày tỏ nỗi oan ức của mình. Cả hai trường hợp, Vua Gia Long đều cho dừng kiệu, nhận đơn, thậm chí, trường hợp người dân ở Kinh thành Huế kêu oan, bị lính bảo vệ vua xua đuổi, Vua  vẫn lệnh cho dừng lại để nghe người dân bày tỏ và sau đó, lệnh cho các quan tra xét lại. Kết quả ra sao, với trường hợp người dân Huế, sử cũ không ghi, nhưng với người dân ở Nam Định thì được nhờ vua, vì từ đó đó, có nhiều người được hưởng lợi theo.

Về sự kiện - hiện tượng thứ nhất (dân chặn xa giá của vua để kêu oan), thực ra không phải mới xuất hiện vào thời Nguyễn, mà đã có từ thời Trần: Vào khoảng tháng Mười năm Canh Thìn, đời Vua Trần Nhân Tông (tháng 11 - 1280), một người dân đã tìm cách đón xa giá của Vua ở giữa đường để kêu oan về việc người đó tranh kiện tài sản với em ruột Tể tướng Trần Khắc Chung, án đã xử cho ông được thắng kiện, nhưng không thể thi hành được, vì các quan thi hành án nể nang Tể tướng. Trần Nhân Tông cho dừng kiệu hỏi han và thấy rõ nguyên do, bèn sai ngay quan hình luật buộc các quan phải chấp hành việc thi hành án. Thời Lê - Trịnh, sử cũ cũng ghi việc dân chặn xa giá của vua chúa để kêu oan. Và đến đây, thời Nguyễn, lại lặp lại chuyện dân chặn kiệu vua để “kêu trời”.

Vấn đề là tại sao, lại có tình trạng người dân kêu oan bằng hình thức độc đáo này, dù nhà nước các thời đều có cơ quan pháp luật, cơ quan giám sát và các luật khiếu nại, tố cáo, luật xét xử với các mức độ đầy đủ, đậm nhạt khác nhau? Cần phải thấy rằng, oan ức là điều không tránh khỏi trong các xã hội có giai cấp, nhất là các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Oan ức có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa là từ thể chế kinh tế - xã hội, nhất là thể chế nhà nước và pháp luật. Nguyên nhân trực diện là những sai sót từ việc điều tra, xét xử và thi hành án của các cơ quan pháp luật đối với các vụ án dân sự và hình sự. Những sai sót này cũng có thể do các điều kiện phục vụ việc điều tra, xét án còn nhiều hạn chế ở từng thời điểm, từng địa phương xảy ra vụ án; hoặc do những lý do khách quan, những tình tiết bất ngờ, bất khả kháng; song căn bản nhất là tầm và tâm của những người trông coi pháp luật. Cái tầm ở đây là trình độ, có đủ kiến thức để bao quát và sâu sát được các tình tiết của vụ việc, vụ án, nhất là các vụ án có những tình tiết phức tạp, để có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp hay không. Nếu không đủ tầm, oan ức ắt sẽ xảy ra, và nỗi oan không từ ai, nhưng nói chung, những người “thấp cổ bé họng”, thuộc nhóm yếu thế dễ phải chịu hơn. Còn cái tâm chính là có công tâm, trong sáng khi thực thi công vụ, đặc biệt là khi được giao xét xử các vụ án liên quan đến các quan chức có uy quyền hay không. Nếu công tâm, sẽ xét xử đúng theo luật, bất kể bên nguyên, bên bị có địa vị xã hội ra sao; còn nếu không, tức có một ”trái tim đen”, cái đầu hắc ám, thì dễ dàng ngả về phía người có chức quyền, người giàu có để ăn tiền - dù lẽ phải không thuộc về phía họ, bỏ qua quyền lợi của người yếu thế. Trong tình hình trên, oan ức như là một hệ quả tất yếu mà những người thuộc tầng lớp yếu thế dễ phải gánh chịu nhất (một số trường hợp quan lại cũng bị oan). Có những oan ức có thể “dịu” đi một sớm một chiều, song có những “Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”, người chịu oan “kêu trời, nhưng xa” (Truyện Kiều).

Những oan ức đó nếu không được giải quyết kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề. Trước hết, người phải hứng chịu nỗi oan không chỉ chịu thiệt hại lớn về vật chất mà còn mang “vết thương lòng” (tâm lý, tinh thần), ảnh hưởng xấu đến cuộc sống trước mắt và lâu dài của họ. Không ít trường hợp người bị oan bị đẩy đến “bước đường cùng”, phải tìm đến cái chết để mong được người đời và trời cao thấu tỏ. Thứ hai, nỗi oan làm cho những mâu thuẫn giữa những người trong cuộc của các vụ việc, vụ án kéo dài âm ỉ và gia tăng, nhiều khi lan rộng ra hai dòng họ, thậm chí ra cả hai làng, gây mất ổn định trong cộng đồng dân cư, gia tăng cả mâu thuẫn giữa dân với quan lại, dân không còn tin vào quan, vào cơ quan công quyền. Đây chính là ngọn nguồn của người bị oan phải làm việc bất đắc dĩ: chặn xa giá của vua để “kêu trời”, bởi vua là “thiên tử”; ngày nay là những hiện tượng khiếu kiện vượt cấp, đông người, kéo dài. Giải quyết sớm và dứt điểm các nỗi oan ức đó còn là dịp để nhà nước phát hiện ra những bất cập, lỗ hổng trong quản lý, nhất là trong công tác điều tra, xét xử, để chấn chỉnh các hoạt động đó, giúp cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần củng cố lòng tin của dân chúng vào thể chế.

Chính bởi vậy, Nhà nước phong kiến đã đặt ra một số thể lệ để những người, bất kể dân - quân - quan bị oan được kêu oan, như thời Lý đặt chuông và hòm thư ở sân Long Trì; thời Lê - Trịnh đặt chuông mỏ, treo bảng, đặt hòm…để ai có oan ức thì đến đánh chuông, đánh mõ, bỏ thư kêu oan. Đầu thời Nguyễn, trên đường công cán ra các trấn ngoài Bắc (cuối năm Quý Hợi - 1803), khi đến Nghệ An, Vua Gia Long đã dừng lại, sắc cho các xã dân từ Nghệ An ra Bắc, ai có việc đau khổ, oan khuất gì thì cho đến hành tại (nơi vua dừng chân, nghỉ tạm) để tâu bày; sai văn thần là bọn Nguyễn Viên thu nhận các đơn kêu; kẻ nào vu cáo thêu dệt thì bị tội; lại cấm bọn điêu hoạt, chặn bọn cường hào; nơi nào đã đặt những danh sắc riêng, như loại thông huyện, thông xứ), đều cấm. Sử cũ ghi, sự kiện này đã làm “Lòng dân vui mừng”.  Đến tháng Bảy năm Giáp Tý (tháng 8 - 1804), các quan Bắc Thành tâu xin dựng nhà coi việc ở cửa nam thành, cứ năm ngày một lần họp các quan để bàn việc. Ai có tình trạng uất ức, đã qua ba nha trấn -  phủ - huyện mà chưa được phục tình thì cho đầu đơn để xét chỗ lý. Vua y theo lời tâu.

Tuy nhiên, xét cho cùng, việc người bị oan chặn xa giá của vua để kêu oan là không đúng về phương diện hành chính và pháp luật, không thể tồn tại mãi được. Bản thân người bị oan cũng hiểu rằng, ngang nhiên chặn xa giá của vua, dù bất kỳ vì lý do gì thì ít nhất cũng dễ “ăn đòn” với đám lính bảo vệ vua (họ thực thi công vụ mà), nặng hơn thì dễ bị khép vào tội “khi quân”, “bất kính”, nếu không phải chịu án chết thì cũng “rũ ngục tù”, vì gặp xa giá  của vua mà không “hồi tỵ” (tránh xa, lánh xa).  Cho nên, tốt nhất là đừng để diễn ra và tái diễn cảnh dân chặn xe vua. Muốn vậy, ngoài việc nâng cao trình độ, giáo dục đạo đức cho đội ngũ những người thực thi pháp luật; hoàn thiện các thể chế pháp luật, còn phải luôn tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của bộ máy và đội ngũ quan lại trông coi pháp luật./.

Thạch Thiết Hà

 

 

 

 

 


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu