A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Con nhà tông...”

Cho đến khi kết án, hắn vẫn khăng khăng một điều: “Không phải tôi”, mặc dù những lỗi lầm của hắn đã được phanh phui rõ từng chi tiết. Người biết qua về hắn thì nói hắn là người sống có bản lĩnh. Người biết kỹ về hắn thì nói nghề nghiệp dạy hắn. Người biết rõ hơn thì cười mà rằng: Bố hắn dạy hắn thế. Nhưng chỉ có hắn mới hiểu rõ hơn về mình!

Thuở còn đi học hắn thích chơi đuổi bắt, học hành lêu lổng, tính khí ngang tàng. Bố hắn khi còn trai trẻ cũng vậy. Nhờ cái tính ngỗ ngược lại có thêm cơ bắp và lắm âm mưu thủ đoạn, bố hắn được cất nhắc lên cái chức kha khá. Thấy con tính khí giống mình, bố hắn thường nói với những người thân:

- Thằng này lớn lên phải theo nghề của bố mới phát triển được.

Mấy người thân thì có người hưởng ứng, có người không.

          - “Hổ phụ sinh hổ tử”, con ông cứ phải theo nghề ông mới khá được! Nhưng mà học hành lởm khởm như nó thì thi vào đâu?

          - Muốn làm nghề gì trước hết phải có năng lực, phải được đào tạo, sau nữa phải có cái tâm...

Nghe vậy bố hắn cười khẩy:

- Thời nay mà còn nói đến chuyện lương tâm thì thật là nực cười! Gió tầng nào có mây tầng ấy. Người ta có “số”. Mà cái “số” của con cái thường là nhìn vào bố mà theo, muốn khác cũng khó. Các cụ nói “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”. Con tôi giống tính cách tôi nên tôi định hướng cho nó vào ngành của mình. Còn thi không được thì cho nó vào bằng cách khác.

Và con đường tiến thân của hắn đúng như kịch bản bố hắn vẽ ra. Vốn có năng khiếu của bố truyền cho nên các môn học nào cần nhiều đến cơ bắp hắn đều được điểm cao, như môn thể dục chân tay, môn võ, môn vật, môn bóng đá... Vì thế, hắn được phân công làm tổ trưởng một tổ bộ môn. Có hôm bạn hắn đến học muộn, hắn không cần biết lý do, tát luôn một cái răn đe khiến chảy máu mồm! Nhà trường hỏi hắn thì hắn hồn nhiên mà rằng:

- Làm vậy cho nhớ, lần sau không tái phạm.

Tất nhiên với hành động bạo lực như vậy thì lớp học không để hắn làm tổ trưởng nữa nhưng hắn vẫn chứng nào tật ấy. 

Vào nghề với cái tính bất chấp khiến ai cũng phải e dè với hắn. Người thì nói hắn là kẻ võ biền; người thì bảo hắn là kẻ “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”; người thì chê hắn là kẻ xôi thịt, chém to, kho mặn, bảo kê... thôi thì đủ những gì là thô thiển nhất người ta đều gán cho hắn. Ấy vậy mà hắn lại là người được việc.

Đơn vị phân công hắn làm nhiệm vụ khai thác đối tượng phạm pháp. Quả là hợp với tính cách của hắn. Và đúng vậy, kẻ vi phạm khi vào tay hắn khai thác thì kiểu gì cũng phải khai ra. Theo hắn thì thói đời có ai nhận lỗi bao giờ; mặc dù lỗi sờ sờ ra đấy nhưng vẫn cãi phăng phăng. Vậy nên hắn tìm mọi cách để đối tượng phải nhận lỗi, kể cả “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Vì thế đối tượng bị khai thác vào tay hắn dù có tội thật hay không đều phải nhận! Thật là oan khuất cho những người vô tội.

Chỉ là lính chức vụ quèn, vợ thất nghiệp ngồi nhà mà hắn giàu lên nhanh chóng. Người quanh nhà hắn không biết hắn làm nghề gì mà giàu nhanh thế. Hắn đi ô tô sang, nhà kín cổng cao tường hiếm khi có khách, cả người thân cũng ít thấy xuất hiện.

          Ở quán nước đầu ngõ người ta kháo nhau:

          - Giàu nghèo là do số. Nhà ấy mới trên dưới 40 tuổi không biết làm ăn buôn bán gì mà giàu “nứt đố, đổ vách”. Nghe nói buôn bán bất động sản hay sao ấy!

          - Buôn bán cái gì, bất động sản đang đóng băng, làm ăn càng ngày càng khó khăn... giàu có thế họa đi ăn cướp?

          - Lại vạ mồm, biết người ta thế nào, đến tai họ lại rách việc.

          - Ăn cướp hay làm ăn gì thì tôi không biết, nhưng có người ở cơ quan hắn chơi với con tôi thì nói hắn làm cái nghề đánh người ra tiền!

- Vậy thì thất đức lắm; không “quả báo nhỡn tiền” thì cũng “đời sau khát nước” thôi.

Mà đúng vậy, cái gì đến nó sẽ đến. Câu chuyện hành nghề của hắn đâu phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”. Đối tượng mà cấp trên giao cho hắn khai thác là cả một tập thể, một đường dây mắc lỗi..., nhưng khai thác thế nào mà chỉ một đối tượng phải nhận!

Tất nhiên là đối tượng không nhận. Không nhận thì hắn dùng mọi thủ đoạn để khai thác, kể cả tìm những câu nói hớ của đối tượng để xoáy vào, khép lỗi. Và đối tượng không chịu được những áp lực tra khảo, sỉ nhục và đánh đập thì tự vẫn! Thấy vậy, hắn dựng hiện trường giả để che giấu, nhưng cái camera thì rất “trung thực” vạch tội!

Khi hỏi về động cơ hắn đưa người ta đến chỗ chết thì hắn vẫn chối phăng phăng. Tòa khép tội hắn thì hắn nói: “Không phải tôi”. Thì là ai? Hắn không nói. Chỉ có hắn mới có câu trả lời chính xác, nhưng hắn sẽ mang theo khi về thế giới bên kia. Chặng đường còn lại để về với thế giới bên kia không biết lương tâm hắn có cắn rứt về những việc mình đã làm không?

Trung Ngôn


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu