A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào: Tài sản chung vô giá của hai dân tộc

Việt Nam và Lào hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong những thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022) và Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022, Trang Thông tin điện tử của UBKT Trung ương giới thiệu bài viết về quá trình hình thành và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nhân dân Việt Nam và Lào vô cùng ác liệt, nhất là sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong hơn một thập kỷ sau đó, quân và dân hai nước đã tiếp tục kề vai sát cánh, cùng nhau chiến đấu kiên cường và giành được những chiến thắng vẻ vang ở cả hai bên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn của cách mạng mỗi nước vào năm 1975. Từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và Lào bước sang trang sử mới, từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân hai nước đã cùng kề vai sát cánh ngay từ những ngày đầu đầy thử thách, gian nan, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Hai Đảng, hai nước đã hỗ trợ nhau, từng bước khôi phục kinh tế-xã hội sau chiến tranh, đồng thời từng bước hình thành và phát triển mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trọng yếu như kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, quốc phòng an ninh và đối ngoại...

Sau khi hòa bình lập lại, xuất phát từ nhu cầu hợp tác sâu rộng và cấp thiết giữa hai nước trong tình hình mới, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977, trong đó nêu rõ: “Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Trong suốt 45 năm qua, Hiệp ước này đã trở thành một tài sản quý giá và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc để hai nước không ngừng mở rộng quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hiệp ước cũng là tiền đề để hai nước ký kết hàng loạt các văn kiện và thoả thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo,…

Hai bên luôn khẳng định quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có, là quy luật phát triển, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, cần được giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Hai bên đã phát huy những cơ chế hợp tác sẵn có, đồng thời triển khai những cơ chế hợp tác mới; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược; thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào; ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác; tập trung triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận và Tuyên bố chung được ký kết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thỏa thuận. Các ban của Đảng, bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và địa phương hai nước đều ký kết và tích cực triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác song phương và thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau; chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác mà hai bên cùng quan tâm; đặc biệt, liên quan đến các vấn đề lý luận, thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc đổi mới phát triển đất nước. Trong 5 năm từ 2017 đến 2022, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước với nhiều hoạt động phong phú, sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, có sức lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân và các bộ, ban, ngành, địa phương; đặc biệt là việc tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (năm 2017). Nhân các ngày lễ quan trọng, lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước đều gửi thư, điện chúc mừng, thăm hỏi lẫn nhau.

Quan hệ chính trị - đối ngoại ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, gắn bó, tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Tháng 2/2019, trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới CHDCND Lào, hai nước đã nhất trí nâng cấp từ mối quan hệ “hữu nghị truyền thống” lên thành quan hệ “hữu nghị vĩ đại”. Đây được coi là một mốc lịch sử quan trọng, tạo ra sự đột phá trong quan hệ hợp tác hai nước.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu cấp cao Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Khăm Phăn Phôm-Mạ-Thắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Trưởng ban Phòng, chống tham nhũng Trung ương, Tổng Thanh tra Nhà nước Lào làm Trưởng đoàn.

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của mỗi Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội ở mỗi nước; duy trì các chuyến thăm, các cuộc điện đàm và tiếp xúc cấp cao bằng nhiều hình thức linh hoạt, nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xi-xu-lít (tháng 6/2021), Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-han thăm chính thức Việt Nam (tháng 12/2021), Thủ tướng Chính phủ Lào Phăn-khăm Vị-pha-văn thăm chính thức Việt Nam và khai mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào (tháng 01/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức Lào (tháng 8/2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Lào (tháng 5/2022) đã tiếp tục khẳng định tình đoàn kết, gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng, trước sau như một giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của cả hai nước là đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc giữ gìn, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Hai bên cũng duy trì các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, trong đó có các Kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào. Hai nước đã phối hợp với Campuchia tổ chức thành công cuộc gặp giữa ba đồng chí đứng đầu ba Đảng Việt Nam-Lào-Campuchia (tháng 9/2021), đây là cuộc gặp lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ ba Đảng, ba nước kể từ năm 1990 đến nay.

Hợp tác quốc phòng, an ninh là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Lào. Hai nước phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác 05 năm và Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước. Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào; ký 02 văn kiện pháp lý quan trọng năm 2016 là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc giới Việt Nam-Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào”; nâng cấp một số cửa khẩu chính lên cửa khẩu quốc tế; duy trì cơ chế Cuộc họp thường niên giữa hai Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam-Lào; cơ bản hoàn thành Thỏa thuận cấp cao Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước. Hai bên duy trì trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định, phát triển toàn diện; khẳng định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng nào dùng lãnh thổ của nước này để chống nước kia; tăng cường tổ chức tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra giám sát tại các cửa khẩu. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của các cụm, bản; phối hợp, tu bổ các tượng đài biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị và liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào tại Lào; phối hợp tìm kiếm và quy tập hài cốt chiến sĩ, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

Hợp tác kinh tế trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước và ngày càng khởi sắc. Đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn 5,33 tỉ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đã có những bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Riêng năm 2021 đạt trên 1,37 tỷ USD (tăng khoảng 33,3% so với năm 2020). Hai bên tiếp tục thúc đẩy, đàm phán và ký kết nhiều văn bản quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại như: Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam-Lào, Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào...; chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-xạ-vẳn, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai nước mỗi năm tăng 10%.

Hai bên tiếp tục tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phối hợp nghiên cứu, thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm; triển khai Hiệp định hợp tác và đầu tư phát triển cụm bến cảng 1, 2, 3 tại cảng Vũng Áng; cơ bản hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nỏng-khạng tại tỉnh Hủa-phăn. Hai bên ký kết Thỏa thuận về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng-Viêng Chăn; phối hợp đề nghị với Nhật Bản xem xét triển khai thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giao thông vận tải.

Hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn là lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ hợp tác Việt-Lào. Để hỗ trợ Lào có đủ nguồn nhân lực chất lượng trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước, suốt 60 năm qua, Việt Nam đã giúp Lào đào tạo hàng chục nghìn công chức, nhà nghiên cứu, nhân viên y tế, quân nhân, kỹ sư… Nhiều người đã trở thành những cán bộ cốt cán, cán bộ lãnh đạo, đóng vai trò chủ chốt và lãnh đạo cách mạng Lào trong thời kỳ chiến tranh cũng như thời kỳ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Việc triển khai Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 đã tạo ra sự thay đổi tích cực đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực của Lào, trong đó điểm nhấn là việc triển khai xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao công tác quản lý, tiếp nhận, đào tạo du học sinh Lào, điều chỉnh các chế độ học phí, sinh hoạt phí, tạo điều kiện cho công tác đào tạo ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về số lượng và chất lượng. Cuối năm 2020, hai bên đã ký kết Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030, theo đó mỗi năm Việt Nam dành cho Lào hơn 1000 suất học bổng đào tạo và bồi dưỡng; và Lào dành cho Việt Nam 60 suất học bổng.

Hợp tác về văn hoá, y tế, phát triển nông thôn, năng lượng ngày càng được củng cố và đẩy mạnh. Việt Nam luôn tạo điều kiện giúp Lào đào tạo cán bộ y tế; phối hợp khám, chữa bệnh từ xa; tổ chức khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân Lào tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh có chung đường biên giới; phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030 và Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ; ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác mua bán điện từ các công trình điện gió; tăng cường trao đổi chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm nghèo, nâng cao năng lực thể chế, chính sách trong quản lý sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi; tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho phát triển nông thôn vùng trọng điểm tại các tỉnh: Xiêng-khoảng, Hủa-phăn, Xay-xổm-bun; hoàn thành xây dựng các trung tâm dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp; thống nhất xây dựng một số dự án thủy lợi. Hai bên đã phối hợp thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn việc buôn bán-vận chuyển gỗ trái phép và lâm sản-thú rừng xuyên biên giới.

Nhiều dự án, công trình hợp tác mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị thủy chung, quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã và đang phát huy hiệu quả. Điển hình như công trình Nhà Quốc hội mới của Lào khánh thành năm 2021 - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là một trong những biểu tượng có nhiều ý nghĩa của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong thời kỳ đổi mới; Tượng đài Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam; khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại khu di tích Lao Khô thuộc tỉnh Sơn La (năm 2017); Dự án biên dịch các bộ sách kinh điển Mác - Ăng-ghen, Lê-nin và Hồ Chí Minh Toàn tập sang tiếng Lào và bộ phim tài liệu Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông...

Trong các chuyến thăm lẫn nhau, hai bên trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xóa nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Hoạt động đối ngoại nhân dân được hai nước hết sức quan tâm trong đó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của hai nước thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu./.

Minh Ngọc

 


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu