Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022
Chiều ngày 1/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022, những nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành trong tháng còn lại của năm.
Quang cảnh buổi họp báo.
Mở đầu buổi họp báo, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng diễn ra ở thời điểm chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022 - một năm nhiều khó khăn, thách thức với những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và thế giới. Cạnh tranh chiến lược, tác động lạm phát, chính sách tiền tệ của các nước, tình hình xăng dầu biến động nhanh, khó khăn từ các thị trường lớn, thị trường truyền thống ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, phản ứng chính sách của các nước liên quan tới dịch bệnh, các vấn đề toàn cầu... Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển nhanh kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ tại buổi họp báo.
Về kinh tế-xã hội nước ta tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nền tảng ổn định, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu NSNN 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, 11 tháng xuất khẩu nông sản đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn; đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu). Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số IIP tháng 11 tăng 0,3% so tháng trước, tăng 5,3% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 8,6% so cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tăng, tháng 11 tăng 2,6% so với tháng trước; tổng 11 tháng đạt gần 5,2 triệu tỷ, tăng 20,5% cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 11 tăng 23,2% so tháng trước; 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt, tăng 21 lần so với cùng kỳ.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doan nghiệp thành lập mới, hoạt động trở lại tăng 33% so cùng kỳ, gấp 1,47 lần số DN rút lui. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt gần 20 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng. Nhiều vấn đề đột xuất được tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả; những vấn đề thường xuyên được chú trọng và đạt nhiều kết quả nổi bật. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch... An sinh xã hội được bảo đảm (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ hơn 87,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 55,3 triệu lượt người lao động và gần 851.300 người sử dụng lao động. Nếu tính cả Nghị quyết 42 của Chính phủ thì từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay đã hỗ trợ gần 101,6 nghìn tỷ cho hơn 68,8 triệu lượt người lao động và gần 900.000 lượt người sử dụng lao động). Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022, 2023, như IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN…
Trả lời chất vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Trong thời gian qua, thị trường bất động sản có biến động, nổi lên một số vất đề: Nguồn cung có chiều hướng giảm; hoạt động giao dịch bất động sản có trầm lắng, tính thanh khoản giảm; tình hình các doanh nghiệp bất động sản có khó khăn như một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động liên quan đến đầu tư dự án nhà ở, bất động sản, dẫn đến một số doanh nghiệp cho công nhân lao động tạm nghỉ việc. Trước khó khăn đó, Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo kịp thời, quyết định thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh. Tổ công tác bao gồm lãnh đạo Bộ Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công an. Sau khi thành lập, Tổ công tác đã họp và triển khai ngay các chương trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc với UBND Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản để lắng nghe khó khăn, vướng mắc.
Trả lời câu hỏi của báo chí, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết đối với bốn dự án cáo tốc Bắc Nam phía đông là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, vì có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay chúng ta giải ngân đầu tư công phục vụ cho cả tăng trưởng. Dự án này có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiến độ đến nay, đối với dự án Cao Lộ - La Sơn, đã hoàn thành 98,6% dự án, chắc chắn hoàn thành đi vào khai thác trước 31/12. Ba dự án còn lại cũng về đích và sẽ báo cáo Chính phủ là sẽ thông tuyến toàn bộ 3 dự án còn lại trên mặt đường bê tông nhựa. Tiến độ chung của các dự án bình quân khoảng 70%. Đối với mục tiêu thông tuyến chính đã đạt 80%. Đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp kiểm tra 3 dự án còn lại và yêu cầu bằng mọi giá thông tuyến trong 31/12.
Liên quan đến vụ việc của Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 29 bị can; cơ quan điều tra cũng đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn các tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can đã tự nộp và trả lại là 1.700 tỷ đồng./.
PV