A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Sáng 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, lãnh đạo các ban, bộ, ngành…

Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 14.535 điểm cầu cấp huyện, cơ sở, các cơ quan, đơn vị, quân khu, quân chủng, quân đoàn trên toàn quốc, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự.

Đảng ủy Cơ quan UBKT Trung ương tổ chức Hội nghị kết nối trực tuyến với điểm cầu của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại 4 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ với sự tham gia của toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Cơ quan.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày nội dung triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Qua 7 năm thực hiện, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới…

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18-NQ/TW trong toàn hệ thống chính trị. Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt chuyên đề Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tại Hội nghị, đại biểu nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt chuyên đề Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được tiến hành ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đánh dấu mốc quan trọng với chủ trương mở ra cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, Kỳ họp thứ 8 đã diễn ra với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân, như: thông qua với tỷ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế quy định từng bước liên thông, thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giảm thuế giá trị gia tăng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030... Quốc hội đã cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đồng thuận cao về chủ trương xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề mới, vấn đề mang tính chất thời đại như phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo,…

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá, làm tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc ta. Theo Thủ tướng, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề, kéo dài tại nhiều địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 3 vấn đề trọng tâm tập trung quán triệt, triển khai trong thời gian tới. Theo đó: Đối với vấn đề kinh tế - xã hội, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra, các cấp, ngành, địa phương phải thực sự đổi mới tư duy, phải “cởi trói”, quyết đoán, bứt phá, vượt lên chính mình. Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội tập trung giải quyết những điểm nghẽn, tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể “cất cánh”, nhất là một số vấn đề: hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính... Tổng Bí thư yêu cầu cần nhận thức rõ đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, rất cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân, phải giải phóng sức lao động, sức sản xuất, huy động nguồn vốn vật chất, tinh thần trong nhân dân; người dân phải cảm nhận được nhân dân là người hưởng thụ những thành quả đó để chung sức, đồng lòng cùng thực hiện.

Về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Các cấp ủy cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới; chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước. Tổng Bí thư yêu cầu công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp ủy phải thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, pháp luật về công tác cán bộ.

Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025. Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...

Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới. Đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc thực hiện chủ trương này; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức./.

Đảng viên Đảng bộ Cơ quan UBKT Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Minh Ngọc


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu