A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng chí Trần Đăng Ninh – Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, tấm gương sáng của Ngành Kiểm tra Đảng

Ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã có Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư ký. Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng được thành lập, gồm 03 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ khu ủy; Hà Xuân Mỹ, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy. Đồng chí Trần Đăng Ninh được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương.

Với trí tuệ sắc sảo, tác phong sâu sát, tận tụy với Đảng, với Dân, thái độ kiên nghị và tấm lòng khoan dung, độ lượng, đồng chíTrần Đăng Ninh đã chỉ đạo và trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc quan trọng nhanh, gọn, thỏa đáng, hợp lòng dân, chiến sĩ và cán bộ, đã bảo vệ được đồng bào, đồng chí. Đồng chí Trần Đăng Ninh là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, người cán bộ kiểm tra bản lĩnh, kiên định, nhân hậu của Ngành Kiểm tra Đảng, được nhân dân kính trọng và yêu mến gọi là “Bao Công” của Việt Nam. Nhân Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng 16/10/1948-16/10/2022, Trang Thông tin điện tử UBKT Trung ương trân trọng giới thiệu bài viết về đồng chí.

Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Đăng Ninh

Đồng chí Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910, tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Năm 1935, với khí chất, kiên cường, bản lĩnh của một thanh niên yêu nước, không chịu cảnh lầm than, nô lệ, khi làm công nhân tại Nhà in Lê Văn Tân, đồng chí đã sớm giác ngộ Chủ nghĩa cộng sản và tham gia cách mạng. Năm 1936, đồng chí tham gia Phong trào Đông Dương Đại hội, được cử vào Ban Chấp hành Nghiệp đoàn ái hữu thợ in Hà Nội. Tháng 7/1936, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Với ánh sáng soi đường của chủ nghĩa cộng sản, cùng trái tim nhiệt huyết của người chiến sỹ cách mạng và năng lực công tác xuất sắc, cuối năm 1939, khi chưa tròn 30 tuổi, đồng chí đã được chỉ định vào Thành ủy Hà Nội. Năm 1940 tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 9/1940, khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, được Xứ ủy cử lên lãnh đạo phong trào Bắc Sơn. Tháng 5/1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 7/1941, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 21/11/1941, đồng chí bị giặc Pháp bắt và giam tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Cuối năm 1942, bị phát vãng lên nhà lao Sơn La, nơi rừng sâu, núi thẳm với ý đồ của thực dân Pháp hòng bóp nghẹt ý chí cách mạng của người chiến sỹ cộng sản. Mặc dù bị giặc Pháp giam cầm, tra tấn dã man, đầy qua 2 nhà lao Hỏa Lò, Sơn La, song với khí chất của người cộng sản, kiên định lý tưởng cách mạng, đồng chí vẫn bí mật tham gia hoạt động trong Ban đấu tranh nhà lao Hỏa Lò và vào Ban Chấp hành Chi bộ đặc biệt ở nhà lao Sơn La.

Giữa năm 1943, đồng chí vượt ngục trốn khỏi nhà lao Sơn La, sau khi bắt liên lạc lại với cách mạng, được Trung ương chỉ định hoạt động cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt trong Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 12/1943, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai và giam tại nhà lao Hỏa Lò.

Đêm ngày 9/3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đánh Pháp, đồng chí đã vượt ngục nhà lao Hỏa Lò và tiếp tục hoạt động. Tháng 4/1945, được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc kỳ.Tháng 5/1945, được cử tham gia Bộ Tư lệnh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 8/1945, được cử vào Ủy ban Tổng khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Tổng bộ Việt Minh.

Đồng chí Trần Đăng Ninh (người ngồi thứ 2 từ trái qua) cùng các đồng chí trong Đảng ủy Chiến dịch Biên giới. (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1946, sau khi giặc Pháp phá bỏ Hiệp ước sơ bộ được ký kết ngày 6/3/1946, giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đồng chí Trần Đăng Ninh được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách việc bố trí, di chuyển các cơ quan của Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc; làm phái viên của Chính phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước; phái đi giải quyết nhiều việc quan trọng, nhiều nhiệm vụ đặc biệt, có liên quan đến một số chính sách của Đảng như: Việc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc; chính sách dân tộc; chính sách tôn giáo và chính sách đối với nhân sỹ, trí thức…

Giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ của một Đảng vừa giành được chính quyền đã phải bước vào cuộc kháng chiến cứu quốc, song Trung ương Đảng luôn chú trọng tới công tác xây dựng Đảng; coi trọng công tác kiểm tra để giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW, do đồng chí Thận (tức đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng ký) thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng được giao trọng trách làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương- cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Sau khi Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập, với vai trò là Trưởng Ban Kiểm tra, đồng chí Trần Đăng Ninh, cùng Ban Kiểm tra Trung ương, các ban kiểm tra khu ủy, liên khu ủy (sau một thời gian được thành lập) đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng của Trung ương và các cấp ủy giao. Ở Trung ương có những vụ việc quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho đồng chí Trần Đăng Ninh, cùng một số cán bộ thực hiện.

Năm 1949, đồng chí tham gia Đảng đoàn Mặt trận dân tộc thống nhất, được bổ nhiệm làm Phó Tổng thanh tra của Chính phủ và được cử vào Ban Giám sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 1950, đồng chí được phái sang Trung Quốc đặt quan hệ và yêu cầu bạn chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Sau khi về nước, đồng chí được giao nhiệm vụ đặc phái viên của Chính phủ, phụ trách công tác cầu đường và vận tải phục vụ tiền tuyến. Tháng 7/1950, đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Bộ Quốc phòng. Năm 1951, đồng chí được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục phụ trách công tác hậu cần trong quân đội. Tuy nhiên, do mắc bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã mất vào tháng 10/1955, để lại nhiều thương tiếc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Ghi nhận những đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Đăng Ninh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao Vàng.

Những vụ việc điển hình và kinh nghiệm “thẩm tra, xác minh” trong xem xét, giải quyết vụ việc

Mặc dù là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương chỉ trong 2 năm (từ tháng 10/1948 đến cuối năm 1950), nhưng đồng chí Trần Đăng Ninh cùng Ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc quan trọng, khó khăn, phức tạp, điển hình là vụ tình nghi “Gián điệp H122”. Hay vụ “Hóa chất miền Nam” ở Liên khu IV liên quan đến trí thức Việt kiều ở Pháp theo Bác Hồ về nước cuối năm 1946, đồng chí đã chỉ đạo đoàn kiểm tra tại chỗ, xác định rõ sự thật, giải oan cho đồng chí kỹ sư này. Vụ việc thuyết phục giám mục Lê Hữu Từ ở Phát Diệm, Ninh Bình; vụ việc thuyết phục “Vua Mèo” Vương Chí Sình, ở Đồng Văn, Hà Giang ủng hộ và tham gia cách mạng kháng chiến. Đặc biệt, vụ án Trần Dụ Châu, Cục Trưởng Cục Quân nhu tham ô và dung túng cho cấp dưới làm sai trái, trở thành vụ án nổi tiếng thời chống Pháp và Tòa án quân sự đã xét xử Trần Dụ Châu với mức án cao nhất… Những vụ việc đồng chí trực tiếp xử lý vẫn còn để lại nhiều bài học quý và được nhắc đến ngày nay. Nhiều thế hệ vẫn nhắc đến đồng chí Trần Đăng Ninh với sự kính trọng về một con người chí công vô tư, luôn phân xử đúng, sai rất nghiêm minh, có tình có lý. Chính vì thế, đồng chí Trần Đăng Ninh được nhân dân đặt cho biệt hiệu “Bao Công” của Việt Nam.

Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948 - 16/10/2018), đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương cùng Đoàn cán bộ đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Đăng Ninh tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Tp Hà Nội.

Vụ án “Gián điệp H122” là một trong những vụ án nổi tiếng nhất đã được đồng chí Trần Đăng Ninh xử lý vô cùng độc đáo nhưng cũng rất chuẩn xác, giúp minh oan cho mấy trăm cán bộ và quần chúng vô tội.Năm 1948, cơ quan quân báo nhận được tin phòng Nhì Pháp đã gài một gián điệp mang bí số H122 vào cơ quan chỉ huy của ta ở liên khu Việt Bắc. Theo tin này, H122 đã lấy được báo cáo về kế hoạch quân sự Thu - Đông năm 1948 của ta và chuyển về cho địch.

Đây thực chất chỉ là một kế hoạch ly gián của địch. Nhưng do tâm lý chủ quan, nóng vội, quan liêu và kinh nghiệm còn non kém của ta, hậu quả của sự việc đã trở nên rất nghiêm trọng. Ngày đó khi có tin gián điệp H122 được cài vào lực lượng của ta, khắp các đơn vị ở liên khu Việt Bắc đã nhìn nhau với ánh mắt nghi kỵ.

Vụ việc xuất phát từ việc một đồng chí giám mã (chuyên làm nhiệm vụ chăn dắt ngựa) đã vô tình chạy ra sân lấy cái khăn mặt màu trắng vào nhà đúng lúc có máy bay địch bay qua. Một người trong đơn vị nhìn thấy, cho rằng anh giám mã đó đã dùng “cờ trắng” để báo hiệu cho máy bay địch. Anh giám mã bị bắt ngay sau đó và bị gán cho cái tội là “gián điệp H122”. Vì quá nóng vội, các cán bộ làm nhiệm vụ thẩm tra đã áp dụng những biện pháp nặng tay không cần thiết với anh giám mã, khiến anh này không chịu được, đành đánh liều thừa nhận mình là “H122”.

Sau khi thừa nhận mình là gián điệp, “H122” còn chỉ ra thêm những cán bộ khác trong đơn vị cũng là “gián điệp” của phòng Nhì Pháp cài vào. Cứ như vậy, cán bộ này khai ra cán bộ kia, người này “chỉ điểm” người kia, dần dần vụ án mở rộng ra đến mức có vài trăm cán bộ, trong đó có các cán bộ cấp cao, làm việc ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, nhiều cán bộ ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên cũng bị liên đới. Việc bắt bớ diễn ra, gây hoang mang cho các đơn vị. Không chỉ thế, nhiều người dân bình thường, trong đó có những người phụ nữ bán xôi rong, cũng bị gán tội “làm gián điệp” do bị người quen “khai” ra.

Trước tình hình đó, nghi ngờ vụ án có uẩn khúc, Bác Hồ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh - khi đó là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đi kiểm tra, xem xét vụ án nghiêm trọng này. Đồng chí Trần Đăng Ninh đã tổ chức một đoàn kiểm tra gồm các cán bộ của Ban Kiểm tra Trung ương, của Bộ Quốc phòng, Quân khu Việt Bắc, Nha Công an Trung ương, Sở Công an liên khu Việt Bắc, liên khu ủy Việt Bắc và các tỉnh có liên quan đến vụ án. Đồng  chí yêu cầu lựa chọn những cán bộ có trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm vững vàng tham gia đoàn kiểm tra. Đồng thời, yêu cầu các cán bộ tham gia công tác kiểm tra phải thật cụ thể, khách quan, thận trọng, tôn trọng chứng cứ, tránh suy diễn tùy tiện, phải thực sự mạnh dạn nêu ý kiến nếu phát hiện nghi vấn khác.

Khi điều tra vụ án H122, điều khiến đồng chí Trần Đăng Ninh cảm thấy rất không ổn là những tài liệu trong vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau. Hơn nữa, hoạt động gián điệp không thể lộ liễu, xô bồ mà phải đơn tuyến, không thể có chuyện các mạng lưới gián điệp đều nắm giữ thông tin của nhau được, trong khi đó, các cơ quan liên khu đều không thể chỉ ra được tài liệu bị mất là tài liệu nào. Một điều nữa khiến đồng chí Trần Đăng Ninh băn khoăn là H122 - một “gián điệp” do phòng Nhì Pháp cài vào lại chỉ là một anh giám mã không biết chữ, ngày ngày chăm sóc ngựa, không có điều kiện tiếp xúc với những hồ sơ, tài liệu quân sự quan trọng. Điều này làm nảy sinh trong lòng ông những nghi vấn. Khi hỏi ra lý do vì sao anh giám mã bị nghi ngờ là H122, ông mới biết chuyện vẫy cờ trắng gọi máy bay của anh giám mã.

Là người tôn trọng chứng cứ, cẩn thận trong việc kiểm tra, đồng chí Trần Đăng Ninh đã đích thân đến tận cái sân mà “H122” vẫy máy bay, ông lập tức thấy có chuyện không ổn: Khoảng sân chỉ rộng bằng vài manh chiếu nhỏ, nằm trong một khu rừng rậm, từ vị trí đó không thể ra dấu cho máy bay được. Từ nghi vấn này, ông đã vận động anh giám mã “H122” và những cán bộ bị bắt do có liên quan đến vụ án mạnh dạn khai nhận sự thật. Đến lúc này, “H122” và các cán bộ bị bắt mới thú nhận do không chịu nổi sự tra khảo cực đoan, vội vã của một số cán bộ thi hành nhiệm vụ, nên họ đã đành phải khai sai, khai liều và làm oan thêm những người vô tội khác.

Lập tức đồng chí Trần Đăng Ninh ra lệnh thả những cán bộ bị bắt trong vụ án “gián điệp H122” và chính thức khép lại vụ án. Mấy trăm người bị oan đã được trả tự do, phục hồi công tác. Những cán bộ mắc sai lầm trong vụ án này bị kiểm điểm xác đáng.

Sau này, có lần có dịp đi trực thăng qua các khu rừng rậm, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh vẫn thử nhìn xuống dưới cánh rừng xem có thể nhìn thấy một cái khăn trắng giữa một cánh rừng rậm thế không. Mỗi lần như thế, ông càng vững tin quyết định của mình trong vụ án “gián điệp H122” là đúng. Vụ án “gián điệp H122” sau này trở thành bài học kinh điển cho công tác phòng chống gián điệp của ta.

*

Để thấy thêm tính cách công minh, chính trực của “Bao Công” Trần Đăng Ninh, xin kể thêm hai câu chuyện nhỏ dưới đây. Chuyện thứ nhất xảy ra vào giữa năm 1951. Đồng chí Trần Đăng Ninh đang trên đường công tác, nghe tin ở Bắc Kạn có một trạm trưởng mới bị bắt giam vì tội tham ô công quỹ, ông liền quay lại, đến Chi cục Vận tải Bắc Kạn đề nghị báo cáo sự việc. Chi cục trưởng vốn là bạn tù với ông từ năm 1945, kể là anh trạm trưởng làm thụt két của đơn vị và đã bị tạm giam 2 tuần nay. Ông hỏi có đủ chứng cứ để giam giữ chưa? Chi cục trưởng cười xòa nói mới nghe anh em báo cáo vậy, chứ bận quá chưa kiểm tra được cụ thể về chứng cứ. Ông liền nghiêm mặt nói: Chưa có chứng cớ đã bắt giam người ta là phạm luật, yêu cầu phải thả ngay. Thì ra, người trạm trưởng kia chỉ vì cách làm việc luộm thuộm, nhập tiền quỹ mà chưa kịp đưa vào sổ sách, tiền vẫn để trong két, chứ không hề có ý định biển thủ và số tiền không mất đồng nào. Người trạm trưởng chỉ bị phê bình về tác phong làm việc, không bị cách chức; còn chi cục trưởng bị kỷ luật vì đã tự ý bắt giam người khi chưa có bằng chứng cụ thể.

Câu chuyện thứ hai do đồng chí Vũ Thơ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình kể: Lần ấy, đồng chí Trần Đăng Ninh từ Chiến khu Việt Bắc về tỉnh Hòa Bình công tác, biết tin đồng chí C, Phó chủ tịch huyện Lương Sơn đánh một người dân, liền đến tận nơi tìm hiểu sự việc. Đồng chí C giải trình, kiểm điểm và nhận một hình thức kỷ luật, một số đồng chí Tỉnh ủy viên có ý kiến cần “chiếu cố” vì đồng chí C hoạt động từ thời bí mật và mới phạm lần đầu. Trưởng ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đây là một khuyết điểm nặng, vi phạm về đạo đức, tác phong của người cách mạng, cần kỷ luật thích đáng để làm gương. Đồng chí C đã bị kỷ luật cách chức và chuyển công tác.

Đồng chí Trần Đăng Ninh còn thể hiện con người “thiết diện vô tư”, kiên quyết đưa kẻ phạm tội ra trước vành móng ngựa dù ở cấp nào, trong vụ án nổi tiếng thời chống Pháp mà sau này đã được viết thành tiểu thuyết, kịch sân khấu. Đó là vụ Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Quân nhu tham ô và dung túng cho cấp dưới làm sai  trái. Vụ việc được phát hiện, Tòa án Quân sự xử với mức án cao nhất và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó đã bác đơn xin được miễn tội chết của kẻ tham nhũng, biến chất. Cuối năm 1950, Trần Dụ Châu đã bị xử bắn công khai tại sân vận động Thái Nguyên…

Nhà cách mạng Trần Đăng Ninh - những câu chuyện giản dị bên đồng chí, đồng đội

Năm 1949, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan đóng ở Việt Bắc. Đêm nào cũng làm việc tới khuya, nhưng buổi sáng, khi anh em đi tăng gia sản xuất, đi vào rừng lấy gỗ làm nhà, ông cũng đi theo.

Anh em cản lại, ông nói: “Tôi cũng là người như các đồng chí, tại sao việc các đồng chí làm được, tôi lại không làm được?”. Thời đó, mức sống của cán bộ còn thấp. Gạo ăn mỗi bữa rất xấu, có hôm còn phải ăn gạo mốc. Tiêu chuẩn mỗi bữa chỉ 2 lưng cơm một người. Dù là cấp trên, nhưng chưa một bữa ăn nào, đồng chí Trần Đăng Ninh ăn quá 2 lưng cơm tiêu chuẩn.Có hôm ông bận việc phải ăn sau, cấp dưỡng thương ông vất vả, bồi dưỡng thêm một quả trứng thì bị ông nghiêm giọng phê bình: “Anh em còn ăn uống thế, đồng chí cho tôi ăn thêm, tôi nuốt sao trôi!”.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê - người đã từng có 5 năm làm bí thư cho nhà cách mạng Trần Đăng Ninh kể: “Ngày còn ở Việt Bắc, có lần đi công tác xa phải đi ngựa, tôi và anh Trần Đăng Ninh chỉ có một con ngựa. Đi được một đoạn, anh Ninh nhảy xuống ngựa, bảo tôi lên ngựa ngồi cho đỡ mệt. Tôi bảo: Anh là Thủ trưởng, sao lại nhường ngựa cho cấp dưới?

Anh cười xòa: Thủ trưởng hay cấp dưới thì cũng đều là người cả, cũng biết mệt như nhau. Và suốt chặng đường sau đó, tôi ngồi ngựa một đoạn, anh Ninh ngồi ngựa một đoạn, cứ thay nhau như thế, vừa đi vừa rôm rả tâm sự chuyện công, chuyện tư, quên cả mệt nhọc, quên luôn cả khoảng cách cấp trên - cấp dưới.

Ngày xưa có khoảng thời gian tôi bị ốm nặng, sức khỏe suy sụp. Tiêu chuẩn cán bộ của tôi hồi ấy ăn uống hết sức đạm bạc. Thương tôi ốm yếu nên bữa cơm, anh Ninh thường gọi tôi sang ăn cùng, chia sẻ phần tiêu chuẩn cán bộ cao cấp của mình, dù phần tiêu chuẩn đó chẳng đáng bao nhiêu. Sau này khi không còn làm bí thư cho anh Ninh, và cả khi anh Ninh đã qua đời, tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm đó”.

Năm 1950, đồng chí Trần Đăng Ninh nhận nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Cung cấp - sau này là Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng. Đồng chí là Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Hậu cần.

Nhận nhiệm vụ đúng lúc chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới, đồng chí Trần Đăng Ninh và một cán bộ của Tổng cục Cung cấp lập tức lên đường thị sát trước chiến dịch. Trước khi đi, thấy trong ba lô của ông chỉ có 2 bộ quần áo bộ đội cũ rách, người cán bộ cấp dưới nói:“Để em đi đề nghị cấp cho anh một bộ quân phục mới. Đi thị sát, phải mặc đồ mới cho ra dáng lãnh đạo cao cấp”. Nhưng Tổng cục trưởng Trần Đăng Ninh khiêm tốn từ chối: “Sao lãnh đạo thì phải mặc quần áo mới? Chỉ có tôi và đồng chí đi thị sát, cần gì phải ra dáng với ai?”.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, thu được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có nhiều áo ấm, những chiến sĩ lái xe là người đầu tiên được đồng chí Trần Đăng Ninh cấp cho những chiếc áo ấm để đi đường trường.

Cũng có lần khi đi đến thăm một đơn vị giữa mùa đông, thấy một người lính trẻ đang lạnh run người vì chỉ mặc một chiếc áo mỏng manh, Tổng cục trưởng Trần Đăng Ninh đã không chần chừ cởi chiếc áo len mình đang mặc để tặng cho người lính trẻ ấy, trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người.

*

Những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Đăng Ninh với với sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhớ. Tên của ông được đặt cho một con đường ở Hà Nội, một đường và một phường ở thành phố Nam Định và một đường ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ ông, tháng 7/1956, Bưu điện Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã phát hành bộ tem gồm 4 mẫu in hình chân dung của ông. Trường THCS của thành phố Nam Định và trường THPT của huyện Ứng Hòa tại xã Hoa Sơn được mang tên Trần Đăng Ninh. Năm 2003, tại khu đất của gia đình thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu đã xây dựng Khu lưu niệm của ông. Và năm 2013, Tượng đài Chiến sĩ cộng sản Trần Đăng Ninh được xây dựng trong khuôn viên Trường THPT Trần Đăng Ninh.

Trường THPT Trần Đăng Ninh tổ chức Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trường(1977-2012), trong đó có hình ảnh tưởng nhớ đồng chí Trần Đăng Ninh đến các thế hệ học sinh.

Xin được thay cho lời kết bằng lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cuộc Hội thảo 55 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, 85 năm Ngày sinh đồng chí Trần Đăng Ninh vào dịp cuối năm 1995: “Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta cần có những người như anh Trần Đăng Ninh. Bác Hồ nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa”. Phải chăng anh Ninh là một mẫu người mà Bác Hồ muốn xây dựng?…”.; Những năm tháng làm việc với anh Ninh là những năm tháng đầy kỷ niệm đẹp đối với tôi. Anh Ninh là tấm gương sáng để noi theo./.

An Bình

------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Kỷ yếu 70 năm Ngành Kiểm tra Đảng, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông năm 2018.

2. Trang thông tin Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

3. Trần Đăng Ninh, một tấm gương sáng ngời phẩm chất cách mạng: Báo Nhân Dân, ngày 08/10/2009.


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu