A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Người đặt nền móng cho công tác kiểm tra của Đảng

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người cộng sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam; một mẫu mực về đạo đức cách mạng, tấm gương trong sáng, luôn sự nghiệp cách mạng phụng sự nhân dân. Đồng chí là người góp phần xây dựng những nền tảng đầu tiên về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng, truyền bá chủ nghĩa cộng sản khoa học ở nước ta, đồng thời là một trong những người tham gia tích cực vào quá trình thành lập Đảng (03/02/1930) và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đồng chí có n 20 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương (từ tháng 4/1956 đến tháng 12/1976) - Là người đặt nền móng cho công tác kiểm tra của Đảng.

Nhân Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904-02/4/1924), Tạp chí Kiểm tra có bài viết về quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của đồng chí với cách mạng Việt Nam và Ngành Kiểm tra Đảng.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Bí danh Anh Cả, Sao Đỏ, Cù Vân, sinh ngày 02/4/1904 tại thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đồng chí sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, tham gia cách mạng từ tháng 12/1925- là lớp thế hệ các chiến sỹ cách mạng đầu tiên của Đảng, giác ngộ theo con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tháng 12/1925 đồng chí gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, một tổ chức cách mạng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đến tháng 9/1929 Đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1945, Đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, chuyên trách công tác tài chính và binh vận. Sau tổng khởi nghĩa, kiêm công tác ở Tổng bộ Việt Minh; tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng; làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đến năm 1952 được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đầu tiên tại Liên Xô. Đến tháng 7/1955 được Trung ương bổ sung vào Ban Kiểm tra Trung ương.Đến tháng 4/1956 được cử làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) được bầu lại làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu lại làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương.Tại Quốc hội khoá III, kỳ họp thứ 5 (năm 1969) Đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (kiêm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương), sau khi nước nhà thống nhất là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đồng chí từ trần ngày 20/7/1979, tại Hà Nội.

Đồng chí là người góp phần xây dựng những nền tảng đầu tiên về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng, truyền bá chủ nghĩa cộng sản khoa học ở nước ta, đồng thời là một trong những người tham gia tích cực vào quá trình thành lập Đảng (03/02/1930) và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, ở cương vị nào đồng chí cũng gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, kiên trung bất khuất trước quân thù, một người cộng sản mẫu mực có đủ phẩm chất Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

Đặc biệt là với công tác của Đảng đồng chí Nguyễn Lương Bằng - là người đặt nền móng cho công tác kiểm tra của Đảng(1). Đồng chí có n 20 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương(2). Trong quá trình công tác đồng chí đã đóng góp những ý kiến đề xuất với Trung ương và nêu lên một số vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng.Trong đó, là những vấn đề cơ bản về vị trí, vai trò, nguyên tắc, phương châm, quy trình, nội dung của công tác kiểm tra, chức năng, nhiệm vụ của UBKT, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác kiểm tra của Đảng.Những ý kiến đề xuất với Trung ương và các quan điểm chỉ đạo của đồng chí có ý nghĩa quan trọng vẫn còn nguyên giá trị vận dụng vào công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng cho tới ngày nay.

Điều đó được xác định ngay từ những năm đầu đảm trách nhiệm vụ, đồng chí xác định rất rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra của Đảng cũng như trách nhiệm của tổ chức đảng, cá nhân đảng viên.Đồng chí nêu rõ: “Muốn bảo đảm việc tăng cường tính giai cấp và tính tiên phong của Đảng được thực hiện đúng đắn và kỷ luật của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh thì công tác kiểm tra của Đảng phải được thường xuyên tiến hành và phải đặt nó vào một vị trí công tác không thể thiếu được. Nếu công kiểm tra của Đảng không được sử dụng một cách đầy đủ trong mọi mặt công tác của Đảng thì đó là một thiếu sót không kém phần quan trọng của cấp ủy đảng và đảng viên cũng phải góp phần trách nhiệm”. Đồng chí xác định công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác kiểm tra là ba mặt gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, không được coi nhẹ mặt nào, quan điểm chỉ đạo của Đồng chí cũng đã được quy định rõ trong Điều lệ Đảng từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, cụ thể Điều lệ đã nêu: “Thường xuyên kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Điều lệ, kỷ luật của Đảng, trái đạo đức cách mạng và pháp luật của Nhà nước; xét xử việc khiếu nại và tố cáo của đảng viên; căn cứ vào quyền hạn quy định ở Chương 10 trong Điều lệ Đảng mà quyết định kỷ luật, chuẩn y hoặc xóa bỏ kỷ luật đối với đảng viên; kiểm tra tài chính đảng”. Trong qua trình lãnh đạo công tác kiểm tra, đồng chí đã đề ra những nguyên tắc và luôn dặn dò cán bộ làm công tác kiểm tra thực hiện đúng các nguyên tắc này như:  (1) Công công tác kiểm tra phải được tiến hành dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phải thường xuyên báo cáo với cấp ủy, xin ý kiến cấp ủy; (2) Phải triệt để vận dụng đường lối quần chúng vào công tác kiểm tra, dựa vào đông đảo đảng viên trong đơn vị, dựa vào các đoàn thể quần chúng, thậm chí cả những quần chúng ngoài Đảng; (3) Công tác kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên,làm công tác kiểm tra phải nghiêm khắc nhưng cũng phải thận trọng, phải phân biệt bản chất, mức độ từng vụ việc, thông qua lãnh đạo tập thể và trí tuệ tập thể để xử lý đúng mọi vụ việc, tránh tình trạng làm lướt, làm cho xong việc. Xác định rõ phạm vi, giới hạn ủy ban kiểm tra các cấp trong thực hiện công tác kiểm tra theo quy định của Đảng; (4) Gắn liền “Kỷ luật với giáo dục”, giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cách mạng là việc cần được quan tâm và tiến hành thường xuyên; kiểm tra là cần thiết, không thể thiếu, nhưng phòng ngừa vẫn là chính; (5) Coi trọng đi công tác cơ sở, tìm hiểu tình hình thực tế cơ sở làm nền tảng để cấp trên tiến hành công tác kiểm tra được kịp thời, chính xác. Thường xuyên nhắc nhở cán bộ cơ sở phải chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; (6) Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng, cán bộ kiểm tra phải “Không ngừng học tập về các mặt chính trị, nghiệp vụ, văn hóa”.

Trong quá trình lãnh đạo công tác kiểm tra, đồng chí đã có nhiều ý kiến đề xuất với Trung ương, các quan điểm chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng,còn nguyên giá trị vận dụng vào công tác kiểm tra của Đảng cho tới ngày hôm nay, đó là:

Một là, các cấp ủy đảng phải coi trọng, nhận thức đầy đủ vị trí, tác dụng, tầm quan trọng của công tác kiểm tra Đảng. Công tác kiểm tra cùng với công tác tư tưởng, công tác tổ chức là ba mặt quan trọng của công tác xây dựng Đảng, có sự phối hợp hoạt động, gắn bó chặt chẽ, thống nhất làm cho Đảng vững mạnh, không thể coi nhẹ mặt nào, không thể thiếu hoặc yếu một mặt được, coi nhẹ công tác kiểm tra là thiếu tinh thần trách nhiệm trước Đảng.Mục đích của công tác kiểm tra là bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng; bảo đảm củng cố Đảng cả về tổ chức và tư tưởng chính trị; đảm bảo cho chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh và được tổ chức thực hiện đúng đắn, đồng thời, kịp thời bổ sung, chỉnh sửa các thiếu sót, sai lầm trong bản thân các nghị quyết, chỉ thị cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác kiểm tra, kỷ luật đảng phải được tiến hành thường xuyên, là biện pháp quan trọng để giữ vững kỷ luật của Đảng, tăng cường tính giai cấp, tính tiền phong, sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, giúp Đảng có đủ sức mạnh để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của mình(3).

Hai là, công tác kiểm tra là công việc của bản thân cấp ủy Đảng, phải được tiến hành dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng.Các cấp ủy cần quan tâm đúng mức và tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, cần có phương hướng cụ thể cho từng năm, quý, tháng; phải định kỳ nghe UBKT báo cáo để có chủ trương chỉ đạo cho sát.Công tác kiểm tra phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong từng thời kỳ. Muốn làm tốt công tác kiểm tra, kỷ luật, nguyên tắc cơ bản trước hết UBKT phải tiến hành công tác dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy cùng cấp,phải thường xuyên báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, nhất là những vấn đề quan trọng;đồng thời,phải phát huy cao độ ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công tác, phải dựa vào tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng, phải nắm vững phạm vi, giới hạn công tác. Để phát huy được đầy đủ tác dụng của công tác kiểm tra thì phải tích cực thực hiện và làm tốt các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; tập trung kiểm tra, xử lý đảng viên vi phạm Điều lệ, kỷ luật đảng và pháp luật Nhà nước(4).

Ba là, tiến hành công tác kiểm tra phải nghiêm khắc nhưng cũng phải thận trọng, phải phân biệt bản chất, mức độ từng vụ việc, thông qua lãnh đạo tập thể và trí tuệ tập thể để xử lý đúng mọi vụ việc; phải có hình thức kỷ luật thích đáng với đảng viên có sai lầm lớn, không tiếp thu sự phê bình, giáo dục của Đảng; việc thi hành kỷ luật phải nghiêm minh nhưng trước hết phải nhằm giáo dục đảng viên không tái phạm sai lầm, mở đường cho đảng viên sửa chữa sai lầm,phải nắm vững và vận dụng đúng đắn phương châm “ngăn trước ngừa sau, trị bệnh cứu người(5).

Bốn là, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dành nhiều thời gian đi thực tế, đã trực tiếp xuống hầu hết các tỉnh để chỉ đạo công tác và chỉ ra rằng phải chú trọng xây dựng và phát triển công tác kiểm tra ở các địa phương, cần thực hiện có nề nếp và làm tốt công tác kiểm tra ở cơ sở để giữ gìn kỷ luật, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng sai trái nảy sinh, giúp cho cấp trên tiến hành công tác kiểm tra được kịp thời và chính xác(6).

Năm là, các ban tham mưu của cấp ủy phải có sự phối hợp, kết hợp nề nếp, thường xuyên với nhau. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác, trong xem xét thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm(7).

Sáu là, phải thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cốtổ chức, bộ máy, kiện toàn cơ quan kiểm tra chuyên nghiệp; bổ sung cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Theo đồng chí Nguyễn Lương Bằng, công tác kiểm tra là một công tác rất phức tạp nên cán bộ kiểm tra “phải có trình độ chuyên môn nhất định, phải có tích lũy kinh nghiệm”. Ngoài phẩm chất chung của người cán bộ, đảng viên, người làm công tác kiểm tra còn phải thể hiện rõ hơn lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng; luôn tu dưỡng tư tưởng, đạo đức, không lùi bước trước khó khăn;phải có nhân cách, phải liêm khiết hơn mọi người; phải thấu hiểu đường lối, chính sách của Đảng, thấu suốt phương châm, phương hướng kỷ luật của Đảng; phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ và quyền hạn của UBKT đã được quy định trong Điều lệ Đảng; phải ra sức học tập về các mặt chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa(8).

Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã góp phần đặt nền tảng cơ sở lý luận và làm sáng tỏ các nội dung, nguyên tắc, phương pháp công tác kiểm tra của Đảng. Những chỉ dẫn của đồng chí về công tác kiểm tra, kỷ luật đảng vẫn còn có ý nghĩa to lớn đối với Ngành Kiểm tra Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

UBKT các cấp và cán bộ kiểm tra luôn đề cao việc học tập tấm gương các đồng chí cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng để xây dựng một Đảng trong sạch, vững mạnh.Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; trong đó, những cống hiến và đóng góp của đồng chí cho công tác kiểm tra của Đảng đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tuỵ”.

Kế thừa phát huy giá trị nền tảng cơ sở lý luận về công tác kiểm tra đảng và tấm gương các bậc tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, UBKT Trung ương, UBKT các cấp đã nỗ lực phấn đấu xây dựng Ngành Kiểm tra Đảng ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; trung thực, đoàn kết, liêm khiết, tận tụy, thương yêu đồng chí; chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, kiên trì, bền bỉ, hết lòng, hết sức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên hết.

Trong giai đoạn hiện nay, nhất là những nhiệm kỳ gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực, cố gắng thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp giao với khối lượng công việc rất lớn; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ngày càng nâng cao, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm đã được kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm; những vụ việc mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời. Nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.Kết quả công tác kiểm tra đã kiên quyết xử lý và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.

Từ công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã ban hành và tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp ban hành hệ thống các văn bản, quy định khá hoàn chỉnh về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, bảo đảm khoa học, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, sát thực tế, phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp uỷ và UBKT các cấp thực hiện nhiệm vụ được giao.

Công tác xây dựng Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra được chú trọng, tăng cường. Được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng; sự dìu dắt, ủng hộ, giúp đỡ của các thế hệ đi trước; sự rèn luyện qua thực tiễn công tác, đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp ngày càng bản lĩnh, trưởng thành, đoàn kết, thống nhất, tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm cao.

Những kết quả trên đã tạo dấu ấn quan trọng trong chặng đường hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành Kiểm tra Đảng, góp phần đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; minh chứng cho quyết tâm chính trị cao của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không ngừng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và chế độ, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần tạo môi trường minh bạch, lành mạnh để phát triển đất nước.

Với ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đội ngũ cán bộ Ngành Kiểm tra Đảng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người lãnh đạo Ngành Kiểm tra mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Noi theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, UBKT Trung ương và UBKT các cấp tiếp tục nỗ lực, dũng cảm vượt qua khó khăn, tận tâm thực hiện nhiệm vụ, giành nhiều thắng lợi mới, xứng đáng sự sự tin yêu của Đảng và Nhân dân./.

TS. Trần Văn Tĩnh*

[*]Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương

--------------------

(1)- Nhận định tại cuốn sách “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương”, NXBCTQG năm 2009, trang 102.

(2)- Từ tháng 7/1955 đồng chí được bầu và Ban Kiểm tra Trung ương và từ tháng 4/1956 đến tháng 12/1976 làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương.

(3)- Trích nội dung các bài viết của đồng chí Nguyễn Lương Bằng: (1) “Tăng cường công tác kiểm tra” đăng trên Tạp chí Học tập (Tạp chí Lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam) số 10 năm 1961; (2) “Vai trò của công tác kiểm tra trong công tác xây dựng Đảng” viết ngày 23/2/1962 (được tập hợp tại cuốn sách: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương”, trang 63). (3) “Coi trọng công tác kiểm tra của Đảng” đăng trên Tạp chí Học tập số 4 năm 1962; (4) Bài nói chuyện năm 1962 (trích tại cuốn sách: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương”, trang 102); (5) Trích nội dung các cuốn sách: “Anh Cả Nguyễn Lương Bằng”, NXBCTQG năm 2005, trang 334; “Nguyễn Lương Bằng Tiểu sử”, NXBCTQG năm 2015, trang 254.

(4)- Trích nội dung các bài viết: “Tăng cường công tác kiểm tra” đăng trên Tạp chí Học tập số 10 năm 1961; “Coi trọng công tác kiểm tra của Đảng” đăng trên Tạp chí Học tập số 4 năm 1962; trích nội dung các cuốn sách: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương”, trang 103, 104; “Anh Cả Nguyễn Lương Bằng”, trang 338, 339, 345, 346.

(5)- Trích nội dung bài viết “Coi trọng công tác kiểm tra của Đảng” đăng trên Tạp chí Học tập số 4 năm 1962.

(6)- Trích nội dung các cuốn sách: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương”, trang 106, 219; “Nguyễn Lương Bằng Tiểu sử”, trang 225, 262.

(7)-Trích nội dung các bài viết “Coi trọng công tác kiểm tra của Đảng” đăng trên Tạp chí Học tập số4 năm 1962; “Vai trò của công tác kiểm tra trong công tác xây dựng Đảng”, ngày 23/2/1962; Bài phát biểu trong Hội nghị lần thứ 23 của BCH Trung ương, tháng 10/1974 (trích trong cuốn “Anh Cả Nguyễn Lương Bằng”, trang 416).

(8)- Trích nội dung các bài viết “Tăng cường công tác kiểm tra” đăng trên Tạp chí Học tập số 10 năm 1961; “Nâng cao hơn nữa ý thức tổ chức và ý thức kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết nhất trí; tăng cường sức chiến đấu của Đảng” đăng trên Tạp chí Học tập số 2 năm 1965; các cuốn sách: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương”, trang 105, 219; “Nguyễn Lương Bằng Tiểu sử” trang 245, 268, “Anh Cả Nguyễn Lương Bằng”, trang 346, 365.


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu