A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ quan UBKT Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết khóa học nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin

Sáng 26/3, Cơ quan UBKT Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết khóa học nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 04 điểm cầu: Hội trường tầng 11 trụ sở Cơ quan (điểm cầu chính), phòng họp vụ Địa bàn V, VII, VIII. Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Thủ trưởng Cơ quan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các Cơ quan Đảng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Về phía khách mời có: Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội: PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc; PGS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông; TS. Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm giải pháp và công nghệ chuyển đổi số trong giáo dục.

Dự hội nghị có các đồng chí Thành viên UBKT Trung ương; lãnh đạo, cán bộ, công chức các vụ, đơn vị  Cơ quan UBKT Trung ương tại 04 điểm cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức Cơ quan UBKT Trung ương. Từ ngày 05-15/3/2025, Cơ quan UBKT Trung ương đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ, công chức Cơ quan nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Kết thúc lớp tập huấn, đã có 100% cán bộ, công chức Cơ quan UBKT Trung ương hoàn thành chương trình và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an giới thiệu về Đề án 06

Tại Hội nghị, Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an giới thiệu quá trình xây dựng và triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Việc triển khai Đề án 06 có ý nghĩa rất lớn giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân. Góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu, tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng. Thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh.

Quang cảnh Hội nghị

Dịch vụ hành chính công và dịch vụ công trực tuyến, là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật và cũng là dịch vụ hành chính của cơ quan nhà nước phục vụ công dân, tổ chức trên môi trường mạng. Hiện nay dịch vụ công trực tuyến đã tập trung triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu và đã triển khai tích hợp các giấy tờ công dân để sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNeID, trong đó tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch. Đề án 06 của Chính phủ đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn; các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích cốt lõi: (1) Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Nhóm tiện ích phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, chia sẻ kinh nghiệm từ việc triển khai thành công Đề án 06, để triển khai thành công chuyển đổi số điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số và cần có sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện. Tại Hội nghị, đồng chí cũng giới thiệu một số mô hình chính phủ điện tử thành công tại các nước như: Đan Mạch, Singapore, Hàn Quốc để Việt Nam học hỏi.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tham luận, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nêu ra 02 bài học, 01 quyết tâm và 03 giải pháp lớn để triển khai thành công chuyển đổi số từ kinh nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong đó, theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, điều đầu tiên chính là niềm tin, sự quyết liệt, quyết tâm của con người Việt Nam khi đối diện khó khăn, thử thách và đó là sức mạnh của con người Việt Nam; điều thứ 2, Việt Nam có thể phát triển hùng cường, thịnh vượng khi làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ số, nâng cao năng lực số, tiến tới xã hội số, kinh tế số và công dân số.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Vụ Địa bàn VI, Cơ quan UBKT Trung ương, đại diện học viên tốt nghiệp lớp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho biết, qua lớp tập huấn, đồng chí nhận thấy việc nâng cao nhận thức chuyển đổi số là vấn đề then chốt, cần thiết để học viên hoàn thiện hơn về nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Thủ trưởng Cơ quan, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các Cơ quan Đảng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Thủ trưởng Cơ quan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các Cơ quan Đảng nhấn mạnh vai trò to lớn của việc chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước. Việt Nam phải bắt kịp con tàu CMCN 4.0 không thể chậm trễ hơn được nữa? Điều này đặt ra vấn đề chúng ta có dám đi vào cái mới, đi thẳng vào hiện đại không? Chúng ta có dám từ bỏ những lợi ích nhỏ, lợi ích riêng để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu, minh bạch đưa đất nước phát triển vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thịnh vượng của dân tộc hay không? Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi.

Đồng chí cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết rất quan trọng về chuyển đổi số vào đúng ngày Quốc khánh (2/9/2024): Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trong đó có đoạn: Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Sau đó, vào ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những giải pháp rất căn cơ. Đây là những nền móng rất quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc cho biết, đối với Cơ quan UBKT Trung ương, thời gian gần đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và đồng chí thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú trong mỗi lần làm việc đều nhắc nhở về công tác chuyển đổi số trong Ngành Kiểm tra, tiến tới mục tiêu: “Kiểm tra trên dữ liệu, giám sát trên dữ liệu”. Đồng chí cũng nhắc nhở, việc triển khai Nghị quyết 57 có nơi, có việc còn chậm, nguyên nhân là do “nhận thức chưa tới tầm, giải pháp chưa mạnh dạn”. Hiện nay, Cơ quan UBKT Trung ương đang tích cực triển khai các phần mềm điều hành, tác nghiệp, phần mềm quản lý số hóa tài liệu lưu trữ, phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh….trang bị Chứng thư số cho toàn bộ lãnh đạo, cán bộ Cơ quan; rà soát xây dựng kế hoạch tổng thể công tác chuyển đổi số ngành Kiểm tra và Cơ quan UBKT Trung ương, xây dựng phương án triển khai tổng thể hệ thống CNTT Cơ quan UBKT Trung ương … Thời gian tới, UBKT Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, cách thức, phương pháp kiểm tra, giám sát trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào các mặt công tác. Tập trung xây dựng và kết nối đồng bộ các dữ liệu để hướng tới thực hiện công tác “giám sát trên dữ liệu, kiểm tra trên dữ liệu” phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Phó Thủ trưởng Cơ quan, Thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong các Cơ quan Đảng TW; đồng chí Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an; PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trao chứng chỉ tốt nghiệp cho đại diện học viên.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, lớp tập huấn nâng cao nhận thức chuyển đổi số với 100% cán bộ, công chức Cơ quan UBKT Trung ương tốt nghiệp là cơ sở quan trọng để Cơ quan UBKT Trung ương tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới. Đồng chí tin tưởng rằng, Cơ quan UBKT Trung ương sẽ tiếp cận nhanh nhất Nghị quyết 57, thành thạo về chuyển đổi số, hạn chế tối đa thời gian quá độ để chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào công tác kiểm tra, giám sát và Cơ quan UBKT Trung ương phấn đấu là Cơ quan đi đầu trong việc chuyển đổi số và ứng dụng CNTT.

Mạnh Tiến - Minh Ngọc


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu