A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao nhiều tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận bị kỷ luật?

Bài 2: Những sai phạm từ chủ trương đến thực hiện một dự án

Như đã nói, Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển về nhiều mặt. Trong đó, đáng kể đây là địa phương có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn; là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam, với vùng lãnh hải rộng 52 nghìn km²…Đặc biệt, với bờ biển trải dài gần 200 km, khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, nhiều di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Mũi Né- Phan Thiết đã được công nhận là khu du lịch Quốc gia, là “thiên đường du lịch được tạo nên từ những cồn cát”, được mệnh danh là “thủ đô resort”, tập trung hàng trăm resort lớn nhỏ từ cao cấp đến trung cấp, cùng với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao trên cát - biển… Nhiều năm qua, ở một mức độ nhất định, Đảng bộ và Nhân dân Bình Thuận đã khai phóng tiềm năng, lợi thế đó, góp phần tạo nên một diện mạo Bình Thuận khá phồn vinh, hiện đại.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế nói chung, đô thị hóa, thực hiện các dự án nói riêng, cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Trong cuộc kiểm tra trên, UBKT Trung ương đã kiểm tra BTV Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo BCS đảng UBND tỉnh về triển khai thực hiện 9 dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh. Vi phạm đầu tiên và cơ bản nhất là cả 9 dự án này BCS đảng đều không họp bàn cho chủ trương, để UBND tỉnh trực tiếp báo cáo BTV Tỉnh ủy 6/9 dự án, không báo cáo BTV Tỉnh ủy 3/9 dự án (theo quy chế làm việc, các dự án này thuộc diện phải báo cáo xin ý kiến BTV Tỉnh ủy) trước khi triển khai. Đã thế, BTV Tỉnh ủy thiếu kiểm tra, giám sát; BCS đảng lại buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh quyết định, tổ chức triển khai thực hiện có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở, xây dựng, lâm nghiệp... gây thất thoát, thất thu và có nguy cơ thất thoát ngân sách, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (dưới đây gọi tắt là KĐTDL).

Dự án KĐTDL được chuyển đổi từ dự án sân golf Phan Thiết - được Ủy ban Hợp tác nhà nước về đầu tư cấp Giấy phép đầu tư ngày 27/7/1993 cho Công ty Regent International OverSeas Corp (100% vốn nước ngoài). Năm 2013, Công ty cổ phần Rạng Đông nhận chuyển nhượng lại dự án, xin và được UBND tỉnh chấp thuận cho chuyển đổi dự án, chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở đô thị để xây dựng nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình công cộng, hạ tầng khác. Tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam…Từ chủ trương đến thực hiện dự án này có những vi phạm, khuyết điểm:

BTV Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010-2015 đã sai phạm khi để UBND tỉnh trực tiếp trình xin ý kiến chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang xây dựng KĐTDL và trực tiếp chỉ đạo UBND tỉnh, làm mất vai trò của BCS đảng UBND tỉnh; cơ bản đồng ý với tờ trình của UBND tỉnh về quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của BTV Tỉnh ủy, vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy (trong quy chế không quy định BTV Tỉnh ủy được cho ý kiến về quy hoạch chi tiết một dự án cụ thể); trong đó, không bố trí 20% đất ở để xây dựng nhà ở xã hội vi phạm pháp luật, nguy cơ gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước (NSNN). BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 cho chủ trương không đúng thẩm quyền khi thống nhất với phương pháp, cách thức xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất của dự án KĐTDL theo tờ trình của UBND tỉnh. Giá đất trong tờ trình này đúng hay sai sẽ đề cập sau.

Trong triển khai thực hiện dự án cũng mắc phải nhiều vi phạm. Như, chẳng hiểu sao mà từ tháng 7/2015, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh có văn bản đề nghị Sở Xây dựng thẩm định chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án, thì được trả lời dự án trên không thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Xây dựng; mãi đến hơn 4 năm sau, tháng 10/2019, Sở Xây dựng mới thẩm định và thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở; tháng 11/2019 mới thông báo kết quả thẩm định bản vẽ thi công. Lúc này, dự án đã thực hiện và chuyển nhượng hầu hết quyền sử dụng đất trong dự án. Dự án không được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, nhưng UBND tỉnh cũng không có ý kiến chỉ đạo. Việc không phê duyệt thiết kế cơ sở dẫn đến thiếu căn cứ để xác định giá đất bằng phương pháp thặng dư khi chuyển mục đích sử dụng đất, gây thất thu NSNN

Về chuyển mục đích sử dụng đất của dự án: Dự án có quy mô diện tích 62,06ha. Cuối năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Phan Thiết, có nội dung: Điều chỉnh 62,06ha từ đất thể dục thể thao thành đất khu đô thị. Sai phạm đầu tiên là trong quá trình chuyển đổi mục tiêu thực hiện dự án, UBND tỉnh không thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư, không xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi chấp thuận đầu tư dự án cho Công ty Rạng Đông. Tiếp đó, đầu năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của thành phố Phan Thiết; trong đó, cho chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với 32,69ha (trong 62,06ha đất dự án). Tháng 4 năm đó lại phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng KĐTDL tỉ lệ 1/500 và cho phép  chuyển mục đích sử dụng đất 62,06ha đất sang đất ở đô thị (kết hợp đất thương mại dịch vụ) và đất sử dụng vào mục đích công cộng (không nhằm kinh doanh). Trong khi đó, ngày 30/6/2018, Chính phủ mới phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Bình Thuận và đầu tháng 12/2019, UBND tỉnh mới phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của thành phố Phan Thiết.

Tiếp theo, ngày 30/3/2015, Sở Xây dựng đã tham mưu là theo quy định bắt buộc phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội. Nhưng, không biết vì sự thúc ép nào, cùng ngày, sở lại có tờ trình nêu rõ, sẽ dự thảo văn bản của UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng để triển khai (thực hiện dự án mà không có 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội). Tuy nhiên, như chạy đua với thời gian, hơn nửa tháng trước khi Bộ Xây dựng trả lời, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng KĐTDL, tỉ lệ 1/500, không có diện tích đất cho nhà ở xã hội. Sai lại chồng sai. Trong công văn trả lời (sau đó) của Bộ Xây dựng lại hướng dẫn: UBND tỉnh Bình Thuận có thể căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt, nghiên cứu để điều chỉnh lại quy hoạch quỹ đất ở dành cho xây dựng nhà ở xã hội sang vị trí khác phù hợp trong thành phố Phan Thiết, với diện tích tương đương 20% quỹ đất ở trong dự án

Ít ai hình dung mấy chữ “bắt buộc”“có thể” lại sinh ra những hậu quả khó hoặc không thể khắc phục. Từ chữ “có thể” này, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh bố trí 2 khu đất khác (có một khu thuộc phạm vi phát triển thành phố Phan Thiết mở rộng), với diện tích khoảng 8,57ha để xây dựng nhà ở xã hội thay thế 20% đất tại KĐTDL. Sau, do khó giải phóng mặt bằng nên tỉnh tiếp tục bố trí 4,5 ha đất tại một địa điểm khác để thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong, do đó vẫn chưa hoán đổi được 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội. Những việc làm trên là vi phạm các nghị định của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở, gây thất thu cho NSNN.

KĐTDL có 1 mặt giáp biển, 3 mặt giáp các đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành và đường Phan Trung. Theo quyết định của UBND tỉnh về bảng giá các loại đất (áp dụng từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019) thì: Mặt đường Tôn Đức Thắng có giá 14 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Tất Thành có giá 11 triệu đồng/m2 và đường Phan Trung có giá 2,7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, trong văn bản ngày 29/5/2015, gửi Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường lại đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định mức giá giao quyền sử dụng đất đối với khu đất có diện tích 363.523,6m2 được phép chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng KĐTDL là 2,085 triệu đồng/m2, tổng số tiền sử dụng đất dự kiến là 757,9467 tỷ đồng. Không đồng ý, Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, xác định lại phương án giá đất. Sau khi viện dẫn nhiều căn cứ, Sở Tài nguyên & Môi trường xác định lại giá đất là 2,415 triệu đồng/m2, tổng số tiền dự kiến thu là 877,817 tỷ đồng. Lại không đồng ý, Hội đồng thẩm định giá đất tiếp tục họp 2 lần nữa và ra văn bản đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường điều chỉnh thông tin giá đất phù hợp, bảo đảm tính trung thực, khách quan các thông tin số liệu trong phương án giá đất… Tiếp đó, ngày 18/9/2015, UBND tỉnh ban hành thông báo thông qua phương án giá đất dự án, bình quân 2,553 triệu đồng/m2, tính trên tổng diện tích đất thương phẩm 363.523,6m2; dự kiến số tiền sử dụng đất nộp NSNN là 928,076 tỷ đồng. Gần 1 tháng sau, trong công văn xin ý kiến BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định giá đất bình quân là 2,577 triệu đồng/m2, tổng số tiền sử dụng đất nộp NSNN là 936,8 tỷ đồng và được BTV Tỉnh ủy thống nhất. Sau đó, ngày 12/11/2015, Công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá miền Nam mới có Chứng thư thẩm định giá xác định tổng giá trị tài sản thẩm định giá tại thời điểm tháng 11/2015 là 936,8 tỷ đồng, bằng đúng giá như UBND tỉnh trình BTV Tỉnh ủy(!). Và ngày 25/11/2015, UBND tỉnh quyết định phê duyệt giá đất cụ thể cho diện tích 363.523,6m2 của dự án KĐTDL cũng đúng y như trên. 

Như vậy, sau gần 6 tháng nhảy múa liên tục, nhích lên từng chút, giá đất bình quân của dự án được xác định là 2,577 triệu đồng/m2, tổng số tiền phải nộp là 936,8 tỷ đồng. So với các quy định giá đất thực tế, đơn giá trên đúng sai thế nào? Đầu tiên, việc UBND tỉnh quyết định giá đất của dự án này bằng phương pháp thặng dư, nhưng không được lập trên thiết kế cơ sở là không đủ căn cứ để tính giá trị đất. Mặt khác, việc xác định suất vốn đầu tư thực tế của dự án là 2,06 triệu đồng/m2 là quá cao so với suất vốn đầu tư Bộ Xây dựng quy định (1,06 triệu đồng/m2), gây thất thu lớn NSNN. Cạnh đó, theo Chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá Vinacontrol (được Cục Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an trưng cầu thẩm định) thì giá trị quyền sử dụng đất tại KĐTDL thời điểm 10/4/2015 và  25/11/2015 là 4.059,793 tỷ đồng, đơn giá 11,168 triệu đồng/m2. Như vậy, UBND tỉnh Bình Thuận tính số tiền sử dụng đất thấp hơn giá theo báo cáo thẩm định của Công ty Vinacontrol là 3.122,993 tỷ đồng.

Việc chuyển quyền sử đụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở (thực tế là bán nền) cũng sai phạm. Cụ thể, UBND tỉnh xin ý kiến về việc này nhưng không được Bộ Xây dựng đồng ý. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiên trì đề nghị, Bộ Xây dựng lại cho phép UBND tỉnh thực hiện theo thẩm quyền. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã quyết định cho phép chuyển quyền sử dụng đất đối với 229 căn biệt th, nhà phố tại các lô đất tiếp giáp trục đường số 02, 03, 11, trong tổng số 1.515 lô đất (trước đó, đã cho chuyển quyền sử dụng đất đối với 1.286 lô đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng tại dự án cho người dân tự xây dựng nhà ở). Đây là các lô đất nằm ở mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực, theo quy định của pháp luật,không nằm trong địa bàn, khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, không được để người dân tự xây dựng nhà ở. Vi phạm này của UBND tỉnh khiến dự án không thực hiện được mục tiêu là xây dựng khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại.

Liên quan đến dự án KĐTDL là dự án Ocean Dunes Resort. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 27/7/1993 được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (thực chất là điều chỉnh chủ đầu tư, tên gọi dự án) 6 lần, lần thứ 6 vào ngày 06/3/2014. Năm 2016, UBND tỉnh có Công văn gửi BTV Tỉnh ủy xin chủ trương về phương án quy hoạch và thiết kế đô thị riêng KĐTDL và dự án Ocean Dunes Resort, trên cơ sở lồng ghép 2 dự án: 9,03ha đất của KĐTDL (theo quy hoạch chi tiết là địa điểm xây dựng 4 tòa nhà 39 tầng ven biển) và 2,5 ha đất (đất thương mại dịch vụ, thuê đất trả tiền hàng năm) của dự án Ocean Dunes Resort và được BTV Tỉnh ủy thống nhất Trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành chức năng, Sở Kế hoạch - Đầu tưtờ trình điều chỉnh mục tiêu dự án Phan Thiết Ocean Dunes Resort sang đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp để bán, cho thuê (đất ở đô thị) và được UBND tỉnh chấp thuận.

Việc thực hiện Dự án Ocean Dunes Resort có những vi phạm, khuyết điểm: Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 1993, thời hạn sử dụng đất là 49 năm (đến 2042). Tuy nhiên, tại quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh ban hành vào năm 2017 lại cho phép thời hạn sử dụng đất là 50 năm từ ngày quyết định chủ trương đầu tư (đến năm 2067). Đồng thời, về bản chất, đây là chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án mới chứ không phải điều chỉnh dự án. Cạnh đó, đây là dự án nhà ở nhưng không lựa chọn chủ đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án là vi phạm Luật Nhà ở 2014.

Như đã trình bày, dự án KĐTDL có nhiều khuyết điểm, vi phạm từ chủ trương đến triển khai thực hiện. Vậy, mức độ liên đới trách nhiệm của BCS đảng Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số cá nhân thuộc các đơn vị này với dự án trên như thế nào, để các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh công tác, tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn; chỉ đạo kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm?

Các tài liệu thu thập được và kết luận kiểm tra đã chỉ rõ: BCS đảng Bộ Xây dựng đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn về việc hoán đổi 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội của dự án vi phạm pháp luật, tạo cơ sở để UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục làm trái quy định của pháp luật. Sau đó, ban hành các công văn liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở đối với 229 lô đất tiếp giáp các tuyến đường 03, 11 và 02 của dự án có nội dung chung chung, không cụ thể, dẫn đến UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện sai là không thực hiện hết trách nhiệm theo quy định. Là nguyên Ủy viên BCS đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đồng chí Nguyễn Trần Nam cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCS đảng; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ký văn bản hướng dẫn về việc cho hoán đổi 20% diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

BCS đảng Kiểm toán Nhà nước đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Kiểm toán Nhà nước có vi phạm, khuyết điểm trong việc kiểm toán đối với dự án KĐTDL: Thực hiện kiểm toán đối với nội dung xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất của dự án dựa trên thiết kế cơ sở dự toán không đảm bảo căn cứ pháp lý; kết luận không chỉ ra được những vi phạm, nguy cơ thất thoát lớn NSNN trong việc xác định giá đất của UBND tỉnh Bình Thuận để kiến nghị xử lý, khắc phục. Về kiểm toán việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án, đã xác định hồ sơ quy hoạch không bố trí 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng không kết luận, kiến nghị khắc phục vi phạm, xử lý hậu quả, mà kiến nghị thực hiện hoán đổi theo văn bản hướng dẫn sai của Bộ Xây dựng; không làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền được quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. Đồng chí Vũ Văn Họa, Ủy viên BCS đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCS đảng; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký các văn bản, trong đó có nội dung vi phạm như trên, không kết luận vi phạm và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với dự án KĐTDL, qua hồ sơ thu thập được cho thấy, có một cá nhân từ năm 2014 đến tháng 3/2021, đã có 13 đơn, bao gồm tố cáo, phản biện, đề nghị, gửi đến các cơ quan hữu quan Trung ương và cá nhân một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nhiều đơn trong số đó được gửi trực tiếp hoặc chuyển đến Thanh tra Chính phủ. Qua kiểm tra cho thấy, các nội dung tố cáo cơ bản là đúng. Thanh tra Chính phủ giải quyết dây dưa, kéo dài, nội dung kết luận các lần giải quyết thiếu nhất quán.

BCS đảng Thanh tra Chính phủ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Thanh tra Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm: Thành lập Tổ công tác giải quyết đơn tố cáo, phản ánh không đúng quy định; giải quyết đơn kéo dài, vi phạm pháp luật và thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện thanh tra giải quyết đơn tố cáo (lần 1) về nội dung xác định giá đất của dự án, khi cho rằng nội dung tố cáo đúng một phần, không chỉ ra những sai phạm, nguy cơ thất thoát lớn NSNN để kiến nghị xử lý, khắc phục; thanh tra, kết luận không đảm bảo độc lập theo chức năng, nhiệm vụ, vi phạm Luật Tố cáo năm 2018 khi thanh tra, giải quyết tố cáo về nội dung phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án; đã phát hiện việc không bố trí và hoán đổi 20% diện tích đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội là chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng cho rằng có văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng là phù hợp; không làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định, mà kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho tiếp tục thực hiện theo văn bản hướng dẫn sai của Bộ Xây dựngkết luận của Kiểm toán Nhà nước. Với tư cách Ủy viên BCS đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Đặng Công Huẩn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCS đảng. Được phân công phụ trách Cục III (Thanh tra Chính phủ), đồng chí chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo giải quyết đơn tố cáo đối với dự án để kéo dài, vi phạm Luật Tố cáo và thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký báo cáo của Thanh tra Chính phủ có nội dung vi phạm trong thực hiện thanh tra, giải quyết đơn tố cáo đối với việc xác định giá đất và không bố trí, cho hoán đổi 20% diện tích đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội

Không chỉ dự án KĐTDL, cả 9 dự án được kiểm tra, đều có những sai phạm nhất định về nhiều mặt. Như vậy, với những khuyết điểm, vi phạm của BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của Tỉnh ủy; lãnh đạo, chỉ đạo BCS đảng UBND tỉnh trong triển khai thực hiện một số dự án đầu tư; những khuyết điểm, vi phạm từ việc cho chủ trương đến triển khai thực hiện các dự án cụ thể, đã rõ việc vì sao nhiều cán bộ, đảng viên ở Bình Thuận, các bộ, ngành Trung ương bị thi hành kỷ luật Đảng, chính quyền, kể cả bị pháp luật Nhà nước xử lý. Đây là cái kết tất yếu do những việc làm sai trái, diễn ra trong nhiều năm liền, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nhiều hậu quả khó hoặc không thể khắc phục được, thất thoát lớn tiền bạc, tài sản của Nhà nước, lãng phí tài nguyên, tạo nên những bức xúc trong xã hội, phát sinh nhiều đơn thư khiếu, tố kéo dài, ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhiều tổ chức đảng, các cấp chính quyền. Trung ương, cụ thể nhất là UBKT Trung ương, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo quy định của Đảng, đã xem xét, xử lý kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật như trên là đúng người, đúng tội, không gắt gao, không nương nhẹ, đủ nghiêm minh để răn đe, giáo dục những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, coi thường hoặc không thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.

Trương Sỹ Thanh* – Phan Tu

 

* Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn V, Cơ quan UBKT Trung ương


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu