A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tòa án nhân dân huyện Đắk Song vi phạm lập khống nhiều hồ sơ vụ án dân sự do mắc bệnh “thành tích”

Các vi phạm trong công tác xét xử, như: Áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; tuyên xử bị cáo chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội;ra các quyết định cho hoãn chấp hành hình phạt tù nhiều lần, tha tù trước hạn không đúng quy định pháp luật; thậm chí kết án oan người không có tội,…mà nguyên nhân chính là do năng lực, trình độ non kém, nhận thức chưa toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí có động cơ cá nhân, vụ lợi,… là những lỗi phạm của cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, đã được nói đến nhiều, báo chí truyền thông phản ánh, tạo dư luận xã hội không đồng tình. Nhưng việc thẩm phám, cán bộ tòa án lập khống nhiều hồ sơ vụ án dân sự do mắc bệnh “thành tích” như đã xảy ra tại Tòa án nhân dân huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông có thể coi là chuyện hy hữu.

Trước nhiều bức xúc dư luận, thông tin báo chí phản ánh, kết luận thanh tra, kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao, và công tác nắm tình hình của cán bộ địa bàn về những khuyết điểm, vi phạm trong công tác xét xử, cũng như vi phạm đạo đức công vụ, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của một số cán bộ thuộc Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Nông, cuối năm 2022, UBKT Trung ương đã quyết định tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng (BCSĐ) Tòa án nhân dân tỉnh và đồng chí Ngô Đức Thọ,Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020; kết luận kiểm tra chỉ rõ:

Đối với BCSĐ TAND tỉnh Đắk Nông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng gây hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành TAND tỉnh, địa phương, đơn vị. Cụ thể là: (1) Không ban hành Quy chế làm việc nhiệm kỳ 2015-2020, mà ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện Quy chế làm việc của nhiệm kỳ 2010-2015 (được ban hành năm 2010), trong đó có một số nội dung còn thiếu hoặc không đúng thẩm quyền; không đưa ra họp BCS để thảo luận, cho ý kiến đối với các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, vi phạm Chỉ thị 15 (nay là Chỉ thị 26) của Bộ Chính trị; (2). Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra các vi phạm trong công tác xét xử tại TAND tỉnh và một số TAND cấp huyện, cụ thể: Áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; áp dụng các điều luật để tuyên xử bị cáo chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; một số trường hợp cho bị cáo hưởng án treo, áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính vi phạm quy định của pháp luật; một số bản án, quyết định bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan; một số trường hợp cho hoãn chấp hành hình phạt tù 2 đến 3 lần không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm quy định pháp luật; để xảy ra vụ án kết án oan người không có tội tại TAND huyện Tuy Đức; để cán bộ TAND huyện Đắk Song lập khống hồ sơ 57 vụ án dân sự, vi phạm rất nghiêm trọng quy định của pháp luật,gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và uy tín của tổ chức đảng, ngành Tòa án tỉnh Đắk Nông; (3) Không kịp thời xử lý, chấn chỉnh các sai phạm đối với một số trường hợp thẩm phán, cán bộ Tòa án có vi phạm trong xét xử các vụ án bị Tòa án cấp trên sửa, hủy án do lỗi chủ quan dẫn đến có một số thẩm phán tỷ lệ án bị sửa, hủy trong nhiệm kỳ cao vượt quá quy định nhiều lần, phải xử lý kỷ luật; (4). Khi phát hiện vụ việc TAND huyện Đắk Song lập khống 57 hồ sơ dân sự, không báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của TAND tối cao, không báo cáo theo quy định đối với Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo, xử lý; thống nhất chủ trương xử lý kiểm điểm nội bộ, cho Thẩm phán liên quan đến vụ việc lập khống 57 hồ sơ dân sự thôi việc khi chưa làm rõ vụ việc, bỏ qua trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm; không xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, cho chủ trương điều động, bố trí công tác đối với chánh án, thẩm phán, cán bộ, đảng viên đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật, vi phạm Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TAND tối cao; (4). Việc xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí nguyên Chánh án TAND huyện Tuy Đức vi phạm trong việc TAND huyện Tuy Đức kết án oan, xử phạt tù đối với người vô tội chưa nghiêm; thực hiện bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng TAND tỉnh đối với đồng chí nguyên Chánh án TAND huyện Tuy Đức trong khi chưa được kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm trong vụ án này...

Đồng chí Ngô Đức Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Chánh án TAND tỉnh đã vi phạm quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể là:(1).Chịu trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ TAND tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; (2).Trực tiếp ký quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp cho hoãn chấp hành hình phạt tù đến 4 lần, trái quy định pháp luật; (3) Không xem xét, xử lý nghiêm túc,chủ trương kiểm điểm nội bộ các cán bộ, đảng viên vi phạm trong vụ việc TAND huyện Đắk Song lập khống 57 hồ sơ dân sự; ký quyết định cho Thẩm phán TAND huyện Đắk Song liên quan đến vụ lập khống 57 hồ sơ dân sự thôi việc khi đang có vi phạm chưa được làm rõ; không xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với đồng chí Chánh án TAND huyện Đắk Song trong vụ việc này; ký quyết định bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng TAND tỉnh đối với đồng chí nguyên Chánh án TAND huyện Tuy Đức, trong khi chưa kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của đồng chí này trong vụ việc TAND huyện Tuy Đức kết án oan, xử tù người không có tội (nêu trên). 

Những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ TAND tỉnh Đắk Nông và đồng chí Ngô Đức Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Chánh án TAND tỉnh như trên của có liên quan đến trách nhiệm của một số tổ chức sau: (1). Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đã thiếu kiểm tra, giám sát để các sai phạm của BCSĐ TAND tỉnh và đồng chí Bí thư BCSĐ TAND tỉnh diễn ra trong thời gian dài không được xử lý triệt để; không yêu cầu BCSĐ TAND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy các vụ án,vi phạm Chỉ thị 15 (nay là Chỉ thị 26) của Bộ Chính trị; (2). Ban Nội chính Tỉnh ủy, không kịp thời nắm bắt, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo chấn chỉnh, xem xét, xử lý, để xảy ra các sai phạm của BCSĐ TAND tỉnh Đắk Nông trong lãnh đạo, chỉ đạo TAND hai cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị; chịu trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc không yêu cầu BCSĐ TAND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy các vụ án, vụ việc, vi phạm Chỉ thị 15 (nay là Chỉ thị 26) của Bộ Chính trị; (3). Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra để VKSND và một số VKSND cấp huyện có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện quyền công tố tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp, để một số vụ án xét xử đồng quan điểm với Tòa án cho một số bị cáo hưởng án treo, áp dụng mức hình phạt không tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và hoãn chấp hành hình phạt tù không đúng quy định của pháp luật. 

Liên quan đến các sai phạm trên có trách nhiệm của các cá nhân sau: (1). Đồng chí Bí thư BCSĐ, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông chịu trách nhiệm là người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ VKSND tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; (2). Đồng chí Ủy viên BCSĐ, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông, cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ VKSND tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm trực tiếp ký 2 công văn trả lời TAND tỉnh thống nhất xem xét vận dụng cho hoãn chấp hành hình phạt tù lần 3, lần 4, trái quy định pháp luật; (3). Đồng chí Kiểm sát viên, Phó Trưởng Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án, VKSND tỉnh Đắk Nông, chịu trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ, tham mưu, đề xuất VKSND tỉnh ban hành 2 công văn trả lời TAND tỉnh thống nhất xem xét vận dụng cho hoãn chấp hành hình phạt tù lần 3, lần 4, trái quy định pháp luật; (4). Đồng chí Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ thi hành án hình sự, TAND tỉnh Đắk Nông, chịu trách nhiệm tham mưu đồng chí Chánh án TAND tỉnh ký 4 quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù, trái quy định của pháp luật; trách nhiệm là Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ thi hành án hình sự của TAND tỉnh nhưng không nắm bắt để kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo TAND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn trong việc một số TAND cấp huyện cho hoãn chấp hành án phạt tù một số trường hợp có sai phạm nêu trên.

Những vi phạm, khuyết điểm của một số cán bộ, công chức TAND tỉnh và một số TAND cấp huyện của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua là rất nghiêm trọng: Vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của ngành Tòa án trong công tác xét xử; áp dụng các điều luật, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho hưởng án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội, trái quy định pháp luật; nhiều bản án, quyết định bị hủy, sửa; cá biệt có trường hợp xét xử, kết án oan người không có tội (sai phạm trong quá trình tiến hành tố tụng, biến vụ án dân sự thành hình sự, gây oai sai cho người không có tội, xảy ra tại Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức);…

Tuy nhiên, chỉ do bệnh thành tích, muốn tỷ lệ án hủy thấp (dưới 1,16%) theo quy định, mà một số vị thẩm phán, cán bộ TAND huyện Đắk Song do có tỷ lệ án hủy vượt quy định đã lập khống nhiều hồ sơ vụ án, tạo lập hồ sơ vụ án không có thật, không có đương sự, không có tranh chấp thực tế, trong đó trực tiếp giải quyết một số hồ sơ; lãnh đạo TAND huyện Đắk Songkhi biết vụ việc, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của đơn vị đã ém nhẹ vụ việc, không xử lý nghiêm túc sai phạm, tiến hành giải quyết vụ một cách phiến diện, xử lý nội bộ, trái với quy định của pháp luật và của Ngành Tòa án, gây bức xúc dư luận. Đây là vi phạm cố ý, rất nghiêm trọng, là biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, mắc bệnh “thành tích”. Hành vi này, đãvi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Tổ chức TAND, Luật Cán bộ công chức, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TAND, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (đã bị Cục Điều tra, Viện KSND tối cao có văn bản kiến nghị khởi tố vụ án)Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội; ảnh hưởng rất lớn uy tín của Ngành Tòa án; ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đến uy tín của các tổ chức đảng và ngành Tòa án tỉnh Đắk Nông.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về BCSĐ TAND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020 và đồng chí Ngô Đức Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Chánh án TAND tỉnh vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, để TAND tỉnh và một số TAND cấp huyện vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của ngành Tòa án trong công tác xét xử, thực thi công vụ và công tác cán bộ. Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với BCSĐ TAND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020 và đồng chí Ngô Đức Thọ; đồng thời yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắckhắc phục kịp thời các vi phạm,khuyết điểm đã được chỉ ra; chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. 

Là cơ quan xét xử nhân danh Nhà nước, là biểu tượng của công lý, nên các phán quyết của Tòa án, các ý kiến đánh giá, kết luận của thẩm phán, thư ký tòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó quyết định đến sinh mệnh chính trị, danh dự nhân phẩm, và cả sinh mệnh sống - chết của con người; các phán xử, quyết định đúng đắn của ngành Tòa án, kiến quyết đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật; không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người ngay,... sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Ngành Tòa án; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào công lý, vào pháp chế của Nhà nước ta. Do vậy, đỏi hỏi cán bộ Ngành Tòa án phải có bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vững vàng và cái tâm trong sáng. Vì vậy, những sai phạm của một số tổ chức đảng và cán bộ Ngành Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Nông thời gian qua cần phải tiếp tục được nhìn nhận, đánh giá, phân tích một cách kỹ càng, thấu đáo với tinh thần cầu thị nghiêm túc, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc; đồng thời phải tiến hành xý lý kỷ luật nghiêm minh, triệt để, không nể nang, né trách, không dĩ hòa, vi quý, không bao che cho cán bộ sai phạm, bất kể người đó là ai.

Việc vào cuộc kịp thời của UBKT Trung ương, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cách cấp đối với BCSĐ TAND tỉnh và đồng chí Ngô Đức Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2015-2020, đã tiếp tục khảng định rõ tư tưởng chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị Nhà nước ta hiện nay là kiến quyết, kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đồng thời, phát đi thông điệp cần kiểm soát chặt chẽ quyền lực của hệ thống các cơ quan tư pháp; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ tư pháp. Như vậy, những người được giao trọng trách giữ cán cân công lý trước hết cần phải nghiêm khắc với chính bản thân mình; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, và đạo đức nghề nghiệp; giữ vững nguyên tắc công tâm, khách quan trong quá trình thi hành công vụ./.

Hải Hà - Lê Anh - Gia Huy


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu