Nhiều điển hình tập thể và cá nhân trong học tập và làm theo Bác tại huyện U Minh (Cà Mau)
Huyện U Minh ở phía Tây Bắc của tỉnh Cà Mau, nằm trong vùng đồng bằng duyên hải, đất nhiễm mặn phèn, nhiều kênh, rạch; có 8 đơn vị hành chính (gồm 7 xã và 1 thị trấn). Triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp đó là Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh cho một vùng đất khó khăn, nơi đã từng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Đảng bộ huyện đã tổ chức quán triệt, triển khai và thực hiện Chỉ thị nghiêm túc, sâu, rộng đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, tiếp đó là toàn thể cán bộ, đảng viên và đến quần chúng nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch học tập chuyên đề hằng năm cho Đảng bộ và chuyên đề cho sinh hoạt chi bộ hằng tháng… Qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm quan trọng, sự cần thiết, giá trị và những nội dung cơ bản, cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự lan tỏa, chuyển biến tích cực về nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong Đảng bộ.
Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị được đẩy mạnh, nhiều hình thức tuyên truyền, vận động học tập và làm theo Bác có nhiều chuyển biến tích cực, như: Tuyên truyền thông qua các hội nghị; sinh hoạt chi bộ, đoàn thể; sinh hoạt dưới cờ đầu tuần ở cơ quan, đơn vị và trường học; trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải lựa chọn nội dung phù hợp với nhiệm vụ của mình để xây dựng bản cam kết, tự rèn luyện hoàn thiện bản thân, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết, quy định của Đảng; cuối năm, dựa trên kết quả phấn đấu để đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên. Qua việc tổ chức tốt phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã có nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay, các phong trào thi đua trong từng cơ quan, đơn vị chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả.
Điển hình như: UBND huyện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả qua bộ phận “Một cửa, một cửa liên thông” và triển khai phần mền quản lý văn bản đến các xã, thị trấn, qua đó cấp huyện đã giảm được thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đối với 6 lĩnh vực (37 thủ tục); cấp xã giải quyết giảm thời gian còn 30-50% đối với 70 thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân đến giao dịch.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từng đảng viên trong Chi bộ Khối Hành chính - Trung tâm Y tế huyện không ngừng phấn đấu về mọi mặt. Do đó, từ một đơn vị yếu kém nhất tỉnh khi đánh giá cuối năm 2015, đã vượt lên đứng đầu các Trung tâm Y tế trong toàn tỉnh vào năm 2018 và 2019. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, y đức, tận tâm, trách nhiệm cao trong công tác khám chữa bệnh. Biểu dương những thành tích trên, năm 2019, nhiều cá nhân được UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chi bộ được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Trần Văn Nhựt, Hội viên Hội nông dân xã Nguyễn Phích, vượt khó để làm giàu từ việc xây dựng mô hình trồng cây ăn trái với thu nhập hằng năm hơn 60 triệu đồng. Không những tự bản thân gương mẫu chấp hành tốt, ông còn tuyên truyền, vận động bà con nông dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, thường xuyên hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây, từ đó góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Hay ông Lê Văn Nưa, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 11, xã Khánh An, với mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích (nuôi ốc bươu vàng, rắn cá và trồng các loại cây ăn trái) cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Ông Phạm Trọng Triều, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Hòa Khánh, luôn gương mẫu và vận động mọi người chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình thực hiện các phong trào của địa phương, nhất là các phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân thực hiện đời sống văn hóa, vận động các nguồn quỹ an sinh xã hội.
Bà Đào Oanh Muội, Chi ủy viên chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Khóm 2, thị trấn U Minh đã lựa chọn những nội dung, chuyên đề phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai sinh hoạt, tuyên truyền, tổ chức mô hình nuôi heo đất tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần để Khóm 2 xóa trắng hộ nghèo vào năm 2018, được cấp trên đánh giá cao và chọn làm điểm tổ chức sinh hoạt chuyên đề.
Một buổi sinh hoạt của Chi hội phụ nữ Khóm 2.
Thầy giáo Trần Thành Hiếu, giáo viên trường THPT xã Khánh An đã có sáng kiến kết nối thiết bị điện thoại thông minh với các smart tivi để trình chiếu trong công tác dạy học tại Trường THCS và THPT Khánh An; sáng kiến đưa các tài liệu từ quá trình thảo luận nhóm lên tivi thông qua camera điện thoại, được nhiều giáo viên áp dụng trong công tác giảng dạy. Những sáng kiến trên được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận và đưa vào ứng dụng điện thoại TNMaker để chấm bài thi kiểm tra trắc nghiệm…
Những kết quả trên đã góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo vùng đất U Minh. Những tuyến đường lộ trải nhựa, bê tông và những cây cầu bê tông cứng ngày càng nhiều, với 167 km đường ô tô, 574 km đường giao thông nông thôn, 300 cầu bê tông đã giúp lưu thông thuận lợi, thay cho cảnh chờ “con đò” độc đạo. Với 600 km đường dây trung thế, 748 km đường dây hạ thế và 689 trạm biến áp đã giúp 99% hộ dân được sử dụng điện kế chính…
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện U Minh thực hiện đạt và vượt 12 trong số 16 chỉ tiêu, trong đó nổi bật là thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, với mức bình quân 3,71%. Đến nay, U Minh chỉ còn 2,84% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50,6 triệu đồng/người/năm (tăng 14,9 triệu đồng so với năm 2016)./.
Trịnh Nhất