A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số vấn đề cần quan tâm qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cơ quan phòng, chống tội phạm

Kỳ họp thứ 20 (diễn ra trong các ngày 23 và 26/9/2022) và tiếp đến Kỳ họp thứ 22 (diễn ra trong các ngày 01 và 02/11/2022), của UBKT Trung ương đã bước đầu khép lại Vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. UBKT Trung ương đã ra thông cáo báo chí của các kỳ họp, kịp thời công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp đó, các quyết định thi hành xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có liên quan đến vụ việc đã được ban hành; qua đó tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước có thêm thông tin, hiểu rõ tính chất, mức độ, bản chất các vi phạm, khuyết điểm của một số tổ chức đảng và cá nhân trong các cơ quan phòng, chống tội phạm, đấu tranh phòng, chống buôn lậu tại tỉnh An Giang.  

Vi phạm kéo dài nhiều năm nhưng chậm phát hiện, xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng

Trong thời gian từ năm 2015 đến nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới tại địa bàn tỉnh An Giang diễn ra ngày càng phức tạp, cả về quy mô, tính chất nguy hại của các vụ việc, gây mất trật tự an ninh xã hội, hình thành các điểm nóng, tạo dư luận xã hội bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến các chính sách quản lý kinh tế của nhà nước; mà điển hình là các vụ án: Vụ EM MOS “Buôn lậu” bắt giữ ngày 01/11/2015; vụ “Buôn lậu” đường cát, xảy ra ngày 23/12/2018; vụ vận chuyển trái phép 470.000 USD, xảy ra ngày 24/6/2019; vụ “Buôn lậu” 51kg vàng, xảy ra ngày 30/10/2020; vụ “Buôn lậu” liên quan đến Công ty Toàn cầu do Cục Hải quan tỉnh khởi tố ngày 21/10/2020; vụ “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (86.200 USD) và “Buôn bán hàng cấm”, xảy ra ngày 30/01/2021,…Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã chỉ đạo UBKT Trung ương tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu tại tỉnh An Giang. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBKT Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng (BCSĐ) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang và đồng chí Lê Xuân Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang. Nội dung kiểm tra là: Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng; công tác tổ chức cán bộ; công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong đó có các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Mốc thời gian kiểm tra các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Kết quả kiểm tra cho thấy:

Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020,đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 07/7/2007 và số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để xảy ra vi phạm trong xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ, thanh tra; trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, cụ thể: (1) Ban cán sự đảng không họp để cho chủ trương xử lý, không báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; để một số vụ án kéo dài thời gian giải quyết, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm; thay đổi tội danh, áp dụng biện pháp ngăn chặn không đúng quy định, dẫn đến không xử lý được tội phạm. (2) Buông lỏng lãnh đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát nguồn tin về tội phạm, để Cơ quan Điều tra Công an tỉnh và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, vi phạm Thông tư liên tịch số 06/2013, ngày 02/8/2013 và số 01/2017, ngày 29/12/2017, vi phạm Quy chế công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. (3) Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, để các cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện đúng quy định, dẫn đến vi phạm trong giải quyết một số vụ án, thời hạn điều tra kéo dài, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm… vi phạm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.  

Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025,vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng, Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để xảy ra vi phạm trong xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ, thanh tra; vi phạm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, cụ thể: (1) Thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi xử lý đối với những vụ án được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; quá trình kiểm sát chưa chặt chẽ, dẫn đến có vụ án phải kéo dài thời gian giải quyết; có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm,... (2) Không họp để cho chủ trương xử lý, đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, vụ án có yếu tố nước ngoài, dẫn đến vụ án phải kéo dài thời gian giải quyết, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. (3) Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, để các cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện đúng quy định, dẫn đến vi phạm trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, giải quyết vụ án,…  vi phạm Thông tư liên tịch số 01/2017, ngày 29/12/2017, vi phạm Quy chế công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, gây hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và uy tín của tổ chức đảng và Ngành Kiểm sát.

Đồng chí Lê Xuân Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư BCSĐ, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Viện trưởng VKSND tỉnh, đã vi phạm: (1) Nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của VKSND tối cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; (2) Vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang khi xử lý đối với những vụ án được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; (3) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; (4) Vi phạm trong lãnh đạo công tác kiểm tra, thanh tra; vi phạm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp,… Những vi phạm trên của đồng chí Lê Xuân Hải gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. 

Liên quan đến các sai phạm trên có trách nhiệm trực tiếp của một số tổ chức đảng và cá nhân trong các cơ quan phòng chống tội phạm của tỉnh An Giang, cụ thể là: BCSĐ Tòa án nhân dân tỉnh; các Ban Thường vụ Đảng ủy: Công an, Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan và Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Những vi phạm này đã kéo dài nhiều năm nhưng chậm phát hiện, xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng; nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan trên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự; gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, đến uy tín của các tổ chức đảng và các ngành chức năng.

Trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về các tổ chức đảng và một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan và Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang. Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật đối với 7 tổ chức đảng và 20 đảng viên có liên, cụ thể là: 

Xử lý kỷ luật 7 tổ chức đảng: Cảnh cáo 06 (BCSĐ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; BCSĐ Tòa án nhân dân tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015-2020; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2019-2020, 2020-2025; và Chi ủy Văn phòng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2019); Khiển trách 01 (Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Hải quan tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025).

Xử lý kỷ luật, 20 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt của các cơ quan phòng chống tội phạm của tỉnh. Trong đó, cảnh cáo 17 trường hợp (Đại tá Bùi Bé Năm, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc; Đại tá Lê Văn Tiền, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc; Đại tá Nguyễn Tấn Phước, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc; Đại tá Lâm Thành Sol, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Lê Xuân Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng; Trần Văn Thìn, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng; Nguyễn Văn Thạnh, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng; Lê Hồng Bào, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang. La Hồng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án; Lý Ngọc Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang. Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Đại tá Lý Kế Tùng, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang. Huỳnh Ngọc Hồ, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng phụ trách; Trần Thị Thu Thanh Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng; Phan Lợi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương, nguyên Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang. Đinh Văn Tươi, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng; Nguyễn Tấn Bửu, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang).

Khiển trách 03 trường hợp (Đại tá Nguyễn Nhật Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang; Đại tá Lâm Minh Hồng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Long An, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang; Đại tá Bùi Trung Dũng, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang). UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, xem xét trách nhiệm, phối hợp xử lý kỷ luật một số tổ chức, cá nhân vi phạm có liên quan. 

Liên quan đến vụ việc này, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 02 đồng chí: Thiếu tướng Bùi Bé Tư, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh An Giang và Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang.

Như vậy, việc các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt của nhiều cơ quan phòng chống tội phạm tỉnh An Giang mắc vi phạm nghiệm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới trong thời gian khá dài (từ năm 2015 đến nay), đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng: Là sự mất mát rất lớn về cán bộ, nhiều cán bộ, sỹ quan trung cao cấp, lãnh đạo cấp tỉnh, cấp sở ngành bị thi hành kỷ luật, nhiều đảng viên, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan phòng chống tội phạm rơi vào lao lý. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là gây hoang mang trong dư luận, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với hệ thống cơ quan tư pháp của địa phương; tác động tiêu cực đến công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và cả hệ thống chính trị đang quyết liệt, quyết tâm, kiên trì thực hiện. 

Một số vấn đề đặt ra đối với công tác kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng chống tội phạm 

Qua kết quả cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu tại tỉnh An Giang do UBKT Trung ương thực hiện có thể rút ra một số vấn đề sau: 

Thứ nhất, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các các cơ quan phòng, chống tội phạm là việc làm rất khó, cần có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan tham mưu cấp ủy (Ban phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; UBKT, Ban Nội chính Tỉnh ủy) giữ vai trò là lực lượng nòng cốt. Để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả đối với công tác này thì người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong các các cơ quan phòng, chống tội phạm. 

Thứ hai, với vai trò là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện hệ thống chính trị, các cơ quan tư pháp tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần quan tâm triển khai, quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương mới của Trung ương liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; thường xuyên rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách, giảm sút ý chí phấn đấu ra khỏi Đảng. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm, nhất là đối với các địa bàn phức tạp, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Thực hiện tốt việc tiếp công dân theo quy định.

Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Tăng cường lãnh đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng bảo đảm chặt chẽ, toàn diện hơn (cả cơ quan cùng cấp và cấp trên) trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thi hành án, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để kịp thời phát hiện, xác minh, làm rõ; kịp thời cho chủ trương xử lý các vụ án, vụ việc theo Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư đúng nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bảo đảm đúng quy định của Đảng, Nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc giải quyết đối với một số vụ án xảy ra tại địa phương được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Rà soát các vụ án, vụ việc về hình sự phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để đưa vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.

Tăng cường nắm tình hình, giám sát hoạt động các tổ chức đảng và đảng viên để cảnh báo, ngăn ngừa các sai sót, vi phạm; kịp thời phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; đồng thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Thứ ba, kết luận xử lý thấu đáo về vụ việc này của UBKT Trung ương là tiếng trống lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính hệ thống các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đối với công tác, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay. Đó là phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong chính các cơ quan thực thi quyền lực, không để quyền lực bị tha hóa ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của thể chế chính trị và quốc gia, dân tộc. Đồng thời, là thông điệp của UBKT Trung ương khẳng định tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, là việc làm của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Quan điểm chỉ đạo này đã được thế chế rõ trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, đó là: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng phải chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; khi phát hiện vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật thì các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, tư pháp... phải chủ động cung cấp thông tin cho cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT có thẩm quyền, phối hợp thẩm tra, xác minh làm rõ; phải tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó. Đây là việc làm khó, nhưng phải làm một cách thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao, quyết liệt, kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có trường hợp đặc biệt, không có hạ cánh an toàn, và không bao che vi phạm,…Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng phải chủ động đi trước, tạo điều kiện, mở đường cho công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp, kiên quyết không để lọt vi phạm; không bao che cán bộ, đảng viên vi phạm; cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm đến cùng về những vi phạm mà mình đã gây ra trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cả những vi phạm có liên quan từ các vị trí công tác trước đây, những vụ việc đã diễn ra từ nhiều năm trước… Như vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới sẽ quyết tâm xử lý kỷ luật nghiêm minh mọi cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái hóa về tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”, vi phạm điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước để làm trong sạch Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra

Một là, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, yêu cầu UBKT Trung ương tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu tại An Giang, Thường trực UBKT Trung ương, lãnh đạo Cơ quan UBKT Trung ương đã xác định, lựa chọn đối tượng kiểm tra là BCSĐ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang và đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Việc lựa chọn đối tượng kiểm tra được suy xét cẩn trọng, vì theo chức năng, nhiệm vụ, Viện Kiểm sát là cơ quan thực hiện quyền công tố, trực tiếp kiểm sát các hoạt động tư pháp, từ tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đến điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án,… Bên cạnh đó, Luật Tố tụng hình sự và các Thông tư, nghị định quy định Viện Kiểm sát phải kiểm sát các hoạt động của một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, tiến hành một số hoạt động điều tra như: Công an, Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm… Như vậy, việc UBKT Trung ương quyết định tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác phòng chống tội phạm buôn lậu tại tỉnh An Giang đối với BCSĐ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang và đồng chí Bí thư BCSĐ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là sự lựa chọn đối tượng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.

Hai là, tranh thủ, tạo sự đồng thuận của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy tại địa phương. Đây là chỗ dựa vững chắc, là yếu tố rất quan trọng trong việc nắm tình hình được đầy đủ và toàn diện; đảm bảo cuộc kiểm tra  được tiến hành thuận lợi, xác định được chính xác đối tượng, nội dung dấu hiệu vi phạm, thuận lợi trong tiến hành thẩm tra, xác minh làm việc với các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.

Ba là, phải luôn chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương, xác định cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các cơ quan tư pháp là vừa phối hợp, vừa đấu tranh với đồng chí có thâm niên, kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ cao về điều tra, xử lý tội phạm nên trong quá trình kiểm tra, phải biết cân nhắc, có thể chấp nhận những vấn đề nào không quan trọng, không ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, nhưng khi có quan điểm khác nhau về những vấn đề thuộc nguyên tắc, về sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng thì phải kiên định, đấu tranh làm rõ. Quá trình kiểm tra phải phân hóa rõ vai trò người cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vi phạm vì mục đích vụ lợi, cá nhân cần xử lý nghiêm; đồng thời, có thể xem xét giảm nhẹ hoặc không đề nghị kỷ luật đối với đảng viên có khuyết điểm, vi phạm với vai trò giúp sức, người thực hành thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên (bắt buộc phải thi hành) không có yếu tố vụ lợi mà khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả,...

Bốn là, tiến hành khai thác thu thập thông tin, tài liệu qua các kênh báo chí, phản ánh, giải quyết đơn tố cáo kết hợp với công tác nắm tình hình trước, trong quá trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, xác định, khoanh vùng, lựa chọn chính xác đối tượng, nội dung dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Năm là, khi kiểm tra phải làm tốt công tác tư tưởng trước, trong và sau khi kiểm tra đối với tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra; thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc kiểm tra dấu hiệu vi phạm; dựa vào tổ chức đảng và phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên; chủ động phối hợp chặt chẽ với UBKT, Ban Nội chính, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh nhằm có được nguồn thông tin toàn diện và kế thừa một số kết quả thẩm tra, xác minh mà các cơ quan trên đã thực hiện.

Sáu là, lựa chọn cán bộ tham gia đoàn kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, có kinh nghiệm và năng lực, trình độ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp. Việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tư pháp có đạt được hiệu quả cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, phẩm chất, khả năng, kinh nghiệm thực tế của cán bộ kiểm tra. Thực tiễn cho thấy, đa số các thành viên đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trên đều có quá trình công tác tại các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nên đều có kiến thức chuyên sâu về kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp, phương pháp làm việc khoa học, xử lý thông tin, tài liệu và các tình huống đột xuất trong quá trình kiểm tra một cách chính xác, chặt chẽ đúng quy định. 

Qua kết quả của Đoàn Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu tại tỉnh An Giang, cho thấy việc lựa chọn đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm về đối tượng, nội dung và mốc thời gian kiểm tra là nhân tố quan trọng, giúp UBKT Trung ương nhanh chóng kết luận rõ vụ việc, yêu cầu các cơ quan có liên quan khẩn trương khắc phục các bất cập trong lĩnh vực công tác này. Đồng thời, kịp thời tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có giải pháp tích cực để sớm hoàn thiện thể chế về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng, chống tội phạm./. 

Hải Hà - Lê Anh - Gia Huy.


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu