A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Đảng bộ thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông

Trước yêu cầu cấp thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được Đảng ta xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, trọng điểm mang tính chất lâu dài, bền bỉ. Trong đó, nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên cần được tăng cường để ngăn ngừa, phát hiện các vi phạm từ khi mới manh nha, nhằm cảnh báo, cảnh tỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm (nếu có). Qua đó, phát huy tính giáo dục, tính nhân văn, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Thời gian qua, nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Đảng bộ thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, để phát hiện dấu hiệu vi phạm là việc không dễ vì rất khó phân định rạch ròi ranh giới các biểu hiện có dấu hiệu vi phạm, nhất là đối với những tổ chức đảng chưa chấp hành nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; nể nang, né tránh, ngại va chạm, tính phê bình còn chung chung nhằm che giấu các khuyết điểm; cán bộ, đảng viên có vi phạm nhưng thiếu tự giác, che giấu chứng cứ, không hợp tác với đoàn kiểm tra và tổ chức đảng trực tiếp quản lý, gây khó khăn trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm và thu thập chứng cứ có liên quan. Mặt khác, có một số tổ chức đảng và đảng viên khi nhận quyết định kiểm tra thường có tâm lý lo lắng, e ngại, né tránh nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác kiểm tra...

Để tăng cường việc lãnh đạo công tác kiểm tra và khắc phục những khó khăn trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy Gia Nghĩa đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp và UBKT hai cấp của thành phố bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của UBKT Trung ương để tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá và hằng năm; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Xác định công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy và UBKT hai cấp thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. UBKT các cấp đã chủ động mở rộng các kênh nắm tình hình, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như: Dư luận xã hội, phản ánh của người dân, báo chí truyền thông và thông qua công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, kết hợp với công tác giám sát, để đánh giá các dấu hiệu vi phạm, lựa chọn đối tượng, nội dung và thành lập các đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Từ đó, các vụ việc đã nhanh chóng có kết luận, bảo đảm nguyên tắc không có vùng cấm, không ngoại lệ, mọi hành vi, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên đều được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng lỗi, tính chất mức độ vi phạm. Đảng viên vi phạm nhận thức rõ khuyết điểm để chấp hành và có hướng sửa chữa, khắc phục sai phạm. Qua đó, nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, đã góp phần quan trọng ổn định tình hình, tạo dư luận tốt trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố.  

Từ năm 2020 đến nay, cấp ủy các cấp và UBKT hai cấp của Đảng bộ thành phố Gia Nghĩa đã tiến hành kiểm tra 45 đảng viên (có 16 cấp ủy viên các cấp), trong đó: UBKT Thành ủy kiểm tra 20 đảng viên, đảng ủy cơ sở kiểm tra 09 đảng viên, chi bộ kiểm tra 16 đảng viên. Qua kiểm tra phát hiện 43/45 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; xử lý kỷ luật 28 đảng viên, 15 đảng viên có khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc; 02 đảng viên không có cơ sở chứng cứ. Vi phạm tập trung vào các lĩnh vực: Công tác quản lý đất đai, tài nguyên; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng mục đích; suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống; sử dụng bằng cấp chứng chỉ không hợp pháp...

Từ những kết quả đạt được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Đảng bộ thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông như sau:

Một là, cấp ủy, UBKT các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng đối với tổ chức đảng và đảng viên. Công tác kiểm tra luôn gắn với công tác giáo dục tư tưởng; coi việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm vừa để giáo dục, ngăn ngừa vi phạm, vừa để bảo vệ đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, đồng thời cũng là để bảo vệ cán bộ, đảng viên trước những thông tin dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của đảng viên.

Hai là, cấp ủy các cấp phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để UBKT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên giữ chức vụ quan trọng, lĩnh vực kiểm tra nhạy cảm, nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy thì hiệu lực, hiệu quả kết luận của UBKT các cấp sẽ không cao, tránh tình trạng quan điểm xem xét, xử lý vụ việc giữa cấp ủy và UBKT thiếu thống nhất hoặc cấp ủy lấy lý do công tác cán bộ, ảnh hưởng phong trào, thành tích chung của địa phương, đơn vị để “tác động”, “can thiệp”, ảnh hưởng đến tính “chủ động” của UBKT. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát một cách cụ thể, phù hợp, thiết thực, chú trọng kiểm tra ở những nơi có vấn đề nổi cộm qua phản ánh của báo chí và nhân dân. Kiểm tra, giám sát tổ chức đảng phải gắn với kiểm tra cá nhân người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Ba là, nắm vững quy trình, phương pháp kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, UBKT các cấp phải đổi mới phương pháp tiếp cận, phát hiện dấu hiệu vi phạm, mở rộng và thu thập tất cả các nguồn thông tin. Từ đó, UBKT các cấp tiến hành khảo sát, xem xét, tổng hợp, sàng lọc nguồn thông tin để quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đúng thời điểm, đối tượng, nội dung, bảo đảm quy trình, phương pháp kiểm tra và tránh kiểm tra một cách tràn lan. Làm tốt công tác thẩm tra, xác minh dựa vào tổ chức đảng và đảng viên, phát huy tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng, đảng viên. Sau kiểm tra phải có kết luận chính xác, khách quan, nếu có vi phạm phải cương quyết xử lý kỷ luật kịp thời, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc kiểm tra. Kết hợp giải quyết tố cáo với kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Bốn là, UBKT các cấp cần tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Đổi mới và nâng cao chất lượng sơ kết, tổng kết thực tiễn công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, chú trọng rút kinh nghiệm trong việc phát hiện, xác định nội dung dấu hiệu vi phạm phức tạp, nghiêm trọng, đối tượng kiểm tra là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị để tạo sự chuyển biến trong hành động, nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.

Năm là, các cấp ủy đảng của thành phố phải thường xuyên quan tâm xây dựng, kiện toàn UBKT, cơ quan UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra toàn diện cả về lý luận chính trị, chuyên môn và năng lực thực tiễn. Lựa chọn cán bộ kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, có kinh nghiệm, năng lực, trình độ nghiệp vụ. Kết quả xác định đối tượng, nội dung dấu hiệu vi phạm là của tổ chức đảng hay của đảng viên phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, phẩm chất, khả năng, kinh nghiệm thực tế của mỗi cán bộ kiểm tra, của đơn vị giúp việc cơ quan UBKT. Thực tiễn cho thấy, nếu cán bộ kiểm tra, cán bộ theo dõi địa bàn có kiến thức chuyên sâu về kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp, phương pháp làm việc khoa học, cập nhật, tích lũy, sàng lọc, xử lý thông tin, tài liệu về dấu hiệu vi phạm thì thuận lợi trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích, lựa chọn, đề xuất chính xác nội dung, đối tượng có dấu hiệu vi phạm.

Sáu là, cải tiến lề lối, phong cách làm việc, nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo, sơ kết, tổng kết chuyên đề để phục vụ đắc lực việc nhận biết, phát hiện, xác định và quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả để góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng phải được cấp ủy, UBKT từ thành phố đến cơ sở tiếp tục triển khai chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa./.

 Nguyễn Duy Hiếu

 Ủy viên UBKT Thành ủy Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu