A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm chứng cứ “gỡ tội” cho đảng viên

(Ghi theo lời kể của đồng chí Tống Văn Khả, Trưởng phòng Nghiệp vụ II, Cơ quan UBKT Tỉnh ủy Hà Giang)

Qua hơn 20 năm gắn bó với Ngành Kiểm tra Đảng, có rất nhiều niềm vui, trăn trở và nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp đã được tôi đúc rút ra..

Nhớ lại ngày mới về làm công tác kiểm tra, bản thân tôi vô cùng lo lắng và trăn trở vì tôi không được học ngày nào về công tác kiểm tra, cũng như không được công tác ở các cơ quan khối nội chính. Lúc bấy giờ, các quy trình kiểm tra, giám sát và hệ thống mẫu văn bản, hướng dẫn thực hiện về công tác kiểm tra, giám sát chưa có đầy đủ như bây giờ. Hằng ngày đến cơ quan tôi chỉ biết lấy Điều lệ Đảng và hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng ra đọc đi đọc lại, nghiên cứu tại sao gọi là cấp ủy, thế nào là tổ chức đảng, chi bộ, đảng bộ, các nguyên tắc làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng,… Sau đó tôi được đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn ở Hà Nội. Hằng tháng, các phòng được cấp 01 quyển Tạp chí Kiểm tra, tôi chăm chú ngồi đọc hết tất cả các bài đăng trong Tạp chí, nhất là các câu hỏi và trả lời nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đăng ở phần cuối Tạp chí. Tôi cẩn thận cắt tất cả mục “Trả lời bạn đọc” đóng riêng một quyển để phòng khi có tình huống liên quan mang ra đối chiếu, so sánh. Có thể nói, Tạp chí Kiểm tra là cẩm nang giúp cho tôi học được rất nhiều kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Càng ngày, tôi càng hiểu và yêu thích công việc kiểm tra hơn. Khi được cơ quan cử tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, tôi luôn chăm chú ghi chép đầy đủ các ý kiến tại các cuộc họp và làm việc với đối tượng kiểm tra; xem cách làm việc, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo đoàn kiểm tra, giám sát. Việc gì không hiểu thì tôi trực tiếp hỏi các đồng chí lãnh đạo hoặc các đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, nhiều lúc nửa đêm tỉnh ngủ nghĩ đến công việc tôi vùng dậy lại lấy tài liệu ra để nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi gặp nhiều đối tượng kiểm tra là anh em, bạn bè quen biết, thậm chí có đồng chí trước là lãnh đạo UBKT, thủ trưởng phụ trách mình, cũng day dứt, trăn trở làm thế nào vừa bảo đảm nguyên tắc công tác nhưng lại không mất mát tình cảm cá nhân.

Tôi nhận thức rằng, trong 06 nhiệm vụ của UBKT thì nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm và nhiều khó khăn, áp lực nhất. Bởi khi tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì phải thẩm tra, xác minh làm rõ để kết luận có vi phạm, khuyết điểm hay không, đến mức phải kỷ luật không và như vậy nếu phải kỷ luật sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của đối tượng kiểm tra và mối quan hệ tình cảm, tình đồng chí giữa chủ thể và đối tượng kiểm tra. Mặt khác, để xác định được nội dung, đối tượng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đã là rất khó, vào kiểm tra chỉ ra khuyết điểm, vi phạm để đối tượng kiểm tra tâm phục, khẩu phục còn khó khăn hơn rất nhiều; muốn làm tốt nhiệm vụ này chỉ có nắm tình hình và phát hiện dấu hiệu vi phạm thật tốt thì cuộc kiểm tra mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập hiện nay có rất nhiều dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nhưng không được kiểm tra, xem xét xử lý một cách kịp thời để phòng ngừa vi phạm. Đối tượng kiểm tra nhận có vi phạm chỉ khi mình đưa ra được các bằng chứng, chứng minh có vi phạm thì họ mới tâm phục, khẩu phục, còn trông chờ vào sự tự giác, trung thực của tổ chức đảng và đảng viên thì rất khó.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và giải quyết tố cáo cũng nhiều khó khăn, vất vả không kém. Hằng năm UBKT Tỉnh ủy nhận được rất nhiều đơn, thư các loại của công dân, đảng viên gửi đến tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, đề nghị; phản ánh ở các lĩnh vực liên quan đến cán bộ, đảng viên.

Công tác giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với đảng viên của cấp ủy, UBKT các cấp đạt được nhiều kết quả, thực hiện đúng quy trình, thủ tục, khách quan, dân chủ; thực hiện tốt việc thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại, bảo đảm quyền dân chủ cho đảng viên và giữ được tính nghiêm minh của kỷ luật đảng. Một vụ việc điển hình về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng mà tôi từng tham gia với vai trò là Phó Trưởng đoàn là: Năm 2023, UBKT Tỉnh ủy tiếp nhận giải quyết khiếu nại 01 trường hợp do Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Để cuộc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng bảo đảm công minh, chính xác, giữ nghiêm kỷ luật đảng và giữ vững ổn định chính trị ở địa phương là điều chúng tôi suy nghĩ, trăn trở nhất. Sau khi tiến hành thẩm tra, xác minh rất kỹ, trao đổi với các tổ chức đảng đã đề nghị thi hành kỷ luật, kỷ luật và đảng viên khiếu nại đều xác nhận đồng chí đảng viên bị kỷ luật có biểu hiện “mất đoàn kết với đồng nghiệp trong cơ quan” với các biểu hiện cụ thể như: Gửi đơn tố cáo vượt cấp, trong các cuộc họp nói to, không có tiếng nói chung, nói xấu đồng nghiệp với người khác,… Nhưng khái niệm thế nào là “mất đoàn kết” để áp dụng và đối chiếu thì chưa thấy có ở quy định nào của Đảng nên còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đoàn chúng tôi báo cáo đầy đủ các ý kiến của tổ chức đảng và đảng viên với UBKT Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo và đề nghị hạ mức kỷ luật. UBKT Tỉnh ủy họp thống nhất kết luận đảng viên có khiếu nại vừa có khuyết điểm (gây mất đoàn kết với đồng nghiệp), nhưng lại có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (đồng chí đã từng có đơn phản ánh, tố cáo một đồng chí cấp trên vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, quản lý kinh phí của nhà trường; trong đơn có nhiều nội dung phản ánh, tố cáo đúng). Sau khi cân nhắc, xem xét, UBKT Tỉnh ủy nhận thấy lỗi “mất đoàn kết” cũng chưa thực sự rõ ràng, chỉ là cách đấu tranh và việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình của đồng chí chưa đúng phương pháp, chưa đúng cách tiếp cận, dẫn đến cách hiểu khác nhau, do vậy UBKT Tỉnh ủy đã quyết định xóa hình thức kỷ luật. Sau đó thì tình hình tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đồng chí đảng viên khiếu nại đã trở lại ổn định, giải quyết được mâu thuẫn nội bộ. UBKT Tỉnh ủy cũng đã thông báo nguyên nhân thay đổi hình thức kỷ luật cho tổ chức đảng cấp dưới quyết định thi hành kỷ luật để rút kinh nghiệm.

Qua đó, cá nhân tôi rút ra được bài học là làm công tác kiểm tra, kỷ luật đảng phải nhìn xa trông rộng, lấy ổn định chính trị đặt lên hàng đầu, lấy cái tích cực để đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu. Nguyên nhân chính của việc khiếu nại kỷ luật kéo dài, khiếu nại đến nhiều cấp là do việc thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận không rõ ràng, tính thuyết phục không cao, đảng viên khiếu nại không “tâm phục, khẩu phục”. Tổ chức đảng cấp trên và cán bộ kiểm tra phải khắc phục tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm với tổ chức đảng cấp dưới đã thi hành kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại để không làm nhanh, làm lướt, chỉ chăm chú tìm chứng cứ “buộc tội” chứ không tìm chứng cứ “gỡ tội” cho đảng viên khiếu nại, dẫn đến kết quả chủ yếu là chuẩn y, làm cho đảng viên khiếu nại không đồng tình và tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.  Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các tổ chức đảng, các đoàn kiểm tra khi thi hành kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật cần có cách nhìn toàn diện, thấu đáo hơn nữa, để phát huy tốt hơn vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng./.

Minh Ngọc


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu