A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ Địa bàn VII thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng về tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước làm trong sạch tổ chức bộ máy, cán bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, và sự điều hành của Nhà nước; góp phần tạo sự ổn định an ninh - chính trị, và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Ngành Kiểm tra Đảng,  UBKT Trung ương nói chung, và Vụ Địa bàn VII, Cơ quan UBKT Trung ương nói riêng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, chủ động phát hiện, kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm minh, nhiều tổ chức đảng, và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vụ Địa bàn VII được UBKT Trung ương phân công theo dõi 15 đơn vị, gồm 11 tỉnh ủy, thành ủy và 04  đảng ủy. Địa bàn Vụ có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 7/8 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành Phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An). Là địa bàn lớn, địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội, có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, phát triển năng động nhất của cả nước; nhưng cũng là địa bàn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong các lĩnh vực: Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, quy hoạch, đầu tư công, công tác cán bộ...

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực UBKTTrung ương và lãnh đạo Cơ quan UBKT Trung ương, lãnh đạo Vụ đã phối hợp chặt chẽ cùng Chi ủy Chi bộ tập trung thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ chính trị được giao và đạt được nhiều kết quả trên các mặt công tác. Đặc biệt Vụ đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên, và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác này. Bám sát tình hình địa bàn, Vụ đã tham mưu UBKT Trung ương thành lập 11 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 11 tổ chức đảng và 4 đảng viên; trong đó có những lĩnh vực kiểm tra mới, nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm tra rộng và phức tạp, như: Kiểm tra đối với cơ quan phòng, chống tội phạm, đấu tranh phòng, chống buôn lậu (Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và đồng chí Lê Xuân Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang); kiểm tra lĩnh vực tư pháp, công tác xét xử, thi hành án (Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh và đồng chí Ngô Đức Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020)… Đồng thời, cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Ủy ban tại Trà Vinh, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ và Tổng cục Hải quan. Tham mưu UBKT Trung ương chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An, Bình Phước,… kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh về lĩnh vực y tế. Riêng trong năm 2021, qua công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, UBKT Trung ương đã xử lý kỷ luật 03 tổ chức đảng (bằng hình thức cảnh cáo) và 13 đảng viên (cảnh cáo 01; cách chức tất cả chức vụ trong Đảng 02; khai trừ ra khỏi Đảng 10); yêu cầu cấp ủy địa phương xử lý kỷ luật theo thẩm quyền 02 tổ chức đảng và 30 đảng viên (khai trừ ra khỏi Đảng 24 đảng viên, khiển trách 01 đảng viên); UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng (cảnh cáo) và 01 đảng viên (cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng); Ban Bí thư thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng (cảnh cáo) và 08 đảng viên (cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng 04; khai trừ ra khỏi Đảng 04 trường hợp)…

Kết quả tích cực của công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên đã giúp cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm; xử lý nghiêm những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không trường hợp đặc biệt”, “không có hạ cánh là an toàn”. Nhờ đó, kỷ luật của Đảng, kỷ cương hành chính Nhà nước được tăng cường. Đặc biệt thông qua công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, công khai minh bạch hơn; không còn hiện tượng “giơ cao đánh khẽ” mà là “giơ cao đánh trúng”. Hiện tượng bao che, né tránh, “dĩ hòa, vi quý”, sợ “rút dây động rừng” được hạn chế, đẩy lùi đã và đang được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao; củng cố niềm tin trong nhân dân, ngăn chặn được điểm nóng, bức xúc trong xã hội.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của Vụ Địa bàn VII, UBKT Trung ương, Thủ trưởng Cơ quan UBKT Trung ương, Ban Thường Vụ Đảng ủy Cơ quan UBKT Trung ương đã quyết định tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, các danh hiệu thi đua cho tập thể Vụ, Chi bộ, Công đoàn và cán bộ, đảng viên của Vụ. Những kết quả tích cực mà tập thể Vụ Địa bàn VII đã đạt được trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó, trước hết và trực tiếp là từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thường trực UBKT Trung ương, lãnh đạo Cơ quan UBKT Trung ương, Đảng ủy Cơ quan UBKT Trung ương và các đồng chí Thành viên Ủy ban phụ trách Vụ. Tập thể lãnh đạo Vụ, Chi ủy Chi bộ đã bán sát chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, và các nhiệm vụ do Thường trực UBKT Trung ương giao; thực hiện nhiệm vụ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,... Cán bộ, đảng viên trong Vụ đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, bám sát các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các văn bản, quy chế, quy trình, quy định mới của Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; xác định nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời điểm, phân bổ lực lượng, thời gian, quyết tâm phấn đấu  hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong việc thực hiện  nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại khu vực Vụ Địa bàn VII vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn đang tồn tại ở không ít địa phương, đơn vị; vn còn biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nể nang né tránh, “dĩ hòa vi quý”, xử n bộ, đảng viên vi phạm chưa nghiêm; suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhận hối lộ, bảo buôn lậu,… S lượng vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát tại khu vực của Vụ Địa bàn VII chưa nhiều; chủ yếu phát hiện qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ thực tiễn công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên tại Vụ Địa bàn VII thời gian qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong giai đoạn mới hiện nay, Vụ Địa bàn VII xác định chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nhất là người đứng đầu các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật hoặc điều chuyển công tác đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có sai phạm, tiêu cực, để xảy ra tiêu cực tham nhũng tại đơn vị mình quản lý hoặc phát hiện hành vi tham nhũng nhưng bao che, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xử lý kịp thờicác nguồn thông tin về tham nhũng, tiêu cực (kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố về vi phạm tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,...).

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban, hội nghị chuyên đề để thông tin, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra Vụ Địa bàn VII chủ động trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, phối kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa Vụ Địa bàn VII với UBKT cấp ủy trực thuộc Trung ương thuộc địa bàn Vụ phụ trách; với các cơ quan, đơn vị có liên quan như thanh tra, kiểm toán, điều tra, các cơ quan có chức năng trong phát hiện, xử lý tổ chức đảng đng viên vi phạm./.

Nguyễn Duy Hồng,

Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn VII, Cơ quan UBKT Trung ương


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu