Tự hào 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng
Bằng tài năng, trí tuệ, bản lĩnh trong 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử cao cả của mình là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Có được những thành tựu đó là nhờ chủ trương đường lối đúng đắn, sáng tạo; là sự kết hợp của các phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ, tài tình, đầy giá trị nhân văn; trong đó có phương thức thông qua công tác kiểm tra, giám sát. Chính vì thế, mỗi chúng ta, nhất là những cán bộ, đảng viên trong Ngành Kiểm tra Đảng đều có quyền tự hào khẳng định rằng, 75 năm qua là chặng đường vẻ vang, đánh dấu sự hình thành, phát triển đi lên của Ngành Kiểm tra Đảng trong việc thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng, nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; sự đoàn kết thống nhất và đảm bảo thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong công cuộc đổi mới hiện nay vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua (16/10/1948 - 16/10/2023), Ngành Kiểm tra Đảng luôn kế thừa và phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”. Đó là, luôn bám sát tôn chỉ, mục đích xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn; phải làm rõ đúng, sai, ưu điểm, khuyết điểm, mức độ vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đồng thời phải thực hiện một cách triệt để nguyên tắc, trình tự, thủ tục, phương pháp được quy định tại Điều lệ Đảng cũng như các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sức mạnh của Đảng, để mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về “tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”; từ đó “thúc đẩy và giáo dục cán bộ và đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó, mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.
Từ thực tiễn của 75 năm qua cũng đã minh chứng hùng hồn rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ngành Kiểm tra Đảng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, giai đoạn lịch sử; tích cực chủ động thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng, cũng như phục vụ đắc lực nhiệm vụ cấp ủy theo Điều 30, Điều lệ Đảng; xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, niềm tin tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó bồi dưỡng lý tưởng, lẽ sống; xây dựng niềm tin, định hướng những giá trị đạo đức đúng đắn cho các đối tượng được kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác kiểm tra làm việc tích cực, sáng tạo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần lập nên những kỳ tích tích về tất cả mọi mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, ngoại giao; đưa dân tộc ta hội nhập với xu thế toàn cầu hóa trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xuất phát từ yêu cầu chính trị và công tác xây dựng Đảng, trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ngành Kiểm tra Đảng luôn chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả và xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, tùy vào đặc điểm tình hình của từng địa phương để nắm bắt tình hình qua các kênh thông tin, nhất là trong thời kỳ khoa học công nghệ 4.0; triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ cũng như nhiệm vụ cấp ủy giao, nhất là những vấn đề nhậy cảm mà dư luận quan tâm, những vụ việc liên quan đến lĩnh vực tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; từ đó tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được coi là “thương hiệu”, là “thanh bảo kiếm” trong công tác xây dựng Đảng. Qua đó, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, theo phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”. Và thật đáng trân trọng biết dường nào, xuyên suốt trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là sợi chỉ đỏ lan tỏa tính “nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” để xây dựng những chuẩn mực trong nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người cán bộ kiểm tra theo truyền thống của Ngành “Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật”.
Những minh chứng cho vấn đề này đó là, trong thời gian gần đây nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra từ lâu hoặc mới xảy ra nhưng thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, mang tính phức tạp, nhạy cảm những tưởng chừng bị “chìm xuồng”, những tưởng được coi như một “mặc định” với “kim bài miễn tử” đối với một số đối tượng, nhất là đối với cán bộ cấp cao. Thế nhưng khi có sự vào cuộc của Ngành Kiểm tra Đảng, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì sự việc được thẩm tra, xác minh đầy đủ, làm rõ kết luận đúng đắn, khách quan những khuyết điểm, sai phạm, làm cơ sở để xử lý đối với tổ chức và đảng viên phù hợp với nội dung, tính chất, mức độ và hậu quả trong từng hành vi vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý đều được công khai trên các phương tiện thông tin chính thống, được dư luận hoan nghênh đồng tình ủng hộ, từ đó ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Cụ thể, trong thời gian gần đây, nhất là vào năm 2022, việc xử lý một số tổ chức đảng và cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, với các chức danh bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, ngay cả là Ủy viên Bộ Chính trị. Qua đó giúp cho tổ chức đảng và đảng viên nhận thức đúng đắn để từng bước khắc phục những khuyết điểm, vi phạm; phải “tâm phục, khẩu phục”, góp phần củng cố mối đoàn kết, thống nhất nội bộ nhằm lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, của cá nhân. Chính vì thế, công tác kiểm tra, giám sát luôn được xác định “là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; là bộ phận trực tiếp, thường xuyên của toàn Đảng”. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp đổi mới của đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành, phát triển tư tưởng và những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, từ đó cũng đặt ra những thuận lợi và thử thách đối với toàn Đảng, toàn Dân và toàn quân ta trong lĩnh vực tư tưởng đạo đức. Đặc biệt, trong lúc Đảng ta đã và đang thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, và Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khoá XIII) tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị (khoá XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, để tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Ngành Kiểm tra Đảng đã và đang được đổi mới đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Đó là, xây dựng mô hình kiểm tra, tăng thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra các cấp, bố trí một ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và những tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan và doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên, theo Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; lựa chọn, đào tạo, bố trí có thể điều động, luân chuyển cán bộ theo Quy định 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Đồng thời, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra ở cấp cơ sở.
Với những kết quả đã đạt được trong 75 năm qua, Ngành Kiểm tra Đảng đã được Đảng, Nhà nước tặng rất nhiều phần thưởng cao quý điển hình là Huân chương Sao Vàng vào năm 2008 nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng.
Từ ý nghĩa, mục đích và kết quả nêu trên, kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ngành Kiểm tra Đảng, chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quan tâm của cấp ủy các cấp, Ngành Kiểm tra Đảng luôn phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ kiểm tra, không ngừng đổi mới tư duy, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Muốn vậy, đòi hỏi từng lãnh đạo đến mỗi ủy viên ủy ban kiểm tra, kiểm tra viên, mỗi chuyên viên, viên chức và người lao động của Ngành đứng trước trách nhiệm nặng nề, thách thức to lớn, phải hội tụ đầy đủ những đức tính của người cán bộ kiểm tra trong giai đoạn hiện nay. Đó là, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng; có đạo đức, nhân cách, trí tuệ và năng lực, năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao; phải trung thực, khách quan trong quá trình xử lý công việc để Ngành Kiểm tra Đảng luôn là chỗ dựa tin cậy trong quá trình Đảng ta thực hiện chức năng lãnh đạo./.
Phạm Thành Đồng
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Di Linh, tỉnh Lâm Đồng