A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức về Trần Đăng Ninh và nơi thành lập Ngành Kiểm tra Đảng

  • Bút ký của Đồng Khắc Thọ

Sau khi Nhà bia di tích Ban Kiểm tra Trung ương được khánh thành vào năm 2007 đã trở thành địa điểm về nguồn của cán bộ kiểm tra Đảng trong cả nước. Trong ảnh: Chi Đoàn Thanh niên Cơ quan UBKT Trung ương và Đoàn Thanh niên Cơ quan UBKT Đảng ủy Công an Trung ương chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia di tích Ban Kiểm tra Trung ương.

Vào một sáng tháng ba, cái rét muộn tái tê từ dãy núi Hồng khu di tích lịch sử ATK  Định Hóa vừa tan, nng rực lên rừng cọ, đồi chè của “Thủ đô gió ngàn” - chiến khu Việt Bắc năm xưa. Tôi khoác chiếc máy ảnh Nikon F90X và một máy kỹ thuật số hạng nhẹ luồn rừng khám phá vẻ hùng vĩ của Đèo De - núi Hồng, mái nhà sàn ẩn hiện sau những tán vầu, cọ. Đến 11 giờ trưa về Trung tâm dịch vụ di sản văn hóa và du lịch ATK trên đỉnh đèo De ăn cơm, tình cờ gặp chị Hà Thị Xoan, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Thái Nguyên và đoàn công tác tháp tùng đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương hành hương về nguồn.

Tôi theo đoàn đi khảo sát di tích nơi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Đảng tại đồi Pụ Miếu, xóm Phụng Hiển, xã Điềm Mặc. Sơn nữ Lý Thị Chiên phụ trách Nhà trưng bày ATK Định Hóa, người đang lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, đưa Đoàn đi.

Từ đường ô tô liên tỉnh Quán Vuông - Tân Trào rẽ độ 2 km đường nhựa mang tên Trường Chinh - ghi dấu nơi ở làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh những năm 1947-1948 ở đồi Khuổi Khê, xóm Phụng Hiển. Chúng tôi dừng chân trước một quả đồi tròn xanh rợp chè, cây lấy gỗ, cao cách mặt ruộng độ 15-20 m. Cô Lý Thị Chiên cho biết: Ngày 10/11/2006 cùng với đoàn khảo sát, định vị địa điểm di tích do đồng chí Phạm Thị Hòe, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương dẫn đầu, có Vụ trưởng, chuyên viên Vụ Tổ chức, Văn phòng, Tạp chí Kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Vượng, đại diện UBKT Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Định Hóa Trần Văn Ích và Nông Đình Thân -Chủ tịch xã Điềm Mặc. Các nhân chứng đối chiếu với tài liệu, bản vẽ, lời kể của đồng chí Nguyễn Thanh Bình và Hà Minh Quốc - 02 trong 03 đồng chí lãnh đạo đầu tiên thành lập Ban Kiểm tra Trung ương tại xóm Phụng Hiển được thành lập vào ngày 16/10/1948. Sau khi khảo sát, dựa vào vật chuẩn là cây Gội cổ thụ, gốc độ 03 người ôm, có 04 nhánh ngọn, đã xác định được đồi Pụ Miếu - “Đồi ông Ninh” là địa điểm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Ban Kiểm tra Trung ương (nay là Ủy ban Kiểm tra Trung ương).

Ông Mông Chí Đệ, chủ đất đồi Pụ Miếu là cựu chiến binh cho biết: Cha ông là Mông Chí Bằng, hồi năm 1948 ông Trần Đăng Ninh (thường gọi là ông Đỗ) ở gia đình ông. Rồi được ông Bằng dẫn cán bộ lên đồi Pụ Miếu, đồi cây của nhà ông Bằng, ông cùng cán bộ dựng lán cho Ban Kiểm tra Trung ương. Con gái ông Ninh tên là Hạnh, tầm tuổi ông Mông Chí Đệ vẫn cùng trông em ở nhà sàn, khi ông chuyển nhà ra đồi Pụ Miếu vẫn qua lại chơi với nhau. Vào giờ nghỉ buổi chiều, ông Ninh vẫn đi hái hoa mướp, câu ếch ở ao nhà ông Bằng ở dưới chân đồi và các chằm lầy, sâu nhiều lươn, trạch, ếch,... Các anh cán bộ còn thả rau muống ở ao Thẩm Pa của gia đình ông Bằng.

Tôi lần giở những trang tư liệu tìm dấu ấn Trần Đăng Ninh, người Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên Đảng. Ông sinh năm 1910, tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, quê thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú (nay là xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây). Ông Trần Đăng Ninh giác ngộ cách mạng năm 1935, một năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1940 lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn; tháng 5/1941 tại Hội nghị Trung ương 8 ở Khuổi Nậm, Pác Bó được bầu Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tháng 7/1941 là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; ngày 21/11/1941 bị Pháp bắt, giam tại nhà tù Hòa Lò, nhà tù Sơn La sau đó vượt ngục tù Sơn La tiếp tục hoạt động cách mạng... Ngày 15/5/1945, Trần Đăng Ninh có mặt tại lễ hợp nhất đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa. Ông được cử vào Ban chỉ huy cùng đồng chí Chu Văn Tấn, Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Vào nửa đầu tháng 11/1946, đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách đội công tác đặc biệt gồm đại diện các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể làm nhiệm vụ nghiên cứu, chọn địa điểm an toàn để đặt các cơ quan đầu não kháng chiến tại Việt Bắc. Sau khi lên các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn khảo sát nắm tình hình, cân nhắc mọi phương diện, đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo Trung ương, quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) làm địa bàn xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương.

Ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương do Tổng Bí thư Trường Chi ký (tên Thận).

Ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị(1) kể lại: Ban Kiểm tra Trung ương thành lập lúc đầu gồm 03 đồng chí: Đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy; đồng chí Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương chuyên trách đầu tiên của Đảng. Các phái viên kiểm tra bổ sung dần, lúc đông nhất có khoảng 23 đồng chí được Trung ương điều động từ các ban thường vụ tỉnh ủy từ Liên khu V trở ra: Lê Thanh, Đặng Việt Lâm, Hoàng Phú, Mai Công Thiệp, Trần Tấn, Trần Linh, Nguyễn Thành Tân, Nguyễn Danh Phan, Trần Thọ, Lê Quang Hợp, Hà Văn Tuyên, Hoàng Điền, Bùi Khiết, Tạ Quang, Lê Công Hoạch, Vũ Minh, Quang Sơn, Kỳ Nam, Nguyễn Hữu Lê,...

Lúc đó chưa bố trí thành các phòng, ban, vụ như ngày nay. Trưởng ban và cán bộ ở làm việc tại một nhà dài trên 20 mét ngăn thành từng gian cùng văn thư, hành chính, hậu cần thực hiện nhiệm vụ theo phương thức phái viên là chính. Các cuộc kiểm tra lúc đó được thực hiện do yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo, có việc Trung ương Đảng và Chính phủ giao. Có việc do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ thị. Đó là những vụ việc có quan hệ đến các chính sách, như: Các chính sách đối với tôn giáo, dân tộc, trí thức, chính sách mặt trận, chính sách cán bộ, chính sách đối với quân đội có những vụ việc quan trọng được Bác Hồ giao.

Từ trụ sở đầu tiên của Ban Kiểm tra Trung ương đặt tại đồi Pụ Miếu, xóm Phụng Hiển, đồng chí Trần Đăng Ninh đã cùng cán bộ, phái viên của Ban Kiểm tra Trung ương làm việc trong các năm 1948-1950. Khi được Trung ương Đảng cử sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, đồng chí mới rời khỏi Ban Kiểm tra Trung ương ở đồi Pụ Miếu sang Thanh Định (ATK Định Hóa) nhận nhiệm vụ mới. Tại đây đã tổ chức thực hiện công tác kiểm tra Đảng và cả nhiệm vụ của thanh tra Nhà nước và của cả Quân đội. Nghĩa là những nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của Ngành Kiểm tra Đảng và công tác thanh tra mà Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao như: Vụ án gián điệp H122 ở quân khu Việt Bắc; vụ “Hóa chất miền Nam” ở Liên khu V; việc thuyết phục giám mục Lê Hữu Từ ở Phát Diệm và “Vua Mèo” Vương Chí Sình ở Đồng Văn (Hà Giang) ủng hộ Chính phủ kháng chiến...

Nhiều việc khác đồng chí Trưởng ban chỉ đạo cán bộ thực hiện như: Kiểm tra việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến, chống lãng phí, tham ô của các tỉnh ủy thuộc các Liên khu Việt Bắc; kiểm tra việc thực hiện chiến tranh nhân dân ở Bắc Giang, Bắc Ninh để chuẩn bị hội nghị chiến tranh vùng Trung du; kiểm tra nội bộ cơ quan “Hoa Kiều vụ”; cùng ban bảo vệ của quân đội giải quyết vụ án Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu, Bộ Quốc phòng. Mỗi khi đồng chí Trưởng ban đi công tác, số cán bộ còn lại của Ban được trực tiếp nhận nhiệm vụ ở đồng Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng giao như: Kiểm tra tình hình quân Pháp đánh chiếm các vùng công giáo tập trung ở Bùi Chu, Phát Diệm, xử lý đặc vụ Tưởng trong cơ quan Hoa Kiều vụ...

Các Khu, tỉnh chưa có Ban Kiểm tra nhưng đã có cấp ủy viên phụ trách kiểm tra như Liên khu Việt Bắc có đồng chí Phan Lang, Khu ủy viên, ở Liên khu III có đồng chí Vũ Oanh, Khu ủy viên. Từ Ban Kiểm tra Trung ương ở Phụng Hiển, xã Điềm Mặc đã phát đi nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng ở các Liên khu, các tỉnh là cơ quan tham mưu và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm tra mà Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Công tác kiểm tra bước đầu giúp Trung ương Đảng và Chính phủ củng cố được lòng tin của nhân dân, của chiến sỹ, của các nhân sỹ, trí thức, tôn giáo của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, củng cố thêm mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương(2).

Gia đình ông Đệ còn lưu giữ được chiếc áo dạ capot dài đến đầu gối, nặng trên 3 kg do đồng chí Trần Đăng Ninh tặng ông Mông Chí Bằng, người hiến đất cho Ban Kiểm tra Trung ương làm nhà lán ở làm việc. Cô Lý Thị Chiên đã sưu tầm cho Nhà Trưng bày ATK Định Hóa hiện vật ghi lại một thời gian khổ, hào hùng gắn với Trần Đăng Ninh, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và quân đội ta với những cống hiến to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ông Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), nguyên Bí thư Đảng ủy Khối Kinh tế Trung ương, 85 tuổi, ở số nhà 19A, ngõ Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội nhớ lại:  Vào thời gian thành lập Ban Kiểm tra Trung ương tại Phụng Hiển, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) có nhiều cơ quan: Tổng Bí thư Trường Chinh ở đồi Khuổi Khê (đồi A) cách 700 mét; Văn phòng Trung ương Đảng do đồng chí Lê Văn Lương phụ trách có bộ phận biên tập, phóng viên Báo Sự Thật ở đồi C. cách Ban Kiểm tra Trung ương độ 100 mét là đồi Điện ảnh, nơi chiếu, duyệt phim... Ông bà Xuân Mỹ cưới nhau, có ông Hồ Tùng Mậu làm chủ hôn, cơ quan thịt bò, chia mỗi người một ít, dự đám cưới chiến khu có đồng chí Hoàng Tùng, Tô Quang Đẩu, Đinh Thị Cẩn, Hoàng Thị Ái, Hà Giang,..

Vào mùa đông tháng 10, tháng 11 sau khi thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm làm việc Ban Kiểm tra Trung ương, thăm hỏi sức khỏe, đời sống của cán bộ và công việc của Ban...

Ông Lường Văn Lược dân xóm Phụng Hiển mời chúng tôi chén rượu men lá rồi hể hả cười với vẻ bộc tuệch bộc toạc: Hồi ấy ông cùng ông Mông Chí Bằng và vài ba người dân được làm lán giúp cho Ban Kiểm tra Trung ương. Lúc ấy Phụng Hiển chỉ có 6 nóc nhà ở rải rác. Ông Lược gọi bà Phùng Thị Vân là chị dâu, bà Vân là chủ nhà đồng chí Trường Chinh cùng gia đình ở nhờ trước khi chuyển ra nhà lán ở đồi Khuổi Khê. Ông kể: Nhà ở của Ban Kiểm tra Trung ương dài độ 20 mét, rộng 4-5 mét bằng vầu cọ, ngăn ra làm 7, 8 phòng, mỗi phòng lại chia làm hai, bên ngoài làm việc, bên trong làm nơi ngủ nghỉ, ngoài ra còn có hội trường, bếp ăn tập thể, sân chơi, chuồng ngựa, kho quân nhu, hầm hào tăng xê... Lứa chúng tôi lúc ấy 27 tuổi thường ra vào chơi luôn, thấy đồng chí Trần Đăng Ninh cùng anh em ăn uống kham khổ lắm, toàn ngô bung. Vào ngày rằm, ngày Tết vẫn qua lại mời các anh về nhà ăn Tết, uống rượu xôi bảy màu, thịt lợn, thịt gà... Dân được dặn dò phải giữ bí mật bảo vệ cơ quan, cán bộ; không được tiết lộ với người lạ...

Địa điểm di tích nơi đặt trụ sở đầu tiên của ngành Kiểm tra Đảng, ngày thành lập được nhân dân, đảng bộ xã có ý thức gìn giữ, không xây dựng nhà cửa, vẫn là nguyên vẹn đồi cây xanh tươi tốt, còn đó cây Gội cổ thụ là vật chuẩn, mốc ghi dấu địa điểm di tích.

Trao đổi với cán bộ Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Thái Nguyên, với bà con nhân dân xóm Phụng Hiển hôm hành hương về cội nguồn, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng cho biết sau khi lập hồ sơ khoa học xết hạng di tích sẽ dựng bia ghi dấu sự kiện nơi ra đời Ngành Kiểm tra Đảng và xây tặng bà con các dân tộc nơi đây một nhà sinh hoạt cộng đồng dưới chân đồi di tích, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử ATK và đền đáp tấm lòng của bà con các dân tộc vùng chiến khu xưa.

Trích Bút ký-Tư liệu “Về Thủ đô gió ngàn ATK in dấu lịch sử”

Nhà xuất bản Hội Nhà văn-2007

 

-----------------------------

(1)- Lời kể nhân chứng đồng chí Nguyễn Thanh Bình, ngày 21/03/2007 lưu giữ tại Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Thái Nguyên.

(2)- Hà Xuân Mỹ: Công tác kiểm tra của Trung ương Đảng từ năm 1947 đến Đại hội toàn quốc lần thứ II (1951) - Tạp chí Kiểm tra số đặc biệt tháng 10/1996, Tr 11, 12.


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu