A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn viên thanh niên Cơ quan UBKT Trung ương “rèn đức”, “luyện tài” phát huy truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng

Đoàn Thanh niên Cơ quan UBKT Trung ương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đồng hành cùng đoàn viên trong tiếp cận nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện văn hóa, văn minh công sở”. Trong ảnh: Đồng chí Tô Duy Nghĩa, Uỷ viên UBKT Trung ương, đại diện BTV Đảng uỷ Cơ quan phát biểu tại buổi Toạ đàm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất nhiều về việc rèn đức, luyện tài đối với cán bộ, đảng viên, Người từng nhấn mạnh: "Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(1). Đặc biệt hơn, Bác rất lưu tâm đến việc đào tạo, rèn luyện của thanh niên, cán bộ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Những tình cảm, trân quý trong thư gửi thanh niên được Bác nói rất hình ảnh và ý nghĩa: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(2). Không chỉ là việc gửi gắm tình cảm mà còn là gửi gắm hy vọng của Bác vào đội ngũ thanh niên - thế hệ kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Trải qua nhiều chặng đường lịch sử, Ngành Kiểm tra Đảng vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa là chiếc nôi để nuôi tài, dưỡng đức cho cán bộ, đảng viên. Với truyền thống của Ngành “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”; các thế hệ đoàn viên thanh niên Cơ quan UBKT Trung ương ngày càng tâm huyết, gắn bó, tự hào về Ngành. Nhiều thế hệ đoàn viên đã ví đây là trường học lớn, là người dẫn đường của bao thế cán bộ kiểm tra “trẻ” về tuổi đời, “trẻ’’ trong tuổi nghề, giúp cán bộ rèn luyện, trưởng thành,để nỗ lực đóng góp, cống hiến vào sự nghiệp của Ngành cũng như trong công tác xây dựng Đảng.

Công tác kiểm tra của Đảng có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng vì vậy đòi hỏi cán bộ kiểm tra cũng phải hội tụ đầy đủ các phẩm chất, yêu cầu đáp ứng nhiệm vụ quan trọng Đảng giao. Trước hết, cán bộ kiểm tra phải có được đầy đủ các phẩm chất của người cách mạng. Trong tác phẩm “Đời sống mới” (3/1947), Bác đã nói rất sâu sắc về đạo đức cách mạng:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”(3).

Tháng 6/1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Bác viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo với bút danh là Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6 năm 1949 để giải thích rõ nội dung 4 đức tính này. Trong bài báo “Thế nào là Cần”, Bác đã giải thích rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ”. Và Bác chỉ rõ: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng…Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau. Kế hoạch lại đi đôi với phân công”; “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ”.

Trong bài báo Thế nào là Kiệm, Người phân tích: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, và phân tích thêm: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không?  Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa".

Trong bài báo Thế nào là Liêm, Bác phân tích: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM…”. Bác cũng nói rõ: "Quan tham vì dân dại". Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hoá ra LIÊM.Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM.Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.Người kết luận: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Trong bài báo: Thế nào là Chính, Người đã giải thích: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn.

Vì vậy, mỗi cán bộ kiểm tra phải tu dưỡng không ngừng, rèn luyện bền bỉđể có đầy đủ phẩm chất, đạo đức cách mạng.“Đức” của người cán bộ kiểm tra cũng nằm trong phạm vi chung đó, trước hết cần phải đủ các đức “cần, kiệm, liêm, chính”. Sự tu dưỡng của cán bộ kiểm tra còn phải yêu cầu cao hơn nữa về bản lĩnh chính trị vững vàng, lý tưởng cách mạng trong sáng, niềm tin tưởng tuyệt đối với Đảng, trung thành với Đảng, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về nghiệp vụ,có ý thức trách nhiệm với mọi nhiệm vụ được phân công; là sự song hành giữa tính khách quan, công tâm, trung thực với sự quý trọng sinh mệnh chính trị của đồng chí, đồng nghiệp.Người cán bộ kiểm tra có “đức” luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của tập thể lên hàng đầu, làm việc trong tâm thế giữ vững được uy tín của tổ chức, gìn giữ và phát huy truyền thống của Ngành. Quá trình rèn luyện đạo đức giúp người cán bộ kiểm tra có đủ sự tỉnh táo, bản lĩnh để vượt qua những sự cám dỗ trên hành trình bảo vệ cái tốt, cái đúng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Tài” của người cán bộ kiểm tra biểu hiện ở việc nắm chắc Điều lệ Đảng, hệ thống các văn bản, quy định của Đảng, phát luật của Nhà nước; thành thạo nghiệp vụ công tác; có sự hiểu biết rộng rãi trong các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; có kinh nghiệm thực tiễn, thực hành chuyên môn, nghiệp vụ phong phú. Trong quá trình thẩm tra, xác minh hoặc theo dõi nắm tình hình, người cán bộ kiểm có khả năng nắm bắt thông tin, phân tích, tổng hợp để đánh giá thực trạng, có khả năng phát hiện được các dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, có khả năng kết hợp hài hòa giữa biện pháp tâm lý với biện pháp nghiệp vụ để đối tượng kiểm tra tự giác nhận sai phạm, “tâm phục, khẩu phục” và có ý thức khắc phục vi phạm, vươn lên. Không chỉ vậy, cán bộ kiểm tra còn phải thấm nhuần và thực hiện tốt mục tiêu: “Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm "chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả". Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách…Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích "trị bệnh cứu người", giữ được cán bộ”(4).

Công tác kiểm tra của Đảng là một lĩnh vực rất khó, các vụ việc vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên thường phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đối tượng kiểm tra, giám sát lại có chức quyền, trình độ chuyên môn cao, hiểu biết và nhiều kinh nghiệm, có nhiều mối quan hệ… mỗi nhiệm vụ đều là một trong những thử thách đối với cán bộ kiểm tra. Do đó, việc rèn luyện tài, đức của người cán bộ kiểm tra là cơ sở quan trọng để mỗi kết luận kiểm tra đảm bảo sự thấu tình, đạt lý, sự khách quan, khoa học. Qua công tác kiểm tra, người cán bộ có đầy đủ tâm đức, tài năng sẽ giúp phát hiện cách làm hay việc làm tốt để biểu dương, phát huy và nhân rộng, đồng thời chỉ ra những thiếu sót, tồn tại của tổ chức đảng, đảng viên để chấn chỉnh, khắc phục, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả, hướng công tác kiểm tra, giám sát đi theo đúng chức năng, nhiệm vụ, ý nghĩa nhân văn vốn có.

Để có được đội ngũ cán bộ đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát trong bối cảnh mới thì công tác đào tạo - bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ kiểm tra từ lý luận đến thực tiễn có vai trò, vị trí quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảngngày 27/11/2020, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá về chất lượng cán bộ kiểm tra là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ công tác Đại hội XII, đặc biệt cán bộ kiểm tra đã “... rất có bản lĩnh, quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan trong việc thẩm tra, xác minh…”,khi thực hiện công tác“xử lý kỷ luật thấu tình, đạt lý theo tinh thần xử lý một vài người để cứu muôn người, rất nhân văn!”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đối với cán bộ kiểm tra: “Đ hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng quyết định là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra; phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan kiểm tra cùng với các cơ quan nội chính, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thật sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trong sạch, chí công vô tư, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân. Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, không say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác, thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải là những “Bao công” trong thời đại mới”.

Trong phương hướng công tác xây dựng Đảng được Đại hội XIII của Đảng thông qua cũng nhấn mạnh: “Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp… xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…”.

Với mục đích góp phần xây dựng Đảng mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ngày 30/6/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW về thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, trong đóđề ra yêu cầu:"Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành, đoàn kết, liêm khiết, kỷ luật, tận tụy, trung thực, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam đã có những thay đổi phù hợp với thời đại, song phẩm chất cơ bản của người cán bộ kiểm tra Đảng vẫn còn nguyên giá trị, và được đề cao với thế hệ thanh niên Cơ quan UBKT Trung ương để học tập, là mục tiêu phấn đấu, tiếp tục kế thừa các truyền thống đầy tự hào của Ngành Kiểm tra Đảng. Đoàn Thanh niên Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương luôn ý thức rõ được trách nhiệm lớn lao của Ngành và có ý thức trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Cơ quan và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Cơ quan UBKT Trung ương.

Để tiếp tục nhận thức và làm tốt việc rèn “đức”, luyện “tài”, đoàn viên Cơ quan UBKT Trung ương xác định tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, yêu cầu quan trọng đầu tiên là người cán bộ kiểm tra phải tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên hàng đầu; nhận thức rõ trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác kiểm tra đối với sự nghiệp bảo vệ Đảng. Đoàn viên thanh niên cần tích cực tham gia các chương trình tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên do các cấp tổ chức. Qua việc được tham gia giáo dục, nâng cao nhận thức, mỗi đoàn viên, thanh niên có cơ hội phấn đấu nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, năng động, sáng tạo, tận tụy công tác, yêu ngành, yêu nghề, tiếp tục tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành Kiểm tra Đảng vững mạnh.

Thứ hai, với đặc thù hoạt động kiểm tra, giám sát có tính nguyên tắc, nghiệp vụ cao, đòi hỏi quy trình xử lý công việc chính xác, chuyên nghiệp, cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất chính trị vững vàng, nghiệp vụ tinh thông, có kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực, khi thực hiện nhiệm vụ phải công tâm, khách quan; dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để công tác kiểm tra, giám sát mang lại hiệu quả, từng đoàn viên thanh niên cần ra sức phấn đấu, rèn luyện trong học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn công tâm, liêm chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, trước hết, từng đoàn viên, thanh niên phải nghiên cứu, học hỏi nắm vững những kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn để tham gia được các tổ, đoàn kiểm tra, giám sát, giải quyết vụ việc. Cần chủ động tìm tòi tài liệu, nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn liên quan đến công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; các văn bản pháp luật của Nhà nước, trau dồi thêm kiến thức Luật. Đồng thời, luôn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm ở các đồng chí, đồng nghiệp đi trước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên sâu sát cơ sở, tham gia các cuộc họp của cấp ủy cấp dưới, khảo sát, nắm tình hình, tìm hiểu kỹ những vấn đề dư luận quan tâm, thông tin phản ánh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và báo chí, truyền thông...

Thứ ba, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương Đoàn và Đoàn Khối các cơ quan Trung ương và thực tiễn hoạt động tại Cơ quan, Đoàn Thanh niên tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh Bộ tiêu chí đánh giá đoàn viên, thanh niên cho phù hợp với yêu cầu và thực tiễn, trọng tâm là đánh giá việc rèn luyện về lý tưởng cách mạng, nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, quan hệ công tác, kết quả rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả tham gia công tác đoàn, kết quả phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của thanh niên trong công tác chuyên môn và công tác đoàn… Phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của thế lực thù địch; kịp thời giải quyết những phát sinh trong tư tưởng của thanh niên, đặc biệt là trước những biến động trong khu vực và thế giới; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp...

Trong môi trường công tác kiểm tra, nhiều cán bộ kiểm tra được rèn đức, luyện tài đã trưởng thành theo thời gian, từ những cán bộ trẻ về tuổi đời, tuổi nghề đã trở thành những hạt nhân, được cấp ủy các cấp tín nhiệm bầu cử, bổ nhiệm đảm nhận những chức vụ lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan Trung ương và địa phương. Do vậy, mỗi đồng chí cán bộ trẻ cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, có ý thức kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Ngành.

Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng 16/10/1948 - 16/10/2023, là dịp để Đoàn Thanh niên Cơ quan tìm hiểu và nâng cao nhận thức về truyền thống tự hào của Ngành, từ đó có ý thức, trách nhiệm để tu dưỡng, phấn đấu kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ kiểm tra Đảng.

Lương Quốc Khánh* - Nguyễn Mai Hiền**

 

*Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - ** Vụ Tổ chức - Cán bộ

--------------------

Tài liệu tham khảo

1- Hồ Chí Minh: Về đạo đức cách mạng-NXB ST-H-1976- tr 30-35.

2-Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.194, Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1946

3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 117.

4- Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phúc Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ngày 27/11/2020.

Bài viết: “Thế nào là Cần” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh Lê Quyết Thắng), đăng trên báo Cứu quốc, số 1255, ra ngày 30/5/1949. 

Lam Giang: Tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, https://cand.com.vn đăng ngày 11/3/2018.

 


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu