Tư tưởng biện chứng trong đường lối ngoại giao của Hồ Chí Minh và sự vận dụng vào thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng của Người được kế thừa và phát triển từ chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá nhân loại đã được hệ thống hoá và tổng hợp lại thành một chỉnh thể hoàn chỉnh các quan điểm, đường lối, chính sách, trong đó có tư tưởng về đường lối ngoại giao. Đường lối ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự vận dụng những tư tưởng biện chứng vào thực tiễn, thể hiện được cốt cách, tinh thần dân tộc với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây là tư tưởng ngoại giao hết sức khéo léo, linh hoạt và đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng và Nhà nước ta vận dụng trong thực tiễn hiện nay.
“Ngoại giao là sự giao thiệp với nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình và để góp phần giải quyết những vấn đề quốc tế chung”[1]. Khái niệm về ngoại giao chính thức được trình bày trong “Một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ ngoại giao”trong đó có đề cập đến: “Ngoại giao là một khoa học mang tính tổng hợp, một nghệ thuật của những khả năng, là hoạt động của các cơ quan làm công tác đối ngoại của nhà nước, bảo vệ quyền lợi, lợi ích, quyền hạn quốc gia, dân tộc ở trong nước và trên thế giới, góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế chung bằng con đường đàm phán và các hình thức hòa bình khác”[2].
Đường lối ngoại giao là thuật ngữ khoa học chỉ về nghệ thuật thực hiện đàm phán của quốc gia thông qua những người đại diện cho quốc gia đó. Đường lối ngoại giao thể hiện công tác chỉ đạo những quyết sách để hiện thực hóa bằng hoạt động ngoại giao nhằm đạt được mục đích có lợi cho quốc gia trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, xã hội, du lịch, hòa bình, ổn định, tôn giáo, quyền dân chủ, chủ quyền dân tộc, vị thế quốc gia…
Có thể thấy, đường lối ngoại giao là một bộ phận quan trọng trong sự cấu thành của kiến trúc thượng tầng, qua đó thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình phát triển đất nước ở mỗi giai đoạn khác nhau thì dân tộc sẽ phải có mục tiêu, kế hoạch cụ thể và góp phần phục vụ đường lối đối nội của dân tộc đó.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đường lối ngoại giao là toàn bộ tư tưởng, quan điểm, nội dung được kết tinh từ quá trình học tập, rèn luyện và tu dưỡng của Người trong thực tiễn, không khô cứng, máy móc mà luôn vận động, biến đổi cho phù hợp với từng thời điểm lịch sử - cụ thể. Tuy nhiên, dù có biến đổi hay linh động ra sao thì “dĩ bất biến, ứng vạn biến” luôn phải được chú trọng, lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn phải đặt lên hàng đầu và không được nhượng bộ, độc lập dân tộc là cái bất di bất dịch.
Tư tưởng biện chứng trong đường lối ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện hết sức rõ nét trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ngày 3/10/1945, Hồ Chí Minh đã đưa ra Thông cáo về “Chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời”, trong đó Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Đưa nước nhà đến độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn, và góp phần cùng các nước Đồng minh chống phát xít, trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ được các liệt quốc thừa nhận, xây đắp lại nền hòa bình thế giới”; “Với các nước nhược tiểu dân tộc trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong xây dựng và giữ vững nền độc lập”[3]. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt độc lập dân tộc là ưu tiên số một để từ đó là tiền đề cho các vấn đề giao lưu, hợp tác với các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Sáng ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đến Pháp để mở ra cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp nhằm níu giữ nền hoà bình đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Trước khi đi, Người đã nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng và dặn lại “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Có thể hiểu rằng, lợi ích, chủ quyền của quốc gia, dân tộc là cái bất biến, lấy cái đó để ứng xử với thực tiễn sinh động sao cho phù hợp trong mọi hoàn cảnh.
Khác với những tư tưởng của các quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa ở thế kỷ XX cho rằng tư bản hay phương tây là xấu và cần phải loại bỏ, Người từng nói: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Có tinh thần thuần túy Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ”[4]. Bởi vậy, đường lối ngoại giao của Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở kế thừa, học tập nghiên cứu chắt lọc tinh hoa của lịch sử nhân loại tiến bộ.
Nhờ vận dụng tư tưởng biện chứng vào đường lối ngoại giao của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn kết được tình cảm giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam đã có được sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần của các nước, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với đó là trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đường lối ngoại giao của Người còn được thể hiện trong Bản Di chúc lịch sử Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta phải đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[5]. Đến khi về cõi của người hiền triết, Người vẫn luôn nghĩ đến dân tộc, đến sự nghiệp cách mạng thế giới và bạn bè năm châu, coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cách mạng của các dân tộc bị áp bức, yêu chuộng hoà bình.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa, vận dụng tư tưởng biện chứng trong đường lối ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn ngoại giao hiện nay. Trên quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tình hình thế giới có nhiều biến động mới như hiện nay thì “chủ động, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo linh hoạt về sách lược, vì lợi ích cao nhất của đất nước” đặc biệt trên lĩnh vực đối ngoại, luôn quán triệt quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” có nghĩa là phải giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, còn về sách lược ngoại giao cần khéo léo để phù hợp phù hợp với bối cảnh nước ta vừa phù hợp với xu hướng của thời đại.
Đại hội Đảng lần thứ VII Đảng ta đã có sự thay đổi nhận thức, tư duy đối ngoại: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” [6].
Tại Đại hội Đảng lần VIII, Đảng ta nhấn mạnh đã thoát khỏi khủng hoảng, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là cơ sở lý luận và cũng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta xây dựng con đường lối ngoại giao trong các giai đoạn tiếp theo”[7]. Ngoại giao Hồ Chí Minh đã mang đến một chân lý bất hủ “biết mình biết người, biết dừng biết biến, biết thời biết thế”.
Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới. Tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế- xã hội [8].
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nêu rõ được cơ sở lý luận của đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, trên quan điểm giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường phát triển các thế mạnh của hoạt động đối ngoại để có thể tạo nên sức mạnh toàn diện đường lối ngoại giaoViệt Nam hiện nay. Đại hội khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[9].
Đường lối ngoại giao của Hồ Chí Minh mang đến cho dân tộc ta cách quan sát, xem xét và nhận định các giai đoạn của thời cuộc, nhận biết được đường hướng cụ thể và đưa ra những sách lược hợp lý có lợi cho quốc gia. Hiện nay, dựa trên tiền đề là mối quan hệ biện chứng giữa “lực, thế và thời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta cần vận dụng để đoán trước lực lượng, từ đó tìm thời điểm thích hợp, cuối cùng là nắm bắt lấy thời cơ. Thời cơ mới ở đây đó chính là xu hướng “hòa bình, hợp tác và phát triển" đang nổi lên trên toàn nhân loại trong thời điểm đa phương hóa các quan hệ quốc tế cùng với đó là khoa học, công nghệ ngày càng phát triển mang lại thời cơ để tăng cường các hoạt động ngoại giao cho các quốc gia trên thế giới.
Chúng ta học tập và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải nhận thức được thời đại mình đang sống một cách thật sâu rộng, chỉ có như vậy mới nắm bắt chính xác đặc điểm và xu thế phát triển của thời đại, dự đoán được tương lai”[10]. Chúng ta có thể hiểu rằng, ngoại giao cần nắm chắc mối quan hệ biện chứng giữa “lực, thế và thời” để nghiên cứu và tiên đoán các vấn đề diễn ra trên toàn khu vực và quốc tế nhằm có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho Đảng ta về những sách lược, đường hướng phù hợp trước tình hình mới.
Trong những biến động của thời đại hiện nay, vận dụng tư tưởng biện chứng trong đường lối ngoại giao của Người về độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa là điều “bất biến”; Quan điểm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” luôn nhất quan trên mọi mặt trận của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc “độc lập, tự chủ, tự cường phát huy nội lực”, với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh được thể hiện mọi đường lối, chủ trương cho sự phát triển đất nước, đặc biệt là hội nhập quốc tế với lộ trình sao cho phù hợp với tình hình của đất nước qua từng giai đoạn. Muốn đổi đổi mới để hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ vững mục tiêu “bất biến” chúng ta cần vận dụng “linh hồn sống” của chủ nghĩa Mác - Lênin là phương pháp làm việc biện chứng, quán triệt sâu sắc tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng dĩ bất biến, ứng vạn biến, lý luận gắn liền với thực tiễn, giải quyết những xung đột mâu thuẫn xã hội chính là giải quyết đúng đắn lợi ích giữa mối quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và thời đại, để tạo thế và lực mới, nắm bắt thời cơ vận hội mới cho sự phát triển bền vững của đất nước”[11].
Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021 đã diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát và nhận định: “Chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là trường phái riêng”. Tổng Bí thư đã ví ngoại giao Việt Nam là “ngoại giao cây tre”: “Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi”[12]. Có thể thấy rằng, đây là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong đường lối ngoại giao của Đảng ta trong tình hình hiện nay trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những tinh hoa ngoại giao của dân tộc, của thời đại và ngoại giao Hồ Chí Minh.
Nội hàm của trường phái “Ngoại giao cây tre” Việt Nam mà Tổng Bí thư nói đến là: (1). Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; (2) linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. (3) Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. (4) Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”[13].
Chúng ta đã đúc kết ra 5 bài học sâu sắc cho ngành ngoại giao của Việt Nam hiện nay: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; Kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược; Xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; Bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt; Bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, gắn kết chặt chẽ, nhịp nhành giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, và đối ngoại nhân dân.
Có thể thấy rằng, năm nguyên tắc này chính là sự vận dụng, kế thừa và phát triển tư tưởng biện chứng trong đường lối ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng chứng minh được tư tưởng về đường lối ngoại giao của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Quan điểm biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối ngoại giao là sự kết hợp tinh tế và nhuần nhuyễn trong vận dụng lý luận tư tưởng biện chứng của chủ nghĩa duy vật vào thực tiễn. Tìm hiểu và nắm bắt quan điểm biện chứng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh giúp nhận thức sâu sắc hơn, gợi mở cho Đảng Cộng sản Việt Nam phương pháp vậndụng chủ nghĩa duy vật biện chứng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng biện chứng trong đường lối ngoại giao của Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất quán trong đường lối lãnh đạo của Đảng,sự quản lý thống nhất của Nhà nướcvà là vấn đề rất cấp thiết trong tiến trình hội nhập quốc tếcủa nước ta hiện nay./.
-----------------
Tài liệu tham khảo
1. Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng 2003, tr. 683.
2. Học viện Quan hệ quốc tế, Giáo trình một số vấn đề cơ bản về ngoại giao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.19-20.
3. Lưu hành nội bộ, (2015), Bộ Ngoại giao 70 năm xây dựng và phát triển: 1945- 2015, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2015, tr. 37 - 38.
4. Hồ Chí Minh với công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 1971, tr. 71.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.15, tr. 624.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, t.51, tr.49.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội2006.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội2011.
10. Nguyễn Quốc Bảo, Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào việc đổi mới đường lối đối ngoại của Đảng ta hiện nay, Đề tài cơ sở cấp trọng điểm, Học viện báo chí và tuyên truyền, 2012, tr.33.
11. Thành Duy, Hạt nhân biện chứng trong phương pháp tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, số 5 năm 1992, tr.19-20.
12. Xem https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-dac-biet-nhan-manh-truong-phai-ngoai-giao-cay-tre-viet-nam-20211214115131367.htm
13. Thái Văn Long (2022), Nét đặc sắc của “Ngoại giao cây tre” Việt Nam, https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/net-dac-sac-cua-ngoai-giao-cay-tre-viet-nam-137961, (xem ngày 01/03/2023).
Đại tá Nguyễn Quốc Huy
Ủy viên UBKT Đảng ủy Công an Trung ương