Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với việc phòng, chống nguy cơ suy thoái về đạo đức của Đảng ta hiện nay
Hình ảnh Bác Hồ giản dị thăm hỏi bà con nông dân thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Tư liệu
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phấn đấu hy sinh cho dân, cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng. Trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người rất quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhất là việc đấu tranh, loại trừ các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân xuất hiện trong Đảng và trong xã hội. Là một nhà mác xít sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xác định đạo đức cách mạng là một phạm trù chính trị, là gốc, là nền tảng, là cái căn bản của người cách mạng. Có đạo đức người cách mạng mới gánh được nặng và đi được đường xa. Bởi theo Người, sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp nặng nề, Người cách mạng phải có đạo đức mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang của mình, mới chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Bên cạnh việc chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng việc đấu tranh, loại trừ các biểu hiện chủ nghĩa cá nhân. Bởi đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nguy cơ làm suy thoái đạo đức trong Đảng nói chung và ở mỗi các bộ, đảng viên nói riêng.
Ngày 3/2/1969, Báo Nhân Dân đã đăng trên trang nhất bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh T.L nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng. Nội dung của bài viết đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đạo đức cách mạng đối với sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Đạo đức cách mạng đã tạo dựng được một thế hệ chiến sĩ anh dũng xung phong, tiên phong đi đầu trong đấu tranh cách mạng, cam chịu gian khổ, hy sinh. Người chỉ rõ: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”(1).
Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém đó là chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân chính là sự biểu hiện tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống, trở thành nguy cơ lớn đối với đảng cầm quyền. “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(2). Bởi theo Người, cán bộ, công chức Nhà nước thì dù ít, dù nhiều đều có quyền hành. Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có quyền mà thiếu lương tâm, không chịu tu dưỡng, rèn luyện thì dễ trở nên hủ bại, trở thành sâu mọt của nhân dân. Bản chất của chủ nghĩa cá nhân luôn hướng theo chủ nghĩa vị kỷ, tôn thờ “cái tôi”, coi nhẹ cái “chung”, lấy mục tiêu “mọi người vì mình” làm mục đích sống, làm phương châm đối nhân xử thế. Nó không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, đối với dân tộc mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một kẻ thù nguy hiểm ngăn cản chúng ta đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng.
Với tính phê phán nghiêm khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện và hậu quả của chủ nghĩa cá nhân. Người viết: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ” và “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Nguyên nhân sâu sa, bao trùm của các biểu hiện trên được Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là chủ nghĩa cá nhân - một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người, là một nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và các trở lực khác. Vì vậy, cần phải quét sạch những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống để làm trong sạch Đảng để Đảng, xứng đáng là “đạo đức, là văn minh”. Người chỉ rõ: “Muốn nâng cao đạo đức cách mạng cần quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Sa vào chủ nghĩa cá nhân thì chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, độc đoán chuyên quyền…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác đẻ ra hàng trăm thứ bệnh, mang lại nhiều bất lợi cho cách mạng, sinh ra hàng trăm thói hư tật xấu, kéo lùi sự phát triển của Đảng. Đặc biệt, tác phẩm đã đề xuất phương hướng và biện pháp nhằm khắc phục những biểu hiện, những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, từ đó nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trước hết, phải ra sức giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên; thực hành phê bình và tự phê bình trong Đảng; hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên, gần gũi quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, góp phần quét sạch chủ nghĩa cá nhân, để nâng cao đạo đức cách mạng. Tác phẩm là văn kiện vô giá thể hiện tư tưởng chủ động, đi trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị cán bộ, đảng viên của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ de dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Do vậy, điều quan trọng là đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, khéo dỗ dành ta đi xuống dốc, vì thế càng nguy hiểm. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nó chờ dịp để phát triển, che lấp đạo đức cách mạng. Vì vậy, vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(3).
Nguyên nhân của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân cơ bản là do một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên về đạo đức cách mạng. Kèm theo cơ chế quản lý, nhất là quản lý về kinh tế còn có nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, lỏng lẻo; tư tưởng đề cao giá trị vật chất ngày càng nhiều, làm giảm các giá trị tinh thần về đạo đức, kéo theo những tư tưởng lối sống của xã hội cũ xuất hiện khá phổ biến, cùng với nhiều căn bệnh xuất hiện như: Quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ,... Làm xuất hiện chủ nghĩa cá nhân, đề cao chủ nghĩa cá nhân, làm cho chủ nghĩa cá nhân xuất hiện ngày càng phổ biến trong Đảng và trong xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, sinh trưởng trong xã hội cũ, hầu hết trong chúng ta ai cũng mang trong mình ít hoặc nhiều thuộc tính, những vết tích sâu xa của xã hội cũ và những tư tưởng, thói quen truyền thống lạc hậu để lại. Điều đó dẫn tới một số cán bộ, đảng viên không giữ được đạo đức cách mạng, làm nảy sinh những hiện tượng suy thoái về phẩm chất đạo đức và lối sống. Trong cuộc đấu tranh đó, phải lấy việc xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng làm nhiệm vụ then chốt, kết hợp với việc đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống xuất hiện trong Đảng và trong xã hội.
Từ nội dung, tư tưởng cơ bản và giá trị của tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân chúng ta cần liên hệ, vận dụng sáng tạo đối với việc phòng chống nguy cơ suy thoái của Đảng cần quyền hiện nay. Trong đó, cần phải đề xuất được hệ thống các giải pháp mang tính định hướng, nhằm khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay là vô cùng cần thiết. Đó là cách tốt nhất để xây dựng một Đảng cách mạng mácxít ngày càng trong sạch, vững mạnh, một Đảng tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm và đạo đức của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy: “Đảng ta là đạo đức là văn minh, là độc lập là hòa bình ấm no”. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và thực hiện cho được tư tưởng “cần, kiệu, liêm, chính, chí công vô tư”, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đối với những người mang danh cộng sản, nhưng vì sức mạnh đồng tiền và quyền lực mà phản bội lại lý tưởng của Đảng, hại nước, hại dân thì phải cương quyết đấu tranh, loại trừ khỏi tổ chức đảng, nếu vi phạm các quy định của Đảng thì phải xử lý thật nghiêm minh để làm gương cho người khác.
Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân tiếp tục là cơ sở, nền tảng để Đảng ta quán triệt, giáo dục, học tập cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng về phòng, chống suy thoái. Nhất là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin vào Đảng; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, lãng quên trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm túc. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời, linh hoạt; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Để phòng, chống nguy cơ suy thoái về đạo đức của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, cần phải thực hiện tổng thể nhiều giải pháp khác nhau vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của nhân dân vào công tác xây dựng và bảo vệ Đảng. Để giành thắng lợi hoàn toàn, chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng và lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(4). Sức mạnh, tai mắt, vai trò của nhân dân là nguồn sức mạnh vô địch, vô tận trong cuộc đấu tranh phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền. Sức mạnh của nhân dân là sức mạnh vô địch có vai trò to lớn dân vào xây dựng Đảng, nhất là trong việc phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong Đảng và của cán bộ, đảng viên. Do đó, để phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, cần quán triệt nghiêm túc những tư tưởng cốt lõi trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ quyền cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải dựa vào nhân dân, sức mạnh toàn dân, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có sức mạnh đồng lòng, đồng tâm hiệp lực, ra sức đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, đấu tranh kiên quyết với chủ nghĩa cá nhân, nhất là những biểu hiện suy thoái xuất hiện trong Đảng và Nhà nước. Có như vậy bộ máy của Đảng và Nhà nước mới ngày càng trong sạch, vững mạnh đủ sức để lãnh đạo cách mạng giành được nhiều thắng lợi.
Mặt khác, các cấp ủy đảng, các cơ quan chính quyền có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng cán bộ, đảng viên trù dập, ức hiếp quần chúng. Muốn phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, thì phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi lẽ, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân; dựa chắc vào dân, có dân là có tất cả.
Hai là, thường xuyên tổ chức giáo dục, học tập, nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt cho cán bộ, đảng viên nói riêng và toàn Đảng nói chung. Một trong những biện pháp cần thiết để đấu tranh, chống lại những nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền là mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt, làm cho họ luôn luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng của Đảng. Bởi sức mạnh của đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Theo Người, người có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không rụt rè, lùi bước, không ngại khó khăn, gian khổ. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc mà không ngại hi sinh lợi ích của cá nhân mình. Khi cần, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng, tài sản của mình cho Đảng. Người có đạo đức cách mạng thì dù gặp thuận lợi hay khó khăn vẫn giữ vững được tinh thần chất phát, khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, không kén cựa về mặt vật chất và hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo và không hủ hóa. Vì vậy, cần phải giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên về kiến thức mọi mặt là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao đạo được cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nhằm phòng, chống có hiệu quả nguy cơ suy thoái của một Đảng cầm quyền.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng”(5). Sự dốt nát, yếu kém về trình độ chính là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh những sai phạm, làm xuất hiện các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, làm xuất hiện nguy cơ suy thoái của một Đảng cầm quyền là tất yếu. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là về thế giới quan, phương pháp luận. Nhận thức đúng những hành vi của mình có hại hay có lợi cho Đảng, cho cách mạng. Từ đó, mà chủ động đấu tranh, phòng ngừa một cách hiệu quả. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ giữ học tập văn hóa và học lý luận chính trị. Bởi trong tư tưởng của Người, nếu không tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải học tập chính trị vì nếu chỉ học tập văn hóa, kỹ thuật mà không học tập chính trị thì như người nhắm mắt mà đi.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng ta hiện nay, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về sức mạnh, yêu cầu của đạo đức cách mạng, cũng như về tính chất nguy hại của chủ nghĩa cá nhân; bản lĩnh chính trị không kiên định, vững vàng dễ dao động dẫn đến những sai phạm, suy thoái. Trên thực tế, đã có những cán bộ, đảng viên quá trình phấn đấu rất tốt, được bổ nhiệm giữ những cương vị, trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị; nhưng do “sa vào chủ nghĩa cá nhân” mà dẫn đến suy thoái, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, phải xử lý kỷ luật, phải trả giá đắt cho những hành vi của mình. Vì vậy, thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị là giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, gốc rễ của đạo đức cách mạng. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tăng cường học tập, tự học tập, tự nghiên cứu, tự rèn luyện, từng bước nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, đạo đức cách mạng; thấy rõ những biểu hiện và tính chất nguy hại của chủ nghĩa cá nhân đối với quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và công tác xây dựng Đảng theo tinh thần của tác phẩm Nâng cao đạo đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Ba là, phát huy dân chủ, thực hiện dân chủ phải rộng rãi, nhất là dân chủ trong Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(6). Thực tiễn đã chứng minh, ở đâu thực hiện tốt quyền dân chủ và phát huy tốt sức mạnh dân chủ thì ở đó tránh được những biểu hiện tiêu cực trong Đảng, trong xã hội, hạn chế được các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, những nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền. Từ đó, Đảng có điều kiện tồn tại và phát triển ngày càng lớn mạnh. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(7). Nếu như nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, và đội ngũ cán bộ là những tấm gương sáng, mẫu về thực hiện quyền dân chủ của mình thì đó sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tệ quan liêu, lãng phí, tham ô trong Đảng.
Bốn là, thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong Đảng. Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền hiện nay là phải thường xuyên đấu tranh phê bình và tự phê bình. Thực hiện đúng phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình phải xem như một “liều thuốc” để chữa trị những căn bệnh nan y kéo dài, trở thành những u nhọt trong Đảng, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, lành mạnh và không ngừng đi lên. Chỉ có thực hiện đấu tranh phê bình và tư phê bình mới góp phần làm cho cán bộ, đảng viên nhận rõ đúng sai, phải trái, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ và trưởng thành nói không với các biểu hiện suy thoái. Người nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân”(8). Mục đích của phê bình và tự phê bình là nhằm sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng nhau tiến bộ và phát triển. Đồng thời, Người nhắc nhở phê bình là để đoàn kết, phát triển tiến bộ, không phải phê bình để kìm hãm làm mất uy tín của nhau, sinh ra hiện tượng cục bộ, bè phái, trù dập lẫn nhau, làm mất đi giá trị đích thực của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, không phải Đảng ta chỉ có thành tích và thắng lợi mà không có khuyết điểm sai lầm. Nhưng khi phát hiện ra sai lầm thì Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dũng cảm nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa. Bởi vậy, theo Người: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(9).
Giữ vững và đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình là biện pháp tốt nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị các căn bệnh do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây ra trong điều kiện Đảng cầm quyền. Do vậy, trong sinh hoạt, cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp cần phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu, tinh thần thẳng thắn đấu tranh, dũng cảm trong tự phê bình và phê bình, nhất là đối với những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức cách mạng và lối sống xã hội chủ nghĩa. Cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quí, bảo vệ người trung thực, dám đấu tranh vì chính nghĩa và vì sự phát triển của Đảng.
Năm là, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, kết hợp với kỷ luật Đảng và tiến hành chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp quan trọng trong đấu tranh ngăn ngừa các biều hiện chủ nghĩa cá nhân, phòng, chống hiệu quả nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền hiện nay. Thực tiễn cho thấy, Đảng là hạt nhân chính trị, là tổ chức duy nhất để lãnh đạo các mặt hoạt động ở tại các cơ quan, đơn vị. Quyết định nhiều vấn đề, nội dung, chủ trương, biện pháp lớn liên quan đến hoạt động lãnh đạo của Đảng. Do đó, tổ chức đảng cần phải duy trì chặt chẽ các nguyên tắc hoạt động, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Kết hợp với việc duy trì nghiêm túc và chặt chẽ kỷ luật Đảng, thường xuyên tiến hành kiểm tra, chỉ rõ các sai phạm của cán bộ, đảng viên trong Đảng để khắc phục kịp thời. Thực tiễn cho thấy ở đâu thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, kỷ luật Đảng và kiểm tra Đảng thì ở đó hạn chế được cơ bản các sai phạm của cán bộ, đảng viên; kịp thời dập tắt những tư tưởng, những biểu hiện, những nguy cơ suy thoái của một Đảng cầm quyền. Thông qua đó, nhằm quản lý và giám sát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên về các mặt hoạt động của Đảng; kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, sai phạm để ngăn chặn và xử lý kịp thời không để lại hậu quả nặng nề. Một trong những lưu ý là công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật Đảng cần phải được đi vào thực chất, tránh hình thức, qua loa, chiếu lệ, làm giảm sút sức mạnh, tính chiến đấu của Đảng.
Trong những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt lên án tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hội nghị toàn quốc về xây dựng Đảng (tháng 12/2021) đã nhấn mạnh sự cần thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xuất phát từ sự nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, Đảng đã nhấn mạnh thêm một nội dung trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(10). Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức cầm quyền của Đảng; nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Tóm lại, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái đạo đức trong tác phẩm Nâng cao đạo đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đến nay vẫn nguyên giá trị, tiếp tục là cơ sở, định hướng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để phòng, chống hiệu quả nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền chúng ta phải dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận sự thật, nói đúng sự thật, tìm ra đúng nguyên nhân. Từ đó, đưa ra các giải pháp khoa học, sáng tạo nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những thiếu sót khuyết điểm, nhất là những yếu kém tồn tại kéo dài của cán bộ, đảng viên, trên cơ sở bắt đúng bệnh, tuân thủ đúng liệu trình và phác đồ điều trị. Mục đích chính là nâng cao được đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân, cũng như dập tắt những biểu hiện suy thoái trong Đảng và trong xã hội./.
PGS.TS Nguyễn Văn Thế*- ThS Nguyễn Huy Đại**
* Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
** Giảng viên khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.546.
(2) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.546.
(3) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, tr.611.
(4) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.280.
(5) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.469.
(6) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.547.
(7) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.325.
(8) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.547.
(9) Sđđ. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.325.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.190.