A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thi hành kỷ luật mà đảng viên không phục thì mong gì họ sửa chữa khuyết điểm, vi phạm

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Tuyên Quang.

Nói thật, khi Thường trực UBKT Tỉnh ủy Tuyên Quang giới thiệu chị để tôi trao đổi, viết về một tấm gương cán bộ kiểm tra, trong bụng tôi đã không mấy tin tưởng. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy. Chị trông mảnh dẻ, nếu không muốn nói là có phần yếu ớt so với những phụ nữ miền núi mà tôi thường gặp; vồn vã thì dễ thấy, nhưng tính kiên định, dũng khí, sắc bén của một cán bộ kiểm tra thì nhìn mỏi mắt cũng chẳng thể hình dung được… Hóa ra, trò chuyện, rồi nghe những suy nghĩ, biết được việc làm của chị, tôi mới thấy mình đã hời hợt khi chỉ trông mặt mà bắt hình dung.

Này nhé, trước hết hãy nhìn vào số lượng các vụ việc mà chị đã làm trong 8 tháng đầu năm nay: Trực tiếp làm trưởng đoàn 9 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức đảng, 12 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 1 đoàn giám sát cấp ủy huyện, đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường; đầu tư công; thực hiện các kết luận của thanh tra nhà nước trên địa bàn huyện Sơn Dương. Cạnh đó, kiểm tra 4 tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; kiểm tra tài chính 2 tổ chức đảng. Chưa kể, chị cùng tập thể Thường trực Ủy ban, UBKT Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt nhiệm vụ cấp ủy giao. Kết quả cụ thể nhất là cuối năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành được nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát, với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu rất cao. Rồi thì, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, UBKT cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Quy định số 195 của Ban Bí thư;... cùng bao nhiêu công việc thường xuyên, đột xuất khác nữa.

Về chất lượng kiểm tra, giám sát, hãy hình dung từ những số liệu của UBKT Tỉnh ủy Tuyên Quang thực hiện được, trong đó, có phần đóng góp nhất định của chị. Như trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tỷ lệ kết luận có vi phạm lên đến 95,2%. Trong đó, 2/3 tổ chức đảng có vi phạm, 1 tổ chức đảng đến mức phải thi hành kỷ luật; yêu cầu, kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi số tiền hơn 2 tỷ đồng; 18/18 đảng viên có vi phạm, 12 đảng viên đến mức phải thi hành kỷ luật, kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi số tiền hơn 40 triệu đồng. Giám sát chuyên đề đối với 12 tổ chức đảng, 11 đảng viên là cấp ủy viên các cấp; qua giám sát, phát hiện, chuyển kiểm tra khi dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức đảng, 1 đảng viên; kiểm tra tài chính đảng đối với 68 tổ chức, qua kiểm tra kết luận 24/68 tổ chức đảng, 7 đảng viên có vi phạm, đề nghị xử lý hơn 900 triệu đồng tiền sai phạm... 

Số liệu, dù thuyết phục bao nhiêu đi nữa thì cũng khô khan. Tâm bộc bạch: Phụ nữ thường mềm lòng. Tâm cũng vậy. Như, nhờ nắm chắc tình hình, xác định rõ dấu hiệu vi phạm để kiểm tra; tổ chức thẩm tra, xác minh chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, nên đa số các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của UBKT Tỉnh ủy nói chung, các cuộc kiểm tra do Tâm làm trưởng đoàn, đều kết luận đối tượng kiểm tra có khuyết điểm, vi phạm, hầu hết đều đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật, khiến nhiều khi mình có cảm giác là mang điều không may mắn đến với đồng chí của mình - giọng Tâm trầm xuống. Nhưng, biết làm sao khác được, nhiệm vụ của Đảng giao mình phải hoàn thành, cũng là để xây dựng Đảng mình, đồng chí mình tốt hơn, hoàn thiện hơn thôi. 

Hỏi, vì sao làm trưởng đoàn nhiều thế, Tâm bảo không riêng gì chị, các đồng chí trong thường trực ủy ban cũng đều vậy cả. Ủy ban chủ trương phân công các đồng chí thường trực làm trưởng những đoàn mà đối tượng kiểm tra là những cán bộ, đảng viên có chức vụ khá cao, hoặc kiểm tra cách cấp nhưng nội dung phức tạp. Chị buồn buồn: Đối tượng kiểm tra có chức vụ cao thì tinh thần hợp tác với đoàn thường không thật tốt, thái độ kẻ cả, hay quanh co, né tránh, đổ lỗi. “Trong những trường hợp ấy, chị ứng xử thế nào?” - Tôi hỏi. Tâm không trả lời thẳng mà giải thích: Cách thẩm tra, xác minh của tôi là gặp gỡ với tất cả đảng viên, tổ chức đảng có liên quan, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng lý, xem giải trình của đối tượng, rồi tổng hợp, phân tích, loại suy... để tìm ra bản chất vấn đề, vụ việc. Xong, tôi mới chính thức làm việc với đối tượng, không úp mở, đặt hết mọi thứ trên bàn, phân tích, đấu tranh, làm rõ đúng sai, khuyết điểm, vi phạm. Nhiều đối tượng có vi phạm đã được chứng minh rõ, nhưng các đồng chí ấy vẫn khăng khăng không thừa nhận. Tôi lại phân tích, thuyết phục, vận động, hết lần này đến lần khác, cuối cùng họ cũng nghe ra, cầu thị. À, cũng có đôi lần tôi phải nói thẳng, rằng, quanh co, đối phó, không thành khẩn là... tình tiết tăng nặng đó - Tâm cười.

Đang mạch chuyện ấy, chị kể luôn một kỷ niệm vui. Đó là lần, qua giải quyết tố cáo, Ủy ban quyết định thi hành kỷ luật một đồng chí. Bị kỷ luật nhưng đồng chí vẫn vui vẻ. Những tưởng đồng chí vui do hình thức kỷ luật của mình nhẹ hơn mức độ sai phạm, chị gặng hỏi. Đồng chí ấy thành thật: Bị kỷ luật thì chẳng ai vui. Hình thức này cũng tương xứng với vi phạm của bản thân. Nhưng tôi vui vì chị thấy đó, đơn tố tôi bao nhiêu là nội dung, may nhờ chị cùng đoàn làm rõ từng chuyện một, kết luận đúng, sai rành mạch. Tôi có sai nhưng không đến mức như đơn tố. Tôi vui và cảm ơn kiểm tra, cảm ơn chị đã minh oan cho tôi nhiều chuyện, dù tôi vẫn bị kỷ luật do sai phạm của mình. 

Hay, như lần kiểm tra ban chấp hành đảng bộ và nhiều cán bộ chủ chốt của một xã về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý tài nguyên, khoáng sản. Trong số ấy có đồng chí ủy viên thường vụ, trưởng công an xã. Đồng chí nhận những vi phạm, nhưng một mực cho rằng, sai phạm là do thiếu kiểm tra, không biết trên địa bàn có chuyện khai thác khoáng sản trái phép, chứ không phải biết mà làm ngơ. Tâm phân tích, chứng minh cho đồng chí thấy rõ, sai phạm này không phải là lỗi vô tình, mà hoàn toàn do nguyên nhân chủ quan từ phía đồng chí. Đồng chí vẫn không chịu nhận. Đối chiếu với quy định xử lý đảng viên vi phạm, cộng với thái độ thiếu thành khẩn ấy, hình thức kỷ luật áp cho đồng chí đến mức khai trừ. Tuy nhiên, trước khi chính thức có một quyết định, Tâm để tâm tìm hiểu kỹ về gia đình của đồng chí. Chị được biết, gia cảnh thì chẳng khấm khá gì, cả nhà chỉ sống nhờ vào đồng lương của đồng chí. Khai trừ đồng nghĩa với việc đồng chí phải ra khỏi ngành, gia đình càng lâm vào cảnh khó khăn hơn nữa. Tâm quyết định một lần nữa vận động, phân tích lẽ thiệt hơn, lần này đồng chí nghe ra... Hình thức kỷ luật đối với đồng chí là cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Có dịp gặp lại nhau, đồng chí cầm chặt tay Tâm cảm ơn không ngớt, bảo rằng, tôi còn được là một sĩ quan công an như bây giờ là nhờ ở chị; rồi, tấm tức khóc, nói là tôi sai, lẽ ra tôi phải nhận thức, phải thành khẩn sớm hơn... Tâm nói, trong công tác kiểm tra, nhất là thi hành kỷ luật đảng, việc làm tốt công tác tư tưởng cho đối tượng là rất quan trọng. Thi hành kỷ luật mà đảng viên ấm ức, không phục, thì mong gì họ sửa chữa khuyết điểm, vi phạm. Đó là chưa nói vì nghĩ là oan ức, vì chưa thông trong bụng, nên họ cứ khiếu nại, làm phiền tổ chức của mình. 

Cô sinh viên Trường Đại học Thương mại năm nào, sinh năm 1971, quê tận Hưng Yên, đã trải qua 14 năm công tác trong Ngành Kiểm tra Đảng ở tỉnh Tuyên Quang. Từ Huyện ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT cấp huyện; phó, rồi trưởng phòng nghiệp vụ, Ủy viên UBKT, giờ là Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Tâm luôn là một cán bộ kiểm tra kiên định, kiên quyết đấu tranh với những sai trái; đầy dũng khí, bản lĩnh để bảo vệ cái đúng, cái tốt đẹp; chắc chắn trong chứng cứ, sắc bén trong lý lẽ; thẳng thắn, chân tình với đồng chí. Từ những đóng góp của mình đối với Ngành Kiểm tra Đảng, Nguyễn Thị Thanh Tâm đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác./. 

Tấn Tu


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu