Khi tính nhân văn bị khước từ
Đồng chí Ma Văn Giáo, Ủy viên UBKT Tỉnh ủy Tuyên Quang (phải) kể chuyện với phóng viên Tạp chí Kiểm tra.
Năm ấy, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) được thành lập. Đang là Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Huyện ủy Chiêm Hóa, tôi được điều động qua Lâm Bình làm Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy. Năm học đầu tiên ở huyện mới, là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, tôi được phân công về dự lễ khai giảng ở một trường mầm non để động viên cô trò vượt khó, dạy tốt, học tốt. Ngồi ở hàng ghế đại biểu, giữa râm ran bao chuyện về kỳ nghỉ hè vừa qua, về niềm vui của năm học mới, tôi loáng thoáng nghe được vài mẩu chuyện vụn. Rằng, chi bộ nhà trường sinh hoạt không đều; rằng nhìn vui vẻ vậy nhưng bằng mặt mà không bằng lòng; rằng, tài chính còn có chỗ chưa rõ ràng…
Khai giảng xong, về cơ quan, một thoáng suy nghĩ, tôi quyết định cho anh em đến trường khảo sát những nội dung trên. Hai đồng chí được phân công nhanh chóng mang kết quả thu thập được trở về. Đúng là những chuyện nghe bên lề buổi khai giảng là có thật. Đồng chí hiệu trưởng là cán bộ nữ, thuộc diện ban thường vụ huyện ủy quản lý. Tôi báo cáo với thường trực và sau đó ban hành quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với chi bộ nhà trường và đồng chí bí thư chi bộ, hiệu trưởng.
Kết quả kiểm tra, đúng - sai nhanh chóng được làm rõ. Chi bộ không xây dựng quy chế làm việc; trong 2 năm liền, không có lý do chính đáng, chi bộ không sinh hoạt 5 kỳ; đồng chí bí thư chi bộ không đóng đảng phí 16 tháng. Tài chính có nhiều sai trái. Chủ tài khoản - đồng chí bí thư, hiệu trưởng thông đồng với kế toán lập chứng từ khống chi mua trang thiết bị, văn phòng phẩm, nhưng thực tế không mua mà rút tiền quỹ chi xài cá nhân (số tiền không lớn lắm). Đối chiếu với các quy định về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên lúc ấy, chi bộ bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, vi phạm của đồng chí ... 2 lần rơi vào khung khai trừ. Tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ đồng chí ra khỏi Đảng. Lúc ấy, có nhiều ý kiền đề nghị về mặt chính quyền buộc đồng chí thôi việc. Tuy nhiên, chúng tôi cân nhắc nhiều lẽ, như đồng chí là cán bộ nữ, có học hành, là người xứ khác về làm dâu ở vùng quê miền núi vùng cao này,… và quan trọng là để đồng chí khắc phục khuyết điểm, có cơ hội phấn đấu vươn lên trở lại, nên không buộc đồng chí thôi việc, chỉ cho làm giáo viên thường.
Chi bộ, cán bộ giáo viên nhà trường, bạn bè, gia đình, họ hàng của đồng chí đều đồng tình với quyết định của tổ chức đảng. (Nói thêm là, ở vùng cao miền núi này, vai trò, tiếng nói của họ tộc rất quan trọng, đôi khi có tính chất quyết định một vấn đề, một số phận con người). Thế nhưng, đồng chí không đồng ý. Thậm chí, đồng chí còn mắng cả dòng họ và khiếu nại kỷ luật đảng. Khi UBKT Tỉnh ủy Tuyên Quang giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ, đồng chí chấp hành nhưng yêu cầu chuyển nội dung vi phạm về tài chính sang cơ quan điều tra để trả lại “sự trong sạch” cho bản thân.
Tôi và các đồng chí ở UBKT Tỉnh ủy hết sức khuyên can: Rằng, hồ sơ, tài liệu đã thể hiện rõ đồng chí và kế toán nhà trường lập chứng từ khống, rút tiền chi xài cá nhân; rằng, số tiền đó không nhiều, chúng tôi xử lý như vậy để đồng chí cố gắng khắc phục rồi trở lại dạy học bình thường; rằng, số tiền vi phạm nhỏ, nhưng đây là vi phạm pháp luật, nếu chuyển sang cơ quan điều tra, nhiều khả năng đồng chí sẽ mất cả chì lẫn chài, đối diện với vòng lao lý… Tuy nhiên, chẳng biết có phải ma xui khiến, quỷ dẫn đường hay không mà đồng chí cứ khăng khăng, nằng nặc yêu cầu chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Cuối cùng, UBKT Tỉnh ủy phải chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Số tiền tuy ít nhưng đồng chí bị khép vào tội tham nhũng. Tòa sơ thẩm, rồi sau là phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt chị 30 tháng tù giam; nhân viên kế toán (không phải đảng viên), trước đó chỉ bị buộc thôi việc, nay lãnh án 18 tháng tù giam.
Sự việc trải qua nhiều năm. Chị sau khi mãn hạn tù đã về lại gia đình nhưng không có việc làm. Trong vụ việc này, tôi và cán bộ kiểm tra tỉnh, huyện đã làm hết chức trách, trọn tình vẹn lý. Nhưng mỗi lần nhớ lại, lòng tôi cứ buồn và đầu óc rối mịt như học trò gặp bài toán khó. Rối mịt vì đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao chị lại hành xử như vậy. Chuyện chị làm, sai hay đúng không chỉ chúng tôi biết, chị còn biết rõ ràng hơn. Nói do nhận thức kém cũng không hẳn, bởi chị là người được học hành tử tế, có quá trình công tác, cống hiến, trưởng thành; rồi cả trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, chúng tôi đã tận tình chỉ ra khuyết điểm, vi phạm, động viên, khuyên can, phân tích rõ được mất, sao chị vẫn không nghe hiểu! Còn trong lòng mãi buồn, vì với tính nhân văn của công tác kiểm tra Đảng, chúng tôi đã chọn cách xử lý đúng lỗi phạm và cân nhắc, tính toán cho đồng chí mình có cơ hội chuộc lỗi, phấn đấu trở lại làm người tốt. Chúng tôi luôn nghĩ, kiểm tra, kỷ luật đảng là để trị bệnh cứu người, chứ không phải đuổi cùng truy tận. Đáng tiếc, chị lại khước từ tinh thần nhân văn, tấm lòng của đồng chí mình, của tổ chức mà một thời mình là thành viên…
Phan Tu
(Ghi theo lời kể của đồng chí Ma Văn Giáo, Ủy viên UBKT Tỉnh ủy Tuyên Quang)