A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiếu trung thực - biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đó là: "Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng";  "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu".

Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng gian dối, thiếu trung thực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, vụ lợi. Tiếp đó là do cấp trên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị "mắc bệnh" hám thành tích; thiếu sát sao cơ sở; buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát…

Cụ thể, như vụ việc Trịnh Xuân Thanh là một trong những biểu hiện điển hình của sự thiếu trung thực trong thực hiện quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Mặc dù biết tình hình hoạt động của PVC có nhiều sai phạm, làm ăn thua lỗ, cá nhân Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng lãnh đạo Bộ Công thương không báo cáo trung thực với cấp có thẩm quyền, ngược lại còn nhận xét tốt về Trịnh Xuân Thanh và và đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang cho Trịnh Xuân Thanh thuyên chuyển công tác. Từ nhận xét thiếu khách quan, trung thực; việc đánh giá, kiểm điểm cán bộ thiếu nghiêm túc, có dấu hiện bao che những sai phạm của Hội đồng Quản trị PVC đã tạo điều kiện cho Thanh tiếp tục con đường thăng tiến và dẫn đến hệ lụy nhiều tổ chức, cá nhân liên quan khác tiếp tục sai phạm, phải xử lý kỷ luật. Việc này đã được UBKT Trung ương kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nếu không những cán bộ thiếu trung thực tiếp tục leo lên những vị trí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước thì tác hại khôn cùng.

Có thể nói, trong xã hội hiện nay nhiều người đang rất lo lắng về hành vi dối trá, thiếu trung thực, thói quen xấu đó đã lan ra thành một dịch bệnh nguy hiểm, gây ra tác hại nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Nhất là những cán bộ, đảng viên nằm trong hệ thống chính trị, trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Không trung thực chính là nguyên nhân, mầm mống của các tiêu cực xã hội, gây băng hoại đạo đức, làm mất lòng tin của nhân dân.

Những năm trước, nhiều cán bộ, đảng viên khai báo hồ sơ, lý lịch thiếu trung thực, khi vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND, hay trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, hoặc chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu thì liên tục đề nghị sửa ngày, tháng, năm sinh để mong kéo dài thời gian công tác, chưa muốn rời vị trí lãnh đạo, quản lý mình đang đảm nhận... đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ; đồng thời tạo ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư Trung ương đã ra Thông báo số 13, quy định việc xác nhận tuổi đảng viên thì tình trạng nêu trên mới chấm dứt.

Gần đây, thông tin báo chí và dư luận xã hội bất bình trước hiện tượng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến Trung ương kê khai tài sản, thu nhập không minh bạch, thiếu trung thực; UBKT Trung ương đã phải thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với một đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, một đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương do có hành vi thiếu trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập…

Thực tế cho thấy, "bệnh thành tích" và tệ báo cáo không trung thực là căn bệnh nặng, phổ biến ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta, trong đó cả trong công tác Đảng, công tác chính trị. Một số tổ chức đảng nhiều năm đạt danh hiệu "trong sạch,vững mạnh"; 100% cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng khi có dấu hiệu vi phạm hoặc đơn thư tố cáo, qua thanh tra, kiểm tra mới phát hiện ra hàng loạt sai phạm. Thậm chí, có đơn vị vi phạm pháp luật, làm ăn thua lỗ hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cá nhân người đứng đầu được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba… sau này Chủ tịch nước phải ký quyết định hủy bỏ các danh hiệu nêu trên.  

Ai cũng biết tác hại của sự gian dối, thiếu trung thực dẫn tới sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội. Nghiêm trọng hơn "bệnh thành tích" và báo cáo không trung thực dễ dẫn đến việc đề ra các chủ trương, đường lối và biện pháp chỉ đạo của Đảng và Nhà nước không kịp thời, sát với thực tế, kém hiệu quả, kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây bất bình trong nhân dân và giảm lòng tin với Đảng. Mặt khác làm cho người dân và một số cán bộ, đảng viên ngộ nhận về hiện thực xã hội, tức là không nhận thức đúng đắn về sự thật khách quan, thỏa mãn với những thành tích đã có, giảm sút ý chí phấn đấu…

Để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải bắt đầu từ việc cán bộ, đảng viên "tự soi, tự sửa". Trước hết phải thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động, không được "nói mà không làm", "hứa mà không làm". Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cần có thái độ và cơ chế  để ngăn chặn, đẩy lùi "bệnh thành tích" và tệ báo cáo không trung thực trong các tổ chức đảng và các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở. Nếu phát hiện nơi nào có "bệnh thành tích" và tệ báo cáo không trung thực, thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc tổ chức đảng và đoàn thể nơi đó, đặc biệt là xử lý người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Trung thực là một trong những phẩm chất hàng đầu của cán bộ, đảng viên; trung thực luôn luôn gắn liền với trách nhiệm, tạo nên uy tín và sức mạnh cho tập thể. Vì thế, để củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên cần đề cao tính trung thực đi đôi với trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải là người chí công vô tư, cương trực, thẳng thắn nhằm đưa đất nước phát triển vững mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh./.

Lê Ba
 


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu