A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai - Vấn đề cần được quan tâm trong bài viết “ Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”. Đó là chủ trương nhất quán, phương châm phát triển nhân văn, khoa học của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

1. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường - chủ trương nhất quán xuyên suốt thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, Nhà nước

Vấn đề bảo vệ môi trường được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba trụ cột (kinh tế - xã hội - môi trường) để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Quan điểm gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tiếp tục phát triển, bổ sung quan điểm của Đảng trong hành trình 36 năm đổi mới.

Bước vào đổi mới, Đại hội VI, Đảng đã xác định: S dụng tốt nhất đi đôi với bảo vệ có hiệu quả môi trường sinh thái”(1). Đại hội VII chỉ đạo: Phát huy lợi thế sinh thái, bảo vệ môi trường và tài nguyên. Tận dụng phân hữu cơ…, áp dụng rộng rãi công nghệ và các biện pháp sinh học trong các khâu chính của quá trình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường và thoái hoá đất… Giáo dục và tuyên truyền sâu rộng việc bảo vệ tài nguyên và môi trường ngay từ lứa tuổi trẻ em. Xây dựng tổ chức bảo vệ tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương, kết hợp với phong trào quần chúng trong lĩnh vực này. Sớm tham gia và phối hợp hoạt động với các tổ chức quốc tế và khu vực trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và cảnh quan.Cương lĩnh (1991) nêu rõ phương châm chiến lược bảo vệ môi trường trong phát triển: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”(2). Luật Bảo vệ môi trường lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1993 và được sửa đổi ba lần vào các năm 2005, 2014 và mới nhất là năm 2020. Đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường đã được thể chế hóa.

Đại hội VIII, Đảng xác định: “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(3). Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW -25/6/1998: “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với 4 quan điểm cơ bản: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân;  Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững,…; Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Đại hội IX gắn bảo vệ môi trường với phát triển bền vững, hơn thế, nhấn mạnh nhiệm vụ cải thiện môi trường, gắn chặt chính sách môi trường với chính sách phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, coi việc cải thiện môi trường là một tiêu chí để đánh giá sự phát triển.Sau 6 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường đã được kìm chế, song môi trường nước ta vẫn bị xuống cấp, có nơi đã nặng nề. Trước thực trạng đó, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW(15/11/ 2004),về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, với 5 quan điểm, trong đó xác định trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức đối với công tác bảo vệ môi trường.

Đại hội X, Đảng chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường phải được tiến hành song song với cải thiện môi trường. Lần đầu tiên, báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010,Đảng đã đưa ra các chỉ tiêu về môi trường và xác định, bảo vệ và cải thiện môi trường là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững.Ban Bí thư khoá X ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần đánh giá cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 41- NQ/TW của Bộ Chính trị; xác định rõ những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 29 về bảo vệ môi trường.

Đại hội XI, Đảng xác định bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho sự phát triển bền vững; tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.Ngày 05/9/2012, Thủ tướng Chính phủ “Quyết định Phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, với Quan điểm: “Chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững; bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại nhưng vẫn giữ được tiềm năng và cơ hội cho các thế hệ mai sau; đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”. Phát triển phải tôn trọng các quy luật tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng, ít chất thải, các-bon thấp, hướng tới nền kinh tế xanh”…Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 24- NQ/TW,“Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát công tác bảo vệ môi trường thời gian tới.

Đại hội XII, Đảng đánh giá thẳng thắn: “Phát triển thiếu bền vững cả về văn hóa, xã hội và môi trường”; đề ra chỉ tiêu,nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phải được gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị25/CT-TTg, (31/8/2016), “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về Bảo vệ môi trường”, nêu rõ trách nhiệm của bộ và bộ trưởng, cơ quan và thủ trưởng cơ quan, địa phương thuộc Chính phủ về việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Chủ đầu tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án.

Bộ Chính trị (khóa XII) chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013“Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá thẳng thắn những hạn chế về bảo vệ môi trường trong những năm qua, đồng thời tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vấn đề môi trường trong bối cảnh mới: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên; Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường...”, tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó gồm cả “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”;…Đại hội đã xác định một số chỉ tiêu quan trọng về môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), theo đó các chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, môi trường đã được quy định rất cụ thể, rõ trách nhiệm của các chủ thể trong các khâu bảo vệ môi trường.

Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu. Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Có thể thấy, 36 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước đã nhạy bén, kịp thời, liên tục đề ra đường lối, chủ trương, ban hành luật pháp, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường bằng hệ thống quan điểm đúng đắn xuyên suốt, nhất quán; thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm, chính sách cho phù hợp với thực tế phát triển đất nước cũng như xu thế thời đại, theo đúng tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã khẳng định trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Những chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ môi trường đó của Đảng, Nhà nước đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội 36 năm đổi mới vừa qua.

2. Để quan điểm của Tổng Bí thư về đảm bảo môi trường sống trong lành trở thành hiện thực trong đời sống xã hội

Bài học rút ra từ các nước tiên tiến rằng, một quốc gia có sự phát triển nhanh, bền vững phải đồng thời quan tâm giải quyết bốn yếu tố trụ cột: Bền vững kinh tế, bền vững chính trị, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Đảng đã xác định rõ trong đường lối xây dựng và phát triển đất nước: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Theo đó, Quốc hội đã ban hành và nhiều lần sửa đổi luật, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể, thiết thực.Tuy nhiên, thực tế vấn đề môi trường nước ta hiện nay vẫn bị hủy hoại.Năm 2016 khi sự cố môi trường Formosa xảy ra, tại phiên họp Chính phủ bàn về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc: Nếu Formosa tái diễn sự cố môi trường thì phải đóng cửa, xử lý nghiêm”... “Qua sự việc này cần coi trọng hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sống cho người dân... Do đó phải tính toán, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ các dự án, không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường”.

Để quan điểm đúng đắn, nhân văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để hủy hoại môi trường trở thành hiện thực trong tiến trình phát triển đất nước, khi tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường,cần lưu ý những yêu cầu sau:

- Cần nhận thức đúng để hành xử trúng đối với môi trường tự nhiên.Tình trạng môi trường ô nhiễm, suy thoái phần lớn là do tác động từ con người tới thiên nhiên. Sự tác động đó ngày càng tăng (dân số ngày càng đông, chất thải công nghiệp ngày càng nhiều).Lâu nay, con người tranh đua khai thác vốn tự nhiên một cách thô bạo, kiệt quệ và không thương tiếc, làm phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên, tới mức trái đất không còn là nó nữa. Muốn khắc phục tình trạng này phải bắt đầu từ thay đổi tư duy để nhận thức đúng, hành xử trúng trong quan hệ với thiên nhiên. Đó là, con người phải tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên.Các mô hình phát triển kinh tế - xã hội của con người phải dựa trên hệ sinh thái - đó là triết lý phát triển bền vững.

 - Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giáo dục về môi trường cho các đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít chất thải, các bon thấp theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng nhân dân, các vùng, miền, khu vực, đặc biệt là các ngành nghề thường xuyên tác động trực tiếp vào môi trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông, tổ chức các phong trào thi đua về bảo vệ môi trường…không ngoài mục đích giúp mọi người, mọi ngành nghề nhận thức rõ và sâu sắc về tầm quan trọng, ý nghĩa của môi trường đối với cuộc sống của con người và muôn loài; cách thức sống và hành xử như thế nào để bảo vệ môi trường cho tiện tại và tương lai.

-Kịp thời hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ môi trường trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là sự phù hợp,chặt chẽ, rõ, cụ thể,nghiêm minh; liên thông, thống nhất với luật pháp, chính sách liên quan khác(4), đáp ứng kịp yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế (phải phù hợp với thông lệ quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới, để thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết…). Ở đó cần quy định quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước và ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về xử lý rác thải trên địa bàn.Có quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và cấp tỉnh, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia và các quy hoạch khác liên quan.Có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia (tương đương các nước tiên tiến) nhằm thiết lập hàng rào kỹ thuật duy trì và bảo vệ chất lượng môi trường, đảm bảo chủ động đề kháng trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường do dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Luật xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường cần tăng tính nghiêm minh và dăn đe. Xây dựng và phát triển các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam.

-Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng đội ngũ hoạt động trực tiếp làm công tác bảo vệ môi trường ở cả ba phương diện: Đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn và quản lý nhà nước, theo hướng nghiêm minh, nghiêm túc thực hiện các quy định về môi trường, xử lý các hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường; giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, trình độ quản lý nhà nước. Xây dựng và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan chức năng để đảm bảo thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hiệu lực, hiệu quả.

- Đổi mới công nghệ theo hướng tăng hàm lượng chất xám để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường (công nghệ sạch) để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Muốn vậy, cần có quy định về chất lượng thải của công nghệ khi nhập.Kiên quyết không nhập công nghệ gây ô nhiễm môi trường sinh thái với bất kỳ lý do nào.

-Đầu tư thích đáng và đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường. Hiện nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa thỏa mãn yêu cầu. Vì thế, cần tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều chỉnh cơ chế đầu tư cho môi trường theo hướng đa dạng hóa nguồn tài chính. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Có cơ chế đột phá để huy động các nguồn lực xã hội, cùng nguồn lực nhà nước để phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và cơ chế sử dụng nguồn thu từ các dự án, chương trình để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.Xây dựng các cơ chế tài chính dựa trên các nguyên lý của kinh tế thị trường để thúc đẩy, điều chỉnh, thay đổi hoạt động sản xuất, hành vi tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường; Tăng cường phát triển kinh tế chất thải, các ngành công nghiệp môi trường, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải, cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường.

        - Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.Đó là đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Thiết lập và khai thác hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về môi trường.Tăng cường cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường bằng nhiều công cụ hiện đại.Tăng cường đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường và đa dạng sinh học. Quản lý tốt, tổ chức hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn, phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp, chú trọng xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền ra biển. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, khắc phục các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, dioxin.Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao khả năng quan trắc và giám sát, kiểm soát môi trường xuyên biên giới (các lưu vực sông, môi trường biển), các tác động do mở cửa thương mại kinh tế, tình trạng dịch chuyển công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu, tình hình nhập khẩu các sinh vật ngoại lai, biến đổi gen. Cần phối hợp với các bộ chức năng đưa tiêu chuẩn chất thải của công nghệ vào để kiểm soát công nghệ nhập khẩu.

          - Tăng cường phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường ở tất cả các khâu, các công đoạn một cách thiết thực, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo vào phát triển cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia thống nhất và đồng bộ, vào quản lý môi trường, dự báo và cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường.

Suốt hành trình đổi mới, thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán:“Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi trường”. Hoạt động bảo vệ môi trường đã đạt  những kết quả bước đầu khả quan, song vẫn đang bị ô nhiễm, suy thoái đáng báo động.Kiên trì, nghiêm túc, quyết liệt và sáng tạo thực hiện các giải pháp nêu trên là điều kiện để đất nước ta phát triển bền vững, bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định./.

PGS, TS. Đoàn Thế Hanh*

[*]Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1986, tr.76.

2- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, 1991, tr 14.

3- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 85.

4- Như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa, Luật Thủy sản, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Phí và Lệ phí, Luật Biển Việt Nam, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,…


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu