Nguồn lực từ niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên
Trong hành trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum phát huy truyền thống đoàn kết, huy động nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, ý chí và khát vọng vươn lên, đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Dấu ấn đổi mới phong cách lãnh đạo, tinh thần quyết tâm, sáng tạo, lựa chọn chính xác những mục tiêu trọng điểm, những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, giàu bản sắc.
Những năm gần đây, Kon Tum đã có nhiều sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện, đặc biệt là kinh tế tăng trưởng và đô thị khởi sắc rõ nét. Đảng bộ và chính quyền thành phố chủ động, sáng tạo, đổi mới trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Sau nửa nhiệm kỳ, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Dấu ấn đậm nét sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành quả tích cực. Tiêu biểu trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,95%; thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước đạt 2.186.728 triệu đồng, vượt 19% so với kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Chế độ, chính sách, an sinh xã hội được quan tâm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,34%; hộ cận nghèo còn 2,13%; có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6/10 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được nâng lên.
Là địa phương có xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội thấp, sau gần 15 năm, kinh tế của thành phố có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc, tăng trưởng giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước; khẳng định, nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững. Trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đem đến sức sống mới cho người dân trên quê hương Kon Tum.
Hiện nay, thành phố Kon Tum đang mở rộng các cụm công nghiệp nhằm đột phá phát triển kinh tế. Ngoài 3 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã hoạt động, thành phố tiếp tục đầu tư cụm công nghiệp mới tại phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm với diện tích trên 62 ha. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch 8 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại xã Hòa Bình và xã Ia Chim với diện tích 570 ha (giai đoạn 2021 - 2030).
Kon Tum đang được đánh giá là thành phố có môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, với những ưu đãi lớn, mặt bằng sạch, thủ tục cắt giảm. Chủ trương của lãnh đạo thành phố luôn sẵn sàng hợp tác, “trải thảm”, gọi mời các nhà đầu tư. Hằng tháng, chính quyền đều tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư, hỗ trợ khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện nhanh các thủ tục, đăng ký kinh doanh… Năm 2022, có 7 dự án đầu tư mới được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 138,2 tỷ đồng...
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn quan tâm, thực hiện đồng bộ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị gắn với chỉnh trang đô thị. Trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố tiếp tục triển khai nhiều quy hoạch phân khu đô thị, xây dựng các tuyến phố mới, chỉnh trang các tuyến phố cũ, từng bước hình thành không gian đô thị. Đồng thời, Đảng bộ thành phố Kon Tum xác định tập trung phát triển du lịch - thương mại - dịch vụ. Đẩy mạnh các hoạt động, quảng bá xúc tiến du lịch, mở rộng mạng lưới kết nối phát triển các tour, tuyến du lịch; chú trọng sản phẩm kết nối khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch giữa Kon Tum với thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông và các điểm đến du lịch của tỉnh với các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung...
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII đề ra, từ nay đến hết nhiệm kỳ, các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực động lực, trọng điểm, đột phá...
Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, phát triển giàu mạnh, văn minh, hiện đại, bền vững phù hợp với quy hoạch chung đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Đảng bộ và nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025); qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng thành phố gắn với phát động phong trào toàn dân chung tay xây dựng, phát triển; tiếp tục xây dựng các mô hình, điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị .
Hai là, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị. Tăng cường xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư; mở rộng các hình thức đầu tư; phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực của Trung ương, của tỉnh. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, thu hút vốn của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế. Tăng cường khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, nguồn vốn xã hội hóa; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, kết hợp chỉnh trang các công trình hiện có và đầu tư xây dựng mới bảo đảm đồng bộ, hiện đại, có tầm chiến lược; chú trọng công tác quy hoạch kiến trúc, xây dựng cảnh quan môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp.
Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung ưu tiên nguồn lực để xây dựng các xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, y tế; đầu tư nâng cấp các trạm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; quan tâm giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn, các chế độ, chính sách đối với người có công.
Bốn là, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng đô thị, nhất là xây dựng các công trình hạ tầng xã hội; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm theo quy hoạch phát triển đô thị. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, xây dựng mạng lưới cấp nước máy đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân cải tạo hệ thống thoát nước hiện có, xử lý các điểm ngập úng cục bộ bảo đảm tiêu thoát tốt trong mùa mưa bão. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng thông tin, viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh .
Năm là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vững mạnh toàn diện; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò vận động quần chúng và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới./.
Nguyễn Thanh Mân
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum