Người Cor ấm no nhờ Đảng
Kỳ 2: Viết tiếp truyền thống quật khởi, xứng danh mang họ Bác Hồ
Gần 65 năm trước, ngày 28/8/1959, đồng bào các dân tộc Trà Bồng nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của Nhân dân miền Nam, khơi dòng thác cách mạng, trở thành niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi và cả nước. Giờ đây, những người trẻ đang viết tiếp truyền thống quật khởi, dồn tâm sức dựng xây, kiến thiết Trà Bông giàu đẹp, phồn vinh.
Lan tỏa tinh thần cán bộ nêu gương, đi đầu, làm trước
Từ chủ trương của Huyện ủy Trà Bồng, với mục tiêu dồn sức lo cuộc sống cho dân, các đồng chí lãnh đạo từ huyện đến các xã, thị trấn và các ban ngành, đoàn thể đều xây dựng kế hoạch bám cơ sở, chủ động, tích cực trong tiếp cận, xử lý công việc đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động, gắn trách nhiệm cụ thể của cán bộ, đảng viên với cuộc sống của Nhân dân.
Đảng bộ huyện coi đó như mệnh lệnh, không thờ ơ trước mọi hoàn cảnh của người dân; luôn truyền “Tinh thần trẻ” tiên phong, dấn thân đối với mỗi cán bộ, đảng viên, dù có khó đến đâu cũng không bao giờ bỏ cuộc. Có như vậy mới tạo động lực cho mọi người dân cùng hành động, chung tay vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Những kết quả, việc làm mới trên huyện vùng cao Trà Bồng trong thời gian qua đang thổi một luồng gió mới, tạo những bước chuyển, lan tỏa tích cực.
Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Huyện ủy Trà Bồng triển khai phong trào thi đua xây dựng “Chi bộ 4 tốt”, “Đảng bộ cơ sở 4 tốt”. Huyện có 53 tổ chức cơ sở đảng thì mỗi năm sẽ chọn 53 việc mới để chỉ đạo triển khai, có tổng kết, thi đua, khen thưởng hằng năm.
Ngoài thực hiện “4 tốt”, Đảng bộ Trà Bồng còn lựa chọn chủ đề, nội dung, địa bàn cụ thể để chỉ đạo; chọn các địa bàn khó khăn như thôn 2, xã Trà Giang để tổ chức lễ phát động, trao tặng sổ tay “Đảng viên 4 tốt” gắn với giải quyết những vấn đề nổi cộm, kịp thời tháo gỡ những vướng khó của người dân với tinh thần: “Nhiệm vụ cấp thiết là cấp ủy cơ sở phải khẳng định rõ vai trò lãnh đạo trong giải quyết khó khăn, bức xúc của Nhân dân, mỗi đảng viên phải thực sự nêu gương, đi đầu, làm trước nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”.
Tại Trà Thủy, một xã đặc biệt khó khăn với 98% người dân tộc Cor. Theo Bí thư Lê Anh Chiến, Đảng ủy xã triển khai cho 11/11 chi bộ ký kết xây dựng mô hình “Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của người đảng viên”. Đồng thời, để Trà Thủy vươn lên thoát nghèo, 137 đảng viên trong Đảng bộ phải tiên phong trong phát triển kinh tế, tích cực vận động gia đình, người dân tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống dưới 30%.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Minh Long bày tỏ: Người đứng đầu phải luôn đi trước nêu gương thì mới thực sự tạo động lực, “lôi kéo”, tạo sức lan tỏa để mọi người, nhất là cấp dưới cùng làm theo. Vì vậy, những việc làm trong thời gian qua của Đảng bộ Trà Bồng đã tạo chuyển biến tích cực đến cán bộ, đảng viên, xây dựng người cán bộ hành động vì dân chứ không phải nói suông hoặc “nói nhiều làm ít”. Đảng sẽ vững mạnh khi cùng đồng lòng với Nhân dân, bởi sự đồng lòng sẽ thôi thúc người cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, nghiên cứu, hành động sao cho thật sự xứng đáng với sự tin tưởng, sự kỳ vọng của người dân.
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Trà Bồng Hồ Thị Vân cho biết, chủ trương của huyện ủy là quyết liệt thực hiện nêu gương và giám sát việc nêu gương. Huyện ủy thành lập các đoàn kiểm tra trách nhiệm nêu gương của cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Qua kiểm tra đã thẳng thắn chỉ ra ưu điểm, hạn chế, đề xuất phương án khắc phục, tạo chuyển biến tốt; chỉ đạo đánh giá thực chất, nhân rộng những cách làm. Trong giao ban hằng tháng với cán bộ chủ chốt, Thường trực Huyện ủy đánh giá nhận xét; tập thể, cá nhân nào làm tốt thì khen, trường hợp làm chưa tốt nhắc nhở rõ từng việc. Việc nêu khuyết điểm công khai là một cách “rèn” cán bộ để làm tốt hơn. Nhờ vậy, tiến độ giải quyết công việc, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt được nâng cao, thực chất.
Bí thư Đặng Minh Thảo thông tin: “Trà Bồng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền cho cán bộ, địa phương, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung thực hiện tốt khâu đột phá trong nêu gương; cán bộ chủ chốt, ngoài phụ trách chung còn nhận một đến hai nhiệm vụ khó, đột phá để thực hiện. Cán bộ, công chức phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”.
Trái ngọt từ sự đồng thuận
Gần dân, lo việc cho dân đã tạo những chuyển biến từ sâu trong nhận thức, trở thành bước tạo đà mạnh mẽ cho các vùng quê Trà Bồng vươn lên, thay đổi hoàn toàn lối tư duy cũ. Nếp sống văn minh được tiếp nhận, hủ tục dần bị đẩy lùi, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, tiếp nối.
Xã Trà Phú tiên phong đưa giống lúa mới vào đồng ruộng.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, chủ trương của Đảng bộ huyện về nêu gương đã làm cho cán bộ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, 100% xã có đường bê tông từ trung tâm xã về huyện, 100% thôn có đường giao thông được cứng hóa về xã, hơn 80% hộ sử dụng nước sạch, hơn 95% hộ dùng điện lưới quốc gia. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Bồng giảm xuống còn 37% theo chuẩn mới, trung bình mỗi năm giảm 4 - 5%.
Đặc biệt, Trà Bồng đang tập trung triển khai 3 nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đó là: Phát triển các sản phẩm từ dược liệu, Bảo tồn văn hóa và Xây dựng đô thị. Về phát triển dược liệu, bên cạnh cây quế là chủ đạo, cây gừng tiếp tục được tăng dày tại các xã Sơn Trà, Hương Trà, Trà Tây… Toàn huyện hiện có 5.240 ha quế, trên 110 ha chè; xúc tiến phát triển một số cây dược liệu đặc hữu như tam thất, sâm bảy lá, sả, sâm cau, đẳng sâm, thiên niên kiện, mật nhân... UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép sử dụng địa danh “Trà Bồng” và xác nhận bản đồ khoanh vùng sản xuất đăng ký bảo bộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Gừng sẻ”. Đặc biệt, sản phẩm quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Từ sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đến nay, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 14,85%/năm. Trà Bồng kêu gọi đầu tư Khu dân cư Ngõ Đồn 1, 2 và Khu dân cư Đồi Sim; hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Trà Xuân; huy động nguồn lực xây dựng xã Trà Bình, Trà Phong đạt tiêu chí đô thị loại V.
Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, huyện đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng 40 công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ người dân ổn định sản xuất, phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa chuyển biến tích cực; quan tâm bảo tồn các giá trị truyền thống như Lễ hội điện Trường Bà, Lễ hiến trâu, Tết Ngã rạ; xây dựng 52 đội nghệ thuật Cồng chiêng, múa Cadhau... Các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam; Thạch Bích - Trà Bình đang được triển khai, thu hút đông đảo du khách tham quan, du lịch.
Làm theo lời Bác, vững tin theo Đảng
Đồng chí Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng tâm sự, người Cor ở đất quế này tự hào được mang họ của Bác Hồ, ghi sâu công ơn của Đảng, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. Tinh thần đó đang hiện hữu trong sự nghiệp dựng xây, kiến thiết quê hương. Từ gian khó đi lên, trên hành trình đi tới, tuy còn lắm gian nan, nhưng với truyền thống cách mạng cùng lời thề son sắt, thủy chung theo Đảng, theo Bác Hồ, người Cor không bao giờ cam chịu đói nghèo.
Những ngày cuối tháng 6/2023, chúng tôi vượt chặng núi xa đến xã Trà Lãnh nằm ở phía Nam núi Eo Chim - một địa danh lịch sử gắn với Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Gặp già làng Hồ Văn Bốn. Thấy khách từ xa đến, ông siết chặt tay, mừng mừng tủi tủi: “Người Cor quê mình nay đã đổi khác nhiều. Cán bộ sát dân, lo việc cho dân, mừng lắm”. Trong ngôi nhà nhỏ mới xây, ông đặt trang trọng ảnh Bác Hồ trên bàn thờ rồi lấy khăn cẩn thận lau những hạt bụi trên tấm ảnh Bác, nhẹ nhàng đặt lại trên nóc tủ, lấy 3 nén nhang thành khẩn thắp lên, giọng ông cất vang, đẫm chất đại ngàn: “Người Cor tự hào được mang họ của Bác. Vừa tự hào, vừa biết ơn từ trong sâu thẳm trái tim mình. Các thế hệ người Cor từ đời này sang đời khác, truyền nối, luôn khắc sâu trong tâm khảm hình ảnh thiêng liêng của Người”.
Trà Bồng ngày càng thêm nhiều công trình phục vụ đồng bào các dân tộc vùng cao.
Không riêng gì thế hệ trước, những thế hệ 8X, 9X người Cor hôm nay cũng mang trong mình lòng tự hào gắn với ý thức trách nhiệm lớn lao khi mang họ Bác Hồ. Trong những người trẻ tuổi đó, có đồng chí Hồ Thanh Thuyền, Trưởng phòng Dân tộc huyện đã không giấu nổi xúc động: “Người Cor luôn coi Bác Hồ như vị cha già yêu kính. Tình cảm đó như ngọn núi Cà Ðam vẫn sừng sững giữa mây ngàn, rừng Trà Bồng vẫn nồng nàn hương quế. Càng tự hào về điều đó, trong tâm niệm của thế hệ trẻ chúng tôi, phải không ngừng phấn đấu, trui rèn, tiếp bước cha anh gánh vác sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp, phồn vinh”.
Trong dòng chảy của thời gian, tinh thần Trà Bồng quật khởi năm xưa kết tinh với truyền thống đoàn kết, niềm tin tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ của bà con dân tộc Cor đã và đang viết tiếp trang sử hào hùng của thế hệ đi trước, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại; vững tin về một Trà Bồng sáng tạo, đổi mới.
Rời Trà Bồng, theo mãi chúng tôi là hình ảnh những mầm xanh mơn mởn đang vươn mình, trải dài khắp núi rừng. Những bản làng xa thẳm chốn non cao trên đỉnh Cà Đam đang từng ngày thay da đổi thịt. Bí thư Huyện ủy Đặng Minh Thảo nắm tay tôi rất chặt như một lời cam kết, chất chứa niềm tin và khát vọng đổi đời trên vùng đất quế anh hùng./.
Nguyễn Văn Chiến - Thu Hoài