A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Cor ấm no nhờ Đảng

Kỳ 1: Nghĩa Đảng, tình Dân trên đất quế Trà Bồng

Trên huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) đang có “cuộc cách mạng” khơi dòng, hợp sức trí tuệ của đội ngũ cán bộ cả hệ thống chính trị để chủ trương, nghị quyết của Đảng sớm được cụ thể hóa bằng thực tiễn cuộc sống. Phương châm “bám làng, sát hộ, nắm dân” của cán bộ, đảng viên từ huyện đến xã; đặc biệt là lựa chọn những việc khó, chọn việc dân cần để chỉ đạo tháo gỡ đã tạo niềm tin, nung ủ những tâm huyết, nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa khát vọng vươn lên trên vùng đất quế còn nhiều gian khó.

Những việc khó, có Bí thư

Đang là “thủ lĩnh” thanh niên, đầu tháng 3/2021, Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo được điều về Trà Bồng làm Bí thư huyện ủy. Tròn 39 tuổi, được giao nhiệm vụ người đứng đầu nơi vùng đất khó với trên 70% là người dân tộc Cor, vị bí thư trẻ tuổi nghĩ ngay tới việc phải sát thực tiễn, bám dân, lo cuộc sống cho dân. Từ đó, Bí thư huyện ủy xác định, là người đứng đầu luôn phải nêu gương, đi đầu, làm trước với cam kết: “Chỗ nào dân gặp khó, khi nào dân cần là có Bí thư Huyện ủy”.

Công việc “gỡ khó” đầu tiên của Huyện ủy là thành lập các tổ công tác, mỗi tổ do một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách với nhiệm vụ trực tiếp xuống các bản làng rà soát, tìm hiểu thực tiễn, đối thoại với dân để xử lý công việc tại chỗ, kể cả thứ bảy, chủ nhật với phương châm “không để dân chờ, dân đợi”, cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương “ủ than nóng, nung lửa hồng”, tháo gỡ ngay những vướng khó, những nút thắt, “điểm nghẽn” tại các xã, nhất là ở những vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Tây.

Điều đặc biệt của các chuyến công tác này là không “trống giong cờ mở”, mà các đồng chí lãnh đạo huyện được phân công giúp đỡ các xã đi thị sát, kiểm tra tận nơi, đến từng bản làng, từng hộ dân thông qua phản ánh, kiến nghị của Mặt trận và các đoàn thể. Thời gian làm việc tại phòng họp rất ít, chủ yếu dành cho đi thực tế, để tận mắt nhìn thấy cuộc sống của người dân, nghe người dân đề xuất, từ đó hiểu thêm người dân đang cần gì, thiếu gì.

Mỗi chuyến công tác là một lần kiểm chứng năng lực thực sự của đội ngũ lãnh đạo cơ sở, bởi các đồng chí Thường trực huyện uỷ, HĐND, UBND huyện liên tục đặt ra những câu hỏi và yêu cầu giải quyết, đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải thực sự tâm huyết, gần dân, nắm chắc, hiểu rõ thực tế mới trả lời được. Ở đây, không có chỗ cho những câu trả lời chung chung, cho có, cho qua… mà phải tìm hiểu “gốc rễ”, ngọn nguồn của sự việc. Do vậy, cán bộ huyện, xã phải là người tường tận những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra và phải đặt mình vào vị trí của người dân.

Đồng chí Phạm Minh Long, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Bồng cho biết, qua các buổi làm việc trực tiếp với dân, nhận thấy cuộc sống của người dân Trà Bồng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong cơn bão số 9 năm 2020 và đợt mưa lớn kéo dài cuối năm 2021 đã gây lở núi, đứt gãy nhiều tuyến giao thông huyết mạch, chia cắt nhiều vùng trên địa bàn huyện. Trong đó, tuyến đường từ Eo Chim đi Trà Nham sạt lở nghiêm trọng, làm cho 3 thôn Trà Vân, Trà Huynh, Cà Đam của xã Hương Trà bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, n 2.200 dân đứng trước nguy cơ thiếu lương thực. Bí thư Đặng Minh Thảo đã cùng đoàn công tác sau nhiều giờ đi bộ xuyên núi, băng rừng mang lương thực trao tận tay hỗ trợ người dân, làm cho người dân càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trên 2 năm với cương vị Bí thư, người đứng đầu Đảng bộ Trà Bồng tận mắt chứng kiến và trực tiếp xử lý nhiều vụ tranh chấp, xung đột kéo dài hàng chục năm giữa nhóm người của bản này với xóm nọ, của thôn này với xã kia, mâu thuẫn dai dẳng, âm ỉ rồi lớn dần thành “điểm nóng” ở huyện vùng cao này.

Ví như chuyện tranh chấp đất đai của người dân 2 xã Trà Bùi với Trà Tây kéo dài nhiều năm. Thôn Quế, xã Trà Bùi thuộc địa phận huyện Trà Bồng, song bao đời nay lãnh đạo từ cấp xã đến huyện muốn vào với dân, tuyên truyền hay người dân muốn ra bên ngoài đều phải “đi ké” qua địa phận huyện Sơn Hà. Vậy nên, gần 3,2 ha đất sản xuất của người dân thôn Vàng, xã Trà Tây bị người dân thôn Quế, xã Trà Bùi xâm canh nhiều năm. Người dân thôn Vàng tìm gặp người dân thôn Quế đòi lại nhưng bất thành. Sau vài lần trực tiếp làm việc với sự chỉ đạo ráo riết, hợp lòng dân của Bí thư Huyện ủy, mọi việc đã được thu xếp ổn thỏa, 2 xã ngồi vào bàn ký kết thỏa ước xây dựng “đường biên giới” hòa bình, cùng phát triển.

Lãnh đạo huyện Trà Bồng khảo sát khu vực xã Hương Trà bị sạt lở do bão lũ.

Bí thư Đặng Minh Thảo chia sẻ: Ở Trà Bồng, ranh giới đất đai, tập quán sản xuất của người dân có đặc thù riêng nên tranh chấp thường xuyên xảy ra. Bởi vậy, từ tháng 5/2021 đến nay, Bí thư Huyện ủy đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân 7 xã khó khăn nhất của huyện. Để đối thoại hòa giải thành công thì phải học cách lắng nghe, thấu hiểu, mềm mỏng, vì trong cơn tức giận người dân có thể dùng từ ngữ khó nghe. Và học cả cách chia sẻ nữa, bởi cái nghèo, cái khó trói buộc người dân, nên mình phải nắm được tâm tư, phải gỡ khó cho đồng bào bằng hành động thiết thực. Có như vậy, mới khơi mở được truyền thống đoàn kết và niềm tin của người dân vào chính quyền.

Ở đây, mỗi một lần giải quyết tranh chấp đất đai, không chỉ lắng nghe từng nguyện vọng mà nhiều lần cán bộ phải ngồi lại cùng chung vui, tâm tình với bà con. Người Cor coi trọng cái tình cái nghĩa. Khi bà con thấy cán bộ gần dân, chung chén cơm, ly rượu thì họ mới trút hết gan ruột ra tâm sự. Đó cũng là lúc mình hiểu được dân làng mong muốn gì để có cách giải quyết hợp tình, hợp lý.

Hoặc nói như bà Hồ Thị Vy Na, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây, người Cor thương nhau tận ruột, nhưng khi ghét cũng tận da. Họ kiên quyết không chịu ngồi chung khi chưa đồng thuận. Lúc này, vai trò của già làng và những người có uy tín trở nên vô cùng quan trọng. Khi người có uy tín gật đầu, cả làng sẽ làm theo.

Cuộc cách mạng dời làng

Nóc Ông Đến, xã Trà Giang là nơi 14 hộ gia đình người Cor với hơn 60 nhân khẩu định cư biệt lập gần 30 năm qua trên một khu rừng già. Tên của già làng uy tín Hồ Văn Đến được mượn để đặt tên cho vùng đất này. Nơi đây không có sóng điện thoại, điện thắp sáng dùng bằng sức nước tự chế tạo, tự cung tự cấp mọi thứ. Việc học hành, đau ốm đều phải băng rừng về xuôi. Từ lâu, chính quyền huyện Trà Bồng muốn người dân nóc Ông Đến “hạ sơn” để có điều kiện sống tốt hơn, nhưng các buổi đối thoại đều thất bại.

Một ngôi làng người Cor sống biệt lập giữa rừng già gần 30 năm qua nhưng cũng chừng ấy thời gian chính quyền không sao đưa dân dời núi được. Thế mà chỉ sau thời gian ngắn “đi đến tận cùng sự việc”, đến cuối năm 2022, những “cái đầu nóng”  vốn dĩ chưa bao giờ ngồi chung bàn, đã cạn chung ly rượu; họ trao cho nhau những cái bắt tay nồng ấm, tin cậy. Điều “lạ đời” đó có được là từ hành động quyết liệt, hợp tình người của Bí thư Huyện ủy Đặng Minh Thảo, người dám lấy sinh mệnh chính trị của mình để “cược” với dân trong các cuộc đàm đạo, hòa giải, để rồi từ “không nhìn mặt nhau” đến cái ôm thật chặt giữa những người dân một bản cả đời cùng uống chung dòng nước.

Đã từ lâu, chính quyền muốn dời người dân xuống núi để thuận làm ăn, nhưng các buổi đối thoại đều thất bại do người dân không đồng thuận. Bởi thế, suốt bao năm qua, câu chuyện vận động người dân dời làng rơi vào ngõ cụt. Thế nên, việc ông Thảo “xới” chuyện đưa dân dời núi, nhất là bản thân ông thân chinh vào làng để nghe người dân nói chẳng khác nào chuyện… động trời!

Đoàn cán bộ Huyện ủy Trà Bồng “hành quân” vào nóc Ông Đến.

Ấy thế mà, đầu tháng 4/2022, Bí thư Thảo cùng một số cán bộ từ huyện khăn gói lên đường vào nóc Ông Đến. Con đường bê tông từ trung tâm xã Trà Giang chạy đến cầu treo thì hết đường. Phía xa, những ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau. Đoàn người vai ba lô với đầy đủ vật dụng sinh hoạt cá nhân cùng “Chiếc gậy Trường Sơn” hành quân vào làng. Đêm. Giữa bốn bề núi rừng tối mịt, tiếng muông thú từ xa vọng lại, trong căn nhà giữa xóm, bà con nóc Ông Đến tụ tập đông đủ. Được gặp đối thoại với Bí thư Huyện ủy, những tràng pháo tay vang lên giữa chốn thâm u của núi rừng, không khí buổi đối thoại thêm đồng cảm, chân tình với những nụ cười cùng các cử chỉ thân mật dần xuất hiện.

Bà con hào hứng phát biểu, giãi bày tâm tư cùng những trăn trở tương lai phía trước. Đó là nếu xuống núi, về khu tái định cư sinh sống thì có được cấp đất sản xuất, có được hỗ trợ tiền xây nhà, được cấp điện thắp sáng, cấp nước sinh hoạt không? Cuộc đối thoại kéo sâu vào đêm muộn với những tâm tư gan ruột của người dân đều được đoàn công tác trả lời thỏa đáng. Bí thư Thảo dõng dạc: “Nếu bà con đồng ý dời làng, huyện sẽ cấp cho mỗi hộ 1 ha đất thuận lợi ở nơi mới để sản xuất, đất ở làng cũ vẫn thuộc quyền sở hữu của bà con, huyện sẽ làm cho mỗi hộ một ngôi nhà mới do Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương hỗ trợ, tặng cho bà con 60 con bò từ nguồn của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 2”.

Nghe thông điệp từ người đứng đầu Đảng bộ huyện, ông Hồ Văn Thắng, một người cao tuổi, trải lòng: “Nghe ông Bí thư trả lời, tôi biết đó là thành tâm của chính quyền. Thật lòng, bà con chúng tôi cũng muốn dời làng về xuôi lắm chứ, nhưng về dưới đó thì phải giữ đúng lời hứa, đừng “bỏ rơi” bà con…”.

Mỗi câu hỏi, đề xuất của người dân được Bí thư Thảo giải đáp một cách chi tiết, tỉ mỉ, tận tình. Rồi hỏi thăm về đời sống, về mong ước của từng người. Những lời chia sẻ tận đáy lòng của người đứng đầu Đảng bộ huyện đã làm thỏa mãn những suy tư của người dân và như được gỡ bỏ hết các thành kiến, trăn trở. Khi Bí thư nói: “Nếu bà con đồng ý dời làng về khu tái định cư thì biểu quyết bằng giơ tay”. Ông Thảo vừa dứt lời thì 14 cánh tay đại diện cho 14 gia đình nóc Ông Đến đồng loạt giơ cao. Ngôi nhà sàn giữa rừng sâu lại vang lên tràng pháo tay cùng những ánh mắt đồng thuận, những nụ cười toại nguyện.

Vậy là người dân đồng ý dời làng. Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang Nguyễn Văn Hưng cam kết: “Bà con đã đồng thuận, nếu không làm được tôi sẽ xin từ chức”. “Biết rằng, để đưa bà con về xuôi rất gian nan, nhưng bằng tất cả quyết tâm và trách nhiệm thì phải làm cho bằng được. Những cái gật đầu cùng nhìn về một hướng là niềm vui không nói nên lời. Vui vì tất cả đều nhìn thấy tương lai đã mở ra con đường sáng cho dân làng. Sẽ mãi là cảm xúc đong đầy khi lo được việc cho dân” - Bí thư Thảo tâm sự.

Cuối tháng 6/2023, trở lại nóc Ông Đến. Khi màn sương sớm còn lãng đãng, anh Hồ Văn Tiên, một thanh niên còn trẻ đã trở dậy, mở cửa chờ đón ánh nắng đầu ngày. Đứng trên nhà sàn hướng mắt ra phía con đường bê tông phẳng phiu, thẳng tắp, anh ngỡ mình như vừa qua một giấc mơ. Lớp trẻ người Cor hôm nay hiu sâu sắc rằng, từ một chủ trương đúng đắn của Đảng, dân làng đã bước ra khỏi bóng tối biệt lập để tiếp cận với cuộc sống văn minh.

Nguyễn Văn Chiến - Thu Hoài

(còn tiếp)

Kỳ 2: Viết tiếp truyền thống quật khởi, xứng danh mang họ Bác Hồ


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu