A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo

Trong công tác cán bộ và cán bộ, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là rất cần thiết và rất quan trọng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (gọi tắt là Kết luận 14). Nhưng để các nội dung trong Kết luận đi vào thực tiễn và có chất lượng, hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhất là của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn để đề ra cơ chế, chế tài khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, bảo đảm tính khả thi trong hoạt động thực tiễn.

Về vấn đề này, xin có một số ý trao đổi sau đây:

 Một là, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung của Nhà nước, tập thể kết hợp hài hòa với lợi ích cá nhân nên đã góp phần quan trọng vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong chiến tranh giữ nước và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong những thời điểm, những tình huống cần sự đột phá. Nhưng đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có kết luận chính thức bằng văn bản riêng đề cập rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung làm căn cứ, cơ sở để thực hiện nhất quán, thống nhất trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Có thể coi đây là một trong những cơ sở, căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiêm túc tổ chức quán triệt Kết luận 14 đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân để mọi người nhận thức đúng và đầy đủ nội dung của Kết luận. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị ngoài việc nhận thức, thấm nhuần nội dung của Kết luận còn phải chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan đến việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo đúng yêu cầu của Kết luận 14 là: “Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hoá Kết luận” để làm căn cứ thực hiện trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý hoặc phụ trách...

Ba là, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, thường vụ, thường trực và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Bởi vì: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ…” là những nguyên tắc về công tác cán bộ được quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, giới thiệu những đảng viên ưu tú tham gia những chức danh chủ chốt của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước nên Đảng phải có trách nhiệm bảo vệ và xử lý cán bộ. Cần nhận thức rõ các cấp ủy, mà thường xuyên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thường vụ, thường trực cấp ủy phải có trách nhiệm trực tiếp khuyến khích và bảo vệ cán bộ nói chung và cán bộ thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình nói riêng. Có như vậy, thì cán bộ mới có điều kiện, cơ hội đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mới có chỗ dựa và không bị nhận xét chủ quan, phiến diện, có điều kiện để cống hiến, vươn lên. Đồng thời, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chịu trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy về công tác cán bộ, cơ quan nội vụ trong việc thực hiện và phối hợp khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, chịu trách nhiệm của từng cơ quan, bộ phận về công tác cán bộ là rất quan trọng để tiến hành thực hiện việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực tiễn và sẽ hạn chế được sự tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ.

Bốn là, trong quá trình đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm phải bảo đảm kiên định, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn khách quan và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, gắn với chủ nghĩa xã hội – đổi mới, sáng tạo nhưng không được “đổi màu”; Thượng tôn Hiến pháp và Điều lệ Đảng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Hiến pháp. Mạnh mẽ đấu tranh phê phán và xử lý đúng, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên, những người lợi dụng sự đổi mới, năng động, sáng tạo để phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng và phủ nhận các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, cộng với những khó khăn, thách thức, tồn tại và các nguy cơ trong nước vẫn còn hiện hữu đã xuất hiện một số cán bộ, thậm chí có cả những cán bộ đã “vào sinh ra tử” trong chiến đấu, có tri thức đã đóng góp cho việc phát triển đất nước nhưng vẫn tha hóa tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên đã lợi dụng dân chủ, sự năng động, sáng tạo để tuyên truyền phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận lịch sử, chống lại Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng… Do vậy, việc đổi mới, năng động, sáng tạo phải có định hướng, không được trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng, mà định hướng tối cao nhất là lợi ích dân tộc, quốc gia, nhân dân và phát triển. Mặt khác, cần lưu ý không phải sự đổi mới, năng động, sáng tạo nào cũng là sự phát triển. Do vậy, đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung phải xuất phát từ cơ sở lý luận, thực tiễn đã rõ, chín muồi, vững chắc để phát triển, chứ không phải xuất phát từ sự “nhiệt tình, mù quáng, thiển cận”. Như Lênin đã nhắc nhở: “Nhiệt tình cộng sự ngu dốt trở thành kẻ phá hoại”… Chẳng hạn, đổi mới, đột phá có lợi cho địa phương, đơn vị mình mà lại phương hại đến lợi ích của địa phương, đơn vị khác thì cũng không được.

Năm là, các cấp ủy và tổ chức, cơ quan có liên quan cần xây dựng, ban hành bộ tiêu chí cụ thể về đổi mới, năng động, sáng tạo đối với từng chức vụ lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp, từng vị trí cán bộ, công tác. Trong thực tiễn, sự năng động, đổi mới, sáng tạo và sự lạm quyền, lộng quyền của cán bộ là ranh giới rất mong manh, nhất là đối với những trường hợp có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách và những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn như khoán hộ trong nông nghiệp và kế hoạch 3 trong công nghiệp trước đây là một bài học... Nếu chưa xây dựng được tiêu chí này thì rất dễ dẫn đến “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” thường vẫn diễn ra. Khi có tiêu chí cụ thể, tổ chức đảng, cán bộ sẽ giải phóng tư tưởng, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, dám chịu trách nhiệm cả khi chứa đựng những yếu tố rủi ro khách quan và chủ quan mà không sợ bị quy trách nhiệm một cách phiến diện, bị gièm pha, đánh giá không đúng… Nếu không có bộ tiêu chí cụ thể thì trong thực tiễn vẫn thường xảy ra có những cán bộ có năng lực đổi mới, năng động, sáng tạo nhưng để “yên thân”, họ chỉ làm theo các quy định, quy chế đã có mà không dám “xé rào, đột phá” vì sợ lại bị quy vào vi phạm những điều đảng viên không được làm theo quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).

Mặt khác, cần quy định cụ thể, rõ nội dung đổi mới, sáng tạo nào phải báo cáo cấp trên trước khi triển khai thực hiện và nội dung không phải báo cáo cấp trên. Mỗi tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu được đổi mới, năng động, sáng tạo trong trách nhiệm, thẩm quyền, vị trí của mình. Do đó, việc trao quyền lực cho tổ chức, cán bộ phải bảo đảm “đủ quyền, đúng quyền, rõ quyền, thực quyền” để cán bộ chủ động năng động, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện thẩm quyền của mình, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm. Những sáng kiến đổi mới, sáng tạo vượt thẩm quyền “phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan, cá nhân hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm”. Khi đã báo cáo cấp trên, nếu sự “đổi mới, sáng tạo” vẫn có những sai sót, nhất là việc lồng chủ nghĩa cá nhân để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực thì cấp trên phải chịu trách nhiệm liên đới để hạn chế và khắc phục tình trạng vẫn còn xảy ra trong thực tiễn là cấp dưới bị kỷ luật, cấp trên trực tiếp vẫn yên vị, thậm chí thăng tiến, hậu quả là Nhà nước, nhân dân phải gánh chịu hậu qủa. Trong trường hợp này, ở một số nước thì cán bộ cấp trên liên đới, có lòng tự trọng, liêm sỉ, họ đã tự giác, kịp thời xin từ chức. Ở nước ta, hiện nay đã có Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về miễm nhiệm, từ chức đối với cán bộ nhưng thực tế việc tự giác xin từ chức còn rất ít, tư tưởng còn lấn cấn nên rất cần thực hiện “văn hóa từ chức”. Cán bộ cần xác định khi mình không đáp ứng chức vụ được giao hoặc có sai sót thì việc từ chức là rất bình thường trong xã hội, như ở một số nước Thủ tướng từ chức, sau đó họ vẫn đi hội thảo, làm báo cáo viên… và vẫn được xã hội tôn trọng, thừa nhận.

Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong những trường hợp đặc biệt, khẩn cấp. Chẳng hạn, như trong thực tế đã có nhiều trường hợp bệnh nhân vào viện cấp cứu, nếu chỉ để chậm khoảng 30 phút sẽ chết, nhưng được mổ ngay thì có thể cứu sống nên bác sĩ trực đã bỏ qua các quy định, quy trình về nộp viện phí nhập viện, người thân ký cam đoan… Chỉ có lương tâm nghề nghiệp và với mục tiêu cao nhất là cứu sống bệnh nhân, bác sĩ đã tiến hành mổ ngay mà bỏ qua các quy định, quy trình và người bệnh được cứu sống, nhưng đã có trường hợp xảy ra là sau đó người nhà bệnh nhân không đủ tiền nộp viện phí, bệnh viện lại bắt nhóm mổ cho bệnh nhân bỏ tiền ra để bù vào, chưa kể đến trường hợp bệnh nhân quá nặng nên vẫn chết thì càng rắc rối. Cần phải xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ trong những trường hợp đặc biệt, khẩn cấp, vì hầu hết các trường hợp này là những cán bộ dám quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Sáu là, các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức cơ quan, đơn vị cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi về nhận thức, vật chất, tinh thần khuyến khích cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ có đột phá trong đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả cao cho đất nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bởi vì, thực tiễn luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng theo các quy luật khách quan, nên đề xuất đổi mới, sáng tạo dù được nghiên cứu, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng vẫn có những thiếu sót, sơ hở, thiếu tính khả thi… Do vậy, cần thường xuyên tổng kết thực tiễn và kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo để “Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm”. Nhất là, phải xử lý nghiêm minh việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tha hóa quyền lực, thực hiện hoặc bao che hành vi trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, thực hiện chủ nghĩa cá nhân,…

Bảy là, vấn đề then chốt, căn bản nhất vẫn là công tác cán bộ và cán bộ, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng từng chức danh, vị trí đảm nhiệm, có đức, có tài, trong đó đức là gốc, thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi đó, mọi sự đổi mới, năng động,  sáng tạo đương nhiên sẽ vì lợi ích chung hoặc nếu có rủi ro, sai sót thì Đảng, Nhà nước, tập thể vẫn đánh giá công tâm, khách quan và nhân dân cũng sẽ đồng cảm, tha thứ.

Vì vậy việc xây dựng và ban hành cơ chế, chế tài khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là rất cần thiết và quan trọng. Qua đó, nhằm góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, những công bộc của dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và luôn đặt lợi ích chung của dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên hết, trước hết như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.

Cao văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu