Bình Thuận chủ động đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Bình Thuận là tỉnh nằm ở cực Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 7.828 km2, bờ biển dài 192 km, có tuyến hàng hải nội địa và tuyến hàng hải quốc tế đi qua; khí hậu nhiệt đới, nhiều nắng, nhiều gió... cũng là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước. Nhưng với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, nhằm thực hiện nhất quán mục tiêu, định hướng Kết luận số 76-KL/TW, ngày 28/11/2013 của Bộ Chính trị, đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước…
Đồng chí Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (Khóa XIV).
Để nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình hành động số 06 thực hiện Nghị quyết; trong đó, xác định 06 nhiệm vụ trọng tâm, 02 nhiệm vụ đột phá để triển khai thực hiện. Trên cơ sở tiếp thu các nhiệm vụ, cập nhật các chủ trương, định hướng mới của Trung ương, ngày 10/8/2021, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 16 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó bổ sung một số nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kết quả, đến nay Tỉnh ủy đã ban hành 06 Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực để triển khai thực hiện. Xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo; trong đó nổi bật là tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chú trọng phát triển kinh tế biển; ưu tiên phát triển 03 trụ cột, đó là Công nghiệp, Du lịch và Nông nghiệp. Thành tựu nổi bật trong 3 năm (2021 - 2023) là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đạt 5,76%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ đạt 129.441 tỷ đồng. Thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đạt 1.682,77 tỷ đồng; thu hút 20 dự án đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 12.812,7 tỷ đồng, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 86 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.955,37 tỷ đồng và 231,89 triệu USD; trong đó, công nghiệp về năng lượng từ nhiệt điện, thủy điện, điện gió và điện mặt trời đóng vai trò rất lớn, gần đây Chính phủ đã đồng ý phê duyệt dự án điện khí LNG tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận thu hút lấp đầy các dự án vào Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1 và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân - La Gi và Khu kinh tế phía Nam của tỉnh, đưa ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành chủ lực của tỉnh, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Các ngành dịch vụ - du lịch ngày càng phát triển, số lượng du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ngày càng tăng, tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đón hơn 15,25 triệu lượt khách trong nước và quốc tế; doanh thu du lịch đạt 38.587 tỷ đồng. Đặt biệt, năm 2023 Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia tạo hiệu ứng tốt thúc đẩy kinh tế, xã hội; các tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận đưa vào khai thác giúp tỉnh tháo “điểm nghẽn” về giao thông, góp phần thu hút lượng khách du lịch rất lớn đến địa phương…
Công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến, thu hút đầu tư đạt kết quả huy động ngày càng nhiều hơn, “điểm nghẽn” về chồng lấn thăm dò, khai thác titan nhiều năm qua cũng đã dần được tháo gỡ... Hoạt động khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông có chuyển biến tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân được triển khai đầy đủ, kịp thời. Đời sống của nhân dân liên tục được cải thiện. Công tác quốc phòng - an ninh và đối ngoại được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; trên tuyến biên giới được giữ vững, ổn định.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt được Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, tinh gọn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động công tác dân vận, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, sát cơ sở; phát huy vai trò nhân dân trong giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” có nhiều đổi mới, lan tỏa tích cực trong các lĩnh vực đời sống xã hội; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, mở rộng.
Đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng như trên, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của BTV Tỉnh ủy, của Thường trực Tỉnh ủy và sự đồng lòng, chung sức của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; trong đó có những đóng góp quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cấp ủy các cấp rất quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng; kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã chú trọng chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương; ban hành đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Kịp thời xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, chú ý những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, những vụ, việc phức tạp nổi lên, được dư luận báo chí và nhân dân quan tâm; chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 2.243 tổ chức đảng và 6.373 đảng viên (có 1.283 cấp ủy viên các cấp); kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 01 tổ chức đảng và 79 đảng viên; giám sát 1.196 tổ chức đảng và 4.089 đảng viên (có 1.511 cấp ủy viên các cấp). UBKT các cấp trong tỉnh kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 16 tổ chức đảng và 212 đảng viên (có 76 cấp ủy viên); kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát 760 tổ chức đảng; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đảng 89 tổ chức đảng; kiểm tra thu chi ngân sách đảng 46 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề 450 tổ chức đảng và 468 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy các cấp,... Điểm nổi bật là việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát luôn được các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc. Sau khi có kết luận, các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát đều xây dựng kế hoạch và thực hiện khắc phục từng nội dung khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra; định kỳ báo cáo kết quả khắc phục về cấp ủy, UBKT cấp trên để theo dõi, chỉ đạo. Đối với BTV Tỉnh ủy, trong thời gian qua đã triển khai thực hiện rất nghiêm túc Thông báo kết luận số 252-TB/UBKTTW, ngày 17/3/2022 về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với BTV Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau khi nhận Thông báo kết luận kiểm tra, BTV Tỉnh ủy đã khẩn trương ban hành 02 kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đó là: Việc thực hiện kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm và việc chỉ đạo khắc phục các khuyết điểm, vi phạm qua kiểm tra đã chỉ ra (kết quả đến nay Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã xử lý kỷ luật đối với 04 đảng viên); UBKT Tỉnh ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 06 tổ chức đảng và 35 đảng viên có liên quan đến việc tham mưu, triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra đã kết luận 06 tổ chức đảng và 35 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 03 tổ chức đảng và 15 đảng viên (đã thi hành kỷ luật). Đồng thời, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy chế làm việc của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc ban hành mới một số quy trình, quy định phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đối với việc khắc phục các vi phạm, khuyết điểm liên quan đến 09 dự án: Đến nay đã khắc phục được 24/33 nội dung (đạt 75,76%); đang tiếp tục khắc phục 9/33 nội dung.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cấp ủy các cấp tỉnh Bình Thuận luôn thống nhất cao nhận thức về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện toàn diện, đồng bộ nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh trong sạch, vững mạnh và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, quyết tâm phấn đấu đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững. Với quyết tâm chính trị cao, khắc phục hạn chế, yếu kém và phát huy kết quả đạt được, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, UBKT Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, 06 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIV để xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát một cách phù hợp, sát với tình hình thực tế để tổ chức thực hiện; tăng cường nắm bắt thông tin, khảo sát tình hình và tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên; trong đó đặc biệt quan tâm đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, dự án, hoạt động của các dự án đầu tư có xây dựng, các hoạt động tài chính, công tác cán bộ, kê khai tài sản thu nhập; chú trọng kiểm tra các đối tượng là cấp ủy viên, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành theo phân cấp quản lý; chú ý làm tốt công tác chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc khắc phục thông báo kết luận sau kiểm tra, giám sát; đồng thời, tập trung chỉ đạo khắc phục các khuyết điểm, vi phạm đã được tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, giám sát chỉ ra.
Việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình nội bộ; giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và được sự đồng thuận cao trong xã hội, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tiếp tục thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
Nguyễn Thị Minh Hoàng
* Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Bình Thuận