A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay trên quê hương giàu truyền thống cách mạng

Nằm ở phía Nam của thành phố Hà Nội, huyện Ứng Hòa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân. Không chỉ nổi tiếng với 20 vị tiến sĩ được lưu danh ở Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Huế, mà còn có những địa danh đi vào lịch sử như: Trầm Lộng - an toàn khu của Xứ uỷ Bắc Kỳ (thời kỳ tiền khởi nghĩa); căn cứ Khu Cháy của tỉnh Hà Đông (kháng chiến chống Pháp); xã Hòa Xá quê hương của phong trào chiếc gậy Trường Sơn (kháng chiến chống Mỹ). Ứng Hòa còn được biết đến là quê hương của đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng ban đầu tiên của Ngành Kiểm tra Đảng.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Ứng Hoà.

Chúng tôi về Ứng Hòa đúng vào dịp huyện vinh dự đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) và đón Huân chương Lao động hạng Nhì. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Chí Viễn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa cho biết: Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Với 18 chỉ tiêu được đề ra từ đầu nhiệm kỳ Đại hội như tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7,54% trở lên, trong đó tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 4,26%, công nghiệp - xây dựng 6,8%, dịch vụ 10,87%. Thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm. Huyện duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế xã. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức người dân trong xây dựng NTM; ban hành kịp thời các kế hoạch, hướng dẫn, huy động nguồn lực trong xã hội để tập trung thực hiện các tiêu chí.

Trước khi xây dựng NTM, Ứng Hòa là huyện có xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn còn chưa đồng bộ và xuống cấp nhiều; đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn. Để thực hiện xây dựng NTM, Huyện ủy Ứng Hòa đã chỉ đạo đưa nhiệm vụ xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các nhiệm kỳ của các cấp ủy Đảng; ban hành các Chương trình, Kế hoạch xây dựng NTM theo nhiệm kỳ và giai đoạn. Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” theo từng giai đoạn.

Qua thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã thay đổi toàn diện. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 12,38 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 51,97 triệu đồng, tăng 39,59 triệu đồng, năm 2022 đạt 61,527 triệu đồng/người, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng (tăng gần 5 lần so với năm 2010). Chất lượng công tác y tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định.

Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, cách làm chủ động, phù hợp, hiệu quả, huyện đã có những bước chuyển biến rõ nét, kinh tế xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, cảnh quan nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong đó có nhiều mô hình là điểm sáng như: Mô hình tự quản “Khu dân cư an toàn sáng, xanh, sạch, đẹp”; Mô hình hiến đất mở đường xây dựng giao thông nông thôn Bên cạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, huyện cũng đặc biệt quan tâm tới tiêu chí môi trường, thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”; xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường NTM kiểu mẫu,... Hiện tại, toàn huyện đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 272 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu, với tổng chiều dài hơn 40 km, có diện tích cây xanh bao phủ 867.412 m2 và có 98 điểm với tổng diện tích 3.750 m2 tranh tường tuyên truyền, cổ động về công tác xây dựng NTM Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 84/90 trường học đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa. 28/28 xã trên toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Vân Đình đạt chuẩn đô thị văn minh; trong đó có 6 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng NTM kiểu mẫu…

Bên cạnh đó, Huyện tập tập trung triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Toàn huyện có 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 57 sản phẩm đạt 3 sao; trọng tâm là các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị cao trên thị trường. Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 80 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vào đầu tư với hơn 3.000 lao động có việc làm thường xuyên thu nhập từ 8-15 triệu/người/tháng; 21/21 làng nghề hoạt động có hiệu quả, trong đó nổi bật như làng nghề: Sản xuất tăm hương thôn Xà Cầu, Đạo Tú… xã Quảng Phú Cầu; may áo dài thôn Trạch Xá xã Hòa Lâm; giày da thôn Thần xã Minh Đức… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội nhiều khởi sắc, đã đạt 92% tỷ lệ gia đình văn hóa, 91,4 % làng văn hóa, 100% tổ dân phố văn hóa; chất lượng giáo dục dần được nâng lên; đến nay đã có 84/90 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 93,3%). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không phát sinh điểm nóng phức tạp trên địa bàn.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020-2025, toàn huyện có 9/18 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu nghị quyết đại hội; các chỉ tiêu khác đang trong lộ trình thực hiện. Trong đó có một số chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch như: Thu nội địa hằng năm; số trường học đạt chuẩn quốc gia; các xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tích cực vận động người dân thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được cấp uỷ, chính quyền huyện chú trọng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được quan tâm chỉ đạo; việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng được thực hiện nghiêm túc với tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia đạt hơn 97%. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm giáo dục truyền thống qua các “địa chỉ đỏ” như: Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Trần Đăng Ninh (xã Quảng Phú Cầu), “Bảo tàng Khu Cháy”, “Khu lưu niệm Hòa Xá” Từ đây bồi đắp niềm tin, khơi dậy lòng tự hào, tiếp thêm động lực cho các tầng lớp nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương Ứng Hòa ngày một giàu đẹp.

Mai Phương


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu