A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện và chấn chỉnh nhiều vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành án dân sự tại thành phố Cần Thơ

Trước dư luận báo chí, phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc một số Chi cục thi hành án dân sự quận, huyện tại thành phố Cần Thơ xảy ra tham ô, làm thất thoát tài sản trong nhiều năm; đầu năm 2023, qua nắm tình hình tại Chi ủy, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ (viết tắt Chi ủy, Chi bộ Cục), UBKT Trung ương đã quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi ủy và đồng chí Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ (kiểm tra cách cấp) trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác thi hành án dân sự.

Kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy: Chi ủy, Chi bộ Cục ban hành quy chế làm việc chậm, thiếu nội dung, vi phạm Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ quan cơ sở. Có nhiệm kỳ Chi ủy không tổ chức họp, không lãnh đạo, chỉ đạo những vụ việc thi hành án dân sự khó, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc có đơn thư tố cáo, khiếu nại gửi nhiều lần, nhiều cấp dẫn đến giải quyết chậm, kéo dài, thực hiện chưa đúng tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. Chi ủy, Chi bộ không tổ chức kiểm tra, giám sát đối với đảng viên; thực hiện kiểm tra, giám sát không đúng, không đầy đủ theo chương trình, kế hoạch, vi phạm khoản 2 Điều 30, Điều lệ Đảng; trong nhiều năm, không phân công đồng chí trong cấp ủy phụ trách công tác kiểm tra; thực hiện kỷ luật đảng và kỷ luật chính quyền không đồng bộ đối với 03 trường hợp, vi phạm khoản 6 Điều 2 của Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Chi ủy, Chi bộ Cục thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát để Cục Thi hành án dân sự thành phố vi phạm trong công tác cán bộ: Chậm thực hiện quy hoạch cán bộ (Quy hoạch giai đoạn 2026-2031 và rà soát bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021-2026 đến nay vẫn chưa được phê duyệt); điều động, bổ nhiệm lại cán bộ trái quy định, quy trình, thủ tục; xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ chưa nghiêm túc, triệt để; chưa thực hiện nghiêm kết luận của cơ quan chức năng về công tác cán bộ; công tác kiểm tra và xử lý cán bộ vi phạm không kịp thời, có biểu hiện bao che cho cán bộ, chấp hành viên; có trường hợp ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP nhưng bố trí không đúng công việc.

Chi ủy, Chi bộ Cục thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát để Cục Thi hành án dân sự thành phố và các Chi cục trực thuộc có vi phạm, khuyết điểm trong công tác thi hành án dân sự:

Cục Thi hành án dân sự thành phố không phối hợp với cơ quan công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù (bị án); trong thực hiện các quy trình, thủ tục công tác thi hành án; trong thanh, quyết toán về chi phí cưỡng chế thi hành án, vi phạm Luật Thi hành án dân sự; mua sắm, sửa chữa, thuê địa điểm trông giữ tài sản, vi phạm Luật Đấu thầu. Tham gia vào quá trình mở thủ tục phá sản của Tòa án thành phố đối với 02 doanh nghiệp không đúng theo quy định của pháp luật; để chấp hành viên tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sử dụng con dấu trái pháp luật, có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp.

Cục Thi hành án dân sự thành phố kiểm tra, xử lý không nghiêm các vi phạm, khuyết điểm của các chi cục thi hành án dân sự quận, huyện, dẫn đến các chi cục quận, huyện thực hiện nghiệp vụ thi hành án có nhiều vi phạm, lặp lại hằng năm, một số trường hợp bị xử lý hình sự; nhiều chi cục phải thực hiện bồi thường nhà nước; để chấp hành viên có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác thi hành án dân sự trong thời gian dài, dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài có đơn thư tố cáo.

Những vi phạm, khuyết điểm của Chi ủy, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Thi hành án dân sự, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Tại Kỳ họp thứ 33 của UBKT Trung ương đã nêu rõ vi phạm của Chi ủy, Chi bộ Cục các nhiệm kỳ; xem xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương đã quyết định: Thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo Chi ủy, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Bí thư Chi bộ, Cục trưởng. Thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với đồng chí Phạm Quốc Việt, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Cục trưởng. Thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với các đồng chí: (1) Nguyễn Hữu Hùng, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Cục trưởng; (2) Nguyễn Duy Quốc, nguyên Chi ủy viên, nguyên Phó Cục trưởng; (3) Nguyễn Đức Biên, nguyên Phó Cục trưởng; (4) Nguyễn Nguyên Hồng, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ.

Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, có thể nhận ra một số hành vi vi phạm phổ biến của cán bộ, chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, cụ thể như sau:

* Về thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án:

Nhiều quyết định thi hành án dân sự chủ động được ban hành không kịp thời; có quyết định thiếu nội dung so với bản án/quyết định của Tòa án hoặc đơn yêu cầu thi hành án; quyết định thi hành án không chính xác về người và nội dung thi hành án. Việc tổ chức thi hành án thường chậm. Việc lưu trữ sổ sách, hồ sơ thi hành án thiếu khoa học, trùng lặp, thiếu tài liệu, sổ ghi không đầy đủ thông tin, địa chỉ của các đương sự, không ghi chép đầy đủ quá trình tổ chức thi hành án.

Quá trình xác minh, chấp hành viên có nhiều vi phạm, khuyết điểm như: Hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ; không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án; không tiến hành xác minh khi có thông tin về thi hành án; biên bản xác minh ghi không đầy đủ. Nhiều hồ sơ thi hành án thể hiện Chấp hành viên chưa thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định, từ đó ra các quyết định về thi hành án không đủ căn cứ. Có trường hợp chấp hành viên chậm xác minh lại điều kiện thi hành án 7 năm. Nhiều trường hợp Chấp hành viên không xác minh lại khi kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Hoặc có tiến hành xác minh lại nhưng không đúng thời hạn (quá 05 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.

* Về phối hợp trong việc tạm đình chỉ, ủy thác, giải thích, đính chính bản án:

Khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị. Nhiều việc chấp hành viên ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án nhưng văn bản ủy quyền sơ sài, không nêu rõ những vấn đề cần xác minh nên kết quả xác minh không đầy đủ, thiếu khách quan. Khi xác minh bằng văn bản thì văn bản chấp hành viên đề ra yêu cầu xác minh không nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác. Đối với những bản án tòa án tuyên không rõ, không phù hợp thực tế nhưng Thủ trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố không yêu cầu Tòa án giải thích, đính chính bản án bằng văn bản mà lại ra quyết định thi hành án dẫn đến chậm thi hành bản án; có bản án không được thi hành đầy đủ hoặc không thi hành được. Cơ quan Thi hành án dân sự không có văn bản gửi công an để phối hợp trong việc xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người đang chấp hành hình phạt tù phải chịu trách nhiệm hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác.

         * Về kê biên, cưỡng chế, thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản, tiêu hủy vật chứng và sung quỹ Nhà nước:

Tình trạng kê biên tài sản không đúng quy định của pháp luật dẫn đến không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của đối tượng thi hành án xảy ra ở một số cơ quan thi hành án dân sự, với nhiều biểu hiện như: Kê biên tài sản có giá trị lớn hơn nhiều lần nghĩa vụ thi hành án và chi phí thi hành án dân sự, kê biên không hết tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác; kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án, nhưng chấp hành viên không kê biên, xử lý hết tài sản trên đất dẫn đến làm giảm giá trị của tài sản của người phải thi hành án. Chấp hành viên chỉ căn cứ xác minh trên giấy tờ, lập biên bản kê biên sơ sài không mô tả đầy đủ tình trạng từng tài sản, kê biên phần trên đất mà phần nhà không phải của người phải thi hành án, có trường hợp diện tích đất thực tế không đúng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kê biên cả đất mồ, mả dẫn đến không thể giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá; có trường hợp người mua trúng đấu giá không đồng ý nhận tài sản vì không có lối vào diện tích đất đã được tổ chức bán đấu giá theo quy định.

Khi xác minh điều kiện thi hành án nói chung và điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng, nhiều trường hợp chấp hành viên chưa chú trọng thực hiện đúng pháp luật về xác minh trong thi hành án dân sự làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đúng pháp luật, như: Không yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án; kê khai rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Ngoài ra, có trường hợp người phải thi hành án không kê khai nhưng chấp hành viên không nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ. Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự đối với một tài sản sau đó tiếp tục xác minh tài sản khác để cưỡng chế thi hành án dân sự hay phải xác minh tất cả các tài sản của người phải thi hành án rồi mới được ra quyết định kê biên tài sản theo thứ tự kê biên tài sản pháp luật quy định. Việc tổ chức cưỡng chế có trường hợp chưa có kế hoạch chu đáo, đầy đủ, không dự kiến hết các tình huống để có phương án đối phó. Chấp hành viên thanh toán chi phí cưỡng chế không đúng quy định tại Thông tư số 200/2016/TT-BTC, ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính.

Chấp hành viên căn cứ kết quả thẩm định giá đã quá thời hạn để thực hiện bán đấu giá tài sản nên giá trị tài sản bán đấu giá chưa được phản ánh khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có tài sản bị kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá để thi hành án.

Chấp hành viên không thông báo cho đương sự về quyền thỏa thuận, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, dẫn đến việc tước bỏ quyền lợi của họ trong việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá và quyền được ưu tiên mua lại tài sản của các chủ sở hữu chung; không thông báo cho đương sự biết về quyền của họ đối với trường hợp xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành; không kịp thời thực hiện thủ tục giảm giá tài sản để tiếp tục thi hành án; chậm ký hợp đồng đấu giá tài sản, có vụ việc thi hành án chậm ký hợp đồng đấu giá tài sản hơn 10 năm, có trường hợp giảm giá tới 14 lần.

Việc quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ thiếu chặt chẽ, không được ghi chép đầy đủ, vật chứng còn tồn đọng nhiều; vật chứng do Cơ quan điều tra chuyển giao những vụ án chưa xét xử không được sắp xếp, bảo quản riêng; ra quyết định thi hành án và bàn giao tài sản, vật chứng sung quỹ nhà nước quá hạn; vật chứng đã được xử lý và lập biên bản bàn giao cho cơ quan tài chính để thực hiện sung công nhưng vẫn gửi lại kho giữ vật chứng của Cục.

* Về thu, nộp, chi trả tiền, tài sản thi hành án và lập, quản lý sổ kế toán:

Chấp hành viên chậm thanh toán tiền thi hành án, chi trả tiền không đúng đối tượng; không ưu tiên việc thu án phí; lập hồ sơ không lưu giữ đầy đủ tài liệu chứng từ nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Hồ sơ thi hành án không lưu giữ đầy đủ chứng từ, bảng phân phối tiền thi hành án để đối chiếu số tiền thu, chi với số tiền tồn, chứng từ thiếu chữ ký theo quy định.

Thu tiền của người phải thi hành án, chấp hành viên không nộp ngân sách mà ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án (phần thi hành án chủ động) và không tiến hành thủ tục chi trả tiền cho người được thi hành án khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành (thi hành án theo đơn).

Chấp hành viên thu tiền của đương sự nhưng không nộp đầy đủ vào quỹ cơ quan hoặc thu tiền trong hoạt động thi hành án không nộp ngay vào quỹ cơ quan thi hành án mà để quá hạn, đem đi gửi tiết kiệm tại một ngân hàng đứng tên cá nhân để lấy lãi hoặc thu phí thi hành án nhưng không nộp vào tài khoản và thực hiện thủ đoạn hợp thức hóa số tiền từ phí thi hành án để lại.

Với một số thủ đoạn khá phổ biến như chi cục trưởng và kế toán bắt tay tẩy sửa chứng từ thanh toán hoặc không hạch toán vào quỹ tiền mặt cơ quan, để tiền ngoài sổ sách để rút tiền chiếm đoạt sử dụng cá nhân,… từ năm 2016 đến nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 5/9 chi cục trực thuộc có cán bộ bị xử lý hình sự, trong đó có 4 chi cục trưởng đã bị Tòa án tuyên phạt tù; nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phong Điền tham ô tài sản, chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng, đã bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và đang bị truy nã.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi ủy, Chi bộ Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ là cuộc kiểm tra cách cấp nhưng có ý nghĩa rất lớn, là bài học sâu sắc cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, qua vụ việc cũng cho thấy việc thiếu quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với công tác thi hành án dân sự; công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự chưa thường xuyên và chưa hiệu quả; văn bản quy định về thi hành án dân sự bất cập, chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ,...

Sau kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; chỉ đạo kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan. UBKT Trung ương cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cục thi hành án dân sự trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương./.

Ngô Thị Thành An

Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn VIII, Cơ quan UBKT Trung ương


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu