A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xứng đáng là vị quan dòng tôn thất

Tôn Thất Lương (1793 - 1846) thuộc dòng thứ bảy, tôn thất nhà Nguyễn. Lúc nhỏ có học hạnh, từng học ở Quốc Tử Giám vào đầu thời Minh Mạng (1820 - 1841). Năm Minh Mạng thứ 5 (Giáp Thân, 1824), được bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo, rồi thăng Lang trung Bộ Hộ, Thự Thiêm sự. Năm Mậu Tý (1828), thăng Tham hiệp trấn Thanh Hoa. Ở cương vị quan đầu trấn, ông thể hiện là vị quan thanh liêm, mẫn cán. Vào tháng Giêng năm Kỷ Sửu (khoảng tháng 2 - 1829), Tôn Thất Lương khi đó là Tham hiệp cùng các quan đầu trấn là Trấn thủ Lê Văn Hiếu, Hiệp trấn Đoàn Viết Nguyên, cho đấu thầu thuế cửa quan và bến đò. Có người muốn được trúng thầu đã hối lộ cho người thiếp của Lê Văn Hiếu 20 lạng bạc, cho người con của Đoàn Viết Nguyên 40 lạng. Khi việc đấu thầu xong xuôi, người đó lại có quà “cảm ơn”. Lê Văn Hiếu và Đoàn Viết Nguyên đều nhận, còn Tôn Thất Lương, không biết “quà cảm ơn” mà những người thắng thầu gửi đến là bao nhiêu, nhưng ông đã chối từ. Sau đó, việc nhận hối lộ của các vị quan đầu trấn Thanh Hoa bị phát giác. Các quan triều đình ra tra xét và lập án, trình lên bộ Hình, đề nghị xử Lê Văn Hiếu phải cách chức, Đoàn Viêt Nguyên tội đồ. Song vì trước đó ít lâu, hai vị quan này có nhiều công lao nên vua Minh Mạng gia ân cho họ: Lê Văn Hiếu bị giáng xuống làm Chánh Thất phẩm Thiên hộ, phái đi hiệu lực, Đoàn Viết Nguyên bị cách chức, cũng phải đi hiệu lực ở Nghệ An. Lê Văn Hiếu về sau chỉ được cấp bằng ở bộ, không được sắc phong. Vua Minh Mạng nhân đó dụ rằng, từ đây, phàm những vị quan nào, cả quan văn và quan võ, có tội bị giáng bổ đi hiệu lực thì cứ chiếu theo lệ ấy. Còn Tham hiệp Tôn Thất Lương, vì giữ liêm khiết nên được vua khen ngợi, thưởng cho sa và đoạn mỗi thứ ba cuốn, lụa 10 tấm để khuyến khích người làm quan thanh bạch. Chính vì hành vi liêm khiết này mà 2 năm sau đó, vào đầu năm Minh Mạng thứ 12 (Tân Mão, 1831), cũng tại trấn Thanh Hoa, các quan đầu trấn là Trấn thủ Hồ Văn Trương, Tham hiệp Nguyễn Văn Thắng được lệnh đi mua gỗ lim cho triều đình, đã dung túng cho người nhà và thuộc lại thông đồng với nhau, thao túng mua tất cả. Hậu quả là làm lạm chi công quỹ tới hơn 50.000 quan. Sau đó, các vị quan này đều bị xử tội thích đáng. Còn Tôn Thất Lương sau khi bị tra xét, các quan thanh tra thấy ông không dính dáng tới tham tang, nhưng vì là đồng sự của bọn Trương, Thắng nên cũng bị cách chức và phát vãng tới đài Trấn Hải (Quảng Nam) để “hiệu lực”, gắng sức chuộc tội.

Hết thời hạn đi “hiệu lực”, Tôn Thất Lương trở về được bổ làm Tư vụ ở Mộc thương. Có lẽ, Minh Mạng muốn thử thách ông một lần nữa nên bố trí ông vào cương vị này, vì Mộc thương là nơi chứa nhiều vật liệu, đồ dùng, có giá trị. Và Tôn Thất Lương thể hiện sự liêm khiết của mình. Sau đó, ông đã trải qua nhiều chức trách khác nhau. Trong một lần Tôn Thất Lương được về triều yết kiến, vua Minh Mạng đã dụ ông rằng: “Tội của ngươi đáng phải truất bãi, nhưng vì trước ở Thanh Hoa, tự giữ được liêm khiết, đáng khen, nên trẫm không bỏ ngươi mà thôi. Phải nên rất tự xấu hổ mà hăng hái tiến lên, để cho sau này nên người tốt, người phải nghĩ đấy”. Có lẽ vì lời dụ, cũng là lời động viên này của vua mà Tôn Thất Lương luôn giữ được sự mẫn cán và liêm khiết của mình, ở tất cả các cương vị, chức trách được giao. Khi được bổ chức Bố chính sứ Gia Định, đúng lúc tỉnh làm sổ sách về đinh, điền, ông vâng mệnh thi hành, mọi việc đâu vào đấy, được vua khen, thưởng gia một cấp. Năm Mậu Tuất (năm 1838), được bổ làm Tuần phủ tỉnh Thuận Khánh, khi địa phương này đang bị giặc biển từ Trung Quốc sang cướp bóc. Tôn Thất Lương đích thân ngồi thuyền bắt, đuổi giặc cướp, làm  yên tình hình. Ông còn thực hiện nhiều giải pháp để giúp dân vượt qua nạn đói, đề xuất khuyến học, lựa chọn người tài ra làm việc, được vua khen ngợi. Đầu năm sau (Kỷ Hợi, 1839), được thăng Thự Tổng đốc Bình Phú (hai tỉnh Bình Định - Phú Yên), ông xin khai cừ, khai nước, huy động sức dân khai phá được hơn 1.000 mẫu ruộng, được vua khen là “vì dân làm việc lợi” và thưởng cho một cấp. Đến năm đầu đời Thiệu Trị (Tân Sửu, 1841), trong kỳ đại kế, Tôn Thất Lương được vua biểu dương là “người giữ mình trong sạch, cẩn thận, siêng năng, giao bộ ghi công để thăng chức”. Năm Quý Mão (1843), ở cương vị Tổng đốc Thanh Hóa, ông đã dẹp tan bọn phiến loạn, được vua thưởng cho quân công một cấp, một đồng kim tiền. Sau đó, ông được gia hàm Thiếu bảo, Thự Hiệp biện đại học sĩ, Tổng đốc Hà Ninh (hai tỉnh Hà Nội, Ninh Bình). Đến tháng 9/1846, ông từ trần, được tặng thực thụ Hiệp biện đại học sĩ, cấp tiền tuất, ban thêm gấm màu, vải lụa rất hậu. Năm đầu đời Tự Đức (Mậu Thân, 1848), được đưa vào đền Hiền Lương - nơi thờ những người có công của triều đình.

Đánh giá về Tôn Thất Lương, sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Lương là người có chí khí, giữ gìn, tình thanh liêm, tiết nghĩa. Khi ở Thanh Hóa, bạn đồng liêu tham tang nhận của đút riêng mà bản thân không dính dáng đến chút nào, được Thánh tổ Nhân hoàng đế [tức vua Minh Mạng] khen ngợi, nên bị cách bãi mà lại được khởi phục. Tới khi mấy lần nhận giữ nơi trọng khổn mà vẫn trong sạch, siêng năng, giữ tiết tháo, vỗ yên, có công lao rõ thực, không hổ là người ở Khánh phả”.

Lời bàn

Thời Nguyễn, những người thuộc dòng tôn thất rất đông, vì các vua có nhiều vợ, sinh con đẻ cháu. Anh em của vua cũng rất đông đúc nên càng các đời về sau, dòng tôn thất càng “tầng tầng lớp lớp”. Phần lớn họ được bổ làm quan, với các chức trách khác nhau. Trong số họ, một bộ phận đông không có năng lực, lại cậy thế tôn thất, làm càn, làm liều, vi phạm pháp luật “muôn vẻ, muôn hình”, đặc biệt là lợi dụng chức quyền để tham nhũng. Số quan lại có năng lực, mẫn cán với công việc, thanh liêm, giữ tiết tháo như Tôn Thất Lương không nhiều. Ông xứng đáng là ngôi sao sáng trong hàng tôn thất nhà Nguyễn.

Thạch Thiết Hà


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu