A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du xuân về với Đất Mũi, Cà Mau

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cách trung tâm Thành phố Cà Mau khoảng 115 km, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển và Khu Ramsar thứ 2.088 thế giới (thứ 05 của Việt Nam). Với sự đa dạng về sinh học, khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tới 109 loài cây rừng ngập mặn, 516 loài cá vùng nước lợ ven biển, khoảng 450 loài động vật (trong đó có 2 loài thú và 5 loài chim nằm trong sách đỏ thế giới),... Khu du lịch Mũi Cà Mau nằm trong Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là vùng đất có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, có sức hút mãnh liệt đối với mọi người con đất Việt; là một điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về! 

Với ý nghĩa là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Đất Mũi Cà Mau đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng thành một Khu Du lịch trọng điểm của Cà Mau với việc đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hóa, lịch sử tiểu biểu, đặc sắc của dân tộc. Khu du lịch Đất Mũi, Cà Mau được xây dựng gắn với nhiều công trình văn hóa - lịch sử tiêu biểu:

Cột cờ Hà Nội ở Mũi Cà Mau.

Cột cờ Hà Nội ở Đất Mũi, Cà Mau: Công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tặng, với tổng diện tích xây dựng hơn 16.000m2, chiều cao 45m, gồm 03 tầngvà thân cột cờ. Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn kết nối giữa các tầng với nhau tạo hình chữ S; khi lên những tầng cao sẽ ngắm được toàn cảnh quang tại rừng ngập mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn, cụm đảo Hòn Khoai đẹp nên thơ. Công trình Cột cờ có khuôn viên rộng, có thể phục vụ biểu diễn, lễ hội, tổ chức sự kiện, có thang dẫn lên kỳ đài phục vụ khách tham quan du lịch, khu vực các tầng trưng bày tranh ảnh, hiện vật và tư liệu lịch sử... Cột cờ có giá trị khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia, gắn bó Bắc Nam một nhà, tình cảm của Thủ đô với quê hương Đất Mũi.

Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh: Đường Hồ Chí Minh (trên bộ) bắt đầu từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) trải qua 28 tỉnh, thành đến điểm cuối tại Đất Mũi, Cà Mau. Công trình có 3 điểm chính gồm: 01 trụ giữa cao 19 m có cách điệu lá dừa nước; dòng chữ "Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh và Km 2436" và 02 bên có bức phù điêu (phù điêu bên phải diễn tả hình ảnh chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của người dân Cà Mau; phù điêu bên trái diễn tả cảnh xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của người dân Cà Mau).

Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (được xác định vào tháng 01/1995): Thiết kế, xây dựng đẹp và kiên cố, có hình dạng của hoa gió định hướng. Mũi Cà Mau với mốc tọa độ Quốc gia là địa chỉ đỏ, là 1 trong 4 điểm cực đánh dấu lãnh thổ Việt Nam trên đất liền (Cực Bắc là Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (Đất Mũi Cà Mau).

Đền Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Đất Mũi, Cà Mau.

Đền Lạc Long Quân và Tượng Mẹ: Tổng diện tích 1.750m2, Đền thờ được xây dựng 03 gian 02 chái bằng chất liệu gỗ cẩm; xung quanh là 100 trứng biểu tượng cho 100 người con của Mẹ; trên mái Đền chạm khắc 10 con rồng thời nhà Trần. Tượng Lạc Long Quân (bằng đồng) được đúc, trạm, khắc tinh sảo từ những nghệ nhân Làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh). Tượng Mẹ cao 6m, bên cạnh là những đứa con vừa mới nở ra từ những quả trứng, tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý của người Mẹ, gợi nhớ câu chuyện truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, nguồn gốc "con Rồng cháu Tiên" của đồng bào ta.

Biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau.

Biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau: Tiểu cảnh panô với hình tượng con tàu và cánh buồm luôn căng gió hướng ra biển. Trên cánh buồm với dòng chữ "Mũi Cà Mau", toạ độ: 8o37'30" vĩ độ Bắc, 104o 43′ kinh độ Đông. Biểu tượng thể hiện nơi đây là vùng đất đặc thù, sinh sôi, nảy nở (mỗi năm bờ phía Tây tiến ra biển 80 đến 100 m), đồng thời chỉ rõ khát vọng chinh phục biển, hướng biển của người dân Cà Mau và ước vọng cả ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Biểu tượng Con Cua Cà Mau: Được làm bằng chất liệu composite với màu vàng ươm, có kích thước lớn (5m x 2,8m x l,72m), đặt trên nền đế cao giữa không gian xanh bạt ngàn của cây đước và mắm. nhờ nguồn thức ăn.Do có chế độ thổ nhưỡng đặc thù, cùng nguồn thức ăn dồi dào, phong phú, nên Cua biển Cà Mua là đặc sản trứ danh của vùng Đất Mũi, Cà Mau,là loại cua ngon nhất cả nước với thịt cua thơm, chắc nịch, ngọt thịt, gạch cua béo ngậy.

Xác định phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thời gian qua, du lịch tỉnh Cà Mau, nhất là Đất Mũi Cà Mau đã được tỉnh xây dựng là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn". Năm 2022, tỉnh có hơn 230 ngàn khách đến thăm quan Khu du lịch Mũi Cà Mau (trong đó, có hơn 200 lượt khách quốc tế); lượng khách tham quan Tour du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đạt hơn 18 ngàn lượt, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu đạt hơn 6,5 tỷ đồng.

Thật tự hào khi được về với Đất Mũi Cà Mau, được đặt chân trên mảnh đất là điểm cuối cùng cực Nam của đất nước! Về với nơi đây, du khách có dịp được khám phá thiên nhiên rừng biển hoang sơ nơi bãi bồi Đất Mũi, như trở về nguồn, du khách được thỏa sức trải nghiệm, khám phá cuộc sống tự cung, tự cấp “săn bắt, hái lượm” với các loại hình du lịch đặc sắc như: Câu cua, giăng lưới bắt cá, mò sò, xổ tôm…, tham gia nấu ăn và sinh hoạt cùng người dân địa phương. Với nhiều nét đặc sắc, Đất Mũi Cà Mau đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, nhất là khi mỗi dịp Tết đến, Xuân về! 

Thái Sơn - Khánh Hưng


Tin mới

Hoạt động của UBKT trung ương

Tài liệu - Tư liệu